-Bên cạnh sự kiện đốn cây ở Hà Nội gây bức xúc dư luận, dự án “lấp sông Đồng Nai để xây dựng khu đô thị tại TP. Biên Hòa thêm một lần nữa cho thấy người dân luôn cần biết và có quyền được biết những tác động có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ từ những chương trình mà nhà nước sẽ triển khai.

Bất chấp phản ứng, Đồng Nai vẫn lấp sông

Là con sông nội địa dài nhất Việt Nam (586 km) với diện tích lưu vực vào khoảng 38.000 km2 trên địa phận 12 tỉnh, thành, hệ thống sông Đồng Nai (ĐN) đã và đang góp phần tạo nên một vùng kinh tế phát triển nhất Việt Nam.

Cùng với hồ Trị An nổi tiếng và 9 con đập thủy điện lớn nhỏ khác, cộng với sự có mặt của các  KCN và chế xuất dày đặc tại các tỉnh hạ lưu, có thể nói Đồng Nai là con sông chịu nhiều áp lực nhất tại Việt Nam dưới sự khai thác của con người.

Do lưu vực nằm gọn trong lãnh thổ Việt Nam, nên trước đây việc khai thác tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của hệ thống sông do Chính phủ thống nhất quản lý và được cụ thể hóa bằng “Đề án bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai”, phê duyệt vào cuối năm 2007.

Đồng Nai cũng là hệ thống sông đầu tiên tại Việt Nam có Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực (Ủy ban sông Đồng Nai) được CP phê duyệt thành lập ngày 01 tháng 12 năm 2008 với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức thực hiện đề án sông Đồng Nai

Đồng Nai là con sông chung mà các địa phương liên quan cùng nhau tham gia khai thác và bảo vệ theo hướng phát triển bền vững.  Dựa trên nguyên tắc này, có thể nói dự án cải tạo cảnh quan bằng cách lấp sông được chính quyền Đồng Nai cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát gần đây khiến dư luận có thể đặt câu hỏi về tính hợp pháp cả về quy trình lẫn nội dung.

{keywords}
Công trường lấp sông Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: Google map

Về mặt quy trình, với vai trò của mình, UB sông ĐN cần được các địa phương thành viên tham vấn cho tất cả những hoạt động can thiệp vốn có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường của lưu vực hệ thống sông. Quá trình tham vấn này cần được tiến hành công khai, minh bạch cùng các tài liệu, hồ sơ giúp hỗ trợ quá trình ra quyết định được chính xác và phù hợp. Khi chính quyền TP thông báo đã tiến hành tham vấn lấy ý kiến đồng thuận của chính quyền phường Quyết Thắng và một số hộ dân gần kề cho một dự án mà tác động của nó chắc chắn không chỉ dừng lại ở phạm vi phường cho thấy quy trình tham vấn các bên liên quan đã bị xem nhẹ và .triển khai qua loa.

Trên nguyên tắc quản lý bền vững, lợi ích từ việc khai thác tài nguyên của dòng sông tại một địa điểm cụ thể có phần đóng góp không nhỏ từ các nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái rừng của các địa phương khác (chủ yếu trên phía thượng lưu). Dựa trên nguyên tắc này, các công ty khai thác thủy điện trên hệ thống sông ĐN đã và đang chia sẻ lợi nhuận của mình thông qua việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cho người dân và các đơn vị được giao khoán bảo vệ rừng trong phạm vi lưu vực. Có thể nói, việc quản lý và bảo vệ dòng sông không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của một địa phương cụ thể. Do các tác động gây ra bởi bất kỳ sự can thiệp hay thay đổi nào đều có yếu tố  cộng hưởng xuyên biên giới, vì vậy, sự tham gia và tiếng nói của từ các địa phương khác trong lưu vực là một trong những nguyên tắc cốt lõi.

Bất kỳ một dự án can thiệp nào có khả năng làm thay đổi dòng chảy trên thượng lưu đều có thể gây quan ngại cho các cộng đồng phía hạ lưu.

Những cộng đồng này có quyền được biết chuyện gì sẽ xảy ra với cuộc sống của họ khi Công ty Toàn Thịnh Phát “lấn sông” và làm hẹp dòng chảy. Kể cả khi nội dung của bản “báo cáo đánh giá tác động môi trường” của dự án này là đáng tin cậy đi nữa với các bằng chứng khoa học chứng minh rằng dự án sẽ không tạo ra các tác động tiêu cực cho khu vực hạ lưu thì người dân phía dưới cũng có quyền được biết.

Việc nhiều người ngạc nhiên khi thấy dự án này được triển khai một lần nữa cho thấy rất nhiều nguyên tắc trong “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước xuyên địa (biên) giới” đã không hề được xem xét thấu đáo.

Trong cách tiếp cận hiện đại về quản lý tài nguyên nước, việc phân tích các kịch bản can thiệp là một trong những điều kiện tiên quyết để các bên liên quan có được một cái nhìn tổng quan và mang tính khoa học nhằm đưa ra các quyết định phù hợp nhất.

Khi một dự án có ý định lấp sông để làm nhà ở thì việc quyết định sẽ lấn ra sông bao nhiêu thường được tính toán và lựa chọn kỹ lưỡng thông qua quá trình phân tích kịch bản với mục đích giảm thiểu các tác động tiêu cực mà dự án có thể gây ra. Như vậy Chính quyền Đồng Nai và Công ty Toàn Thịnh Phát đã làm thế nào để đưa ra kế hoạch lấp sông như hiện nay? Và quy trình tham vấn để đi đến thống nhất bản kế hoạch này ra sao? Những ai tham gia? Có rất nhiều điều cần được làm rõ...

Nhiều nhà khoa học đã phân tích rõ những ảnh hưởng liên quan đến việc thay đổi dòng chảy, chế độ thủy văn và xói lở bờ sông cũng như một số hệ lụy khác ảnh đến giao thông thủy, và hệ sinh thái sông một khi dòng chảy tại một vị trí nào đó bị thu hẹp lại. Dù đã đưa ra các biện pháp giảm thiểu nhưng rất khó để công ty Toàn Thịnh Phát có thể trả lại cho dòng sông những gì đang có một khi dự án lấp sông hoàn tất.

Tác hại tiêu cực mà các công trình thủy điện tạo ra cho các dòng sông là không phải bàn cãi. Trong khi Việt Nam đang phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe của những dòng sông vì mục tiêu năng lượng cho phát triển đất nước thì ở nhiều nước có nền kỹ nghệ tiến bộ như Mỹ hay Canada người ta đang tiến hành phá bỏ các con đập để trả lại dòng chảy tự nhiên của các con sông trước khi quá muộn.

Thật ngạc nhiên thay, việc xây dựng khu đô thị Pegasus River ở Đồng Nai vốn không thuộc dạng “ưu tiên quốc gia” nhưng chính quyền địa phương lại đang đi ngược lại xu thế nhân loại khi cấp phép cho xây cất khu đô thị này trên vùng đất có được nhờ bức tử dòng sông?

Số phận sông Đồng Nai rồi sẽ ra sao nếu vừa tiếp tục cõng trên lưng hàng chục nhà máy thủy điện lại vừa phải gồng mình chống lại sự xâm lấn không ngừng nghỉ của con người?

Có lẽ đã đến lúc chính quyền, đặc biệt là các DN có khả năng tài chính nên đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận từ những lĩnh vực đang còn vô vàn tiềm năng như phát triển các ứng dụng phục vụ đời sống hoặc các sáng tạo công nghệ vốn đang chờ con người khám phá hơn là chỉ chăm tìm kiếm lợi ích từ việc tranh giành hay chia nhau những tài nguyên hữu hạn như cây xanh đường phố và bãi bồi ven sông.

Cần nhìn về phía trước và cùng nhau đi tìm những gì lớn lao hơn .

Được như vậy, sông Đồng Nai và nhiều con sông khác ở nước ta mới có cơ hội được cứu thoát!

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.

VRN quan ngại, dự án sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai; đồng thời tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông của Việt Nam.