Khi phải chịu trách nhiệm lớn hơn, trực tiếp hơn trước dân, đến lượt thị trưởng được bầu trực tiếp sẽ phải thúc ép bộ máy hành chính của mình hoạt động hiệu quả, giảm thiểu hiện tượng nhũng nhiễu nhân dân.
>> Xem mô hình thị trưởng ở Mỹ
>> Thị trưởng: Quyền to nhưng phải dám từ chức
Cuối tuần qua, Thành uỷ TP.HCM đã họp hội nghị bất thường cho ý kiến vào dự thảo tờ trình Chính phủ về đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM. Thành phố đang muốn được mặc chiếc áo của chính mình, thay vì mặc chung chiếc áo với chính quyền nông thôn.
"Chỉ một năm là xong hết"
Việc TP.HCM thí điểm áp dụng mô hình chính quyền đô thị nhằm các mục tiêu sau đây.
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng bằng cơ chế bầu cử, tuyển dụng người thực tài.
Thứ hai, cần có quyền lập quy, khuôn khổ pháp lý phù hợp để giải quyết các nhu cầu bức xúc của người dân về an ninh trật tự, khác với khuôn khổ pháp lý dành cho nông thôn.
Giảm bớt cấp hành chính, rút ngắn khoảng cách nhà nước - người dân, tinh giản bộ máy, giảm chi phí vận hành, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước. Mỗi một đồng thuế nhân dân bỏ ra sẽ được hưởng nhiều dịch vụ công hơn, chất lượng tốt hơn.
Thứ tư, có được quyền tự chủ cần thiết về ngân sách, cơ chế huy động các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ đó giải quyết tốt hơn, nhanh hơn, các vấn đề ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nạn triều cường hiện nay ở thành phố. Có khuôn khổ pháp lý để tránh đầu tư dàn trải, theo kiểu như hiện nay, mỗi quận có một trung tâm thể dục, thể thao, nhà văn hóa... Cái nào cũng be bé, đầu tư không tới ngưỡng hoặc quá tải ở các quận trung tâm nhưng dư thừa công suất ở ngoại thành.
Và mục tiêu tổng quan cuối cùng mà thành phố muốn hướng tới là biến Thành phố HCM thành một địa chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư và tạo ra một bản sắc riêng, thu hút mạnh hơn các văn nghệ sĩ, trí thức đến lập nghiệp, cư trú. Để nơi đây trở thành trung tâm kinh tế, nghệ thuật.
Ảnh "Lung linh Bến Nhà Rồng", tác giả: Phạm Xuân Vinh, đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh Thành phố của tôi 2012 |
Vậy, với mô hình này, người dân được hưởng lợi gì?
Ở đây, tôi muốn tập trung làm rõ những lợi ích về thủ tục hành chính gắn liền với đặc trưng của chính quyền đô thị.
Đặc trưng cơ bản của chính quyền đô thị là giảm bớt các cấp hành chính; giảm bớt cấp hành chính kéo theo sẽ giảm bớt các bước trong thủ tục.
Chẳng hạn, một thủ tục trước đây ba bước: phường -
quận - thành phố. Nay nếu bỏ đi một cấp, chẳng hạn là cấp phường, thì
bắt buộc phải gộp các bước liên quan cấp phường trước đây vào bước tiếp
theo.
Đặc trưng thứ hai, coi toàn thành phố là một cộng đồng
thống nhất, đi tới việc người dân có thể làm thủ tục hành chính bất kỳ
nơi nào mà mình thấy tiện lợi, không nhất thiết phải tại nơi mình đăng
ký hộ khẩu thường trú như hiện nay. Cũng giống như trường hợp có thể
dùng thẻ ATM rút tiền tại bất kỳ chi nhánh, cột ATM nào, thì tới đây,
người dân đô thị cũng có thể ghé vào bất cứ phòng tiếp dân nào trên
toàn thành phố để làm thủ tục. Dữ liệu sẽ được kết nối, đồng bộ qua
internet.
Đặc trưng thứ ba, người đứng đầu thành phố do dân
bầu trực tiếp, sẽ nâng cao tính chính đáng và quyền lực của người đứng
đầu, đồng thời buộc ông ta chịu trách nhiệm trực tiếp trước dân. Khi
phải chịu trách nhiệm lớn hơn, trực tiếp hơn trước dân, đến lượt ông ta
phải thúc ép bộ máy hành chính của mình hoạt động hiệu quả, giảm thiểu
hiện tượng nhũng nhiễu nhân dân trong thủ tục hành chính.
Để làm được những điều nói trên có khó không? Trong thời đại tin học hóa và internet hiện nay, công nghệ mới cho phép giải quyết, đồng bộ hóa hồ sơ thủ tục hành chính, từ bất kỳ điểm nào có kết nối internet, chứ không phụ thuộc phường nào, quận nào. Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức chính quyền theo hướng coi toàn thành phố là cộng đồng dân cư thống nhất.
Về nguồn nhân lực, thành phố Hồ Chí Minh rất chú trọng gửi cán bộ là đảng viên trẻ đi đào tạo quản lý nhà nước ở nước ngoài, làm cán bộ nguồn cho thành phố từ hàng chục năm nay.
Hơn nữa, người dân thành phố đủ sáng suốt trực tiếp bầu ra những đại biểu Quốc hội từ TW gửi vào thì không có lý do gì lại không đủ sáng suốt để trực tiếp bầu ra thị trưởng.
Trong điều kiện thuận lợi như vậy, chỉ cần sau khi được Trung ương "bật đèn xanh" chấp nhận mô hình cụ thể, thì hầu hết các thủ tục hành chính sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp với mô hình mới. Nhân sự sẽ trải qua cơ hội sàng lọc, điều động. Nhưng quá trình này, nếu quyết tâm thì chỉ một năm là xong hết.
Xóa bỏ lăn tăn về cát cứ
Vậy để triển khai mô hình chính quyền đô thị, TP.HCM cần thực hiện những bước đi đầu tiên như thế nào?
Điều đầu tiên là phải thuyết phục Trung ương.
Chính quyền đô thị không phải là sự đổi mới mang tính chất thăm dò, mà là nhu cầu bức xúc. Thuyết phục Trung ương thay đổi cách tư duy bao cấp, dập khuôn đối với chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng. Thuyết phục, lãnh đạo Trung ương, 64 tư tỉnh thành, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, tiến ra biển lớn, thì không phải "mặc đồng phục, dàn hàng ngang", mà phải bài binh bố trận, mỗi tỉnh thành có một thế mạnh riêng, sử dụng vũ khí riêng, tạo nên trận đồ biến hóa linh hoạt, vũ khí đa dạng, thì mới chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu.
Muốn vậy, họ phải được linh hoạt trong mô hình tổ
chức chính quyền và quyền tự chủ lớn hơn. Thuyết phục, xóa bỏ những lăn
tăn về cát cứ địa phương. Muốn lập luận có sức thuyết phục, nên kết hợp
trí tuệ của giới trí thức thành phố.
Thứ hai, là phải làm rõ
cho dân hiểu mô hình chính quyền đô thị, phân tích lợi hại, kêu sự
đồng thuận của nhân dân về chính quyền đô thị. Bởi vì, chính quyền đô
thị sẽ kéo theo xóa nguồn thu nhập không chính đáng của một vài nhóm
lợi ích nào đó. Các nhóm này sẽ phản đối, gây nhiễu chính sách. Việc
này, cần phải có sự phối hợp của truyền thông.
Bác Hồ đã dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong".
-
TS Võ Trí Hảo (Khoa Luật - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)