Xã hội nào, đô thị nào cũng phải dựa vào dân mới có thể vững mạnh. Cả hai vụ việc, dựng tượng đài và chặt cây xanh, dường như chẳng cần hiểu dân nghĩ gì, mong muốn gì. Mới hiểu vì sao lòng dân nổi giận

Nếu ai có hỏi đặc điểm tâm lý người Việt thời hiện đại này là gì, người viết bài xin trả lời ngay, không đắn đo, bằng thứ ngôn ngữ dân dã, của tuổi teen- đó là tâm lý “ngáo” cái… nhất. Đến mức có thể trở thành hội chứng.

Nổi tiếng và tai tiếng

Thật ra, đã là người, ai chẳng muốn mình được nổi tiếng. Đã là một quốc gia, quốc gia nào chẳng muốn trở thành “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”? Nước Việt thời chiến tranh, đã từng làm nên tên tuổi bởi khí phách hào hùng, dấn thân trước họa xâm lăng, bảo vệ chủ quyền độc lập tự do dân tộc.

Thế nhưng sự khẳng định tài năng, trở thành nổi tiếng, cũng đòi hỏi rất nhiều điều kiện lẫn phẩm cách: Tư duy, năng lực hành động, sự khôn ngoan, khôn khéo trong tầm nhìn về những giá trị đích thực và hiểu biết thực tiễn của đời sống XH.

Nếu không rất có thể sẽ trở thành… tai tiếng, lố bịch. Bởi ở chính những khao khát tưởng chính đáng đó, sớm muộn gì cũng bộc lộ rất hồn nhiên sự háo danh, sự phô trương của văn hóa tiểu nông. Còn theo một nhà tâm lý XH, sự phô phang quá mức chính lại là để che đậy một tâm lý mặc cảm, tự ti, hoảng sợ trước cái mạnh, cái giỏi của thiên hạ, nhưng đầy tính sĩ diện.

Sự “nổi tiếng” kiểu tai tiếng trong thực tế, đã không thiếu. Dư luận XH vẫn chưa quên sự kiện chấn động, cách đây đã vài năm: Bánh chưng mốc, bánh dày khủng độn xốp trong ngày giỗ Tổ.

Sự thành tâm của hậu thế vô tình biến thành sự hỗn hào với các bậc liệt tổ liệt tông khiến cả XH nổi giận.

Cứ tưởng bánh chưng mốc, bánh dày khủng độn xốp đã là gương tày liếp, cảnh báo tính háo danh của người Việt. Vậy mà cách đây ít lâu, người Việt vẫn tiếp tục kiểu ngựa quen đường cũ, với kỷ lục tô phở khủng. Rút cục, bánh trương đằng bánh, thịt ôi đằng thịt. Và người Việt đi đằng… đàm tiếu của cộng đồng.

Còn trong thời hiện đại, thì  dường như những cái nhất kinh dị lại có vẻ “ngáo” người Việt hơn cả. Đó là:

Giá bất động sản thuộc hàng cao nhất thế giới. Giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động. Giá nhà ở lớn hơn gấp 05 lần so với các nước phát triển, gấp 10 lần so với nước chậm phát triển.

Tỷ lệ trẻ em chết đuối cao nhất khu vực Đông Nam Á. Cứ mỗi ngày lại có 10 trẻ em tử vong vì chết đuối, độ tuổi từ 7- 15.

Tai nạn giao thông được coi là cao nhất thế giới. Mỗi ngày trung bình có 31 người chết vì tai nạn.

Tỷ lệ nam giới hút thuốc thuộc hàng cao nhất thế giới với 47,8%. Hơn 40.000 người tử vong mỗi năm do thuốc lá.

Đứng top 10 không khí bẩn nhất thế giới. (VietNamNet, ngày 13/4/2012) v..v…

{keywords}

Ảnh: Nhị Tiến

Góp sức vào những đặc tính “ngáo” nhất đó, có khi còn có cả truyền thông nước Việt. Đó là khi báo chí, truyền thông liên tục đưa những thông tin dịch thuật, ít có sự phân tích để làm rõ các thông số theo những tiêu chí nào, khiến đọc cái title cũng đã thấy xa lạ. Nào là VN đứng thứ 02 trong top các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nào là VN lọt vào top 20 quốc gia đáng sống nhất thế giới…. Mà quên đi một điều, người Việt còn đang đứng trong top yếu kém, đóng góp ít nhất cho sự phát triển toàn cầu.

Đặt trong bối cảnh tâm lý đặc thù mê cái nhất đến độ đó, sẽ không khó hiểu về hai công trình khủng, một vừa hoàn thành, một mới sắp khởi công, mà dư luận XH đang ồn ào. Đó là vụ việc một công trình kiến trúc đặt tại Quảng Nam vừa được hoàn thành trên một khuôn viên rộng 15 hecta, với chiều cao 18m, và chiều dài hình cánh cung 120m, được tạc bằng 3000 m3 đá hoa cương. Và tháp truyền hình cao nhất châu Á, tới 636m, nay mai sẽ khởi công.

Công trình kiến trúc này khi mới phác thảo, đã phải chịu không ít điều tiếng. Và cho đến giờ, chuẩn bị khánh thành, điều tiếng dường như vẫn theo em anh thì về, theo em anh thì về….

Nay mai, tháp truyền hình cao nhất châu Á, tới 636 m, sẽ được khởi công, trong xu thế thời đại công nghệ cao, chả mấy quốc gia đeo đuổi để xây dựng loại tháp truyền hình này. Cho dù có là dấu ấn cao ngất của truyền hình nước Việt, cao nhất châu Á, thì cái sự nhập cuộc một cách lỗi thời này, hẳn sẽ chẳng khiến cho ai tự hào, kiêu hãnh.

Những cái nhất, hóa ra lại đo được từng… cm tư duy, trí tuệ của người Việt.

Chặt cây cũng cần có… văn hóa

Câu chuyện đàn dê thông minh đi lạc nhà quan huyện, chuyện hơn 1200 con gà cũng thông minh không kém khi đi lạc vào nhà quan xã, chưa kịp lắng xuống, dư luận XH bỗng ồn ào về chuyện con người hơi... thiếu thông minh khi viết SGK, mà lại để cho Thánh Gióng, người anh hùng làng Phù Đổng nhảy xuống hồ Tây tắm như một người thường, trước khi bay về trời.

{keywords}

Nhưng thiếu minh bạch lại là chuyện Thủ đô HN bất ngờ cùng lúc, chặt đốn và thay thế 6700 cây xanh, trong khi vị đại diện HN lại phát ngôn thẳng thừng đến mức lạ lùng: “Chặt cây xanh HN không phải hỏi dân” (VietNamNet, ngày 17/3)

Khỏi phải nói sức nóng truyền đi trên các trang báo, trang mạng XH những ngày này như thế nào. Đến mức có cảm giác bóng mát của cây xanh HN còn lại cũng không thể làm dịu nổi.

Bởi lẽ cây xanh của HN không chỉ có lợi ích đem lại bóng mát cho t/p, nhất là những ngày hè nóng nực, tiếng ve sầu kêu ran ran, như một bức màn âm thanh kỳ lạ, mà những người đi xa HN hẳn nhớ vô cùng. Cây xanh gắn bó với người HN còn làm nên hồn cốt, vẻ đẹp một thủ đô lâu đời. Có biết bao thơ văn nhạc họa đều có bóng dáng của cây xanh HN đó thôi

Khỏi phải nói, cái tin đó tác động đến thế nào. Và người viết bài này cũng đã bị sốc.

Ngay lập tức, nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Đài THVN viết thư lên t/p chất vấn, và yêu cầu tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?

Cũng ngay lập tức, trên trang mạng XH, GS Ngô Bảo Châu đặt ra những câu hỏi rất hóc búa, rất hóm- những câu hỏi của nhà toán học, hẳn HN rất khó trả lời: Nhiều khu phố, nhà Hà nội xây cất thiếu quy hoạch, phản mỹ quan, liệu có cần ủi đi xây lại không?

Biển quảng cáo kích thước không đồng bộ, có cái khổng lồ, có cái mới treo chồng lên cái cũ, sao không có chiến dịch chế tài, gỡ hết đi cho đỡ nhem nhuốc bộ mặt thành phố?

Hàng nghìn email, comment của bạn đọc dồn dập gửi về các tòa soạn báo góp ý, kiến nghị trước việc làm bất ngờ này. Đủ biết, niềm yêu HN sâu sắc và đáng trân trọng thế nào, cho dù HN còn bao điều bất cập, bao chuyện xô bồ, khiến con người ta thất vọng. Vậy mà vẫn cứ yêu. Hệt cái title một bài viết của một nhà báo trẻ năm nào- Lận đận vẫn yêu!

Chính vì lận đận vẫn yêu, mà người dân HN có cách phản ứng riêng mình chẳng giống ai. Thậm chí, có hai phụ nữ, trèo véo lên một cây xanh trước cửa nhà, mang theo bánh mì, nước trắng ngồi vắt vẻo… cầm cự, để bảo vệ cây xanh “của họ” theo cái cách rất đàn bà. Vừa bất ngờ vừa buồn cười.

Còn một người bố trẻ, đã dắt đứa con trai nhỏ thắt chiếc nơ cho cây trước khi cây bị đốn, để tạm biệt. Bài học tình người- tình cây của người bố trẻ đã khiến cả cộng đồng mạng xúc động. Và người viết bài thì khóc. Cảm ơn tấm lòng một người bố trẻ tuyệt vời. Tin rằng con trai của anh sẽ nên người với tấm lòng người cha như thế.

Nhưng khi cơn giận dữ đã qua, bình tâm, suy ngẫm kỹ, người viết bài thấy rằng, chủ trương trồng lại cây xanh của t/p là một chủ trương cần thiết.

Nếu am hiểu cây xanh ở Thủ đô, phải thấy hiện trạng quy hoạch cây xanh là rất xấu. Phần lớn là cây xà cừ (lim trắng), một loại cây lớn nhanh, cho bóng mát, nhưng rễ rất nông. Vào mùa mưa bão, những cây xà cừ cổ thụ, nếu không được đốn, tỉa bớt cành, sẽ là loại cây dễ đổ hơn cả, rất nguy hiểm cho người lại qua.

Mặt khác, do những hoàn cảnh lịch sử, việc quy hoạch môi trường cây xanh Thủ đô, với tư duy tiểu nông, tùy tiện, nói thẳng, trừ một số con phố trung tâm cây xanh khá đẹp, còn lại các khu phố cũ, phố cổ của HN, cây xanh mọc lổn nhổn, nhiều loại, có cảm giác gặp cây nào trồng cây đó, chẳng có chút thẩm mỹ, hiểu biết, phản chiếu lối sống tùy tiện một thời gian khó.

{keywords}

Không phải vô lý từ thời Pháp, HN phổ biến những loại cây mà sau này trở thành nỗi nhớ, trở thành niềm yêu vĩnh cửu, không phải chỉ rất đẹp mà còn rất bền vững, ít bị sâu mọt như sấu, như me, phượng hồng…

Cách đây 08 năm, người viết bài này đã từng viết một bài trên mục Thư Hà Nội (VietNamNet) nhan đề “Nếu tôi là Thị trưởng”, chỉ để mong ước HN có một quy hoạch cây xanh có con mắt chuyên môn, thẩm mỹ đúng nghĩa, để HN trở nên đẹp hơn, văn minh hơn, theo xu hướng hội nhập hiện đại như nhiều quốc gia tiên tiến khác.

Và vì thế, thì sự trả giá cho lối quy hoạch tùy tiện một thời là dễ hiểu, sự hy sinh bóng mát hiện tại để đổi lấy cái đẹp, cái mát văn minh, quy củ là cần phải chấp nhận. Dù lòng ai cũng rất đau. Anh đau, chị đau, tôi đau, chúng ta đau…

Thế nhưng dự án chặt, đốn 6.700 cây xanh, đã khiến dư luận XH, nhất là ở HN vô cùng lo lắng? Vì sao:

Phải nói thẳng, tâm lý XH thiếu niềm tin, đã khiến người dân sẵn sàng hoài nghi sự “trục lợi” ở bất cứ dự án nào. Nhất là dự án đó lại liên quan đến cây xanh HN, tình yêu của họ, dù họ vốn là những người lận đận vẫn yêu.

Sự mất mát hàng loạt cây xanh là quá lớn, để lại nỗi trống hơ trống hoác cho lòng người và lòng thành phố. Còn trong tương lai, số cây trồng mới, với cung cách làm ăn tùy tiện, cẩu thả như nhiều công trình trước đây thì chưa biết … ra răng, trong khi mùa hè đang ngấp nghé.

Hà Nội là của cả nước, nhưng cũng là của người dân ở HN. Số phận HN, từ cây xanh đến mọi vấn đề hưng vong, suy thịnh của t/p cũng là mối quan tâm, lo lắng hoặc mừng vui của người HN, thì tại sao lại không cần hỏi dân (???).

Chả hóa ra, câu khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chỉ là lý thuyết màu xám.

Sự thiếu minh bạch, khôn mà không ngoan không chỉ trong cách làm đột ngột, bất ngờ, ít có sự truyền thông sâu sắc để người dân thấu hiểu và chia sẻ, mà cả trong cách phát ngôn đã khiến HN mất nhiều hơn được. Dù có thể người dân góp ý chỉ dựa trên cảm tính, và dù HN có những nhà chuyên môn giỏi về quy hoạch môi trường, cây xanh đô thị.

Tuy nhiên, khi sự việc đốn cây xanh để thay thế những loài cây xanh khác, phù hợp với đô thị đã là việc đã rồi, mặc cho sự xót đau, hoài nghi dai dẳng, mặc cho việc ông Chủ tịch t/p tuyên bố tạm dừng công việc này để xem xét, thì rút cục HN vẫn phải trả lời cho người dân bằng chính hiệu quả một đời cây, những đời cây.

Liệu sự quy hoạch cây xanh có đạt tới chuẩn mực, nhất quán, mỗi con phố chỉ một loại cây trồng, để đạt tới vẻ đẹp tinh tế? Liệu sự trồng thay thế những cây mới có bảo đảm hài hòa với cả hàng cây cũ

Liệu số cây đã đốn, trong đó có nhiều cây cổ thụ cho gỗ, số tài sản đó sẽ đi đâu, về đâu? Có cần công khai, minh bạch không? Hay lại dân không cần biết?

Liệu t/p có bảo đảm sự giám sát, kiểm tra chất lượng trồng lại cây xanh theo tiêu chí quy hoạch môi trường, để không có hiện tượng khoán trắng, khoán gọn, rút cục cây chết mặc cây, tiền ông bỏ túi?

Đó cũng mới là chặt cây… có văn hóa, như ý kiến một thầy giáo viết trên mạng.

Xã hội nào, đô thị nào cũng phải dựa vào dân mới có thể vững mạnh. Cả hai vụ việc, dựng tượng đài và chặt cây xanh, dường như chẳng cần hiểu dân nghĩ gì, mong muốn gì. Mới hiểu lòng dân vì sao nổi giận

Kỳ Duyên