Cố Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nhận xét: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.
Nếu nhìn vào hoàn cảnh và vị thế Việt Nam hôm nay thì hình như ông đã quá lạc quan hoặc do ông quá ưu ái cho người Việt chúng ta chăng?
Nhận định trên có thể đúng nếu so sánh chúng ta với các nước khác tại ĐNA thông qua từng chỉ số đơn lẻ như tài nguyên, vị trí địa lý và nguồn nhân lực một cách tương đối. Tuy nhiên, sự thịnh vượng của một quốc gia không hẳn lúc nào cũng do các yếu tố trên quyết định và nếu chúng ta nhìn vấn đề từ một lăng kính khác thì chính các nhân tố được xem là “thuận lợi” này đôi khi lại góp phần kìm hãm.
Thứ nhất, trên khía cạnh địa chính trị: So với các nước khác trong khu vực, VN nằm ở một vị trí rất quan trọng và thuận lợi cho giao thương, làm ăn với các nước khác nhất là trong lĩnh vực hàng hải. Chính thế mạnh này đã được các Chúa Nguyễn phát huy hiệu quả để biến xứ Đàng Trong từ vùng đất nghèo khó thành một trung tâm trao đổi thương mại một thời.
Chính vị trí chiến lược quan trọng này đã khiến người Pháp thời đó đặt ưu tiên (so với Thái Lan) phải chiếm được VN để kiểm soát các con đường hàng hải quan trọng trong khu vực.
Phương thức cai trị thiên về “ngu dân và bóc lột tài nguyên thiên nhiên” của thực dân khi đó đã tạo nên một nước Việt nghèo nàn, lạc hậu với phần đa dân số không biết chữ mà hậu quả của 80 năm đô hộ đó cùng mấy cuộc chiến mà chúng ta phải gánh chịu do vị trí tiền đồn của mình vẫn còn ảnh hưởng nặng nề.
Ảnh minh họa. Nguồn: VietNamNet |
Thứ hai, xét góc độ tài nguyên: trước kia chúng ta thường được dạy và hãnh diện về rừng vàng, biển bạc. Đồng ý rằng để tăng tốc kinh tế lúc ban đầu khi mà nền tảng KHCN đang còn non trẻ thì sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng. Thực tế, khi chiến tranh kết thúc, ta đã quá lạm dụng việc khai thác các tài nguyên hữu hạn mà quên gìn giữ cho thế hệ sau. Chỉ trong một thời gian ngắn các cánh rừng già ngày nay chỉ còn có thể tìm thấy tại các vườn quốc gia. Sự mất mát này lớn đến nỗi có người đã phải cay đắng thông báo trong một hội thảo chuyên đề là “về cơ bản chúng ta đã phá xong rừng”.
Việt Nam còn được thiên nhiên ưu ái ban cho rất nhiều khoáng sản từ Titan, Crôm, Apatit, Than đá, Dầu mỏ, Boxit và kể cả đất hiếm. Trừ ngành dầu khí hiện nay (phần lớn khai thác và xuất khẩu thô) có đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, thì một nghịch lý đang tồn tại lâu nay ở nước ta, đó là càng làm càng lỗ và “chỉ việc đào đất lên để bán mà vẫn kêu lỗ”.
Trong khi một số nước như TQ đang tìm mọi cách để khai thác và chuyển về nước họ rất nhiều khoáng sản (vốn là tài nguyên không tái tạo) hòng dự trữ cho tương lai thì chúng ta lại đang ngày đêm đào bới và mang đi bán rất nhiều thông qua các dự án đầu tư vẫn còn tranh cãi về lợi nhuận và hiệu quả. Có lẽ đã đến lúc nhìn nhận lại các đóng góp và lợi ích của ngành khai khoáng để trả lời cho câu hỏi tuy đơn giản nhưng không ai chịu trả lời, đó là “nếu cứ lỗ thì tại sao vẫn làm, và tại sao không dừng việc xuất khẩu một số loại khoáng sản có tính chiến lược lại để dành cho tương lai?”
Bên cạnh đó, do thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên, nên người Việt từ lâu không bị sức ép phải tìm ra các giải pháp thay thế. Thay vào đó, đa phần chỉ tập trung tranh giành những loại tài nguyên giới hạn như đất đai hay khoáng sản hòng tìm kiếm các lợi ích ở đó chứ rất ít người chịu đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và các giải pháp khai thác nguồn tài nguyên không giới hạn – trí tuệ con người.
Thứ ba, xét trên góc độ con người: nhiều người Việt vẫn luôn tự tin rằng dân tộc ta thuộc diện thông minh so với các dân tộc khác trong khu vực. Không hiểu chuyện này có nguyên nhân từ đâu, nhưng có lẽ có một phần ảnh hưởng của văn hóa Pháp để lại khi luôn tự đề cao mình so với các dân tộc khác.
Kể cả chúng ta đồng ý rằng người Việt có ít nhiều thông minh hơn các dân tộc khác ở ĐNA về IQ (cần có nghiên cứu thực tế) thì sự thông minh này là chưa đủ. Tại sao? Vì sau bao nhiều năm chiến tranh và hội nhập muộn, chậm chạp, chúng ta đã tự đánh mất lợi thế cạnh tranh trong khu vực qua việc tự ru ngủ mình và không tạo dựng kịp một nguồn nhân lực được trang bị những kỹ năng mang tính sống còn của thời đại ngày nay, bao gồm (i) Thành thạo trong ứng dụng kỹ thuật số; (ii) Tư duy sáng tạo; (iii) Giao tiếp hiệu quả; và (iv) Hiệu suất lao động cao (David Thomburg, 2002).
Kể cả khi được định hướng đúng thì cũng phải rất lâu nữa người Việt mới có thể phổ cập hóa các kỹ năng trên.
Chưa kể tới việc thiếu vắng các cải cách đủ mạnh, cùng các bất cập của nền dịch vụ công, chỉ cần xét tới nền giáo dục nặng về kiến thức, thiếu thực hành, coi trọng thành tích, tư duy nhiệm kỳ cùng tính cách chuộng (khoe) các “kỷ lục” mang tính bề nổi của nhiều người cũng có thể thấy khả năng dẫn đầu khu vực vẫn luôn ở dạng tiềm năng.
Tương lai và sự thịnh vượng của đất nước quả thực không nên quá bi quan, nhưng có lẽ đôi lúc chúng ta nên dừng lại một chút và đánh giá xem liệu những mục tiêu mình đã và đang theo đuổi có quá sức và cần phải làm gì trong dài hạn nếu tiếp tục theo đuổi các mục tiêu này. Việc trở thành một cái gì đó không phải là những gì dân tộc ta cần hướng đến.
Cái chúng ta đang rất cần bây giờ là xây dựng đất nước với một nền tảng xã hội hài hòa, bình đẳng với các dịch vụ công có chất lượng; một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa với vai trò bình đẳng của tất cả các thành phần kinh tế; cùng một môi trường thể chế dân chủ và dung hợp. Được như vậy thì vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực (và rộng hơn) sẽ tự được định vị.
Khi đó, câu nhận xét của một người có tầm nhìn như cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu sẽ không còn được xem như một câu nói mang màu sắc xã (ngoại) giao!