Một xã hội lý tưởng là nơi mà người dân trao quyền cho Nhà nước thực hiện những việc có lợi nhất cho xã hội. Ngược lại, Nhà nước hiểu rõ vai trò của mình là phục vụ chứ không phải là cai trị.

>> 10 câu hỏi của GS Ngô Bảo Châu về chặt cây xanh ở Hà Nội

>> Hà Nội đã chặt hạ xong cây trên một số đường

>> 'Chặt cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân'

>> Đốn cây, đừng đốn sự minh bạch

Thử tưởng tượng một ngày kia, bạn thức dậy và thấy toàn bộ cây xanh của thành phố đã biến mất. Không ai hỏi ý kiến hay thông báo với bạn. Đơn giản, việc đốn cây là thực hiện chức năng của chính quyền với thành phố. Thậm chí, một vị quan chức nọ còn cho rằng “bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì”, và rằng “chặt cây xanh HN không phải hỏi dân.”

Lúc đó, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy chính quyền không tôn trọng quyền của bạn và có ý kiến. Đứng trước dư luận, chính quyền quyết định dừng dự án đốn cây và buộc cơ quan cấp dưới phải công khai thông tin.

Nhưng hãy thử tiếp tục tưởng tượng, ngày hôm sau bạn thức dậy và thấy trong thùng thư nhà mình cả “núi” đơn yêu cầu cho ý kiến từ chính quyền. Hằng ngày, chính quyền phải giải quyết vô số công việc và rất nhiều vấn đề trong đó có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Vì chính quyền đã có kinh nghiệm về phản ứng của dư luận trong dự án đốn cây, do đó họ quyết định sẽ hỏi ý kiến của người dân trong mọi vấn đề để tránh gặp phản ứng.

Chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy rất phiền phức và dần dần, sự tham gia của bạn vào công việc của chính quyền qua hình thức ý kiến chỉ còn mang tính qua loa, hình thức.

Không ai thực sự hưởng lợi trong cả hai câu chuyện trên.

Người viết chỉ muốn mượn câu chuyện ví von trên để bàn về sự kiện chặt cây xanh đang rất được quan tâm tại Hà Nội. Khoan bàn đến cách đặt vấn đề thiếu tinh tế, nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy có nhiều điều đáng bàn sau phát ngôn “gây sóng” vừa rồi.

Quả thực, một xã hội chỉ có thể phát triển nếu người dân tin tưởng giao cho chính quyền sự tự chủ nhất định trong việc ra quyết định và thi hành quyết định. Những quyết định có thể ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt của nhiều người, nhưng lợi ích của chúng về dài hạn, tổng thể là tốt. Nếu buộc chính quyền phải đi tìm sự đồng thuận từ mọi người dân cho mọi vấn đề thì  sẽ là một chính quyền bất lực.

Nhưng ở chiều ngược lại, đã có không ít thể chế lợi dụng cái cớ phát triển kinh tế và sự linh hoạt của chính quyền để độc đoán thực hiện những biện pháp hành chính. Đa phần các thể chế kể trên sẽ dần trở nên xa rời quần chúng và không còn thực sự đại diện cho người dân nữa.

Những mâu thuẫn, khúc mắc ấy hoàn toàn có thể giải quyết nếu giữa chính quyền và người dân có được một kênh thông tin trao đổi hiệu quả, đó chính là pháp luật minh bạch, rõ ràng.

{keywords}

Nhiều tuyến phố nằm trong danh sách có cây bị chặt hạ, lực lượng làm nhiệm vụ đã "khai tử" xong những cây... thiếu may mắn. Ảnh: Kiên Trung

Một xã hội lý tưởng là nơi mà người dân trao quyền cho Nhà nước thực hiện những việc có lợi nhất cho xã hội. Ngược lại, Nhà nước hiểu rõ vai trò của mình là phục vụ chứ không phải  cai trị. Luật lệ của xã hội lý tưởng đó cũng quy định rõ ràng, minh bạch, hợp lý khi nào thì chính quyền được linh hoạt trong quản lý xã hội, và khi nào thì người dân phải được quyết định trực tiếp. Người dân giám sát và đánh giá kết quả những việc làm của Nhà nước thông qua lá phiếu bầu. Chính cơ chế kiểm soát và minh bạch như vậy sẽ giúp một xã hội tránh được những tranh cãi không đáng có hay những phát ngôn gây sốc.

Người viết cũng hoàn toàn đồng tình với quan điểm của tác giả Nghiêm Hoa trong bài viết Đốn cây, đừng đốn sự minh bạch (Tuần Việt Nam, 18/3) khi cho rằng nếu người dân Hà Nội có điều kiện tiếp cận thông tin rõ ràng hơn, minh bạch hơn về dự án thay thế cây xanh thì những tranh cãi vừa qua sẽ là không đáng có. Suy cho cùng, người dân chỉ có thể đưa ra một quyết định sáng suốt nếu như họ được thông tin đầy đủ.

Nửa đầu thế kỷ 20 ở Mỹ Latin chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy (populism), nơi mà các lãnh đạo xây dựng địa vị bằng cách làm theo ý quần chúng để lôi kéo họ hơn là bằng các quyết định, chính sách khôn ngoan. Hậu quả là khi các vị lãnh đạo này thoái vị thì nền kinh tế của Mỹ Latin cũng đi xuống. Cuối cùng thì Mỹ Latin được biết đến như là "mảnh đất của những hứa hẹn nhưng không bao giờ thành hiện thực

- Trích cuốn Left Behind, Latin America and the False Promise of Populism, tác giả Sebastian Edwards.

Mặt khác, để người dân được quyền tham gia và quyết định những vấn đề hệ trọng cũng không làm mất đi tính linh hoạt của chính quyền. Hiểu rằng dân chủ nghĩa là chính quyền phải luôn làm theo dư luận là sai lầm. Bản thân người viết tin rằng một chính quyền dân túy, lúc nào cũng chỉ đi theo yêu cầu của số đông là một chính quyền không hiệu quả.

Một chính quyền tốt là một chính quyền biết đặt lợi ích của xã hội lên đầu, bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số nhưng cũng dám dũng cảm đứng ra bảo vệ, chịu trách nhiệm trước dư luận về những quyết định của mình nếu chúng đúng đắn. Chính quyền nợ người dân những quyết định có trách nhiệm và sự minh bạch của mình, chứ không phải chỉ chằm chặp đi theo ý kiến số đông. 

Xã hội lý tưởng đó có quá xa vời không? Hoàn toàn không.

Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để tiếp cận được sự lý tưởng trong quản lý xã hội bằng việc thông qua luật về trưng cầu ý dân và quyền tiếp cận thông tin của người dân. 

Được tiếp cận với thông tin giúp người dân thấu đáo hơn khi nhìn nhận vấn đề, tránh tình trạng “một mất mười ngờ”, suy đoán và nghi ngờ những việc làm của chính quyền là tư lợi.  Nó cũng là kênh thông tin để chính quyền có thể giao tiếp với dân về những chính sách của mình.

Còn trưng cầu ý dân là chìa khóa để người dân được trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề thiết thân. Mặc khác, nó còn giúp chính quyền hoạch định và dự báo được phản ứng của dư luận đối với những việc làm của mình. Sẽ rất đáng tiếc nếu như chúng ta tiếp tục duy trì tình cảnh chủ trương, dự án triển khai nhưng vấp phải dư luận thì lại phải rà soát từ đầu. Như vậy vừa lãng phí tiền bạc, thời gian, vừa làm giảm đi sự linh hoạt và mạnh dạn của chính quyền.

Cần phải hiểu rằng tiếp cận thông tin và trưng cầu ý dân không phải là trói tay Nhà nước. Mà trái lại, nó chính là biện pháp phòng tránh những hiểu lầm, tranh cãi giữa Nhà nước và dư luận xã hội.

Đây là việc làm đúng đắn để những vụ việc “nổi sóng” như ở Hà Nội gần đây sẽ chỉ còn là quá khứ.

Lê Nguyễn Duy Hậu

Cuối tháng 2 vừa qua, dự thảo luật Trưng cầu ý dân được đưa ra UB Thường vụ QH lấy ý kiến lần đầu tiên, với yêu cầu có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Hội Luật gia Vđược giao chủ trì xây dựng luật này, dự kiến trình QH tại kỳ họp tháng 5 tới và biểu quyết tại kỳ họp cuối năm nay.

Tờ trình của cơ quan soạn thảo nêu rõ: Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, do chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân dù đã được hiến định.

- 'Trưng cầu phải đúng là ý dân', VietNamNet, 25/02/2015.