Tại phiên hội thảo chuyên đề của Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020), các đại biểu đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới đã cùng nhau thảo luận về tương lai của 5G và cách triển khai công nghệ còn mới mẻ này.
Các kịch bản sử dụng của mạng di động 5G
Theo ông Thomas Sunnhauser - Trưởng nhóm Kinh doanh mạng và Truyền thông của tập đoàn Intel, 5G mang đến một cuộc cách mạng về thông tin thay vì chỉ đơn thuần là việc nâng cấp về công nghệ. Điều này được thể hiện rõ nét khi xét tới sự khác biệt giữa 4G và 5G. Trong khi 4G giúp kết nối mọi người lại với nhau, 5G được sử dụng để kết nối tất cả mọi vật.
Phiên hội thảo chuyên đề của Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020). Ảnh: Trọng Đạt |
Với ông Mani Manimohan - Trưởng ban Chính sách và các quy định về hạ tầng số (Hiệp hội thông tin di động toàn cầu - GSMA), trong 5 năm tới, hơn 1 tỷ người trên thế giới sẽ sử dụng dữ liệu di động với mức tiêu thụ trung bình mỗi tháng cao hơn gấp từ 4-5 lần. 5G chính là công nghệ hiệu quả để đáp ứng nhu cầu đó.
Ngoài người dùng, các ngành công nghiệp cũng đang cần tới những ứng dụng của 5G. Đây sẽ là chìa khoá cho sức mạnh tính toán và khả năng tự động hóa của các nhà máy. Bên cạnh đó, vị chuyên gia đến từ GSMA cho rằng, các chính phủ nên xem hệ sinh thái di động với quy mô hơn 1.000 tỷ USD như một động lực cho sự phát triển.
Ông Mani Manimohan - Trưởng ban Chính sách và các quy định về hạ tầng số (Hiệp hội thông tin di động toàn cầu - GSMA). Ảnh: Trọng Đạt |
Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Jemin Chung đến từ Viện Nghiên cứu Hội tụ (Hàn Quốc) cho rằng, những đặc tính về tốc độ cao và độ trễ thấp của 5G giúp công nghệ này dễ dàng thương mại hóa bởi nhờ nó, người dùng có thể trải nghiệm công nghệ thực tế ảo ngay trên chính thiết bị di động.
Công nghệ 5G có thể ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nơi hàng loạt camera kết nối 5G được sử dụng để giám sát từ xa quá trình sản xuất. Công nghệ này cũng có thể được dùng để điều khiển máy móc từ xa thay thế công việc của con người tại những nơi có điều kiện độc hại. Đó cũng chính là lời giải cho bài toán của những chiếc xe ô tô tự hành.
Ông Jemin Chung chia sẻ về câu chuyện 5G từ đầu cầu Hàn Quốc. Ảnh: Trọng Đạt |
Đây là những kịch bản hứa hẹn mà công nghệ 5G có thể mang lại. Tuy vậy, hầu hết các ứng dụng của 5G hiện nay vẫn tập trung vào việc báo cáo dữ liệu theo thời gian thực và các dịch vụ về video. Để tích hợp sâu hơn vào trong các nhà máy, doanh nghiệp, các modul ứng dụng phục vụ cho lĩnh vực này cần phải được phát triển.
Bên cạnh đó, cần có một cách tiếp cận mới với các khách hàng của công nghệ 5G thông qua việc xây dựng các phiên bản dùng thử, phát triển các ứng dụng điều hành ngay trên thiết bị di động hoặc phần mềm tương tác từ xa qua máy tính để bàn.
Không phải người dùng, ngành công nghiệp sẽ hưởng lợi trước tiên từ 5G
Mặc dù có chiến lược tiếp thị hướng tới các thiết bị cầm tay, thế nhưng những tác động đầu tiên mà 5G mang đến lại ảnh hưởng lên chính các doanh nghiệp.
Giai đoạn đầu của 5G sẽ tập trung vào công nghiệp nhiều hơn là tiêu dùng. Điều này có thể thấy ở việc, nhiều quốc gia đang phân bổ tần số cho các mạng 5G private của các doanh nghiệp.
Ông Thomas Sunnhauser - Trưởng nhóm Kinh doanh mạng và Truyền thông của tập đoàn Intel. Ảnh: Trọng Đạt |
Khi bắt đầu phát triển 5G, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới ảo hóa, đám mây hóa. Đây là 2 công nghệ làm cho mạng lưới trở nên hiệu quả hơn. Theo ông Thomas Sunnhauser (tập đoàn Intel), 5G là cơ hội để thúc đẩy các công nghệ ảo hóa và đám mây lên cấp độ tiếp theo. Về mặt băng thông, với những gì mà 5G mang lại, chúng ta sẽ không có những giới hạn đối với vấn đề này ít nhất là trong vài năm tới.
Điều mà ngành viễn thông cần đảm bảo là phải có biện pháp thúc đẩy một hệ sinh thái mở. Đây cũng chính là cơ hội tuyệt vời cho các quốc gia thuộc khu vực Châu Á TBD. Chính phủ các nước thuộc khu vực này có thể cùng nhau thông qua công nghệ này 5G để mở ra một thị trường hoàn toàn mới, ông Thomas Sunnhauser nói.
Ông Sanjay Kaul - Chủ tịch Cisco Châu Á TBD và Nhật Bản. Ảnh: Trọng Đạt |
Công nghệ 5G sẽ giúp mọi thứ có thể được tự động hóa, thậm chí là với chi phí rẻ hơn. Đó là lý do ông Sanjay Kaul - Chủ tịch Cisco Châu Á TBD và Nhật Bản tin rằng, 5G sẽ giúp ngành công nghiệp vốn đã hoạt động nhiều năm nay ngày càng trở nên hiệu quả và từ đó sinh ra giá trị.
5G cũng có thể tạo ra một tập hợp các dịch vụ và ứng dụng mới. Các công ty viễn thông vì thế có thể cung cấp mạng lưới của mình như một nền tảng để giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Chính bởi những lý do này, nhiều chuyên gia cho rằng, các chính phủ và khu vực công nên biến 5G trở thành nền tảng cho quá trình chuyển đổi số.
Thế giới đã sẵn sàng cho 5G
Tại ITU Digital World 2020, tất cả các diễn giả đều đồng thuận một ý kiến chung về tương lai tươi sáng của 5G. Tuy nhiên, điều mà nhiều người cảm thấy còn băn khoăn là liệu thế giới đã sẵn sàng cho công nghệ mới mẻ này?
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Kai Sahala - Trưởng bộ phân phát triển kinh doanh toàn cầu của Nokia cho biết, đơn vị này đã cùng với Bosch và nhiều công ty khác nghiên cứu tích hợp kết nối 5G vào trong các robot sản xuất.
Theo ông Kai Sahala - Trưởng bộ phân phát triển kinh doanh toàn cầu của Nokia, công ty này đã tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp để tìm hiểu về nhu cầu và độ sẵn sàng ứng dụng 5G. Ảnh: Trọng Đạt |
Nokia cũng đã làm việc với Honda và Toyota để ứng dụng công nghệ 5G lên những chiếc xe của tương lai. Thành phố thông minh với khả năng tự quản lý các vấn đề của nó cũng là một bước phát triển tiếp theo trong việc triển khai công nghệ 5G.
Về sự sẵn sàng của 5G, Nokia đã nghiên cứu cách các doanh nghiệp đang áp dụng 5G và cả những nơi chuẩn bị áp dụng công nghệ này. Hầu hết các công ty đều cho rằng, 5G sẽ giúp tăng suất lao động. Tuy vậy, chỉ một nửa số người có quyền ra quyết định về vấn đề công nghệ tại các công ty đó thực sự hiểu về 5G.
Chỉ 15% các doanh nghiệp được hỏi cho biết đang đầu tư vào 5G. Trong khi đó, 70% số doanh nghiệp cho biết có ý định đầu tư vào công nghệ này trong vòng 5 năm tới. Điều đó cho thấy sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp đối với 5G.
Tương lai nào cho sự phát triển của 5G?
Tại phiên thảo luận, đại diện đến từ Việt Nam, ông Lê Bá Tân - Phó TGĐ Viettel Network cho biết, để phát triển 5G, chính phủ cần có các chính sách nhanh chóng, đặc biệt là về tần số để giúp các nhà mạng khai thác mạng lưới của họ một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Ông Lê Bá Tân - Phó TGĐ Viettel Network chia sẻ câu chuyện 5G từ góc nhìn của một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Công việc của nhà mạng là tính toán chi phí và lựa chọn thời điểm bùng nổ sao cho hợp lý. Để sử dụng hiệu quả công nghệ 5G, nhà mạng không thể làm điều đó một mình mà phải cần đến một hệ sinh thái có tính xã hội, toàn cầu. Với người dân, những người phải bỏ tiền để sử dụng 5G, phải làm sao để họ cảm thấy đồng tiền mà mình bỏ ra thực sự đem tới giá trị.
Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Kai Sahala - Trưởng bộ phận phát triển kinh doanh toàn cầu của Nokia cho rằng, song song với việc triển khai 5G, các nhà mạng nên duy trì mạng 4G với chất lượng tốt. Điều này sẽ mang tới trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
“Nhà mạng cũng có thể dùng các trạm thu phát sóng truyền thống để bổ sung cho việc triển khai 5G. Điều này đang diễn ra ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Nhìn chung, các quốc gia không nên “nhảy” thẳng lên 5G mà nên duy trì song song với mạng 4G trước đó.”, ông Kai Sahala nói.
Các hội thảo chuyên đề của Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020) đều được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế. Ảnh: Trọng Đạt |
Với ông Mohamed Madkour - Phó chủ tịch mảng Tiếp thị giải pháp mạng không dây toàn cầu của Huawei, 5G không phải tự nó là một cuộc cách mạng, thay vì vậy, đầu máy cho sự phát triển vẫn phải do con người.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu trải nghiệm người dùng và mô hình kinh doanh dựa trên 5G không đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, sẽ không có cuộc cách mạng nào cả.
Ông Mohamed Madkour đánh giá: “Từ triển vọng về công nghệ, chúng ta sẽ thấy 2G/3G sẽ lùi về quá khứ, 4G sẽ tiếp tục phát triển và sẽ trở thành lớp cơ bản mang phần lớn lưu lượng truy cập. 5G sẽ xuất hiện nhanh chóng. Trong năm nay, trên toàn cầu sẽ có 1/4 tỷ điện thoại thông minh 5G được xuất xưởng.”.
Nhìn chung, các chuyên gia hàng đầu về viễn thông đều đồng ý với quan điểm rằng, 5G sẽ cần thời gian một vài năm tới để phát triển. Tuy vậy, công nghệ này có thể sẽ trở thành nền tảng chung để thúc đẩy thế giới phục hồi sau đại dịch và bước sang một trạng thái bình thường mới.
Trọng Đạt