LTS: Tháng 4 này kỷ niệm 5 năm Mỹ và Nga ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START, 8/4/2010) tại Prague. Qua nửa thập kỷ, quan hệ cựu thù tưởng chừng có thể cải thiện sau cuộc Chiến tranh lạnh thì lại trở nên ngày một căng thẳng do khủng hoảng Ukraine, thậm chí có những lo ngại về chạy đua vũ trang mới.
Hãy cùng nhìn lại những cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc, các hiệp ước SALT để phần nào có cái nhìn soi rọi cho bối cảnh hiện nay.
Hai Khối liên minh quân sự đối đầu
Từ năm 1953 là năm lãnh tụ Xô-viết Josef Stalin qua đời, “chiến tranh lạnh” đi vào giai đoạn khá “ổn định.” Đặc trưng của giai đoạn này là việc hai bên Liên Xô – Hoa Kỳ chạy đua phát triển vũ khí công nghệ cao, xây dựng kho bom khinh khí của riêng mình, phát triển các tên lửa tấn công chiến lược tầm xa và tầm trung với kho đầu đạn hạt nhân khổng lồ…
Tình thế này xuất phát từ việc Liên Xô không từ bỏ học thuyết của mình là coi “Đế quốc Mỹ cầm đầu phe hiếu chiến, Liên Xô cần làm thành trì của hòa bình thế giới và hỗ trợ cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, bị áp bức.”
Về phần mình, Hoa Kỳ bước sang nhiệm kỳ của tổng thống Eisenhower với phó tổng thống Richard Nixon; cũng muốn đoạn tuyệt với chính sách “kiềm chế” của Truman mà chuyển sang chiến lược “đẩy lùi.” Chính sách quân sự mới của nước Mỹ sẽ là cắt giảm chi phí cho những lực lượng quân sự thông thường, mà tập trung vào phát triển vũ khí công nghệ cao.
Chính sách của Eisenhower vẫn là cần ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, và từ nay nếu bất cứ có sự tấn công nào của một nước cộng sản, thì sẽ được đáp trả bằng sự trả đũa ồ ạt ở nhiều khu vực trong cùng một lúc. Đó chính là nội dung chính của chiến lược “đẩy lùi.”
Ngày 27/5/1952, một Hiệp ước về cộng đồng phòng thủ chung châu Âu được ký kết tại Paris, trở thành cái khung của NATO mà trên thực tế, nền tảng của nó đã được đặt những viên gạch đầu tiên từ năm 1949. Theo hiệp ước này thì Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì quân đội của mình trên lãnh thổ châu Âu để đối phó những nguy cơ từ phía Liên Xô và các nước đồng minh.
Ngày 8/9/1954, Hiệp ước Manila được ký kết, còn gọi là Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á, với sự tham gia của các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Australia… Liên minh quân sự này còn được gọi là SEATO.
Trong suốt quá trình này, Liên Xô luôn luôn phản đối, nhất là việc hình thành NATO. Từ 1948 đến 1955, Liên Xô đã ký một loạt các hiệp ước đồng minh quân sự song phương với các nước XHCN Đông Âu. Ngày 11 - 14/5/1955, khối các nước này nhóm họp ở Warsaw, thủ đô Ba Lan đi đến ký kết Hiệp ước liên minh quân sự của các nước XHCN Đông Âu gồm có: Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Bulgaria, Rumani, Hungari và Albani.
Như vậy là trên lục địa Châu Âu, đã hình thành hai Khối liên minh quân sự đối đầu nhau. Đây là thời điểm bắt đầu cho cuộc “chiến tranh lạnh.”
Ảnh minh họa |
Hiệp ước SALT-1 (năm 1972)
Đến đầu thập kỷ 1960 là thời kỳ xảy ra những khó khăn cho cả hai khối liên minh quân sự.
Nước Pháp đã có thay đổi chính sách mà người ta gọi là thời kỳ “Chính sách De Gaulle”: “nhạt” dần với NATO. Ngày 7/3/1966, Pháp quyết định vẫn là thành viên của NATO, nhưng rút toàn bộ lực lượng quân đội của mình đang tham gia Khối liên minh quân sự này.
Tưởng chừng khi NATO suy yếu và chính sách đối đầu rõ rệt của Pháp với Hoa Kỳ, sẽ có lợi cho Khối Varsaw, nhưng chính khối này trong cùng thời kỳ cũng suy yếu. Những sự kiện nổi bật đánh dấu cho sự suy yếu này là: Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Khrouschev mất chức, các biến động chính trị ở Rumani, Tiệp Khắc hay rạn nứt quan hệ Trung – Xô…
Đây cũng là thời gian được đánh dấu bằng sự chạy đua giữa hai siêu cường, không chỉ trên lĩnh vực quân sự, mà còn (và thể hiện rõ nhất) ở lĩnh vực khoa học vũ trụ và kinh tế.
Về vũ khí quân sự, Liên Xô và Hoa Kỳ là ngang bằng nhau về mức độ phát triển công nghệ, nhưng Liên Xô hầu như tụt hậu trong tất cả các lĩnh vực khác, nhất là điện toán. Một thách thức nghiêm trọng nữa cho Liên Xô, là việc ngày càng thua kém về kinh tế.
Ngược lại, nước Mỹ lúc này cũng gặp khó khăn: sa lầy trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Năm 1973 Hoa Kỳ buộc phải rút quân đội khỏi Đông Dương, dẫn đến ngoài những thiệt hại về kinh tế, còn là sự suy giảm lòng tin của dân chúng với chính sách của Hoa Kỳ.
Việc cả hai bên cùng phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa tấn công, đội tàu ngầm tấn công mang theo tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân lượn khắp đáy các đại dương được đẩy mạnh. Một khi đã phát triển tên lửa tấn công, thì phải phát triển cả tên lửa phòng thủ “chống tên lửa”, cực kỳ tốn kém – đã trở nên gánh nặng với cả hai siêu cường. Với Hoa Kỳ, việc chạy đua vũ trang đã nặng nề, thì Liên Xô yếu về kinh tế hơn nhiều, vẫn cố duy trì một sức mạnh tương đương, còn vất vả hơn.
Giải trừ quân bị (Arm control) đã trở thành nhu cầu thiết yếu và do đó, nhu cầu của hai siêu cường đã gặp nhau.
Ngày 5/8/1963, Hiệp ước Moscow về việc từ 10/10/1963 sẽ ngừng các cuộc thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển được ký giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, và tính đến tháng 10/1963, đã có 102 nước tham gia.
Tháng 7/1968, Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Pháp và Trung Quốc không tham gia, cũng như trước đó không tham gia Hiệp ước Moscow.
Ngày 12/6/1968, tổng thống Mỹ Johnson đọc diễn văn tại Liên hiệp quốc đề nghị đàm phán Xô – Mỹ về việc chấm dứt xây dựng hệ thống tên lửa chống tên lửa. Ngày 27/6/1968, ngoại trưởng Liên Xô Gromyko đề nghị hai nước Xô – Mỹ đàm phán về hiệp ước “hạn chế tên lửa tiến công về phòng thủ”.
Ngày 17/11/1969 tại Helsinki, Phần Lan đã diễn ra hội nghị đàm phán mà Hoa Kỳ gọi là “Đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược” (SALT – Strategic Arms Limitation Talks.) Do gặp nhiều khó khăn trong đàm phán SALT-1, mãi đến năm 26/5/1972, Nixon và Breznev mới ký kết được với nhau hiệp ước tạm thời về hạn chế xây dựng hệ thống tên lửa chống tên lửa và hệ thống vũ khí tấn công.
Một năm sau, Breznev đi thăm Hoa Kỳ và hai bên thống nhất được việc cam kết không để cho chiến tranh hạt nhân xảy ra và xúc tiến những cuộc đàm phán mới trong khuôn khổ SALT-2.
(Còn tiếp)
Phúc Lai (tổng hợp)