LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP ĐỂ BÁO CHÍ THỰC SỰ LÀ CẦU NỐI GIỮA CỬ TRI VÀ CƠ QUAN QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC CÁC CẤP 

Trong bối cảnh xã hội đang bị thừa thông tin với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, các nền tảng truyền thông và ai cũng có thể trở thành một nguồn phát hành, độc giả sẽ có xu hướng tìm về với những nội dung mình quan tâm và nền tảng mình tin tưởng. Cả hai yếu tố này đều là những thách thức vô cùng lớn với bất kỳ tờ báo nào. 

{keywords}
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh. Ảnh: Phạm Hải

Từ góc độ sản xuất nội dung, có thể coi việc phản ánh các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là việc chọn thị trường ngách, nơi chỉ có một lượng nhỏ khán giả quan tâm đến các vấn đề chính luận và nhỏ hơn nữa là các cử tri quan tâm đến hoạt động của các cơ quan dân cử, xem những người đại biểu do mình bầu ra có xứng đáng với sự lựa chọn hay không. Còn ở góc độ xây dựng niềm tin, thực tế đã chứng minh, có nhiều tờ báo phải mất cả chục năm để đạt được số lượng người xem kỳ vọng. 

Ngay cả đối với nhóm nhỏ độc giả này, một cách rất logic, họ không quan tâm đến hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nếu những nội dung này được trình bầy dưới dạng lễ tân, điểm tin, điểm hoạt động. Họ chỉ quan tâm xem các đại biểu nói được tiếng nói của người dân hay không, thay mặt dân quyết định gì với những vấn đề hệ trọng của đất nước (chức năng đại diện, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước), giám sát được những người đang sử dụng tiền thuế của dân (chức năng giám sát) và liệu có cải thiện đời sống và sức khỏe của người dân và doanh nghiệp bằng những chính sách hợp lý (chức năng lập pháp). 

Ở Truyền hình Quốc hội Việt Nam, anh em hay hỏi nhau, vậy mình có được làm tin dân sinh không hay chỉ được làm về Quốc hội. Thực ra đây chỉ là 2 cách tiếp cận của cùng một vấn đề. Những gì Quốc hội bàn đều liên quan đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Và ngược lại, những vấn đề nổi lên từ đời sống và thực tiễn doanh nghiệp đều nhận được sự quan tâm sát sao của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Nếu báo chí tiếp cận vấn đề từ dưới lên, phản ánh được hơi thở của cuộc sống, chúng ta sẽ tiếp cận được độc giả. Còn nếu ngược lại, chỉ phản ánh theo kiểu điểm tin hôm nay Quốc hội làm gì, ngày mai các đại biểu đi đâu thì chúng tôi sẽ chỉ có 499 khán giả mà thôi. 

Một trong những chức năng tiêu biểu nhất của Quốc hội là chức năng lập pháp. Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người dân còn chưa quan tâm đến luật, chưa hiểu luật cho đến khi bị pháp luật điều chỉnh. Rất tiếc là hiện nay vẫn đang tồn tại một cách giải thích mà theo tôi có phần phiến diện, đó là dự thảo luật, nghị định đã treo trên website cả tháng trời, các Ông, các Bà không chịu đọc, không có ý kiến đến khi luật ban hành lại đòi sửa. Thực tế là rất ít công dân có trách nhiệm đi tìm đọc dự thảo luật, hiểu luật, đủ năng lực góp ý rồi gửi lại cho cơ quan soạn thảo. Trong giai đoạn này của tiến trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vai trò diễn giải của báo chí là vô cùng quan trọng. 

Trong thực tiễn làm luật ở nước ta, có một câu chuyện có lẽ ám ảnh nhiều người, trong đó có nhiều đại biểu Quốc hội và các nhà báo. Đó là vào năm 2015 khi vừa thông qua Luật bảo hiểm xã hội, Quốc hội đã phải sửa Điều 60 chấp nhận cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc, thay vì tích lũy đến đủ tuổi nghỉ hưu. 

Phải khẳng định báo chí đã không làm tốt vai trò diễn giải luật, vai trò cầu nối giữa Quốc hội và người dân. Một quan điểm làm luật tiên tiến đảm bảo an sinh cho người lao động khi về già nhưng vẫn phải sửa trước phản ứng gay gắt của người lao động, đặc biệt là tại các Khu công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Quan sát quá trình làm luật tại Mỹ và nhiều quốc gia phát triển, thực tế này có thể lặp lại ở nhiều nơi, không phân biệt trình độ dân trí hay mức độ phát triển. Bởi về bản chất, luật ra đời sẽ hạn chế quyền tự do của người dân và một cách rất tự nhiên, người dân không muốn có quá nhiều luật. Chỉ có một điểm khác ở đây là báo chí ở nhiều quốc gia rất tích cực trong quá trình diễn giải luật, thậm chí diễn giải theo hướng mà Tòa soạn mong muốn nhằm phục vụ mục đích cho một lực lượng chính trị nào đó. Bất kể một đạo luật nào, dù tiến bộ đến mấy, đều có những hệ lụy đi kèm, ít nhất là chi phí xã hội để thi hành luật. Người dân trong nhiều trường hợp không có đủ thông tin và năng lực để đánh giá sự cần thiết của việc ban hành luật. Họ chỉ có thể đặt niềm tin vào khả năng diễn giải luật và sự chính trực của các nhà báo. 

Làm luật là một quá trình phức tạp, hội tụ đủ các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội thậm chí cả văn hóa, tập tục, truyền thống, thói quen. Để một đạo luật đi được vào cuộc sống nó phải trả lời đầy đủ tất cả các yếu tố này. 

Xác định Lập pháp là chức năng quan trọng của Quốc hội, kể từ năm 2022, Truyền hình Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng 4 tuyến chương trình để phản ánh tiến trình phức tạp này. Chương trình “Dự thảo luật” sẽ là những cuộc tranh luận về sự cần thiết của một Đạo luật ngay từ khi nó còn đang dưới dạng Dự thảo. “Trước giờ bấm nút” sẽ là Diễn đàn tranh luận lần cuối trước khi các đại biểu bấm nút thông qua hoặc không thông qua một Dự thảo luật trên Diễn đàn Quốc hội. Bằng việc mô tả chân thực phản ứng của các nhóm đối tượng bị tác động, chúng tôi hy vọng khán giả sẽ ý thức hơn vai trò của mình trong tiến trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Ngay khi luật đã được thông qua, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình diễn giải luật với chương trình “Luật và đời sống”, giúp khán giả hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Luật và những điều chỉnh cụ thể của Luật tới cuộc sống của người dân và hoạt động của Doanh nghiệp. Và cuối cùng khi Luật đã đi vào đời sống bằng các Nghị định và chính sách, Truyền hình Quốc hội Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bám sát tiến trình này với chương trình “Đối thoại chính sách” nhằm phản ánh những bất cập có thể có trong quá trình Luật đi vào cuộc sống, thậm chí đề xuất sửa đổi Luật trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn. 

Trong bối cảnh báo chí bị tác động mạnh mẽ bởi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc sản xuất chương trình như thế nào, mới chỉ là điều kiện cần. Xây dựng hệ thống phân phối để tiếp cận nhanh nhất tới tệp khán giả của mình mới là điều kiện đủ để trả lời câu hỏi mà tham luận này đề cập. Đây cũng là vấn đề cốt tử của nhiều tờ báo hiện nay, rất vất vả để nâng cao chất lượng chương trình, bài viết, nhưng lại quên mất tầm quan trọng của phân phối để rơi vào cảnh “áo gấm đi đêm”. 

Mỗi ngày, người Việt đang dành tới 70 phút để xem video trên Youtube. Phạm vi tiếp cận của Youtube với người Việt đã đạt trên 45 triệu (từ 18 tuổi trở lên). Không chỉ trên màn hình máy tính và điện thoại thông minh, Youtube đã tiếp cận tới 25 triệu người Việt trên màn hình smartTV. (Youtube Brandcast Delivery, Tháng 10/2021). Bên cạnh Youtube người dùng Việt Nam còn dành nhiều thời gian xem video trên Facebook Watch, TikTok, các ứng dụng xem truyền hình Internet (VTVGo, FPT Play, TV360...) hay còn gọi là các OTT. Thậm chí Báo cáo “Tương lai của Truyền hình” được The Trade Desk công bố năm ngoái còn lần đầu tiên dùng từ “Tạm biệt Truyền hình, Xin chào OTT”. Trong bản Báo cáo này, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, cùng với Philippines với 36 triệu người xem OTT. Trong số này, 70% số người được hỏi cho biết, thời gian yêu thích của họ để xem OTT là từ 8h tối đến 12h đêm, tức là cạnh tranh trực tiếp với khung giờ vàng của các Đài truyền hình truyền thống. 

Có một câu nói nổi tiếng trong tiến trình số hóa các Đài truyền hình, đó là truyền hình truyền thống sẽ ngày càng mất vị thế, nhưng nội dung truyền hình sẽ ngày càng phát triển. Lấy một ví dụ đơn giản để giải thích quá trình tái phân phối nội dung truyền hình trong bối cảnh cuộc cách mạng số. Đó là sẽ ngày càng ít người về nhà vào lúc 7h, 8h tối, ngồi trước màn hình TV để xem một Bản tin Thời sự 45 phút. Nhưng nếu các Đài truyền hình chia nhỏ các tin bài, phóng sự và đưa lên các nền tảng số, số lượng khán giả nhiều khi còn tăng lên do tiếp cận được với người dùng trẻ vốn sinh hoạt thường xuyên trên Mạng xã hội. 

Digital là một sân chơi mới nơi Tòa soạn và các tờ báo có thể tương tác trực tiếp với khán giả, hiểu khán giả của mình là ai và đo lường được chính xác hiệu quả tuyên truyền của tờ báo. Có những công cụ để làm được điều đó, chỉ có điều, ngày hôm nay, các Tòa soạn không chỉ phải giỏi nghề, họ còn phải giỏi cả công nghệ để tối ưu hóa quá trình phân phối này. 

Quay trở lại câu hỏi mà Bài tham luận này đặt ra, Làm thế nào để báo chí thực sự là cầu nối giữa cử tri và cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp. Muốn trở thành cầu nối thì chúng ta phải xây cầu, tức là xây các kênh phân phối. Và các nền tảng số mà các cơ quan báo chí sở hữu hoặc vận hành chính là những cây cầu đó./. 

Ban Thời sự