- “Để đặt ra một tình huống giống như chiến tranh nhằm tạo động lực phát triển thì cần phải có khát vọng. Cần phải tạo nên khát vọng để mỗi người Việt Nam đều mong muốn đất nước phát triển đột phá về công nghệ”. Chia sẻ của Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi gặp mặt giữa Bộ TT&TT với các chuyên gia người Việt trẻ tiêu biểu đang công tác tại nước ngoài.
Hơn 100 người Việt trẻ tiêu biểu ở nước ngoài hiện đang có mặt tại Việt Nam để tham dự các hoạt động của “Chương trình kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam” diễn ra từ ngày 18/8 đến 24/8.
Tại buổi gặp mặt tối 19/8 giữa Bộ TT&TT và các chuyên gia trẻ người Việt đang công tác ở nước ngoài, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu với các chuyên gia về vai trò của Bộ TT&TT trong lĩnh vực Công nghệ, cũng như những thách thức đang đặt ra với Việt Nam về chuyển đổi số, số hóa quốc gia, Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT và Viễn thông vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội... Ngoài ra còn có các vấn đề cấp bách cần giải quyết như an ninh mạng, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, IoT…
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu mở đầu buổi gặp mặt các đại biểu người Việt trẻ tiêu biểu đang công tác ở nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ảnh: Doãn Mạnh. |
Người Việt ở nước ngoài đóng góp trí tuệ cho đất nước bằng cách nào?
Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Duy Lân, đồng sáng lập Veramine, công ty bảo mật ở Mỹ (hiện có các khách hàng là Bộ An ninh nội địa Mỹ, Không quân Mỹ…) chia sẻ: “Trong kỷ nguyên 4.0, mọi thứ đều số hóa, giá trị tài sản số ngày càng lớn, không thể không bảo vệ tài sản số đấy. Với một công ty ở Mỹ như chúng tôi, làm sao có thể đóng góp những kiến thức và giải pháp một cách tốt đẹp cho Việt Nam và đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty bên Mỹ.”
Trả lời câu hỏi này, Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các công ty tại Việt Nam đang phải giải nhiều bài toán về an ninh mạng và cũng mong muốn phát triển công nghiệp an ninh mạng. Các doanh nghiệp này có thể đặt hàng công ty Veramine tạo ra công cụ để giải quyết nhu cầu an ninh mạng, hoặc giải bài toán bằng hợp đồng với công ty của ông Lân. Đó là cách nhanh nhất.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC chia sẻ thêm: “An ninh mạng là chủ đề rất nóng, và chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. CMC có một công ty về an ninh mạng và đang nỗ lực tìm người giỏi về làm đề án. Viện nghiên cứu CMC cũng có rất nhiều đề tài về an ninh mạng, tập hợp nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, có cả sinh viên nước ngoài thực tập. Khối lượng công việc về an ninh mạng rất nhiều và hiện rất thiếu người làm.”
Các đại diện doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, CMC, FPT… cũng bày tỏ quan điểm rất mong muốn mời những nhân tài ở nước ngoài về làm việc và sẵn sàng trả mức thu nhập cao hơn cả ở Mỹ. Những nhân tài này sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết các bài toán về công nghệ của Việt Nam, sau đó là xây dựng những giải pháp để cung cấp ra thị trường thế giới.
Ông Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch kiêm TGĐ Viettel cho biết: “Tập đoàn Viettel hiện có 2 đơn vị làm về dịch vụ an ninh mạng và không gian mạng. Hệ thống mạng lưới hiện tại của Việt Nam cũng đã lớn, dữ liệu cũng nhiều rất cần các kiến thức, kinh nghiệm xử lý dữ liệu lớn như ở Mỹ. Chúng tôi còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề công cụ bảo vệ trên mạng, các hệ thống công cụ đảm bảo an ninh cho Chính phủ, ngân hàng. Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các bạn chuyên gia để có kinh nghiệm cụ thể hơn, tầm nhìn rộng hơn để xử lý các bài toán dữ liệu lớn. Viettel sẵn sàng đặt đầu bài để hợp tác, các bạn có thể về Việt Nam làm, hoặc chúng tôi cử nhân sự sang Mỹ phối hợp đều được”.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu trẻ. |
Câu chuyện U23 Việt Nam và “trận đấu về công nghệ”
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT dẫn chứng về hiện tượng đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam thi đấu rất thành công trong thời gian qua. “Tôi thấy có 3 điều tạo nên bất ngờ đấy.
Thứ nhất, trước đây đội tuyển Việt Nam đi tham gia thi quốc tế chỉ để trải nghiệm, học hỏi, cọ xát, nhưng HLV Park Hang Seo đã đặt mục tiêu phải thắng từng trận. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng là Việt Nam cũng phải đứng lên về công nghệ, và cần phải có trận đấu về công nghệ.”
“Chuyện thứ hai của ông Park rất đáng chia sẻ: U23 VN không có ngôi sao. Chúng ta không phải những ngôi sao về công nghệ trên thế giới. Nếu đặt ra bài toán ngôi sao thì chẳng đến đâu. Nhưng chúng ta có nhân dân, lôi kéo mọi người cùng đấu trong ‘trận đấu công nghệ’ thì có lẽ Việt Nam sẽ tiến rất xa.”
“Điều thứ 3 tuyệt đối quan trọng mà ông Park nhận định: Các cầu thủ VN bình thường rất hay nói, nhưng ra sân tuyệt đối im lặng, đó là bài toán không liên kết. Ý nghĩa chính của Chương trình kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam là chẳng quan trọng bạn ở đâu, làm với ai, nhưng ít nhất chúng ta đều là người Việt Nam và có thể chia sẻ.”
“Chúng tôi có thể chia sẻ gì? Một là đào tạo, làm sao để Việt Nam là cường quốc về đào tạo trí tuệ nhân tạo. Hai là chúng tôi hiện có khoảng 100 khách hàng trong top 500 công ty hàng đầu thế giới và cung cấp cho họ giải pháp chuyển đổi số, mà giải pháp ở mức cao nhất là trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với các bạn để cung cấp các giải pháp này.”
Các doanh nghiệp Việt Nam có mặt trong buổi gặp mặt hôm nay đều là những đơn vị có doanh thu lớn hàng tỷ USD, hay các Start-up công nghệ vài triệu USD. Các đơn vị này đều mong muốn mở rộng ra thị trường toàn cầu, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Do đó, ngoài việc các chuyên gia Việt đang công tác nước ngoài mang trí thức chất xám về Việt Nam, các chuyên gia còn có thể góp sức bằng cách chung tay đưa trí thức và công nghệ của Việt Nam ra thế giới nhiều hơn.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng quà lưu niệm các đại biểu. |
Để công nghệ Việt Nam phát triển, cần phải có “tinh thần thời chiến”
Một đại biểu đặt câu hỏi: “9 năm trước, các giáo sư tại ĐH Harvard (Mỹ) khi đặt vấn đề về sự thành công của Viettel, nếu phân tích theo góc độ quản trị công ty thì không thể lý giải được nguyên nhân thành công đó. Sau quá trình tìm hiểu kỹ giai đoạn thành công của Viettel, cũng như nghe ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Trương Gia Bình trao đổi hôm nay, tôi nhận ra một yếu tố quan trọng làm nên thành công của Viettel, đó là phát huy giá trị lớn nhất của người Việt: Tố chất thời chiến. Khi Việt Nam trong giai đoạn thời chiến thì chưa bao giờ thua bất kỳ ai.”
“Trong chiến tranh thì mọi người sẵn sàng dỡ nhà làm chiến lũy, nhưng khi thời bình thì không ai muốn mất nửa viên gạch. Hiện tại ông Nguyễn Mạnh Hùng đã rời Viettel để đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ TT&TT. Vậy làm thế nào để Bộ TT&TT, với vai trò tuyên truyền truyền, tạo nên cảm hứng cho người Việt, đặt ra ‘môi trường thời chiến’ về công nghệ để đưa Việt Nam phát triển?”.
Trả lời câu hỏi này, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Để đặt ra một tình huống giống như chiến tranh nhằm tạo động lực phát triển thì cần phải có khát vọng. Cần phải tạo nên khát vọng để mỗi người Việt Nam đều mong muốn đất nước phát triển đột phá về công nghệ”.
“Các dân tộc có sự phát triển ‘hóa rồng’ đều xuất phát từ sự thành công tại thị trường nội địa. Chẳng hạn như Hàn Quốc, họ thành công từ công nghiệp ô tô, smartphone… ngay tại thị trường nội địa. Có lẽ người Việt Nam đang thiếu yếu tố này. Để ra được thị trường thế giới, thì thị trường hơn 90 triệu dân là tài sản lớn nhất của người Việt Nam. Trong khi đó chúng ta lại đang tự nguyện đem thị trường này ra cho người nước ngoài khai thác dễ dàng quá.”
“Cần phải tạo một tâm lý là người Việt Nam không chỉ ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà phải dùng hàng Việt Nam để cường thịnh dân tộc. Đó là nhiệm vụ tuyên truyền của Bộ TT&TT và hiện chúng ta chưa làm được điều này. Nếu không có thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ trong nước sẽ rất khó để vươn ra thị trường quốc tế”, Quyền Bộ trưởng TT&TT nhận định.
Huy Phong (ghi)