VN cần giải quyết thực trạng khiến cho nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”  đang hiện hữu.

LTS: Tại cuộc họp với các bộ ngành tuần qua về cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  đã thẳng thắn chỉ ra sự tụt hậu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh: "Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN-6, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao chấp nhận được. Việt Nam không thể đứng chót trong ASEAN thế này..." Lời cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ đã cho thấy tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, hướng đến tìm giải pháp thay đổi. Để góp thêm tiếng nói cho vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh đất nước, chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây để bạn đọc cùng trao đổi.

Giống như nhiều nước đang phát triển khác, dù đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ trong vài thập niên qua, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trên con đường tiến đến thịnh vượng.

Chỉ dấu của các thách thức này gồm: kinh tế phát triển chậm lại, gia tăng thuế và các loại phí, năng suất lao động thấp, tỷ lệ thất nghiệp khó kiểm soát, nợ công cao thêm.

Song hành với những khó khăn trên, VN còn phải giải quyết các hệ lụy của phát triển như ô nhiễm môi trường, bong bóng BĐS, tham nhũng. Nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” đang hiện hữu.

{keywords}
Ảnh minh họa: Trần Chánh Nghĩa

Từ lâu, chăm lo các vấn đề xã hội và tăng trưởng kinh tế luôn được xem là các trụ cột phát triển nhằm hướng tới sự thịnh vượng. Tuy nhiên không phải chính phủ nào cũng có khả năng cùng lúc đưa các trụ cột này phát triển đồng đều.

Về nguyên tắc, tăng trưởng kinh tế  luôn đòi hỏi các đổi mới đồng bộ khác, trong đó thể chế luôn đóng vai trò then chốt. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, một khi các cải cách về thể chế không theo kịp hoặc không có khả năng giải quyết các bất cập nảy sinh vốn ngày càng phức tạp và khó dự đoán (do quy mô và độ phức tạp của nền kinh tế đất nước ngày càng lớn hơn) thì rất khó duy trì sự ổn định xã hội. Nhìn vào thực trạng kinh tế hiện nay, có thể phần nào khẳng định rằng các cải cách về thể chế của ta chưa đủ đáp ứng được các đòi hỏi cần thiết cho sự thịnh vượng của một quốc gia.

Trên khía cạnh xã hội: Khi đất nước mới thoát khỏi chiến tranh và còn nghèo khó, người dân thường dành sự quan tâm và sức lực cho các nhu cầu thiết yếu và phát triển kinh tế.

Thời điểm đó, xã hội VN mang trong mình một động lực mạnh mẽ và sự khát khao thay đổi vận mệnh đất nước (ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế) vốn được khích lệ bởi những thành tựu và thay đổi trong đời sống của dân chúng hàng ngày. Đây chính là thời điểm xã hội Việt Nam lạc quan và cũng ít có những vấn đề nổi cộm nhất.

Khi tích lũy tư bản đã ít nhiều đem lại cho đất nước một số vốn liếng nhất định, cũng là lúc các mâu thuẫn nảy sinh liên quan đến chiếc bánh lợi ích, trong đó ai cũng muốn mình hoặc người nhà mình có được phần to hơn. Tuy tiến hành đổi mới và cải cách sau Trung Quốc và Nga, nhưng Việt Nam vẫn không tránh khỏi việc để phát sinh một số vấn đề không mong muốn.

Việc thiếu vắng cơ chế giám sát hiệu quả cùng những hạn chế liên quan đến tính minh bạch trong quá trình cổ phần hóa các DNNN đã góp phần tạo nên một số nhóm lợi ích của nền kinh tế - những người được hưởng lợi từ việc mua lại nhiều tài sản thuộc sở hữu nhà nước vốn được định giá thấp hơn nhiều lần.

Trong lúc hệ thống quản trị nhà nước còn chưa hoàn thiện để có thể điều tiết nguồn lực, tái phân phối thu nhập và duy trì sự ổn định thông qua việc đảm bảo phúc lợi xã hội cho công dân thì sự gia tăng khoảng cách giàu – nghèo là điều tất yếu và đất nước phải sớm tìm cách giải quyết tình trạng này. 

Cần thẳng thắn nhìn nhận một sự thật rất hệ trọng đó là vai trò và uy tín của một bộ phận cơ quan công quyền đang bị người dân đặt dấu hỏi. Thế nên dẫn đến một hiện tượng tâm lý, đó là,  tính phản biện và sự bức xúc của dân chúng luôn vỡ ra khi một vụ việc nào đó bị nghi ngờ là liên quan đến các nhóm lợi ích mà chính quyền không có khả năng giải trình thấu đáo, chẳng hạn, vụ lấp sông Đồng Nai vừa qua.

Trên khía cạnh kinh tế: tuy chưa hội nhập sâu vào sân chơi kinh tế toàn cầu, nhưng kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Việt Nam đã chịu nhiều tác động của các biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt sự đổ vỡ của nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ và nguy cơ vỡ nợ công của một số nước châu Âu vào những năm 2010s. Bên cạnh các khó khăn liên quan đến thị trường và giá cả hàng hóa xuất khẩu, lạm phát lên cao song hành với lãi suất đã khiến nhiều DN điêu đứng và phá sản. Suy thoái cũng khiến cho các dòng vốn chảy vào ngân hàng bị giảm sút dẫn đến tình trạng khan hiếm vốn và các gói cho vay liên quan đến BĐS bị hạn chế.

Giống như câu chuyện của Ireland hay Hy Lạp, khi bong bóng BĐS vỡ, nhiều công trình,  dự án phải dừng lại và nhiều DN đã rút lui hoặc phá sản, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - có phần đóng góp rất lớn từ ngành xây dựng nhờ việc thúc đẩy các ngành sản xuất phụ trợ khác và tạo ra nhiều công ăn việc làm kể cả chính thức lẫn thời vụ, cũng như đóng thuế cho nhà nước.

Hệ lụy của phát triển thị trường BĐS khó đo đếm nổi: (i) Lãng phí tài nguyên khi một lượng lớn đất sản xuất bị chuyển đổi mục đích sử dụng và bị bỏ hoang; (ii) Gây nên các tranh chấp về đất đai kéo dài và khó giải quyết làm ảnh hưởng uy tín của nhà nước  đặc biệt là những trường hợp chính quyền hỗ trợ các doanh nghiệp thu hồi đất của dân mà không đền bù một cách thỏa đáng; (iii) Một lượng vốn khổng lồ cùng các khoản nợ xấu đang bị giam chân tại những công trình dang dở và những bãi đất hoang.

Các thách thức nằm ở hai trụ cột “xã hội” và “kinh tế” là không hề nhỏ. Để tiếp tục  tiến lên một cách bền vững, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa các giải pháp dài hạn, trong đó cái cách thể chế kinh tế có vai trò nền tảng cho các cải cách khác.

Các yếu kém trong năng lực quản trị và thực thi chính sách của chính quyền các cấp đang gây cản trở các nỗ lực cải cách thể chế của đất nước. (Xem tiếp phần 2).

Trần Văn Tuấn