Cứ tưởng vụ việc mà xã hội đang xôn xao bàn luận- xung quanh chuyện nhà của ông cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu lấn chiếm đất công con đường Bạch Đàn (phường 04, t/p Vĩnh Long), đang bị đập bỏ, để trở lại đúng thiết kế cũ, hóa ra, là câu chuyện cũ rích- từ năm 1996.
Con đường "cơ hội" và miệng quan...
Năm 2010, vụ việc đã xôn xao dư luận, khi đó ông Phạm Văn Đấu đang làm Chủ tịch tỉnh, và người viết bài cũng từng viết về vụ việc.
Nhưng câu chuyện "tim" của con đường "cơ hội", nó xê dịch không chỉ theo thời gian, mà còn theo... chức vụ của ông này.
Năm 1996, ông Phạm Văn Đấu chưa đứng đầu tỉnh, dự án mở đường Bạch Đàn chạy thẳng, nếu thành hiện thực, thì sẽ lấy gần như toàn bộ đất nhà ông.
Năm 2002, ông được bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Lúc này bỗng nhiên con đường... bé lại, do cơ quan tham mưu điều chỉnh thiết kế con đường, từ rộng 30 m còn có 18 m. "Tim đường" bắt đầu được đẩy ra xa nhà ông Chủ tịch. Nó... sợ! Hay nó nịnh?
Khoảng cách giữa "tim đường" với nhà ông Chủ tịch Phạm Văn Đấu càng xa bao nhiêu, thiệt hại cho người dân gần bấy nhiêu. Ở đây là nhà hàng bà Lê Thị Kim Khoa. Kiện cáo nổ ra, sơ thẩm phúc thẩm, tòa án tỉnh, tòa án tối cao vào cuộc...
Chưa biết kết cục ra sao. Nhưng khi đó, cả 02 căn nhà ông Chủ tịch cho ngân hàng thuê, và nhà của ông đều thoát tầm quy hoạch. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh cho rằng, đường cong queo thì vẫn nằm trong quy hoạch 30m của dự án ban đầu (1). "Ăn theo" ông Chủ tịch, còn là nhà một loạt các quan chức cốt cán tỉnh bỗng nhiên ra cả mặt tiền. Còn nhà của các vị có "đẹp" hay không, còn tùy vào cái nhìn của người dân khi hiểu chuyện.
Trước và sau khi đập bỏ một phần bậc thềm nhà cựu chủ tịch tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: VietNamNet |
Năm 2013 này, ông Chủ tịch đã trở thành... cựu Chủ tịch, vụ việc bỗng nhiên lại ầm ĩ. Rút cục mới đây được biết, cơ quan chức năng đã bắt đầu đập phần xây vượt phép của ông này, mở rộng vỉa hè cho đúng 4,5m theo dự án phê duyệt (trước đó, chỉ có 03m).
Cũng đúng lúc này, trả lời báo chí, lãnh đạo Sở GTVT Vĩnh Long thừa nhận, việc "nắn" đường Bạch Đàn (trước đây) là vì "ngán" ông cựu Chủ tịch tỉnh (khi đó là Chủ tịch). Ngán hay "nịnh", hay cả hai?
Trước dư luận ồn ã, ngạc nhiên là ông cựu Chủ tịch tỉnh "bất ngờ nói ngược": Tôi xây nhà còn chưa hết đất. Chỉ là do anh em người ta làm, người ta láng trước, láng sau..., chứ có phải lấn chiếm gì đâu (ĐVO, ngày 11/8). Dân gian nói chả sai, đúng là miệng nhà quan có gang có thép!
Chưa bàn, đâu là sự thật của vụ này. Do anh em người ta làm, hay do cái uy quyền Chủ tịch nó... làm. Nhưng vụ việc khiến dư luận xã hội nhớ tới 02 vụ việc khác cũng vừa xảy ra mới đây và làm một phép so sánh buồn.
Vụ thứ nhất, đó là hàng ngàn ngôi nhà không phép của người dân tại huyện Bình Chánh (t/p HCM) vừa bị đập bỏ. Đương nhiên đã xây không phép, vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý. Thế nhưng, thử hỏi, nếu không có sự tiếp tay của cán bộ cơ sở, đố người dân xây được đấy?
Đến một đống gạch, vữa đổ ra tận trong hẻm nhỏ, cũng lập tức có cán bộ chức năng đến phạt tiền nữa là hàng nghìn ngôi nhà. Vậy nhưng, dân thì mất trắng, còn cán bộ cơ sở êm ru, cứ bình chân như vại.
Một bên là sự tiếp tay bởi tiền (của dân). Một bên là sự tiếp tay bởi... quyền lực quan chức. Ai thắng, ai thua?
Vụ thứ hai, một ông cựu Chủ tịch khác- Phan Minh Thanh- cựu Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, 08 năm liền không chịu trả tiền nước sạch, với lý do "chưa minh bạch trong thu chi". Bởi trước đó, giá nước 1000 đồng/m3, nay tăng lên 1500/m3, do chi phí đầu vào tăng. Dân cả xã đồng ý đóng, ngạc nhiên thay, mỗi ông cựu Chủ tịch tỉnh Tiền Giang không chịu? Không biết là ai chưa minh bạch đây?
Có thể ông cựu Chủ tịch tỉnh có lý lẽ riêng, và cách làm của xã cũng có phần chưa ổn thỏa. Nhưng là một quan chức lãnh đạo, mà "dùng nước chịu" tới gần chục năm trời không trả tiền, thì khi đó, không còn là thái độ phản ứng, có gì đó na ná sự... ăn vạ. Xưa nay, chỉ có dân "ăn vạ" quan, mấy khi quan lại "ăn vạ" dân?
Được biết, ông Bí thư Đảng ủy xã Thới Sơn (Mỹ Tho- Tiền Giang), nơi ông cựu Chủ tịch này cư ngụ đang tìm cách giải quyết cái vụ ăn cỗ đi trước, trả tiền nước sau cho yên ổn.
Hình ảnh hai ông cựu Chủ tịch, liên quan đến chuyện "đất- nước", mà cả hai đều khiến dư luận xã hội bàn luận ồn ào, trước hết, nó không đẹp về tư cách quan chức, cho dù, giờ đã là cựu. Bởi các quan chức đầu tỉnh, bao giờ cũng là cánh tay nối dài của chính quyền cấp trên.
Nếu các quan chức như hai cựu Chủ tịch này, cứ lấy cái tư lợi riêng mình... làm gốc, thì cái câu khẩu hiệu "lấy dân làm gốc" như xưa nay thường nói, chả lẽ treo ở trên ngọn cây?
Ảnh minh họa |
Dầu vậy, vụ việc cơ quan chức năng đập phần xây vượt phép của ông cựu Chủ tịch Phạm Văn Đấu, nó cho thấy không phải lúc nào quan chức cũng "được cả", không phải lúc nào họ cũng "còn duyên". Vì sông có khúc, người có lúc.
Cái quy luật của chữ duyên đời người, chữ duyên công quyền, hóa ra nó cũng nghiệt ngã lắm, hệt trong tình yêu: Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng.
Thế nên, cái chữ duyên ở các quan chức cần được ý thức, được thể hiện và giữ gìn bằng chính phẩm hạnh, phẩm cách của họ trong hoạt động công quyền, trong đời sống với dân với nước, từ khi có chữ còn (đương chức), đừng đợi đến chữ hết.
Bởi thời kim tiền này, cũng có không ít những "tim đường"... hèn nhát, thực dụng và cơ hội.
Văn hóa và "phản văn hóa"
Khi mà vụ việc về "văn hóa quan chức" ứng xử với cộng đồng của hai vị cựu Chủ tịch tỉnh còn chưa ngã ngũ, trong tuần có một sự kiện đáng chú ý.
Đó là "Hội nghị tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Bộ VH- TT& DL.
Văn hóa, được coi là toàn bộ những giá trị vật thể, phi vật thể do con người tạo ra trong quá trình phát triển của lịch sử mỗi quốc gia. Văn hóa tồn tại, dân tộc tồn tại; văn hóa phát triển, dân tộc phát triển; và ngược lại. Văn hóa khiến người ta phân biệt quốc gia này với quốc gia khác, dân tộc này với dân tộc khác.
Không phải không có lý khi người ta coi văn hóa là "tôn giáo" lớn nhất của nhân loại, và của mỗi quốc gia.
Không ai phủ nhận được những giá trị văn hóa Việt bất biến trong dòng chảy của lịch sử, từ quá khứ tranh đấu khổ đau, để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do dân tộc của các bậc tiền nhân. Thế nhưng, vì sao ở thời hiện đại và hội nhập này, sau 15 năm xây dựng văn hóa Việt, cái nhìn của chính thế hệ hậu bối về sự xây dựng văn hóa Việt lại "đậm đà bản sắc"... lo ngại và bức xúc?
Như Gs- Ts Hoàng Chí Bảo (Hội đồng lý luận TƯ): Xã hội chúng ta đang ở trong tình trạng đạo đức bị xuống cấp, bị một tổn thương rất nặng nề. Xuất hiện gia tăng đáng lo ngại về tội phạm, tệ nạn, thậm chí những hành động rất xa lạ với nhân tính. Sự không gương mẫu của người lớn, từ gia đình, trong giao tiếp xã hội, thậm chí cả lãnh đạo, dẫn đến biểu hiện đáng lo ngại về khủng hỏang niềm tin.
Gs- Ts Nguyễn Minh Thuyết: Điều đáng tiếc nhất của văn hóa là việc xây dựng con người không thành công.
Còn người đứng đầu Chính phủ, đã phải đánh giá: Sự tha hóa, lối sống xa hoa, giả dối, vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hóa ngày càng lan rộng.
... Những yếu kém nêu trên là một nguy cơ của mọi nguy cơ trong bối cảnh xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng (Thanh niên, ngày 09/8).
Xã hội đã vậy. Còn trong Đảng, người dân vẫn nhớ sự tổng kết đau xót của người đứng đầu tổ chức Đảng. Đó là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang gây ra bức xúc trong xã hội.
Nước Việt sẽ đứng ở đâu, trên hành trình hội nhập, với sự suy thoái văn hóa? Đây thuộc trách nhiệm của ngành nào, nếu không phải của ngành văn hóa?
Nhưng còn có một loại "văn hóa" nữa, từng được chính báo chí nước ngoài "điểm danh", mà thực chất là hành vi "phản văn hóa"- đang làm lụi tàn niềm tin của nhân dân, làm suy yếu đất nước. Đó là thứ "văn hóa phong bì".
Ảnh minh họa |
Không có gì chua xót hơn, một hành vi "phản văn hóa" lại được đôn lên thành một dạng thức văn hóa của dân tộc.
Chính sự nhức nhối đó, mà tuần này, một sự kiện khác cũng được xã hội quan tâm bàn luận không ít. Đó là thông tin 07 đoàn công tác về phòng chống tham nhũng của trung ương sẽ về các địa phương, các bộ, các ngành kiểm tra, thanh tra các vụ tham nhũng nghiêm trọng. Điều đó cho thấy sự quyết liệt của tinh thần chống tham nhũng, từ hệ thống chính trị. Có người còn cho rằng, đó là một "động thái chưa từng có từ trước tới nay".
Tuy nhiên, muốn chống tham nhũng hiệu quả, rất cần có cơ chế- hỗ trợ. Ở đây là pháp luật phải thượng tôn. Là cần có các thiết kế, các thao tác kỹ thuật bảo đảm sự minh bạch thu nhập của con người, nhất là những người mà vị thế xã hội tạo ra cơ hội, có nguy cơ tham nhũng cao.
Cả hai điều kiện đó xã hội ta có chưa?
Ngày 09/8 mới đây, báo Người Lao động đưa tin: "Rất khó kiểm soát thu nhập của quan chức". Bài báo cho biết, tổng kết của Thanh tra Chính phủ cho thấy các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức; kê khai thu nhập bằng tiền mặt hầu như không thực hiện được.
Thống kê cũng cho thấy mỗi năm chỉ có... 1-2 cán bộ khai báo về việc được tặng quà, và nộp lại cho tổ chức, trong số bao nhiêu cán bộ lãnh đạo đủ tiêu chí "kê khai minh bạch"?
Cũng xin lưu ý, sự đối phó để chống lại sự minh bạch, giờ đây nó không chỉ ở những quan chức tham nhũng, vốn già đời bản lĩnh chính trị, chính trường, già đời kinh nghiệm sống. Mà nó có ở ngay những người Việt trẻ, còn ít tuổi đời. Nhưng lòng tham khiến cho họ gian dối không kém. Hay họ muốn học tập, cho có "đôi bạn cùng tiến"?
Dư luận xã hội cũng chưa hề quên, vụ Vinakhủng gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, kéo theo gần chục quan chức, cán bộ phải vào tù. Thế nhưng vì sao, trước đó, Vinakhủng đã bị 11 cuộc thanh tra, kiểm tra của đủ các đoàn, mà vẫn không hề bị phát hiện ra sai phạm (năm 2006: 02 cuộc; năm 2007: 02 cuộc; năm 2008: 05 cuộc). Không hiểu các đoàn này thanh tra kiểu gì? Hay họ đi... thanks?
Thế nên không phải không có lý, trong hàng trăm lá thư của bạn đọc gửi về tòa soạn báo VietNamNet, ủng hộ 07 đoàn công tác về phòng, chống tham nhũng, có không ít lá thư bạn đọc nhắc nhở. Rằng 07 đoàn kiểm tra lần này khi đến các địa phương, cần độc lập về mặt sinh hoạt, không nên phụ thuộc vào sự đón tiếp của những nơi đoàn đến kiểm tra... v..v và v.v....
Đó là một sự nhắn nhủ chí tình, mà không thừa.
Bởi "văn hóa phong bì", "văn hóa đi đêm"- một thứ tham nhũng, hối lộ trá hình, tiếc thay, đang là thứ "văn hóa" có số đông các fan hâm mộ nhất. Bạn đọc, dư luận xã hội rất mong những cán bộ thanh tra cốt cán được cử xuống điều tra, thanh tra các vụ việc tham nhũng, không phải là những fan hâm mộ của "văn hóa" kiểu này. Liệu 07 đoàn công tác tới đây có sẽ làm cho những kẻ tham nhũng sợ đến mất... ba hồn bẩy vía không?
Kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát của 07 đoàn công tác phòng, chống tham nhũng, ở góc độ khác, cũng là một cách "ứng xử văn hóa" của các quan chức, cán bộ nơi công cộng, với cộng đồng.
Câu trả lời, giống như tên của một bộ phim hoạt hình: Hãy đợi đấy!
Kỳ Duyên
------------------
Tham khảo:
(1) http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/135650/cuu-chu-tich-vinh-long--be-cong--quy-hoach-.html