Vì sao, vật chất xã hội ngày càng đi lên, nhân tính lại đi xuống?
>> Thưởng như 'giễu' có làm 'rẻ' y đức?
>> Tuyển sinh ngành y cần thi... y đức
Nói theo cách nói của tâm linh, năm 2013 này là năm ngành y gặp "hạn" nặng. Dồn dập hàng loạt vụ việc scandal tiêm văc xin, sản phụ không qua được cửa tử do "tắc mạch ối" (theo kết luận của ngành). Gần đây là những chiêu lừa đảo khó tin của các phòng khám tư nhân, và nhất là vụ "nhân bản xét nghiệm máu" của Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) gây chấn động cả xã hội.
Con tim gặp sự... lạnh lẽo
Còn nói theo cách nói của duy vật biện chứng, người ta phải đặt câu hỏi: Vì sao, vật chất xã hội ngày càng đi lên, nhân tính lại đi xuống?
Bởi y tế là ngành "cứu nhân độ thế". Người dân chỉ đến BV khi ốm đau, không còn có thể nương tựa vào đâu để có thể khỏi bệnh, hoặc thoát chết. Dù không thể phủ nhận nơi đâu cũng có những người thầy thuốc tử tế, nhân bản, làm việc tận tụy với bổn phận. Thế nhưng một khi ngành "cứu nhân độ thế" trở thành tâm điểm dư luận xã hội bất bình trước hàng loạt scandal, bởi thiếu cả lương tâm lẫn nhân tính với sinh mạng con người, thì câu hỏi trên không thừa.
Dư luận xã hội chưa hết bàn luận xung quanh lễ khen thưởng 320 nghìn đồng/ người cho 03 chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định và Phan Thị Nam Đông, những nữ nhân viên của BV Hoài Đức dũng cảm lôi những hành vi tiêu cực ra ánh ngày, với những lời bình- mà nếu Sở Y tế HN đọc- được in đầy trên mặt báo, nên biết đỏ mặt.
Vụ việc "nhân bản xét nghiệm" chỉ diễn ra trong một khoa, lại của một BV cấp huyện, nhưng tính chất, diễn biến đầy kịch tính của nó phản chiếu cuộc chiến quyết liệt, mang tính xã hội rộng lớn giữa cái Thiện và cái Ác, giữa cái Nhân tính và Vô nhân tính. Giữa sự dằn vặt, day dứt của lương tâm, với thủ đoạn manh tâm của con người. Ở đó, có cả thái độ chấp nhận đối mặt lẫn sự nhu nhược phải trả giá. Bởi cuộc chiến này, không có chỗ cho sự manh động. Hệt một vở bi kịch đầy nút thắt.
Cũng tiếc thay, còn có cả cuộc gặp mặt giữa Con tim với sự Lạnh lẽo.
Buổi lễ khen thưởng diễn ra chỉ có 30 phút. Vậy mà những người đàn bà được khen thưởng, đều khóc. Không phải là nước mắt cảm kích, đó là nước mắt của sự tủi thân, đắng lòng. Vì họ cô đơn quá khi phải chống lại chính... sếp của mình, chống lại những đồng nghiệp sai trái trong cuộc chiến không cân sức. Và con đường sắp tới, giữa đồng nghiệp với nhau, sẽ ra sao?
Trong cuộc chiến đó, những đồng nghiệp tốt của họ, như chị Oanh, chị Cường đã buộc phải ngã lòng, câm lặng trước sức ép cơm áo và sự "bình an" của gia đình, con cái. Sự ngã lòng của hai chị, tiếc thay, đến hôm nay phải trả giá, khi họ cũng là những người bị khởi tố.
Buổi lễ khen thưởng diễn ra chỉ có 30 phút. Ảnh: Thái Hà/ TPO |
Về lý, chả ai bẻ bác nổi Sở Y tế HN với cái món 320 nghìn đồng tiền thưởng. Vì đó là chính sách chung.
Nhưng về tình, về lương tâm nghề nghiệp, thì cái cách chấp hành, thi hành cứng nhắc một quyết định khen thưởng đã quá lỗi thời, cho thấy cái bổn phận công chức lạnh lẽo đến thành vô cảm của các quan chức cấp sở. Vô tình, Sở Y tế HN gửi "thông điệp" cho xã hội hiểu cả cái tầm, cái tâm của sở, trước cái tốt, cái xấu của ngành...
Với số tiền và cách tổ chức khen thưởng nhạt nhẽo, kiểu "làm cho xong", dù các chị không vì thế cảm thấy buồn, nhưng dư luận xã hội bất bình thay cho họ, cảm thấy như bị tổn thương. Bởi với việc làm của các chị, xã hội phải biết ơn rất nhiều.
Hay bởi chính các quan chức sở cũng chả lấy gì làm vui. Vì sự dũng cảm của những nữ nhân viên dưới quyền, cho thấy hết cái sự lỏng lẻo trong quản lý, và cả những...tật bệnh của ngành y tế, khiến xã hội, một lần nữa phải đặt dấu hỏi?
Cũng tiếc thay, "nhân bản xét nghiệm" không phải chuyện riêng của BV Hoài Đức? Báo Lao động (ngày 20/8) đưa tin một vụ việc động trời mà hài hước. Một vị GS đã nghỉ hưu được mời làm việc ở một BV tư nhân, đã chứng kiến vụ xét nghiệm nước tiểu của 07 chị công nhân ở BV này cho kết quả họ đều có thai giống nhau, bị vỡ lở, trong khi thực chất chỉ một chị có.
Liệu dư luận xã hội có quyền nghi ngờ, rằng "nhân bản xét nghiệm" còn tiếp tục được... nhân bản ở nhiều cơ sở y tế khác, mà chưa bị lộ?
Trước vụ việc đầy bức xúc, dư luận xã hội chờ đợi vị quan chức đứng đầu Bộ Y tế phải lên tiếng. Tiếc thay, giống như vụ việc văc xin, vị này có một phát ngôn ấn tượng, mà lạnh lẽo không kém phát ngôn lần trước: Quy định có rồi, ai sai người đó chịu! (VietNamNet, ngày 20/8)1)
Thế ngành y sai phạm quá nhiều, ai phải chịu trách nhiệm nhỉ?
Không ai cả!
Trong khí đó, theo SM online, ngày 18/8, mới đầu tháng 8, giá viện phí đồng loạt tăng 70-75% so với khung giá tối đa do Bộ Y tế ban hành... Và Bộ cũng lấp lửng ý định tiếp tục điều chỉnh giá viện phí một lần nữa vào năm 2014!
Ai sẽ phải chịu "trách nhiệm"... nộp viện phí gia tăng? Ai, nếu không phải là người dân?
Tham nhũng- phải hỏi địa phương?
Vậy nhưng, hóa ra câu chuyện thưởng 320 nghìn đồng/ người cho 03 nữ nhân viên BV Hoài Đức, bị xã hội phản ứng, mà cơ sở của nó dựa trên những quy định cũ của văn bản thi đua khen thưởng, mới chỉ là chuyện... muỗi.
Nếu như so với một sự thật to như... con voi này: Theo kết quả kiểm tra xử lý văn bản pháp luật năm 2012 của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và địa phương đã phát hiện trên 10.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp,... nhưng chưa được các cơ quan ban hành văn bản xử lý. Đó là thông tin trước ngày diễn ra phiên họp thứ 20 của UBTV Quốc hội (Dân trí, ngày 13/8).
Ai cũng biết, một xã hội phát triển nhanh và lành mạnh cần phải dựa trên các chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lý và khả thi, được thể hiện cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật, mang tính chế tài để người dân thực hiện. Mặt khác, có một thực tế phải thừa nhận- là chính sách thường đi sau thực tiễn đời sống. Thế nên mới có câu: Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi xanh tươi.
Thế nhưng, ở đây, lý thuyết không chỉ màu xám, mà còn có màu... sai, tới hơn 10.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm, thì rõ ràng đội ngũ công bộc của dân chuyên soạn thảo lý thuyết đi sau cuộc sống quá xa, rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, những thủ tục hành chính xơ cứng liệu có góp phần?
Tại phiên họp, ý kiến của các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Chu Sơn Hà, Lê Nam nêu vấn đề, thậm chí là khẳng định: Liệu có tham nhũng, có nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách? Hoặc chưa bao giờ có nhiều văn bản gây bức xúc như bây giờ, khi có tình trạng cán bộ "ngồi trên trời" ban hành chính sách cho người dân... dưới đất thi hành.
Ảnh minh họa |
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Tư pháp dè dặt thừa nhận, không loại trừ có chuyện (tham nhũng, nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách- KD) như đề cập, vì trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật có sơ hở này, sơ hở khác. Liệu sự thừa nhận thực tế từ câu trả lời này, có thể ra đời một khái niệm mới về tham nhũng không? Nhất là cơ chế minh bạch đang ngủ yên, còn cơ chế xin- cho thì vẫn rất "khỏe mạnh".
Sự đi sau của lý thuyết với thực tiễn ở quốc gia nào cũng có, và luôn tồn tại điều bất cập đó, nhưng đi sau đến độ, có tới 08 luật đã được QH khóa XII thông qua, và 05 năm đã trôi qua, vẫn chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn thi hành, thì người dân biết trông vào đâu để thực hiện, khi mà Nhà nước luôn có câu khẩu hiệu Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật? Xã hội sẽ phát triển nhanh hay tụt hậu thêm, khi mà nền tảng pháp luật cũ kỹ, lạc hậu vẫn cứ tồn tại?
Điều đó, cho thấy cải cách tư pháp, cải cách hành chính, và việc xây dựng đội ngũ công bộc xứng tầm nhiệm vụ, bắt đầu từ khâu tuyển dụng, chắc chắn còn là vấn đề căn cốt, và lâu dài, không chỉ với ngành tư pháp, mà còn với các ngành. Vấn đề này, phải đi trước, dù đã... quá muộn.
Không "thua kém" ngành tư pháp, thậm chí vấn đề được các đại biểu QH chất vấn còn nặng nề hơn, là tình trạng của ngành tài nguyên- môi trường, nhất là việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Cái cụm từ khai thác khoáng sản xưa nay vốn rất nhạy cảm, nên sai phạm của nó cũng thật đặc biệt. Đại biểu Danh Út khi chất vấn, đã đưa ra số liệu nhạy cảm không kém: Từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực đến nay (02 năm), Bộ TN- MT đã cấp 17 giấy phép, các địa phương cấp 957 giấy phép thăm dò, khai thác. Nhưng trong số 957 giấy phép, có quá nửa vi phạm, như cấp phép không qua đấu giá, cấp không đúng thẩm quyền, không có đánh giá tác động môi trường... (TTO, ngày 20/8).
Đến mức, Chủ tịch QH phải kêu lên: Cấp phép thế này thì chết rồi. Hơn 900 cái giấy phép mà quá nửa là vi phạm. Vậy thanh tra ở đâu, kiểm tra, giám sát ở đâu? Sai phạm như vậy mà không ai bị xử lý?
Trước yêu cầu của các đại biểu đề nghị công bố khu vực khai thác khoáng sản nhỏ lẻ mà nhiều đại biểu quan tâm, sau khi cho biết đã công bố 84 khu vực, Bộ trưởng TN- MT cũng đề nghị các tỉnh hết sức kiềm chế....
...Với khoáng sản nhỏ lẻ, càng đào bới bao nhiêu chúng ta càng thiệt hại bấy nhiêu. Sau khi về (Bộ), tôi thấy thời kỳ ở tỉnh mình sai lầm. Sự thật thà "lạy ông tôi ở bụi này" khiến các đại biểu bật cười. Tiếng cười nhiều khi là một câu trả lời tế nhị.
Khai thác đá trắng tại miền Tây Nghệ An. Ảnh: VietNamNet |
Điều đáng chú ý, trả lời chất vấn của đại biểu Trương Minh Hoàng: Liệu có tham nhũng trong cấp phép khai thác khoáng sản không? Và địa phương nào quản lý không tốt, người chịu trách nhiệm có phải từ chức không? Bộ trưởng TN- MT đã khéo léo sút quả bóng "trách nhiệm" về "lưới" các địa phương, khi trả lời: Cái này phải hỏi địa phương mới biết được, vì họ cấp phép.
Trong khi Chủ tịch QH, không phải người quản lý trực tiếp Bộ TN- MT thì lại nói thẳng: Bộ trưởng nói phải hỏi địa phương mới biết, nhưng tôi tin là có tiêu cực đấy(!)
Giật mình về câu trả lời. Cả hai việc lớn, cấp phép tràn lan, chiếm đến hơn một nửa số lượng (trong số 900 giấy phép khai thác khoáng sản), mà Bộ TN- MT chỉ phát hiện được qua thanh tra, kiểm tra gần đây. Và nghi vấn tham nhũng trong lĩnh vực này, cũng đẩy trách nhiệm hỏi địa phương, thì quản lý Nhà nước của Bộ TN- MT đứng ở đâu?
Đây đâu phải câu hỏi của người viết bài. Cũng không chỉ là câu hỏi của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương tại cuộc họp. Đây là câu hỏi của nhân dân trước sự lỏng lẻo đáng sợ về quản lý Nhà nước của ngành TN- MT. Vậy thì tài nguyên của đất nước sẽ rơi vào túi ai?
Xã hội vẫn chưa quên, trước đó, vào tháng 07, thống kê của ngành TN- MT về đấu tranh phòng chống tham nhũng cho thấy 05 năm qua, ngành này không phát hiện ra bất cứ sai phạm tham nhũng nào!
Nếu đó là sự thật, ngành TN- MT cần tổng kết những bài học kinh nghiệm sâu sắc phòng tránh tham nhũng, để các ngành khác học tập và làm theo.
Thế nhưng, trước sự quản lý Nhà nước lỏng lẻo của ngành, chỉ riêng với việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, liệu người dân, xã hội có thể... tin ở hoa hồng(*) của ngành TN- MT không?
Đang tự đặt câu hỏi, chợt thấy, một đoàn người đi mải miết, hăm hở.
Bất ngờ, đoàn người gặp một ông lão già nua, xơ xác. Ông lão vòng tay cúi gập người:
- Chào các huynh, các huynh đi đâu vậy?
- Thưa cụ, chúng tôi đi chống "giặc nội xâm" đây.
Ông lão già nua đột nhiên cười to:
- Các huynh không nhận ra lão ư?
- Cụ là ai?
- Lão là con đẻ các huynh đây mà.
- Đâu dám. Cụ già lão thế, sao lại do chúng tôi sinh ra được?
- Thế các huynh có tin mình sẽ chống được không?
Đoàn người nhìn nhau, lúng túng, không ai trả lời.
- Thế cụ có tin không?
- Hỏi gì mà hỏi. Hỏi... cái đầu các huynh ấy?
- Thế xin lỗi cụ, cụ cho biết quý danh
- Các huynh không nhận ra lão thực ư? Lão là... là... Tư duy! Con đẻ của các huynh đó! Ha...ha...
Người viết bài giật mình, choàng tỉnh vì tiếng cười to của lão già.
Hóa ra, cuộc đời cũng hệt giấc mơ!
Kỳ Duyên
(*) Mượn tên vở kịch của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ
Bài cùng tác giả: >> 'Tim đường', miệng quan và các 'fan hâm mộ'... >> Nhân bản xét nghiệm và chuyện nhà nghỉ 'bị lộ'
|