Với đề xuất khá hấp dẫn của New Delhi, Tokyo đã có cơ hội để trả “mối thù”. TQ có lý do để lo lắng trước những diễn biến vũ trang quanh mình.

>> Mỹ - Ấn ‘đảo chiều’ và thế trận đối phó Putin

>> Mỹ - Ấn đáp trả ‘tập kích sân sau’ của TQ

>> Biển Đông: Cần thế 'chân vạc' Mỹ-Ấn-Nhật?

Thực hiện chiến lược “Make in India”

Truyền thông Ấn Độ ngày 29/1 đưa tin chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã đề xuất Tokyo ‘cân nhắc khả năng’ sản xuất tại Ấn Độ loại tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu mới nhất của Nhật Bản. Đề xuất trên nằm trong khuôn khổ dự án “Project 75” của Ấn Độ nhằm sở hữu 6 chiếc tàu ngầm diesel – điện để thay thế cho hạm đội Hải quân đã suy yếu vì quá “già” và gặp nhiều tai nạn. Dự án này đã ra đời từ năm 2007, tuy nhiên nhiều lần bị trì hoãn.

Ngay khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi đã đặt trọng tâm nhiệm kỳ là chiến dịch “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) và tìm cách phát triển một ngành sản xuất thiết bị quốc phòng hùng mạnh trong nước.   

Tháng 10/2014, Hội đồng Mua bán Quốc phòng Ấn Độ đã thông qua đề xuất chế tạo 6 tàu ngầm diesel-điện trong nước với chi phí khoảng 8,1 tỷ USD và toàn bộ phải được chế tạo tại một xưởng đóng tàu của Ấn Độ theo sáng kiến “Make in India”. Chúng sẽ được trang bị tên lửa tấn công mặt đất và hệ thống động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP) để kéo dài khả năng hoạt động dưới nước.

Bên cạnh Nhật Bản còn có nhiều công ty từ các nước khác như Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha… muốn cạnh tranh để có được hợp đồng thực hiện dự án Project 75.  

{keywords}

Một tàu ngầm Soryu của Nhật Bản. Ảnh: U.S. Navy

Khả năng cạnh tranh cao

Đối với Nhật Bản, đề xuất của Ấn Độ được đưa ra đúng lúc Tokyo đang tìm cách gia nhập thị trường vũ khí toàn cầu sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí ra nước ngoài mà họ tự áp đặt trong nhiều thập kỷ qua. Trước đó, Nhật Bản cũng đã thảo luận việc bán cho Ấn Độ các máy bay lội nước cứu hộ trên biển ShinMaywa US-2.  

Tokyo đặc biệt muốn tham gia thị trường tàu ngầm toàn cầu, vốn hiện đang bị các nước như Nga, Pháp và Đức chế ngự. Các chuyên gia phân tích quốc phòng tin rằng tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản sẽ có khả năng cạnh tranh cao với các đối thủ Nga, Pháp và Đức. Với trọng tải 4.200 tấn, tàu ngầm lớp Soryu lớn hơn cả tàu ngầm lớp Type 214 của Đức và loại Scorpene của Pháp, hay tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Soryu có thể mang nhiều vũ khí hơn. Quy mô lớn cũng giúp Soryu chạy êm hơn và xa hơn các loại tàu khác trên thị trường. Ngoài ra, với mức giá dự kiến hiện nay khoảng 500 triệu USD, chiếc Soryu kể ra không đắt hơn nhiều lắm so với các loại tàu ngầm khác.

Nhật Bản cũng đang trong quá trình thương thảo với Australia – đảo quốc ở đầu kia của Ấn Độ Dương - về một chương trình bán 12 chiếc tàu lớp Soryu này.  

Ác mộng của TQ?

Project 75 cũng là một phần của chương trình hiện đại hóa hải quân quy mô lớn của Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi lo ngại trước hoạt động của tàu ngầm TQ tại Ấn Độ Dương. Đại dương này vốn được Ấn Độ coi là “sân sau chiến lược” của mình và New Delhi rất nhạy cảm trước bất kỳ sự chuyển dịch dù nhỏ nhất trong cán cân quyền lực hải quân.  

Chỉ vài tháng sau một cuộc đối đầu giữa binh sĩ hai nước dọc biên giới đang tranh chấp trên dãy Himalaya đúng lúc Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thăm Ấn Độ, Bắc Kinh đã đưa tàu ngầm tới thăm Sri Lanka – quốc đảo nhỏ ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Ấn Độ. Họ còn tăng cường quan hệ với quần đảo Maldives trên Ấn Độ Dương. Các hành động này cho thấy thái độ quyết đoán của Bắc Kinh trong việc tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương, nơi 4/5 lượng dầu nhập khẩu của TQ phải đi qua.

Trước tình hình đó, New Delhi buộc phải tỏ rõ quan điểm cứng rắn và xúc tiến việc nâng cấp các năng lực của Hải quân vốn đã xuống cấp với một hạm đội có tuổi thọ 30 năm. Cựu Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Arun Prakash cho biết, Ấn Độ lo lắng về sự yếu kém của hạm đội tàu ngầm nước mình, nhưng “càng lo ngại hơn trong bối cảnh TQ chuyển hướng xuống chúng ta, như cách họ đã làm ở dãy Himalaya, tại Biển Đông và giờ là Ấn Độ Dương”.

Bản thân Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng số tàu ngầm tấn công diesel-điện từ 16 lên 22 trong thập kỷ tới. Nhiều năm qua, TQ đã tỏ ra vượt trội trong việc phản đối Nhật Bản. Nhưng giờ đây, với đề xuất khá hấp dẫn của New Delhi, Tokyo đã có cơ hội để trả “mối thù” này. TQ có lý do để lo lắng trước những diễn biến vũ trang quanh mình.

Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để nói đến việc Hải quân Ấn Độ sẽ sử dụng loại tàu ngầm này. Có thể trong vòng hai năm tới, Ấn Độ vẫn chưa quyết định chọn đối tác trong dự án, và phải mất 7-8 năm sau đó, chiếc tàu ngầm đầu tiên mới có thể được hạ thủy.

Thực tế là từ đầu những năm 1960, Ấn Độ đã thảo luận về tiềm năng của các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng việc phát triển chương trình tàu ngầm công nghệ tiên tiến (ATV) này chỉ được bắt đầu vào năm 1984. Tháng 7/2009, Ấn Độ đã khởi động việc chế tạo chiếc tàu ngầm ATV đầu tiên của chính mình, mang tên INS Arihant.

{keywords}

Tàu ngầm INS Arihant của Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tương quan lực lượng

Hải quân Ấn Độ hiện chỉ có 14 tàu ngầm diesel cũ và một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Akula. Chỉ một nửa trong số này đang hoạt động vì những chiếc còn lại đang phải bảo trì, sửa chữa. Năm 2014, một trong số tàu ngầm này đã phát nổ gây cháy và chìm khi đang neo tại cảng Mumbai.

Trong khi đó, TQ có tới 60 tàu ngầm thông thường và 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong đó có ba chiếc được trang bị vũ khí hạt nhân.

Chưa hết, trong khi Ấn Độ có kế hoạch xây dựng một lực lượng Hải quân với 150 tàu, trong đó có hai hàng không mẫu hạm, thì TQ dự kiến đưa 800 tàu vào phiên chế hạm đội hải quân của mình!

Nhìn vào tương quan lực lượng không cân xứng trên, các chuyên gia nhận định sẽ không xảy ra một cuộc chiến tranh hải quân giữa hai nước này. Tuy nhiên, ông David Brewster, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Ấn Độ sẽ làm mọi cách có thể để giành vai trò chế ngự Ấn Độ Dương. Họ có thể tìm cách hợp tác với Nhật Bản và Australia, mở rộng căn cứ quân sự trên quần đảo Andaman.

Ấn Độ cũng đã lao vào một dự án cảng nước sâu trị giá 8 tỷ USD mà Bangladesh muốn xây dựng tại Sonadia, trên Vịnh Bengal mà một công ty của TQ đang là ứng cử viên sáng giá. Về việc này, ông Brewster nhận định, nếu TQ tiếp tục cuộc đua này và tiếp tục sự hiện diện của mình tại Ấn Độ Dương, thì người Ấn Độ sẽ cảm thấy “cần đáp trả”.

Tham vọng biển của Ấn Độ

Khu vực hoạt động của Hải quân Ấn Độ bao gồm biển Arab, Ấn Độ Dương và vịnh Bengal. Các vùng biển này là nơi giao nhau của nhiều hải trình (SLOC) và hiểm lộ trên biển. 97% lượng hàng hóa trao đổi với nước ngoài của Ấn Độ và 60% trao đổi năng lượng, thương mại trên biển được vận chuyển qua các “nút cổ chai” chiến lược này.  

Kết quả là một trong các nhiệm vụ cơ bản của Hải quân Ấn Độ liên quan đến việc thiết lập sự kiểm soát trên biển nhằm bảo vệ các SLOC có vai trò sống còn này. Trước đây, Hải quân Ấn Độ tập trung chú ý tới sự phát triển của Hải quân Pakistan. Nhưng dần dần, sự chú ý này đã hướng về Hải quân TQ, điều này đã được thể hiện trong Học thuyết Biển mà Ấn Độ mới công bố.

Tài liệu trên nhấn mạnh các lời kêu gọi trước đó về một năng lực răn đe mạnh hơn chống lại sự can thiệp của các lực lượng hải quân nước ngoài. Với suy nghĩ này, Ấn Độ đã hiện đại hóa hạm đội của mình và tiếp tục quan tâm đến việc mua các tàu ngầm diesel và có khả năng tấn công hạt nhân, xây dựng hai nhóm tàu sân bay, và phát triển các tên lửa hành trình mới.

Các tham vọng về một khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Ấn Độ đã được biết đến vào năm 1998. Sau khi tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân, chính phủ nước này đã tuyên bố khả năng “răn đe hạt nhân tối thiểu” (MND) trong tương lai có thể dựa trên bộ ba gồm một sự kết hợp của không quân, hải quân và các lực lượng trên bộ.

Học thuyết biển Ấn Độ đã làm rõ hơn tuyên bố này bằng việc kêu gọi thành lập một MND trên tàu ngầm. Bộ ba này có thể được hoàn thiện khi chương trình ATV của Ấn Độ kết thúc thành công, cộng với việc thuê các tàu ngầm hạt nhân, hoặc có thể là tăng cường mua các tàu ngầm trang bị hệ thống AIP./.

Anh Thư

*Bài viết tham khảo thông tin trên một số tờ: Nationalinterest, Reuters, The Diplomat, Nti.org, Ibtime...