Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 25/CP để giải quyết triệt để vấn đề quản lý thông tin thuê bao trả trước cũng như SIM kích hoạt sẵn.

Trả lời báo giới tại Lễ ký cam kết giữa 5 doanh nghiệp di động Viettel, VNPT, MobiFone, GTel Mobile và Vietnamobile với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối chiều 28/10, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, công tác quản lý thuê bao trả trước thời gian qua không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều SIM di động được đại lý kích hoạt sẵn dù hành vi này bị pháp luật không cho phép.

 

{keywords}

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông

"Vừa khó lại vừa dễ"

Lý giải nguyên nhân cho thực trạng này, bà Mơ thẳng thắn: Thứ nhất, các doanh nghiệp viễn thông chưa thực sự nghiêm túc. Trong giai đoạn thị trường viễn thông phát triển bùng nổ, doanh nghiệp quá chú trọng kinh doanh, tập trung về vấn đề phát triển kinh doanh mà buông lỏng quản lý. Nhà mạng cũng chiều theo nhu cầu của người sử dụng muốn mua SIM kích hoạt sẵn để dùng cho nhanh, tránh thủ tục phiền hà. Thứ hai, hạ tầng pháp lý, cơ chế tổ chức kinh doanh còn tạo điều kiện cho SIM kích hoạt sẵn khi mà SIM di động được bán ở mọi nơi, từ đại lý, siêu thị, thậm chí cả hàng nước, hàng rong.

Nói như TGĐ Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long, thì việc các mạng cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn là việc "vừa khó lại vừa dễ". Nếu dễ thì trước đây, các nhà mạng đã làm rồi. Nhưng sẽ không khó, nếu tất cả các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý đều quyết tâm, đồng lòng.

"SIM kích hoạt sẵn sai quy định là một vấn nạn, một hệ lụy của thời gian dài chúng ta không quản lý chặt thông tin thuê bao. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì sẽ lợi bất cập hại", ông Long phân tích. Người dùng phải đối mặt với những nguy cơ như bị dội bom tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn lừa đảo, thậm chí nhiều đối tượng còn lợi dụng SIM kích hoạt sẵn để tống tiền nặc danh, phạm tội hay thậm chí là khủng bố.. Về phía doanh nghiệp, nếu không giải quyết gốc rễ vấn nạn này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị khách hàng quay lưng.

"Qua trao đổi với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhận thấy giờ đã là lúc không thể không làm được nữa", TGĐ MobiFone Cao Duy Hải đồng tình.

Cần sự quyết tâm tổng lực

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các nhà mạng cam kết xử lý SIM kích hoạt sẵn. Nhưng lần này có nhiều điểm khác biệt so với trước đây. Thứ nhất, đại diện cho 5 doanh nghiệp đứng ra ký cam kết đều là Chủ tịch/TGĐ, và họ đều cam kết, nhận trách nhiệm trực tiếp với Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc thực thi những nội dung đã thống nhất. Thứ hai, có thể nhận thấy sự quyết tâm ở cả ba nhà mạng lớn, những doanh nghiệp mà nếu thu hồi toàn bộ SIM tồn trên kênh có thể bị tác động rất nhiều. Thứ ba, lần đầu tiên các mạng công bố cam kết trước sự chứng kiến của Bộ TT&TT và giới truyền thông. Báo chí được đề nghị hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết, thậm chí là giám sát, phản ánh công khai những doanh nghiệp nào vi phạm.

Nói cách khác, để chính sách lớn này thực sự phát huy hiệu quả, dễ dàng nhận thấy cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao từ tất cả các phía. Cơ quan quản lý cần mạnh tay giám sát, đảm bảo việc thực hiện cam kết một cách công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; Các doanh nghiệp cần quyết tâm triển khai những nội dung đã thống nhất; Nhưng đồng thời, từ phía người dùng cũng cần có sự đồng hành với Chính phủ, với nhà mạng.

"Người dùng cần từ bỏ tư duy dùng SIM thay thẻ, cứ thấy tài khoản khuyến mại khủng là thay SIM mới, hoặc cứ ngại đăng ký thông tin thuê bao với nhà mạng mà mua SIM kích hoạt sẵn....Thói quen này là lợi bất cập hại và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho chính bản thân người dùng", đại diện Cục Viễn thông khuyến nghị.

5 giải pháp siết SIM kích hoạt sẵn

Theo như nội dung cam kết được công bố vắn tắt tại lễ ký, tất cả SIM thuê bao (KIT) kích hoạt hòa mạng mới từ 1/11/2016 lưu thông trên thị trường (trên tất cả các kênh phân phối) đều là KIT 0 đồng, đều không có tiền cũng như lưu lượng trong bất kỳ tài khoản nào trước khi nạp thẻ lần đầu. Các nhà mạng không áp dụng khuyến mại nạp thẻ lớn hơn 50%, không áp dụng chính sách khuyến khích nạp thẻ, không chiết khấu bán bộ KIT thấp hơn giá thành toàn bộ.

Các doanh nghiệp cũng tự rà soát xác định SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, triển khai các biện pháp phối hợp đại lý/điểm bán để có biện pháp xử lý, thu hồi hiệu quả trước thời điểm 15/12. Đặc biệt, định kỳ hàng tuần trước 16 giờ ngày thứ Sáu, các doanh nghiệp phải gửi báo cáo kết quả thu hồi SIM kích hoạt sẵn về Cục Viễn thông. Nhà mạng cam kết chịu trách nhiệm và triển khai các biện pháp để đảm bảo tối đa quyền lợi người sử dụng...

Ngoài việc tổ chức để các doanh nghiệp cam kết với nhau, Bộ TT&TT hiện cũng đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 25/CP để giải quyết vấn đề quản lý thông tin thuê bao và thu hồi SIM kích hoạt sẵn. Hiện văn bản này đang được lấy ý kiến các bên liên quan và dự kiến có thể được ký vào cuối năm 2016, đầu năm 2017.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, dự thảo đưa ra 5 biện pháp giúp quản lý chặt, hạn chế tối đa SIM kích hoạt sẵn. Đó là 1. Quy định chỉ địa điểm đăng ký thuê bao mới được bán Sim di động; 2. Tổ chức lại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp (hoặc tổ chức đủ điều kiện thay mặt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ); 3. Có giải pháp giúp người dùng dễ dàng đăng ký thông tin thông tin một cách chính xác; 4. Ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp nhiều hơn; 5. Đưa ra các biện pháp xử phạt, chế tài đủ sức răn đe hơn.

T.C