Giữa bộn bề những “sự đe dọa” từ phía TQ, “mối nguy” từ các nước láng giềng đang trỗi dậy… thì vụ IS sát hại 2 con tin Nhật Bản như một chất xúc tác với cỗ máy quân sự đã bắt đầu khởi động.
>> Nhật - Ấn bắt tay làm tàu ngầm: Ác mộng của TQ?
>> Nhật tăng chi quốc phòng ‘chưa ăn thua’
Sự kiện hai con tin người Nhật bị chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) sát hại ngày 1/2 vừa qua là một sự kiện bi thảm gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một đòn choáng váng, đồng thời là thách thức chính trị lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhưng, với những “cái đầu lạnh” của các chính trị gia, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Nếu nhìn ở một góc độ khác, trong bối cảnh khi Nhật Bản đang “trở lại” về mặt quân sự trên trường quốc tế, thậm chí đây còn là nguyên cớ để Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe gia tăng sức mạnh quốc phòng.
Vụ hành quyết con tin người Nhật Bản đã làm dấy lên những căm phẫn. Ảnh: Reuters |
Những động thái mới
Nhật Bản vốn được coi là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Suốt từ đó đến nay, chưa hề xảy ra một vụ khủng bố nghiêm trọng nào ví dụ như đánh bom hay xả súng, chứ đừng nói gì tới những vụ ngang tầm với vụ 11/9 tại Mỹ, hay những vụ tấn công khủng khiếp tại các nước châu Âu, Indonesia… Nhưng ngay sau khi nhận được tin các con tin đã bị giết hại dã man, Chính phủ Nhật Bản lập tức triển khai một loạt chính sách mới.
Ngày 3/2, Nhật Bản tuyên bố thành lập lực lượng chuyên trách chống khủng bố, siết chặt các biện pháp bảo vệ công dân Nhật cả trong lẫn ngoài nước.
Tiếp đó, ngày 4/2, tại phiên họp Hạ viện, Thủ tướng Abe nhận toàn bộ trách nhiệm về phía mình với tư cách là người đừng đầu đất nước và tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong cuộc chiến chống khủng bố. Đồng thời, trong phiên họp tiếp theo ông Abe đề nghị hai viện Quốc hội xem xét lại những bộ luật liên quan đến an ninh - quốc phòng, trong đó làm mới một bộ luật không thời hạn cho phép cử lực lượng phòng vệ nước này tham gia các hoạt động quân sự tại nước ngoài.
Đặc biệt, hôm 5/2, Hạ viện Nhật Bản tiến hành phiên họp toàn thể, đưa ra một nghị quyết với 100% phiếu thuận, trong đó cực lực lên án hành vi vô nhân đạo của IS và nhấn mạnh: “những hành vi này là không thể chấp nhận cho dù với bất kỳ mục đích nào, lý do nào. Nhật Bản kiên quyết phản đối mọi hành vi khủng bố, không cho phép xảy ra khủng bố, kiên trì chính sách chống khủng bố…”
Điều đáng chú ý là Nghị quyết này nhấn mạnh: “yêu cầu Chính phủ Nhật Bản mở rộng viện trợ dành cho các nước Trung Đông – Châu Phi, tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố, triển khai những bước cần thiết để bảo vệ công dân Nhật Bản cả trong và ngoài nước”.
Ngay sau khi Nghị quyết này được thông qua, Ngoại trưởng Kishida tuyên bố: “Nhật Bản không khuất phục trước khủng bố. Chính phủ Nhật Bản sẽ thực thi đầy đủ Nghị quyết của Hạ viện”.
Cơ hội ngàn năm một thuở
Có thể nói Nghị quyết này thể hiện một sự đồng thuận trong chính giới Nhật Bản và thái độ cứng rắn chưa từng có của nước này. Bởi, đây không phải là lần đầu tiên công dân Nhật Bản bị các tổ chức cực đoan quốc tế giết hại. Tháng 10/2004, khi Nhật Bản mới cử quân tham gia các hoạt động của Liên quân Anh – Mỹ tại Iraq, một thanh niên Nhật Bản cũng đã bị Tổ chức có tên “Al Qeada thánh chiến Iraq” hành quyết. Nhưng đối sách của Chính phủ Nhật Bản lúc đó cũng không quyết liệt như hiện nay.
Sự đồng thuận và cứng rắn chưa từng có này vô hình trung đã mở ra một cơ hội lớn cho Chính phủ của Thủ tướng Abe trong tiến trình gia tăng sức mạnh quân sự. Có thể thấy, ông Abe thuận lợi hơn rất nhiều so với các Thủ tướng theo đường lối cứng rắn khác của Nhật Bản trước đây. Giữa bộn bề những “sự đe dọa” từ phía Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo, “mối nguy” từ các nước láng giềng đang trỗi dậy với các vụ bắt cóc, câu lưu công dân Nhật Bản… thì vụ IS sát hại hai con tin Nhật Bản lần này như một chất xúc tác đối với cỗ máy quân sự đã bắt đầu khởi động.
Và, như chúng ta đã biết, ngày 14/1 vừa qua Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tăng Ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2015 thêm 2% lên mức 4980,1 tỷ Yên (khoảng 42 tỉ USD). Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, nhưng để thực hiện yêu cầu của Quốc hội, việc Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tăng thêm ngân sách quốc phòng cho các năm tiếp theo, thậm chí yêu cầu chi phí phát sinh cho năm tài chính 2015 này chắc cũng sẽ nhận được sự thông cảm từ người dân, cũng như giới chính trị.
Mặt khác, trước những thách thức đang nổi lên cũng như những thay đổi của cán cân quân sự trong khu vực, Nhật Bản đang cần một chính sách an ninh linh hoạt, quyền biến hơn. Trong bối cảnh đó, sự kiện sát hại con tin lần này là một minh chứng về sự cần thiết, tất yếu của việc mở rộng quyền hạn về quân sự của Chính phủ Nhật Bản hiện nay.
Nó cũng hoàn toàn có khả năng trở thành yếu tố thúc đẩy Quốc hội Nhật Bản tăng tốc tiến trình sửa đổi Hiến pháp theo hướng cho phép nước này tham gia chiến tranh. Mặc dù hiện nay còn có một vài ý kiến phản đối, nhưng trước những nguy cơ có thật mang hình hài cái chết của công dân Nhật tại nước ngoài, những ý kiến này sẽ như “ném đá ao bèo”.
Cuối cùng, xin nhấn mạnh, vụ khủng hoảng con tin lần này có khả năng sẽ trở thành động lực giúp Thủ tướng Abe hiện thực hóa kế hoạch đang được thực hiện rất bài bản nhưng vẫn thiếu chất xúc tác của mình. Và những bước tiếp theo đây của ông Abe đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng quốc tế. Nó cũng là những gì thế giới cần trong cuộc đấu tranh chống khủng bố đầy cam go, muôn mặt hiện nay.
Tuấn Nhật