>> Xem lại Bài 1: Những dự án khổng lồ của TQ nhằm mục đích gì?
Năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 102 tỷ USD (ước tính), tăng 11,3% so với năm trước. Con số này giúp Trung Quốc trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Tuy vậy, không phải bất kỳ sáng kiến hợp tác kinh tế, kế hoạch đầu tư, viện trợ hay cho vay nào của Trung Quốc cũng được chào đón và chấp nhận. Một nghịch lý trong cách thức thế giới tương tác với “ông nhà giàu”: ngay cả khi Bắc Kinh mang tiền tỷ đầu tư, nhiều quốc gia cũng không mấy mặn mà.
Mô hình “đầu tư Trung Quốc”
Sau khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2010, thế giới chứng kiến làn sóng bùng nổ đầu tư của Trung Quốc ra bên ngoài. Trong giai đoạn 2005 – 2013, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 781,5 tỷ USD. Trung Quốc hiện nay đã trở thành nước nhận đầu tư lớn thứ hai và nước đi đầu tư lớn thứ ba thế giới.
Tổng vốn ODI của Trung Quốc 2005 – 2013 (tỷ USD). Nguồn: Financial Time (2014) |
Được thành lập từ năm 1994 thuộc sở hữu của chính phủ, nhưng khủng hoảng 2008 mới là cơ hội để Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) trỗi dậy. Tính đến cuối năm 2011, CDB đã cho vay tổng cộng 5.520 tỷ Nhân dân tệ, với nhiều khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực năng lượng tại các châu lục. Tại Trung Á, công ty Turkmengaz của Turkmenistan đang được vay 4 tỷ USD. Hai công ty năng lượng lớn nhất của Nga là Rosneft và Transneft được vay 20 tỷ USD. Tại Nam Mỹ, công ty Bandes của Venezuela đã được vay tổng cộng 28,6 tỷ USD. Trong khi đó Petrobas của Brazil được vay 10 tỷ USD và Bộ Tài chính Ecuador được vay 1 tỷ USD.
Với việc World Bank kết thúc năm tài khóa 2012 với số tiền cho vay 136,3 tỷ USD, ADB cho vay 71,4 tỷ USD, thì các khoản vay đến hết tháng 3/2012 trị giá 220 tỷ USD đã đưa CDB vào hàng ngũ các nhà vô địch ẩn danh. Một cuộc đua có thể ví von như một cuộc cạnh tranh của các ngân hàng phát triển trên thế giới.
Trung Quốc lặng lẽ tham gia cuộc đua đầu tư và tài trợ toàn cầu, để rồi giành được những lĩnh vực đầu tư béo bở. Nhưng đây chưa phải là đỉnh sóng. Tháng 6/2014, CDB tiếp tục kí với Lloyds Bank một thỏa thuận khung để các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng của Anh. Trung Quốc cam kết với Anh rằng đến năm 2025, nước này sẽ đầu tư vào đảo quốc 105 tỷ bảng Anh (tương đương hơn 150 tỷ USD).
Trước khủng hoảng 2010, đầu tư của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các nước đang phát triển nhằm tìm kiếm năng lượng-khoáng sản và vào các nước phát triển nhằm tìm kiếm tài sản chiến lược. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư của Trung Quốc vào các nước phát triển đã tập trung vào rất nhiều các lĩnh vực, trong đó năng lượng vẫn là một trọng điểm. Hiện nay gần 50% vốn ODI của Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực năng lượng; tiếp đó là GTVT 15,5% và khai khoáng 13,3%.
Hình: Phân bổ vốn ODI Trung Quốc theo ngành 2005 – 2014 (%). Nguồn: VCES tính toán theo số liệu The Heritage Foundation (2015) |
Mặc dù vốn đầu tư của Trung Quốc đang là “phao cứu sinh” đối với nhiều chính phủ để giải quyết bài toán tăng trưởng chậm lại, nhưng vốn ODI của Trung Quốc cũng để lại nhiều vấn đề cho cả hai nhóm nước phát triển và đang phát triển. Đối với các nước phát triển – chẳng hạn EU – nguồn vốn ODI có thể bù đắp cho mức sụt giảm đầu tư lớn (trung bình sụt giảm 2% GDP trong giai đoạn 2010 – 2012), nhưng cũng tạo ra một EU đầy chia rẽ và mâu thuẫn gia tăng.
Thứ nhất, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng làm suy yếu Quỹ châu Âu về Cơ sở Hạ tầng (Quỹ Juncker) và những nỗ lực trong tương lai nhằm thúc đẩy sự ra đời của một Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Âu (EIIB). Thay vào đó, các nước này lại bị cuốn vào một AIBB với các dự án nằm ở châu Á.
Thứ hai, hơn một nửa các khoản đầu tư của Trung Quốc do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện, điều này làm dấy lên những lo ngại về an ninh và bí mật công nghệ. Theo số liệu của ECFR, năm 2011 có 66,2% dự án đầu tư của Trung Quốc tại EU do DNNN thực hiện. Đến cuối năm 2013, trong tổng số 92,7 tỷ USD vốn giải ngân của Trung Quốc tại EU, có 43,9% do DNNN thực hiện; 42,2% là do các Cty TNHH, 6,2% là cty cổ phần hữu hạn, 2.2% các cty hợp doanh và 2% là doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc tiến hành.
Thứ ba, mặc dù Trung Quốc nhanh chóng tìm kiếm được các thị trường đầu tư tại các nước phát triển, nhưng vấn đề tiếp cận và thâm nhập thị trường Trung Quốc lại là một bài toán khó đối với các công ty nước ngoài. Trong đó nổi lên hai vấn đề là bảo hộ sở hữu trí tuệ (77% công ty châu Âu gặp phải vấn đề này) và vấn đề tiếp cận tài chính (66% doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu coi đây là thách thức lớn nhất khi đầu tư tại Trung Quốc).
Tại sao nhiều nước quan ngại “tiền của Trung Quốc”
Đối với các nước đang phát triển, vốn ODI của Trung Quốc thường đem đến các phản ứng dữ dội do ít chú ý đến môi trường, cơ hội việc làm của dân bản địa, vấn nạn tham nhũng và hiệu ứng lan tỏa kĩ thuật kém do công nghệ lạc hậu.
Bảng: Một số dự án đầu tư của Trung Quốc bị từ chối/hoãn/xem xét lại. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các nguồn khác nhau từ Financial Times, The Wall Street Journal, Bloomberg Business, v.v
|
Mối lo ngại đầu tiên là các vấn đề môi trường và xã hội. Cơ sở hạ tầng, khai khoáng và năng lượng là những mục đầu tư chính của Trung Quốc, đặc biệt là tại các nước châu Phi và châu Á. Mô thức thường thấy là nhà đầu tư Trung Quốc rót tiền, cung cấp cả máy móc thiết bị lạc hậu cùng công nhân. Điều này gây ra lo ngại từ các nước sở tại về ô nhiễm môi trường, nạn thất nghiệp và vi phạm quyền lao động.
Chẳng hạn, chính phủ Myanmar đã đóng băng và hủy ba dự án gồm kế hoạch thủy điện Myitsone (3,6 tỷ USD), khai thác mỏ đồng Letpadaung (1 tỷ USD) và dự án đường sắt Vân Nam-Rakhine (20 tỷ USD). Mới đây nhất, đầu 2015, tham vọng “thành phố cảng” mới ở Colombo mang dấu ấn Bắc Kinh trị giá 1,5 tỷ USD cũng bị chính phủ Sri Lanka xét duyệt lại vì e ngại nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường.
Mô hình thủy điện Myitsone, một trong 3 dự án đã bị Chính phủ Myanmar hủy bỏ. Ảnh: Wikipedia |
Lý do thứ hai khiến Trung Quốc hay bị từ chối là việc các công ty nước này thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu. Tháng 11/2014, Mexico hủy dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 3,75 tỷ USD của Trung Quốc do nghi ngại về tính công khai, minh bạch và tổ chức đấu thầu lại.
Ngay cả khi đã đạt được các thỏa thuận, nhà thầu Trung Quốc cũng thường xuyên trì hoãn, không làm đúng theo cam kết. Việc Iran tuyên bố hủy hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) do CNPC trì hoãn thực thi các nghĩa vụ liên quan là một thí dụ. Cũng do không đồng ý với cách thức “quản trị” của công ty Chinalcon (Trung Quốc) mà Australia đã từ chối khoản đầu tư trị giá 19,5 tỷ USD vào tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những tranh chấp lãnh thổ-lãnh hải với khu vực láng giềng khiến cho chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư sẽ được dùng làm vũ khí chính trị. Đầu năm 2009, đề nghị mua toàn bộ công ty OZ Minerals của Trung Quốc, bao gồm mỏ Prominent Hill, trong phạm vi vùng thử vũ khí Woomera của quân đội Australia bị từ chối. Đầu năm 2015, Bộ trưởng Năng lượng Philippines tuyên bố ngừng dự án Trung Quốc tham gia vận hành kinh doanh mạng lưới điện quốc gia của nước này do nguyên nhân an ninh quốc gia.
(Còn tiếp)
TS. Trương Minh Huy Vũ – TS. Phạm Sỹ Thành
Mời độc giả đón đọc Kỳ cuối: Thế giới điều chỉnh lại “Giấc mộng Trung Hoa” thông qua các “đòn bẩy” và “thang giá trị” ra sao.
-------
Về các tác giả:
TS. Trương Minh Huy Vũ là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốctế Đại học KHXH&NV Tp.HCM (SCIS).
TS. Phạm Sỹ Thành là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.