Mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, tỉnh đều tăng
Chiều ngày 11/11, Bộ TT&TT phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo công bố Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia. Sự kiện được kết nối cầu truyền hình đến các địa phương trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm mong rằng thời gian tới Bộ TT&TT các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dành cho ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ số những sự đầu tư thích đáng. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, thực hiện nhiệm vụ hàng năm, Bộ TT&TT đã tổ chức đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2019 trên cơ sở dữ liệu báo cáo từ các cơ quan nhà nước và có sự đối soát của Bộ. Qua đánh giá, Bộ TT&TT nhận thấy năm 2019 đa số các chỉ số trung bình mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đều tăng.
Theo đại diện Cục Tin học hóa, năm 2019 kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước tiếp tục được thực hiện dựa trên 6 hạng mục chính với 3 khối cơ quan gồm khối bộ, cơ quan ngang bộ; khối các cơ quan thuộc Chính phủ và khối các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đại diện lãnh đạo Cục Tin học hóa công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước năm 2019. |
Báo cáo cho thấy, trong 3 khối cơ quan, khối bộ tăng nhiều nhất – 0,13 điểm, từ mức 0,69 điểm trong năm 2018 lên mức 0,82 điểm trong năm 2019. Khối cơ quan Chính phủ và khối tỉnh, thành phố tăng lần lượt 0,05 và 0,07 điểm so với năm trước.
Tất cả chỉ số thành phần trung bình của các bộ cơ quan ngang Bộ năm 2019 đều tăng so với năm 2018. So với năm ngoái, xếp hạng top đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 không thay đổi, lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ TT&TT.
Với các cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu bảng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, tiếp đó là Thông Tấn xã Việt Nam. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ vị trí chót bảng đã vươn lên xếp thứ 6.
Ở khối tỉnh, thành phố, tương tự các năm trước, Huế và Đà Nẵng tiếp tục giữ các vị trí đầu bảng. Năm 2019, Thừa Thiên Huế vươn lên trước Đà Nẵng để xếp vị trí đầu bảng. Một số tỉnh có sự thay đổi tích cực về vị trí xếp hạng như An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh...
Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương cho công tác ứng dụng CNTT những năm qua, Thứ trưởng Phan Tâm cũng chia sẻ, Bộ TT&TT mong muốn thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dành cho ứng dụng CNTT những sự đầu tư thích đáng. “Điều này rất quan trọng, vì trong chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn tới đã xác định ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ số thuộc nội hàm đột phá chiến lược cho giai đoạn tới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Thứ trưởng nói.
Áp dụng bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh từ năm 2021
Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham gia hội thảo.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số chuyển đổi số và trung tuần tháng 10/2020 vừa qua Bộ TT&TT đã ban hành Quyết 1726 phê duyệt Đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (DTI).
Theo đại diện Bộ TT&TT, bộ chỉ số chuyển đổi số gồm các nhóm chỉ số để đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh và cấp quốc gia. Trong đó, chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh nhằm theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, tỉnh.
Chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia nhằm cung cấp thông tin về kết quả chuyển đổi số chung của cả nước để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như cho các tổ chức quốc tế sử dụng khi đánh giá các chỉ số như EGDI, IDI, GCI 4.0, GII, GCI.
Bắt đầu từ năm 2021, Bộ TT&TT sẽ sử dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số này để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Với sự ra đời của bộ tiêu chí chuyển đổi số, tiêu chí ứng dụng CNTT sẽ được thay thế bằng chỉ số chuyển đổi số. Đối với tiêu chí ICT Index, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Hội Tin học Việt Nam để xem xét, có điều chỉnh phù hợp. Các bộ, ngành, địa phương có thể xem các nội dung cụ thể của bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh và quốc gia tại đây.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, bộ chỉ số chuyển đổi số có cách tư duy và tiếp cận mới. |
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, một điểm mới của bộ chỉ số chuyển đổi số mới được Bộ TT&TT công bố là về cách tiếp cận, chuyển đổi tư duy và cách tiếp cận từ ứng dụng CNTT - coi CNTT như là công cụ ứng dụng sang chuyển đổi số một cách toàn diện - đưa công nghệ số vào mọi mặt của quản lý nhà nước cũng như phát triển kinh tế xã hội.
Bộ chỉ số này cũng mở rộng sự tham gia của các bên vào công tác đánh giá, không còn là việc của Bộ như trước, mà bản thân trong phương pháp đánh giá còn dùng thêm việc chấm điểm từ người dân, từ chuyên gia, tức là đánh giá từ bên ngoài, sẽ đảm bảo khách quan, toàn diện hơn.
“Cùng với đó, số lượng các chỉ số đánh giá năng lực và kết quả theo phương pháp tính KPI - chú trọng hiệu suất - đã tăng hơn so với phương pháp cũ nặng về chỉ số cơ sở hạ tầng thông tin, đầu vào, chứ chưa phản ánh tốt, đủ kết quả đầu ra của các hệ thống ứng dụng CNTT cũng như sự hoạt động của người dân, cơ quan nhà nước”, ông Hồng nhận xét.
Về hướng triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số, theo đại diện Cục Tin học hóa, với việc đánh giá tiêu chí bộ/ngành báo cáo, hiện Bộ TT&TT đang dự thảo văn bản hướng dẫn bộ/ngành/địa phương thực hiện báo cáo trên hệ thống dti.gov.vn. Việc đánh giá tiêu chí điều tra khảo sát sẽ do Bộ sẽ chủ trì điều tra khảo sát người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức. Bộ TT&TT cũng sẽ chủ trì đánh giá trên không gian mạng thông qua việc sử dụng công cụ thu thập các sắc thái thông tin với từng tiêu chí và phân tích dữ liệu từ không gian mạng. Còn với đánh giá của chuyên gia, Bộ sẽ chủ trì lựa chọn các chuyên gia độc lập, có kiến thức và kinh nghiệm phù hợp ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau để xin ý kiến đánh giá về từng tiêu chí, chỉ số thành phần, chỉ số chính thuộc chỉ số DTI cấp bộ, cấp tỉnh
Vân Anh