Có một ông giám đốc sở tiết lộ bí quyết tại vị: Ông đề xuất tới 4-5 ông phó của mình vào vị trí kế cận ông. Rút cục các “phó tướng” mải đánh nhau, còn một mình ông vẫn… hưởng.
Câu chuyện “lạm phát cấp phó”, “lạm phát thứ trưởng” một lần nữa lại “nóng” lên trong và ngoài hành lang kỳ họp QH lần này, nhất là khi thảo luận dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị cần quy định “cứng” ngay vào trong luật là mỗi bộ chỉ có 3-4 thứ trưởng chứ không thể để tình trạng “lạm phát”, có bộ lên tới gần 10 thứ trưởng.
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường còn than: “Bộ tôi có bốn thứ trưởng mà bố trí đi họp không đủ”!
Vô lý và có lý?
Kết quả của nhiều đợt cải cách là những năm gần đây, số cấp phó tăng đột biến, mọi cơ quan ban ngành đều coi đó như là cái lẽ đương nhiên.
Không ai thấy sự phiền hà, tốn kém, vô lý của cái cơ chế “phó chồng phó” như hiện nay.
Ảnh minh họa: Dân Việt |
Nhìn vào lịch sử, có lẽ, cách bố trí nhiều cấp phó sớm nhất ở… Trung Quốc. Từ thời cổ đại, vua đã có hai cấp ‘phó’ là tả thừa tướng và hữu thừa tướng. Bằng chứng này thể hiện rõ hơn trong bàn cờ tướng – nếu chúng ta nhất trí với Zbignew Brzezinsky rằng, chính trị nhiều khi giống với một cuộc cờ: Tướng (tức là vua) có hai cấp phó theo sát như hình với bóng là hai quân sĩ. Đối lập với cờ tướng là cờ vua của phương Tây: Trong cờ vua, vua chỉ có một cấp ‘phó’ (tạm coi là vậy) duy nhất là quân hậu(!)
Cái “lý” của nhiều cấp phó biết đâu lại chẳng đến từ một thành ngữ (sai lầm) từ xa xưa: Ba anh thợ da bằng một Gia Cát Lượng? Người ta nghĩ rằng đối với những quyết định khó khăn, nhiều cấp phó là một lựa chọn tốt khi tập thể lãnh đạo ‘càng đông càng vui’ tìm kiếm giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, ba anh thợ da hay chín anh đi nữa thì trong nhiều trường hợp… da vẫn hoàn da mà thôi. Napoléon đã đoan chắc điều này: “Một triệu kẻ dốt nát không thể có một thiên tài và, một triệu kẻ hèn nhát chẳng thể nào có được một quyết định dũng cảm”.
Tinh giản nhất là ít xấu nhất
Vấn nạn lạm phát các loại phó tạo ra vô số hệ lụy.
Thứ nhất, đã bao giờ ở những cơ sở, những đơn vị công tác, những người có trách nhiệm chịu nghĩ thêm một chút rằng để chiều hai ông phó đã tội lắm rồi; vậy mà còn đẻ thêm 3-4 vị nữa để làm gì? Chiều ông A, ông E ghét; làm vừa lòng ông D, ông H để ý, trù dập...
Thứ hai, giả sử trong một trường đại học, đã có trưởng phòng đào tạo, tại sao lại sinh thêm cái chức phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo? Một trong hai quan chức trên mặc nhiên là…. thừa. Nếu biện giải rằng phó hiệu trưởng có tầm nhìn vĩ mô thì xin thưa rằng cái lý đó sai bét sai be: Bộ GD-ĐT quy định trưởng phòng ĐT của một trường ĐH bắt buộc cũng phải có học vị TS. Vậy tại sao phải có thêm một phó hiệu trưởng cũng phụ trách ĐT, cũng có học vị TS hệt như vị kia?
Thứ tư, sự tốn kém về thời gian vì việc gì cũng phải qua nhiều cửa là cái lẽ đương nhiên. Đó là chưa tính đến các tốn kém về tiền của, trang bị... Một bộ máy quản lý gọn gàng, tinh giản nhất là bộ máy ít xấu nhất.
Thứ năm, một bộ máy mà có 4-5 ông phó thì việc ganh đua để được lòng quan trưởng sẽ rắc rối và tai họa như thế nào. Ganh đua là một từ quá nhẹ. Thực tế, là bộ máy đó rất dễ mất đoàn kết, nội bộ lục đục thường xuyên, vì tính hợp tác của người Việt rất kém. Và thêm nữa, là sự chen chúc nhau trên con đường hoạn lộ.
Có một ông giám đốc sở tiết lộ bí quyết tại vị: Ông đề xuất tới 4-5 ông phó của mình vào vị trí kế cận ông. Rút cục các “phó tướng” mải đánh nhau, còn một mình ông vẫn… hưởng.
Trong khi cũng có những cơ quan, đơn vị DN, chỉ có một cấp phó, mà chưa hề xảy ra lỗi điều hành. Và công việc, guồng máy vẫn chạy đều.
Vậy thì giữa đơn vị một vài cấp phó, với đơn vị nhiều cấp phó, đơn vị nào nội tình dễ hanh thông hơn đơn vị nào?
Câu chuyện quản lý sẽ còn tiếp tục “rối” ra sao, nếu như Nhà nước, các bộ, ngành không điều chỉnh ngay lập tức theo đề xuất của QH khi sửa luật tổ chức lần này? Đó là mạnh dạn quy định cứng số lượng cấp phó, mạnh dạn giao việc cho vụ, cục.. chuyên môn. Vì nếu không sửa, thì rất có thể Kỳ họp QH năm sau lại bàn tiếp…
- Hà Văn Thịnh