Người Việt mình được cái tính lạc quan, lúc nào cũng thích hài hước, thành thử các vụ việc rồi sẽ cứ na ná như Gala Gặp nhau cuối năm.

Trong tuần, có hai vụ việc khác xa nhau về tính chất, hình thức lao động, về vị thế con người, ngẫu nhiên lại xảy ra gần nhau và đều dấy nên sự ồn ào, tranh luận. Người khen, kẻ chê, người phản bác, kẻ xỉ vả...Nhưng cái thông điệp "vô thức" của cả hai vụ việc này gửi cho xã hội lại gặp nhau ở một điểm- đó là chân giá trị.

Ai hát lót cho ai?

Đó là chuyện nhạc sĩ già- Nguyễn Ánh 9- người đã "mổ xẻ" thẳng thắn một số ca sĩ nổi tiếng, như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Hồ, Đàm Vĩnh Hưng...

"Con dao phẫu thuật" phê bình âm nhạc của ông đã chạm đến gót chân Asin, đến sở đoản của những ca sĩ trẻ, với những đường sắc lẹm:

... Nghe Thanh Lam hát bài Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn, không có hồn dù giọng đẹp thiệt! Thanh Lam hát những bài sâu lắng nhiều khi đóng kịch nhiều hơn là hát... Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm, khều khào không à! ... Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một "người hát"... Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu!

Đường dao của ông lập tức gây nên cơn chấn động lớn.

Có thể nói, đó không chỉ là nhận xét khá chuẩn, mà còn quá tinh tường. Sự trải nghiệm của một nhạc sĩ chuyên nghiệp, tiếc thay cuối đời, lại chỉ thấy âm nhạc Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Còn có gì buồn hơn?

Lời nói thật dễ mất lòng. Mà ông lại là người nói thật quá, thành ra hơi "phũ". Bởi tất cả họ đều là những người nổi tiếng, người của công chúng.

Không biết các ca sĩ khác mà sự im lặng của họ là chấp nhận, đồng tình hay ngại vì ông là bậc cha chú? Chỉ có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ngay lập tức đáp lời ông, bằng một lá thư đăng trên báo chí.

{keywords}
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Cũng tiếc thay, có thể do sống quá lâu trong vòng nguyệt quế "ông Hoàng nhạc nhẹ", sống quá lâu trong những tung hô của fans hâm mộ, nên mặc dù xưng "con" với "chú Nguyễn Ánh 9", nhưng ca sĩ họ Đàm đã không có được sự lễ phép đúng như đại từ nhân xưng anh đã dùng. Ngược lại còn khá xược, khi viết cho ông: Đó là hình ảnh của Ngụy Quân Tử. Và nếu đúng, thì cũng đã đến lúc chiếc mặt nạ đó phải được tháo xuống bởi chính chú(!)

Người viết không bàn về thái độ vô văn hóa của ca sĩ, vì chắc Đàm Vĩnh Hưng, đến thời khắc này hẳn đã nhận được nhiều hồi âm "tung hô" của bạn đọc, nhưng theo chiều... ngược lại. Chỉ xin bàn về sự lầm lẫn những giá trị đích thực đang đầy rẫy trong đời sống.

Đàm Vĩnh Hưng dẫn chứng danh dự của những "giải thưởng" chất ngất trong căn phòng đang lưu giữ những vẻ vang của nghề nghiệp của Hưng, buộc Hưng phải lên tiếng...

Ngay lập tức, có một bài viết ngắn trên trang mạng xã hội mà cái tít bài khá hay và chuẩn xác: Đàm cần phân biệt sự "nổi tiếng" và "tài năng", rạch ròi sự khác biệt bản chất giữa hai khái niệm. Nó cũng cho thấy một sự ngộ nhận không ít trong thời kim tiền này, khi mà những giá trị thật- ảo còn khá lẫn lộn, "nổi tiếng" có khi lại không phải nhờ... "tài năng".

Bởi nếu như tài năng âm nhạc là sự thừa nhận của số đông khán giả am hiểu âm nhạc đích thực, thì nổi tiếng, có khi lại là sản phẩm của công nghệ lăng- xê thành công, của những giải thưởng bị chi phối bởi rất nhiều tiêu chí khác nhau, của những Mạnh Thường Quân lắm tiền nhiều của. Mà âm nhạc vốn là loại hình nghệ thuật sang trọng nhưng rất khắc nghiệt, vốn chỉ thừa nhận thực tài.

Trong đời, người viết từng biết một đồng nghiệp, đoạt tới 07 giải thưởng báo chí hẳn hoi. Nhưng trong làng nghề, anh này cũng chỉ na ná "thợ viết", đừng nói là cây bút. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng tiếc thay đó là sự thật.

Cũng như mới đây, Giải thưởng của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2013 (khu vực 06) vừa kết thúc, dư luận của chính giới am hiểu hội họa với những họa sĩ tên tuổi đã phàn nàn rất nhiều, cho rằng bức tranh đoạt giải A  "yếu cả thẩm mỹ lẫn tìm tòi cái mới", kể cả so với những tranh không đoạt giải (Bài Vì sao giải thưởng Hội Mỹ thuật VN mất uy tín, VietNamNet, ngày 20/8). Nhưng có trời biết, và Hội đồng Giám khảo cuộc thi biết, vì sao...

Vậy thì vị họa sĩ đoạt giải A lần này có thực tài? Đôi khi, chữ tài năng nó trêu ngươi "tai quái" vậy đó. Nó tạo ra thứ hào quang ảo tưởng, nếu người đoạt giải không tự biết mình. Biết mình, biết người, chính là biết. Vậy, Đàm Vĩnh Hưng đã phải là người biết chưa? Có lẽ...chưa.

Nói thẳng, người viết bài chưa bao giờ "tiêu hóa" nổi giọng hát ca sĩ họ Đàm. Nhưng ở góc độ khác, công bằng mà nói, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mới có cái nhìn đúng, mà chưa đủ. Ông tinh tường, mà thiếu sự bao quát, cho đúng tầm của một đời nhạc sĩ đủ cung bậc thăng trầm với âm nhạc.

Cái thiếu nhất của ông, là đo thời cuộc mới bằng thước đo của ... thời quá khứ.

Sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường, bao giờ cũng dẫn đến sự "đa dạng hóa" các lĩnh vực, trong đó có âm nhạc. Nếu không làm sao có khái niệm âm nhạc nghệ thuật và âm nhạc thị trường. Sự đa dạng đó đáp ứng yêu cầu của đa dạng khán giả, phản chiếu sự đa dạng về trình độ hiểu biết, cảm thụ cá nhân của một xã hội dân trí còn thấp, đang vận động và phát triển.

Sự khác biệt giữa ông và Đàm Vĩnh Hưng, không chỉ là sự khác biệt về thế hệ, mà còn khác biệt quá nhiều về cách tiếp cận đời sống, ở góc độ âm nhạc. Một bên là tiếp cận bằng chính âm nhạc, tác phẩm, một bên là cách tiếp cận bằng các chiêu trò- đó cũng là sản phẩm của đời sống cạnh tranh trong kinh tế thị trường.

{keywords}
Đàm Vĩnh Hưng dẫn chứng danh dự của những "giải thưởng" chất ngất

Ở góc độ đó, Đàm Vĩnh Hưng là điển hình của ca sĩ rất nhạy trong công nghệ PR, tạo sự chú ý, tìm ra cách đến với "gu" của số đông khán giả và rất giỏi kiếm tiền. Chắc chắn ít ca sĩ chuyên nghiệp của âm nhạc nghệ thuật làm nổi. Và ở góc độ này, thì Đàm Vĩnh Hưng giỏi!

Nhưng nỗi buồn của ca sĩ họ Đàm hôm nay khi nhận chân ra giá trị đích thực (nếu có) về tài năng của mình, có lỗi của không ít người. Nếu không làm sao anh ta trở thành "ông Hoàng nhạc nhẹ"? Lỗi tụng ca này, tại ai?

Trước hết, lỗi tại truyền thông. Chính giới truyền thông cũng... hát lót cho ca sĩ họ Đàm, với bao nhiêu từ hay ý đẹp. Và còn bao nhiêu ca sĩ khác nữa khi lọt vào "mắt xanh" của giới báo chí cũng được truyền thông hát lót, nào nữ hoàng, nào búp bê, nào hoàng tử, khi mà lẽ ra công chúng cần được nghe bổ tai, thì mới được xem...bổ mắt! Có ai đó còn thái quá, gọi là âm nhạc son phấn.

Lỗi tại giới phê bình, lý luận định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng. Họ đang ở đâu? Không ai biết. Hay họ cũng đang hối hả hát lót- làm các công việc khác nhau để kiếm tiền, trừ phê bình âm nhạc?

Lỗi tại cả quản lý của ngành văn hóa và giáo dục.  Giáo dục đã dạy người- trang bị cho tâm hồn học sinh những gì- ngoài học thêm để thi cử? Còn ngành văn hóa, 15 năm xây dựng nền văn hóa "đậm đà bản sắc dân tộc", mà như lời GS Nguyễn Minh Thuyết, con người là hỏng nhất. Cái chữ hỏng ở đây không chỉ là sự suy thoái về đạo đức, mà còn là "phông" văn hóa- bao gồm trình độ hiểu biết, nhận thức, ứng xử của người Việt cũng đi xuống.

Ngay một Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin- Du lịch Đắk Nông mới đây thú nhận: Ngày xưa, mỗi tháng tôi còn đọc vài tờ báo, vài cuốn sách, chứ những năm gần đây, nói thật tôi không đọc, sách khoa học cũng không, chứ đừng nói gì đến báo chí, hoàn toàn không đọc đâu các đồng chí ạ. (Dân trí, 28/8).

Cán bộ lãnh đạo văn hóa, mà hoàn toàn không đọc gì, thì làm văn hóa kiểu gì nhỉ, thưa đồng chí Phó GĐ. Chả lẽ chỉ nâng lên- đặt xuống?

Vì thế mà âm nhạc nghệ thuật đích thực, phải hát lót cho âm nhạc thị trường, là đương nhiên!

Lời xin lỗi sau khi ... bị lộ

Vụ việc thứ hai, là chuyện lương của các sếp và "thuộc hạ" ở 04 công ty TNHH (Công ty một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty một thành viên Chiếu sáng công cộng, Công ty một thành viên Công trình giao thông và Công ty một thành viên Công viên cây xanh- đều thuộc t/p HCM) cao ngất ngưởng, khiến cả xã hội "ngất lịm".

Vị cao nhất tới 2,6 tỷ/ năm (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị). Vị thấp nhất (Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh) 759 triệu đồng.

Không chỉ có sếp, lương bình quân của người lao động tại 04 doanh nghiệp này cũng rất cao, từ hơn 22,2 triệu đồng- 52,9 triệu đồng/ tháng. Trong khi, lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước chỉ hơn 7,3 triệu đồng/tháng (VietNamNet, ngày 26/8).

Đồng lương khủng đó có phản ánh chân giá trị lao động của các vị nói trên không? Mới đây, Chủ tịch UBND t/p HCM phải kêu lên: Tôi cũng choáng! Còn người lao động? Hãy nghe H, một công nhân của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị: Mấy ổng đâu biết mùi của nước cống là thế nào đâu, sao lại "ăn" lương khiếp thế?

Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, mức lương của Thủ tướng- người phải lo trăm công nghìn việc- cũng chỉ dưới... 15 triệu đồng/ tháng.

Xưa nay, chuyện tiền bạc vốn cực kỳ nhạy cảm. Nếu như 04 công ty trên làm ăn giỏi thật, các doanh nghiệp Nhà nước cần phải học hỏi tài năng kinh bang tế thế của họ.

Còn nếu như cả xã hội phải sốc vì đồng lương "đẹp" như mơ, thì chắc chắn, cái cụm từ thiếu minh bạch, khuất tất, bất công luôn là bạn đồng hành.

Cái "anh bạn đồng hành" này, thật ra lại có máu phản chủ, vì tiền bạc vốn "bạc", khi mà trước những nghi vấn, các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, mới thấy hết các "chiêu trò" của các vị.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng rất giỏi các "chiêu trò" để kiếm tiền, làm giầu cho bản thân. Cho dù giọng hát không đẹp, ca sĩ này không gây tổn hại cho ai, không phạm luật. Vì số đông fans hâm mộ của anh ta, đều có nhận thức, và có năng lực hành vi chọn lựa mỹ cảm cho chính mình.

Còn các "chiêu trò" kiếm tiền của các sếp doanh nghiệp nói trên, làm giầu cho chính bản thân đều là những hành vi phạm luật. Khi họ trốn tránh, không ký hợp đồng đúng theo luật định cho hàng trăm người lao động, mà chỉ đi tuyển lao động thời vụ (để tránh chi phí bảo hiểm, phúc lợi xã hội). Số tiền tiết kiệm được chi phí này, rút cục, chảy vào túi ai?

{keywords}
Ảnh minh họa

Thực chất họ đã làm thiệt hại tới đời sống, số phận của hàng trăm người lao động. Có thế, mức chênh lệch giữa lương của lao động thời vụ và lương vị Chủ tịch HĐTV tại một công ty mới tới 44,4 lần/năm.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đoạt rất nhiều giải thưởng của các Hội đồng nghệ thuật, theo tiêu chí của các hội đồng này- bởi sản phẩm âm nhạc của anh ta. Còn "sản phẩm" của các sếp các công ty trên "trao tặng" cho người dân là gì? Phải chăng là một đô thị ngập úng mỗi khi chỉ cần một trận mưa lớn, là những con đường tranh tối tranh sáng, nơi hoành hành của các tệ nạn xã hội?

Trước chủ trương của t/p HCM sẽ truy thu toàn bộ số tiền các công ty nói trên đã chi sai phạm, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cây xanh, người đầu tiên đã gửi lời xin lỗi tới người lao động. Lời xin lỗi muộn mằn chỉ sau khi sai phạm bị ...lộ, nhưng nghe kỹ, người có thiện chí cũng có thể tin được không?

Việc phải trả lại tiền, Ban lãnh đạo sẽ gặp rất khó khăn vì lương sau khi nhận đã dùng hết vào việc riêng. Mọi người sẽ phải đi vay ngân hàng để trả, như vậy, lãnh đạo công ty bây giờ đến năm 2014 đi làm coi như không có lương vì phải trả nợ ngân hàng.

Có ai tin được các ông sẽ phải đi vay ngân hàng để trả? Nếu vậy, đến lượt t/p HCM nên hô hào nhân dân quyên góp "từ thiện" cho mấy vị này. Còn nhà văn Nam Cao có sống lại, hẳn ông có thể viết truyện về làng Vũ Đại kiểu mới!

Không hẹn mà gặp, câu chuyện giọng hát lót của "ông Hoàng nhạc nhẹ", đồng lương khủng của các sếp 04 công ty nói trên, giống như một sự giễu cợt các thang bậc giá trị lao động và tài năng đích thực trong xã hội hiện nay.

Nhưng người Việt mình được cái tính lạc quan, lúc nào cũng thích hài hước, thành thử các vụ việc rồi sẽ cứ na ná như Gala Gặp nhau cuối năm.

Kỳ Duyên

Bài cùng tác giả:

320 nghìn đồng tiền thưởng và chuyện tham nhũng mới

Vì sao, vật chất xã hội ngày càng đi lên, nhân tính lại đi xuống?

'Tim đường', miệng quan và các 'fan hâm mộ'...

Nếu các quan chức như hai cựu Chủ tịch này, cứ lấy tư lợi riêng mình... làm gốc, thì câu khẩu hiệu "lấy dân làm gốc" chả lẽ treo ở trên ngọn cây?