"Đó là một ngày đặc biệt! Có người vui mừng, phấn khởi, hân hoan; người khác sợ hãi, lo lắng; không ít người thở phào nhẹ nhõm".

LTS: Kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất là dịp để chúng ta cùng nhìn lại quãng đường đã qua và bàn tính về tương lai hòa giải dân tộc.

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu các vị khách mời tại tọa đàm hôm nay gồm:

- Bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó Bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP, trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM khóa IX.

- Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính – ngân hàng. Trước 30/4/1975, ông là thành viên ban lãnh đạo Nha phát hành Ngân hàng quốc gia Việt Nam và là người giữ chìa khóa kho vàng 16 tấn; sau năm 1975 là thành viên “Nhóm thứ 6” giúp việc cho lãnh đạo TP.HCM và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

- Ông Đặng Văn Khoa, nguyên ĐB HĐND TP, hiện đang là Ủy viên Trung ương UBMTTQ VN và Ủy viên UBMTTQ TP.HCM

Ký ức ngày 30/4 và lần đầu thấy “Việt cộng”

{keywords}
Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Zing.vn

Nhà báo  Duy Chiến: Thưa ông Đăng Văn Khoa và ông Huỳnh Bửu Sơn,  thời điểm đó các ông đang làm gì? Và các ông đã chứng kiến thời khắc đó với cảm xúc như thế nào?

Ông Đặng Văn Khoa: Lúc đó tôi mới 17 tuổi, đang là học sinh lớp 11. Thật ra khó mà nói rằng chỉ một ngày 30/4 mà phải nói rằng “những ngày 30/4” mới chính xác.

Tôi đã chứng kiến tiếng tàu hải quân mang tên Nam Cang chạy trên sông Sài Gòn. Liên tục ba ngày đêm tiếng trực thăng vần vũ đáp xuống, bay lên nóc nhà đại sứ quán Mỹ.

Nhiều đám cưới diễn ra vội vã vì nhiều gia đình có con gái sợ “Việt cộng”. Rồi những vụ cướp bóc xảy ra khắp nơi… Sự hoảng loạn bao trùm lên tất cả.

Lúc đó tôi chỉ là cậu học sinh mới lớn, sự tò mò đã giúp tôi vượt qua sợ hãi, đạp xe đi xem tình hình. Trước giờ chưa biết “Việt cộng”, nên tôi rất muốn biết mặt mũi của "Việt cộng" ra sao.

Trưa 30/4, tôi có mặt ở vòng xoay đường Lê Văn Duyệt, nay là CMTT là lúc bộ đội ta tràn vào thành phố. Trên những chiếc xe tăng là những người lính trẻ măng cầm súng vẫy tay tươi cười với nhiều người dân đứng hai bên đường. Khắp phố phường, quần áo, mũ lính chế độ cũ vứt lăn lóc.

Đó là một ngày đặc biệt! Có người vui mừng, phấn khởi, hân hoan; người khác sợ hãi, lo lắng; không ít người thở phào nhẹ nhõm, trong đó có tôi: vì “chiến tranh đã đi qua”. Những người thân thương sẽ trở về; cuộc chiến khốc liệt đẫm máu sẽ chấm dứt; đất nước không còn bị chiến tuyến ngăn cách…

{keywords}
Ông Đặng Văn Khoa

Tôi đã nói chuyện với một “Việt Cộng” đầu tiên trên một chuyến xe buýt. Anh còn rất trẻ, là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước khi nhập ngũ. Anh nói: “ Đất nước thống nhất rồi, anh muốn được trở về quê ôm mẹ và trở lại giảng đường Đại học”. Hóa ra, “Việt Cộng” không hề giống như những gì tôi nghe trước đây. Họ rất người, cũng có ước mơ giản dị như bao thanh niên trẻ như tôi. Họ bình dị, chất phác, không vụ lợi, vì vậy mà sự hòa hợp đã lan tỏa rất nhanh giữa chúng tôi và những anh “Việt Cộng” vừa tiến vào thành phố.

Tôi bắt đầu yêu quý những người “Việt Cộng” này. Chính những người này đã ảnh hưởng đến cuộc đời và sự dấn thân sau này của tôi.

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Khi quân giải phóng đánh chiếm cầu Sài Gòn, tôi và vợ bồng hai đứa con chen chúc quá giang một chiếc phà sang sông, đến tá túc nhà ba má tôi tại trường đại học dược khoa thuộc khu đại học đường Cường Để, giờ là đường Tôn Đức Thắng. 

Do sợ pháo kích, gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác không dám ngủ tại nhà mà kéo nhau xuống tầng trệt trãi chiếu giăng mùng. Trên tầng ba là tuyến phòng thủ của một đại đội lính dù. Tôi thấy họ bố trí súng đại liên M 60, súng bắn tên lửa M.72, súng phóng lựu và đạn dược chất đầy.  Ai cũng lo sợ, nếu trận chiến tử thủ xảy ra thì không biết rồi đây ai còn ai mất. 

8 giờ sáng ngày 29/4, ba chiếc trực thăng của thủy quân lục chiến Mỹ liên tục lên xuống khu tòa đại sứ Mỹ, cách nơi tôi tá túc chỉ một con đường. Liên tục như thế cho đến 8 giờ 30 sáng ngày 30/4 vẫn còn nghe tiếng trực thăng bay lượn. Trước cổng tòa đại sứ là cả một rừng người chen chúc cố tìm cách vào cổng nhưng chỉ một số người được vào trong.

Thời điểm đó, tôi thực sự không biết tương lai sẽ như thế nào với gia đình mình. Nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. An toàn hay bất trắc, tôi và vợ tôi cũng phải ở lại đất nước này với hai đứa con nhỏ của mình, một đứa chưa đầy 2 tuổi, còn một đứa mới 8 tháng.

Đêm 29 và rạng sáng ngày 30 vẫn còn nghe tiếng đại bác gầm rú. Buổi sáng hôm đó trời đẹp, nắng không gắt lắm. Thành phố yên tĩnh lạ thường. Không tiếng xe ô tô như thường ngày.

Chúng tôi chăm chú theo dõi tin tức trên đài phát thanh Sài Gòn. Đến khoảng 10 giờ sáng, giọng tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ra lệnh cho binh sĩ buông súng vang lên. Điều gì phải đến đã đến. Từ trên tầng ba, lính dù lục đục kéo xuống. Một số xách theo súng tiểu liên M.16 kéo qua trụ sở cơ quan Chiến tranh chính trị bên kia trường dược vứt vũ khí, một số đi tay không. Nhiều người cởi áo lính, chỉ còn mặc chiếc áo lót trắng đi lẫn vào đoàn người đang tập trung ngày càng đông trên đường Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn.

{keywords}
Ông Huỳnh Bửu Sơn

Khoảng 11 giờ trưa 30/4/1975, tôi nghe tiếng gầm rít của xích sắt tốp xe tăng đầu tiên từ Thị Nghè tiến vào trung tâm. Tôi và nhiều người kéo nhau đứng sát tường rào của khu trường dược nhìn ra. Đứng sát tôi là anh đại úy dù, người chỉ huy đại đội dù tử thủ trước khi có lệnh đầu hàng. Anh ta mặc nguyên bộ đồ dù, chỉ để đầu trần.

Chiếc xe tăng đi đầu cắm cờ Giải phóng đột nhiên quay ngoắt lại, leo lên lề, tiến sát vào tường rào. Tôi nhìn thấy rõ họng pháo sâu hun hút với những hình răng cưa ở miệng súng. Một người lính trên tháp pháo đột nhiên đứng dậy, rút súng ngắn, lên đạn. Thời gian bỗng như đông cứng lại trong đầu, tôi nhắm mắt chờ tiếng súng nổ. Nhưng người chỉ huy đứng trên tháp pháo đưa tay gạt khẩu súng ngắn xuống. Anh từ tốn hỏi người lính dù: “Đã đầu hàng rồi sao anh còn ở đây?”. Viên đại úy dù trả lời: “Chúng tôi đã tuân lệnh buông súng, tôi chỉ đứng đây xem thôi”.

Người chỉ huy phất tay, chiếc xe tăng quay ngoặt trở lại ầm ầm phóng về phía dinh Độc Lập. 5 hoặc 6 chiếc đi sau chạy theo, tiếng xích sắt ken két nghiến trên đường nhựa.

Lát sau tôi nghe một tiếng “ầm” rất lớn. Lúc đầu cứ ngỡ là tiếng đại bác. Sau này mới biết là tiếng xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập.

Bàn tay của người chỉ huy chiếc xe tăng gạt khẩu súng ngắn đã lên đạn xuống là tín hiệu rõ ràng nhất khiến tôi tin rằng chiến tranh đã thực sự kết thúc.

Lúc này, hai bên đường xuất hiện những đoàn bộ đội mặc quân phục xanh lá. Có người áo quần còn mới nhưng lấm lem bụi đường. Có người quần áo đã bạc màu. Có người áo màu nâu, quần xanh bạc phếch. Mỗi toán đều có hai người vác những thanh tre bó rơm treo lủng lẵng những trái đạn B.40. Ai cũng mang dép cao su, gương mặt rất trẻ, khoảng 18 – 20 tuổi, nước da xanh tái, người gầy ốm. Nhưng họ rất nhanh nhẹn hành quân rất trật tự và khiêm tốn.

Tôi thầm nghĩ: “ Đội quân thế này mà đã đánh thắng!”. Lịch sử đã chọn họ để trao sứ mệnh đầy vinh quang là mang lại hòa bình, độc lập và thống nhất cho dân tộc, tổ quốc….

Chiều ngày 30 tháng 4, vẫn còn nghe tiếng súng nổ lác đác. Nhưng đến đêm hôm đó, thành phố hoàn toàn yên tĩnh. Một đêm bình yên sau nhiều năm chiến tranh

Nhà báo Duy Chiến: Thời điểm đó ông có thấy lo sợ không?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Năm đó tôi mới 29 tuổi, đang là viên chức Ngân hàng quốc gia.

Đây là một giờ phút lịch sử mà sau này tôi mới thấy hết ý nghĩa trọng đại của nó với lịch sử. Nhưng vào lúc đó, tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Một chế độ đã kết thúc mà tôi đã từng thuộc về nó. Số phận tôi sẽ do những người chiến thắng định đoạt. Phải chăng sự định đoạt đó cũng sẽ khoan dung như bàn tay gạt khẩu súng của người chỉ huy chiếc xe tăng?

Nhân dân hồ hởi đón chào quên cả mang theo dép

Nhà báo Duy Chiến: Thưa bà Phạm Phương Thảo, tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, hẳn là bà có rất nhiều ký ức về ngày 30 tháng 4?

{keywords}
Bà Phạm Phương Thảo.

Bà Phạm Phương Thảo: Trước ngày 30 tháng 4, tôi hoạt động ở vùng Tây Nam bộ, là Thường vụ tỉnh đoàn Sóc Trăng, có lúc là Bí thư thị đoàn Bạc Liêu. Lúc ấy Bạc Liêu và Sóc Trăng chưa tách ra như sau này.

So với Sài Gòn thì nhiều nơi ở Tây Nam bộ giải phóng chậm hơn vài ngày. Ở Thạnh Trị nơi tôi hoạt động tình hình ngày 30/4 cũng còn căng lắm, nhiều nơi địch vẫn còn “tử thủ”. Quận trưởng quận Thạnh Trị đã tự sát.

Tối 30/4, tôi cùng lực lượng chính trị kêu gọi quần chúng nhân dân ra Thạnh Trị biểu dương lực lượng, tạo khí thế cùng bộ đội giải phóng những nơi còn lại.

Xuồng ghe chở đầy người từ các sông rạch đổ ra quốc lộ 4. Xe khách miễn phí chạy ngược xuôi chở bà con đến các địa điểm tập trung. Nhiều cây xăng bơm miễn phí cho xe đò. Bà con hồ hởi, lên xe không kịp mang dép để kịp tham gia tổng tấn công. Khí thế cách mạng lên cao. Lực lượng chính trị tiến về thị xã Sóc Trăng chiếm giữ các vị trí trọng yếu.

Thị xã Sóc Trăng là nơi tổ chức trình diện cho binh lính và những người làm việc cho chế độ cũ. Không khí rất gần gũi, thân thiện. Không hề có trả thù cũng như không có sợ sệt. Có người đến trình diện còn ngỏ ý tặng tôi cây súng lục nhỏ xíu rất xinh xắn…

Ngày 1/5 tôi tranh thủ về Bạc Liêu đón mẹ từ trong tù ra. Mẹ tôi hoạt động Cách mạng bị lộ, bị bắt giam từ năm 1973. Nếu không giải phóng thì mẹ tôi còn bị giam chưa biết ngày nào trở về. Tôi và các em vui mừng ôm mẹ, tìm cách báo tin cho ba tôi. Ba tôi tiếp quản ở Cần Thơ, không về thăm mẹ tôi được. Người anh ruột của tôi đã hy sinh trên chiến trường năm Mậu Thân  không có mặt trong thời khác đó.

Cả nhà tôi sum họp trong ngày vui của đất nước  không đầy đủ như vậy. Người thì bận rộn công việc bộn bề ngày tiếp quản, người thì đã nằm mãi ở chiến trường, mẹ tôi và mấy chị em mừng vui không cầm được nước mắt. 

Thời gian sau tôi tham gia các buổi tuyền truyền vận động, giải thích cho học sinh – sinh viên hiểu về Cách mạng cũng như chính sách, đường lối của Cách mạng lúc bấy giờ.

Tháng 7/1975, Trung ương Đoàn rút tôi về Trung ương, làm việc ở TP.HCM. Năm 1976, tôi được phân công về Thành đoàn TP. HCM…

Nhà báo Duy Chiến: Trước đó, bà đã biết gì về Sài Gòn chưa?

Bà Phạm Phương Thảo: Hồi còn nhỏ tôi đã theo mẹ lên Sài Gòn đi thăm ba tôi ở tù!

(Còn nữa)

Tuần Việt Nam