Nếu cho rằng công ty này cố tình vi phạm, câu hỏi đặt ra là tại sao một công ty có nguồn chất thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng lại không bị các cơ quan quản lý môi trường phát hiện và xử lý?
>> Nhẫn tâm và vô cảm - bệnh mãn tính?
>> Lương khủng, chất độc khủng và... tha hóa khủng
Dư luận xã hội đang tiếp tục ồn ào, giận dữ xung quanh vụ việc Công ty Nicotex Thanh Thái đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa chôn "Hàng tấn thuốc trừ sâu vào lòng đất" (Báo Lao động, ngày 30/8/2013). Đỉnh điểm của vụ việc là người dân vượt tường vào nhà máy tìm bằng chứng, chặn xe tải nghi chở thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đi nơi khác phi tang.
Nếu những điều người dân tố cáo là đúng, thì Nicotex Thanh Thái đã vi phạm nghiêm trọng luật Bảo vệ môi trường, gây ra những hệ lụy không phải trước mắt mà có tính lâu dài và nguy hiểm.
Thuốc BVTV và những tác động
Thuốc BVTV được sử dụng với mục đích ngăn ngừa, kiểm soát hoặc loại trừ các loại sâu bệnh đối với cây trồng. Có nhiều loại thuốc BVTV như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, trừ bệnh... Do thành phần thuốc BVTV có chứa một số nhóm độc chất với mục đích nêu trên, nên được xem là một nhóm độc chất đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Thuốc BVTV có nguồn gốc từ các chất vô cơ, hữu cơ hoặc chiết suất sinh học, thường có độ độc từ nhóm I đến nhóm IV và gồm có hai thành phần chính là các hoạt chất có hoạt tính sinh học (active ingredient) và các tạp chất.
Các loại thuốc BVTV thường có thời gian tồn lưu lâu dài trong môi trường (từ 01 đến 10 năm), đặc biệt là những chất có gốc hữu cơ mạch vòng chứa nhóm chất Chlo. Trong lịch sử, thuốc phát quang thực vật do quân đội Mỹ rải xuống nước ta (hay còn gọi là chất độc màu da cam) đã nói lên điều đó.
Với độc tính và thời gian tồn lưu lâu như thế, nên quá trình sản xuất và sử dụng thuốc BVTV được quy định nghiêm ngặt. Những loại thuốc có độc tính cao, tác động nghiêm trọng đến con người và môi trường đã bị cấm sử dụng như DDT, Arsenic compound, Heptachlor, Isobenzen, Hexachlorobenzene,... Ở nước ta, 28 loại thuốc BVTV có độc tính nguy hiểm đã bị cấm sử dụng.
Cả thùng phi chứa thuốc bảo vệ thực vật chôn sâu dưới đất. Ảnh: Gia Anh/ Infonet |
Hầu hết các loại thuốc BVTV đều có tác động đến con người và động vật. Đường xâm nhập chủ yếu qua da, qua đường hô hấp, qua mắt hoặc qua đường ăn uống. Chính vì thế, những nhà sản xuất phải tính toán liều lượng và nồng độ sử dụng phù hợp, hạn chế dư lượng các chất độc hại tồn lưu và phát tán ra ngoài môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, một lượng độc chất từ thuốc BVTV vẫn tồn dư và đi vào môi trường. Các nguồn tiếp nhận chính là đất, nước ngầm, nước mặt, không khí. Các độc chất sẽ tích tụ trong đất, trong nước, thâm nhập vào các mô tế bào của thực vật và các mô mỡ của động vật nước, qua con đường ăn uống thâm nhập vào con người.
Khi các độc chất thâm nhập vào cơ thể con người, sẽ gây nhiễm độc cấp tính hoặc tích tụ dần dần gây nhiễm độc mãn tính. Các chất độc sẽ tác động đến hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn (máu, tim mạch), hệ tiêu hóa, hệ sinh sản và các bộ phận như mắt, da, thận.
Các triệu chứng lâm sàng thường thấy gồm: Rối loạn thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên dẫn đến tổn thương não, liệt, hôn mê; gây thiếu máu, xuất huyết máu, giảm bạch cầu; viêm đường hô hấp, suy hô hấp cấp; viêm da, mụn nhọt, rụng tóc; nhiễm độc cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim; viêm dạ dày, viêm gan; viêm mắt; viêm thận; giảm chất lượng tinh trùng;...
Chính vì những tác động nêu trên, việc sản xuất và sử dụng thuốc BVTV được quy định nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng đến con người và môi trường sống.
Vi phạm pháp luật
Theo những thông tin từ các cơ quan chức năng, cùng với chứng cớ người dân cung cấp và chứng cớ hiện trường cho thấy, Nicotex Thái Thanh đã vi phạm về công tác quản lý thuốc BVTV và công tác bảo vệ môi trường.
Thông tư số 38/2010/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành "Quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật", việc tiêu hủy thuốc BVTV (do kém chất lượng, quá thời hạn sử dụng,...) phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (khoản 2, điều 34).
Các chất thải của Nicotex Thái Thanh thuộc nhóm chất thải nguy hại được quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT quy định về "Quản lý chất thải nguy hại", bao gồm: Các hóa chất bảo vệ thực vật vô cơ; chất thải từ quá trình sản xuất sản xuất, chế biến, cung ứng các sản phẩm thuốc BVTV; chất thải từ việc sử dụng các hóa chất nông nghiệp (hóa chất BVTV và diệt trừ các loài gây hại).
Khoản 2, điều 73 của Luật Bảo vệ môi trường (2005) nêu rõ: "Chỉ những tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và mã số hoạt động mới được tham gia xử lý chất thải nguy hại".
Tuy nhiên, việc người dân chỉ ra những khu vực chôn những thùng phuy đựng thuốc BVTV cũng như sự xác nhận của ông Nguyễn Đình Thống - giám đốc công ty và ông Nguyễn Đức Việt - (cựu giám đốc công ty thời kỳ 1997-2005) là đã có chôn "thuốc trừ sâu" (Báo Lao động, ngày 01/9/2013 và 03/9/2013). Điều đó có nghĩa là Nicotex Thái Thanh đã tự chôn chất thải nguy hại.
Chắc chắn rằng, Nicotex Thái Thanh không có giấy phép thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
Đồng thời những khu vực chôn "thuốc trừ sâu" của công ty cũng không phải là khu vực được phép xử lý, tiêu hủy và chôn lấp chất thải độc hại. Như vậy, công ty này đã vi phạm nghiêm trọng cả quy định quản lý thuốc BVTV và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Có hay không sự buông lỏng quản lý?
Theo thông tin từ trang web của công ty CP Nicotex (http://nicotex.vn), công ty này chuyên sản xuất các loại thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh và thuốc trừ ốc. Cũng theo các thông tin công bố, thành phần các sản phẩm của công ty có các độc chất có độ độc từ nhóm II đến nhóm IV, trong đó có những chất có độc tính cao như: Imidacloprid 2%, chất gây nôn 0.05%, Imidacloprid 1%, Bensulfuron Methyl 0.8%, Metsulfuron Methyl 0,2%, Hexaconazole 5%, Beta-Cyfluthrin 2.8%, Abamectin 0.45%,...
Rõ ràng, lãnh đạo của Nicotex Thái Thanh biết rất rõ độc tính của "thuốc trừ sâu" phải đem đi tiêu hủy. Chính ông cựu giám đốc nêu trên đã cảnh báo: "Đây là loại hóa chất cực độc nên không được đào lên, vì sẽ đặc biệt nguy hại đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới chết người". Chính vì vậy, hơn ai hết, công ty phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về quản lý thuốc BVTV và các quy định về bảo vệ môi trường.
Nếu cho rằng công ty này cố tình vi phạm, câu hỏi đặt ra là tại sao một công ty có nguồn chất thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng lại không bị các cơ quan quản lý môi trường phát hiện và xử lý?
Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 2, điều 9 của Thông tư số 14/2013/TT-BNNPTNT: "Cơ sở sản xuất thuốc BVTV có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường theo qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường".
Nếu công ty thực hiện đúng quy định, thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa phải nắm rõ. Hoặc nếu công ty không thực hiện đúng quy định, thì với đối tượng nhạy cảm như thế, cơ quan quản lý cần phải kiểm tra, giám sát và yêu cầu thực hiện.
Thứ 2: Đặc thù của công ty này là sản xuất thuốc BVTV, và rõ ràng sẽ phát sinh một lượng lớn chất thải độc hại như đã nêu trên. Vì vậy, công ty phải đăng ký Sổ chủ nguồn thải chất thải độc hại theo quy định tại khoản 1, điều 25 của Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT và thực hiện quản lý chất thải độc hại theo đúng quy định tại Thông tư này.
Công ty này phải lập báo cáo quản lý chất thải độc hại, định kỳ một năm 02 lần gửi cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh theo quy định tại điều 70 Luật Bảo vệ môi trường. Trong báo cáo này, phải nêu rõ các chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng, bao gồm khối lượng, chủng loại chất thải nguy hại phát sinh, hóa đơn giao nhận với đơn vị vận chuyển và xử lý, vị trí xử lý,... Và nếu làm đúng theo quy định, thì cơ quan quản lý môi trường phải nắm rất rõ công tác quản lý chất thải nguy hại của công ty.
Vì vậy, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, có hay không sự bao che hay buông lỏng quản lý của các cơ quan liên quan? Để mãi đến khi người dân không chịu được mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của họ, họ mới đứng ra tố cáo và cơ quan chức năng truy tìm chứng cớ mới vào cuộc. Trách nhiệm sẽ thuộc cá nhân, tổ chức nào?
Một điều cũng cần phải nói thêm, mặc dù Thông tư số 14/2013/TT-BNNPTNT mới được ban hành vào ngày 25/2/2013. Tại khoản 2, điều 4 của Thông tư này có quy định về "Hệ thống xử lý khí thải và chất thải", nhưng lại không đề cập đến việc quản lý chất thải nguy haị, một trong những nguồn thải chủ yếu của loại hình sản xuất này và có mức độ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đồng thời, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp nêu trong Thông tư đã hết hiệu lực sử dụng từ ngày 15/2/2012.
Vấn đề này, cần có sự trả lời nghiêm túc của những cơ quan xây dựng chính sách thuộc Bộ NN & PTNT.
Lời kết
Chiến tranh đã đi qua rất lâu, nhưng hậu quả của chất độc khai quang do quân đội Mỹ rải xuống nước ta còn để lại những hậu quả nặng nề. Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã phải xúc tiến kiện các công ty hóa chất của Mỹ bồi thường cho những nạn nhân bị di chứng của loại chất độc này.
Vậy mà, những doanh nghiệp người Việt, mặc dù nhận thức rõ tác hại nghiêm trọng của các loại thuốc BVTV, lại sẵn sàng thải các chất độc ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của chính đồng bào mình.
Sự việc trên sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, những kẻ vi phạm sẽ bị xử lý. Thậm chí những người dân bị ảnh hưởng có thể kiện công ty này bồi thường vật chất về những thiệt hại mà họ đã và đang gánh chịu. Thế nhưng, những thiệt hại về tinh thần, những di chứng do chất độc đối với con người hiện tại và các thế hệ tương lai sẽ được bù đắp như thế nào?
Câu trả lời dành cho những cá nhân và các cơ quan quản lý có trách nhiệm.
(Còn nữa)
Trịnh Xuân Báu