So sánh việc tuyển học sinh trường chuyên và cách tuyển chọn “quay xổ số” để vào trường giúp học sinh nghèo được học tập tốt như KIPP (Mỹ) thực ra là chưa thỏa đáng.

Mới đây, một doanh nhân đã ngỏ lời thách đố các trường chuyên Việt Nam trong hệ thống giáo dục công lập học tập mô hình của một trường học tại Mỹ. Theo đó, các trường chuyên này có thể bỏ thi tuyển, dùng xổ số để lựa chọn học sinh bất kỳ một cách công bằng và đào tạo thành học sinh giỏi.

Thách đố này liệu có khả thi? Và có thể tham khảo mô hình tuyển nào cho trường chuyên để vừa đảm báo chất lượng, vừa giảm áp lực không đáng có cho trẻ em và cha mẹ?

Xổ số vào trường chuyên?

Theo tìm hiểu của người viết, KIPP tại NewYork, ngôi trường mà doanh nhân đã nhắc tới như một mô hình để thách đố các nhà giáo dục Việt Nam không phải là một trường công mà là bán công. Trường học này cũng nằm trong hệ thống 162 các trường bán công KIPP trên toàn nước Mỹ. Hệ thống này có nguồn quỹ được tài trợ từ bên ngoài, phụ thêm với kinh phí của từng tiểu bang dành cho các trường công bình thường.

Và đây cũng không phải là trường chuyên, mà là một ngôi trường đặc biệt ưu tiên đào tạo học sinh con các gia đình có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, vô gia cư, thiểu số và con em lực lượng vũ trang tại Mỹ. Khi được nhận vào hệ thống trường KIPP, các em sẽ được lo ăn ở, chăm sóc hành học cẩn thận và đào tạo nên người với phần lớn chi phí do nhà trường lo, thay vì sống cơ cực cùng gia đình và không có người chăm lo tử tế cho việc học hành.

Đó chính là lý do khiến cho học sinh muốn vào học các trường trong hệ thống KIPP thì phải tham gia quay xổ số. Bởi bản thân nhà trường không có mục tiêu tuyển dụng các nhân tài như các trường chuyên thông thường. Tất cả các em vào trường đều có xuất phát điểm như học sinh các trường bình thường. Và vì có quá nhiều học sinh muốn được hưởng chính sách và chế độ giáo dục tốt đẹp này mà không tài nào đủ chỗ, nên phải quay sổ xố.

Hơn nữa, cho dù học sinh KIPP học khá tốt, nhưng khó xếp vào các trường hợp xuất chúng mà các trường chuyên thực sự có thể đào tạo ra. KIPP cũng chưa bao giờ là địa chỉ  quan trọng cung cấp sinh viên cho các đại học hàng đầu trong chuỗi Ivy và Tier 1 của Mỹ. Trong khi đó, các chuỗi này cung cấp những ngôi trường danh tiếng khác trong Top 100 trường trung học công tốt nhất nước Mỹ, hay 100 trường trung học nội trú tư thục tốt nhất nước Mỹ.

Mô hình của KIPP rất tuyệt vời, tuy nhiên nó vẫn không phải là phổ biến. Vì vậy mới đây tổng thống Obama cũng đã lên tiếng kêu gọi các trường học ở Mỹ nên thi đua theo tinh thần của KIPP để giúp cho công bằng giáo dục được thực thi.

Vì vậy, theo người viết, so sánh việc tuyển chọn học sinh trường chuyên và cách tuyển chọn kiểu quay xổ số để vào trường giúp học sinh nghèo được học tập tốt như KIPP thực ra là chưa thỏa đáng. Và lời thách đố theo khía cạnh này dường như đã được đẩy xa khỏi hiện thực.

{keywords}

 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, một trong những ngôi trường nổi tiếng trong cả nước

Mô hình tuyển chọn nào cho trường chuyên?

Dù sao đi nữa, với sức ép của học sinh các trường chuyên, lớp chọn hiện nay, đặc biệt trong khâu thi tuyển, việc tìm ra mô hình phù hợp cho học sinh chuyên là đúng đắn. Bởi cha mẹ nào cũng mong mỏi làm sao để con em mình không phải quá bon chen vào trường chuyên qua các kỳ thi nặng nề.

Nhân bàn mô hình KIPP của Mỹ, người viết cũng muốn đề cập đôi chút về trường chuyên tại quốc gia này qua những thông tin tìm hiểu được. Tại Mỹ, hệ thống trường chuyên có tại từng tiểu bang. Tuy nhiên, các trường này cũng không có ảnh hưởng quá lớn, vì bản thân các trường phổ thông, kể cả tư thục và công lập ở Mỹ đều có mô hình đào tạo phù hợp cho mọi học sinh.

Theo đó, hầu hết các trường đều chia ra 3 loại lớp. Lớp thứ nhất là lớp thường, học sinh nào cũng có thể theo học. Lớp thứ hai là lớp Danh dự (lớp chuyên). Muốn vào học lớp này học sinh không cần thi, cứ đăng ký rồi vào học. Sau 3 tuần học thử, học sinh nào theo được thì ở lại, không thì lại chuyển về lớp bình thường. Loại lớp thứ 3 chỉ có trong cấp trung học phổ thông, đó là lớp AP - dự bị đại học. Học sinh nào học xong chương trình của lớp Danh dự (lớp chuyên) thì mới được vào học lớp AP này. Và tín chỉ AP này được nhiều đại học tại Mỹ công nhận, nên khi vào đại học sẽ có ưu tiên và bớt đi một số tín chỉ không phải học lại nữa.

Với mô hình này, học sinh không cần phải đua nhau vào trường tốt một cách cực đoan. Hơn nữa, ngay cả khi ở những trường nhỏ không cung cấp đủ các lớp Danh dự hay AP thì học sinh cũng có thể tự học và thi qua mạng. Điểm số của các em vẫn được công nhận bình thường.

Cũng với mô hình này, học sinh không bị áp lực quá nặng nề. Bởi em nào có học lực bình thường, ở trong lớp bình thường vẫn đạt điểm A và được khen ngợi. Còn các em ở các lớp khó như Danh dự hay AP thì dù điểm thấp hơn vẫn được đánh giá cao. Cha mẹ cũng không thể can thiệp hay chạy chọt trong quá trình vào lớp nào, học ra sao của con như hiện tượng vẫn được “đồn đoán” ở VN.

Một cái hay của giáo dục Mỹ là coi trọng giáo dục toàn diện. Vì thế nếu có thành tích học tập tốt thì cũng không phải gì quá “ghê gớm” so với thành tích thể thao hay văn nghệ tốt. Những học sinh học bình thường, nhưng giỏi năng khiếu vẫn có thể có học bổng thể thao hay nghệ thuật để vào các đại học danh tiếng. Do đó, miễn là giỏi một thứ, thứ gì trong năng lực tự thân của mình, là các em đều được khuyến khích, công nhận và tưởng thưởng.

Theo tôi, đó chính là điểm mà giáo dục VN nên tham khảo để không “cho ra lò” những học sinh trường chuyên chỉ biết học và học. Kết quả là ra trường các em dễ thành “gà công nghiệp” trong nhiều thứ, chứ không phải là những thanh niên có thể làm chủ cuộc sống với sự tự tin và đầy đủ các kỹ năng mềm rất cần cho thành công mai này.

Nguyễn Anh Thi 

-------

Bài viết tham khảo thông tin trên các trang Kippnyc.org; Gensleron.com; Wikipedia.org; Kipphouston.org; Hoagiesgifted.org…