Phương thức bán hàng mới với nhiều nhân viên bưu chính
Dù hình thức livestream để bán hàng đã quen thuộc với nhiều người bán hàng online trên mạng xã hội. Song với những nhân viên làm việc tại điểm phục vụ bưu chính như chị Kim Oanh, Trưởng Bưu điện - Văn hóa xã Xuân Sơn, Thị xã Tây Sơn, Hà Nội, đây là mô hình mà chị và các đồng nghiệp mới làm quen thời gian gần đây.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng Bưu điện - Văn hóa xã Xuân Sơn, Thị xã Tây Sơn trong một buổi livestream bán hàng. |
Chọn khung giờ từ 19h30 đến 20h30 để livestream giới thiệu với người tiêu dùng trên địa bàn về các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu đang được cung cấp tại Bưu điện - Văn hóa xã Xuân Sơn, chị Kim Oanh chia sẻ: “Đây là khoảng thời gian người dân địa phương nghỉ ngơi sau khi kết thúc các công việc. Với hình thức mới này, thay vì nói chuyện, tương tác trực tiếp với khách như trước đây, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị kỹ càng hơn. Cách nói chuyện cũng phải thay đổi để làm sao cho thu hút, tạo sự tương tác, giao lưu với các khách hàng”.
Tại Bưu điện - Văn hóa xã Khai Thái (Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Nội), hiện mỗi tuần chị Thiên Hoa, phụ trách điểm phục vụ này tổ chức 3 buổi bán hàng qua livestream vào các khung giờ từ 10h30 đến 11h30 hoặc từ 20h - 21h. “Khác với bán hàng trực tiếp, bán hàng qua livestream đòi hỏi chúng tôi phải linh hoạt, đơn giản hơn trong cách giới thiệu sản phẩm, làm sao để người theo dõi không cảm thấy nhàm chán”, chị Thiên Hoa cho hay.
Với các chị Kim Oanh, Thiên Hoa hay các nhân viên khác của Vietnam Post đang tham gia bán hàng qua livestream, những ngày đầu mới triển khai, lượng tương tác còn chưa cao. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, trung bình mỗi buổi livestream bán hàng cũng đã có từ 60 - 100 lượt theo dõi.
Mỗi buổi livestream giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của Bưu điện thường có từ 15 – 20 đơn hàng được đặt, trong đó đa phần là những đơn hàng liên quan đến thực phẩm. Những đơn hàng này sẽ được đơn vị đóng gói và giao đến địa chỉ khách yêu cầu ngay trong sáng ngày hôm sau.
Với đội ngũ nhân viên các sàn Postmart, Vỏ Sò, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, tần suất áp dụng phương thức bán hàng qua livestream ngày càng dày hơn.
Hiện sàn Vỏ Sò đã tăng tần suất livestream giới thiệu và bán nông sản, hàng thiết yếu lên từ 3- 5 lần mỗi tháng trên Fanpage và app, thay vì chỉ 1 - 2 lần như trước đây. |
Đơn cử như, trước đây mỗi tháng sàn Vỏ Sò của Viettel Post chỉ tổ chức khoảng 1 - 2 buổi livestream để giới thiệu các chương trình ưu đãi với nông sản, đặc sản tiêu biểu đang vào mùa. Khi dịch diễn biến phức tạp hơn, việc di chuyển bị hạn chế và nhất là trong đợt thứ tư dịch bùng phát này, sàn Vỏ Sò đã tăng tuần suất lên từ 3- 5 livestream/tháng trên Fanpage và app để gia tăng tiếp cận khách hàng và tăng đầu ra cho nông sản, hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng ghi nhận số lượng các buổi livestream bán hàng của các nhà cung cấp cũng tăng khoảng 30% trong đợt dịch, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, đặc sản trái cây và các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Theo đại diện sàn Vỏ Sò, bán hàng qua livestream là hình thức rất phù hợp với các mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, bởi nó cho phép giới thiệu sinh động, trực tiếp từ người bán đến người mua.
“Trung bình buổi livestream trên sàn Vỏ Sò hiện có 1.000 người tham gia xem trực tuyến. Lượt đặt hàng thời gian gần đây cũng tăng trưởng tới 30% so với các tháng đầu năm nay. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng của các đơn hàng nông sản, hàng tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội lên tới 50%”, đại diện sàn Vỏ Sò thông tin thêm.
Giải pháp hữu hiệu mùa dịch, thay đổi thói quen mua sắm của người dân
Đại diện Vietnam Post và Viettel Post đều cho rằng, kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, với những buổi livestream, tương tác trực tuyến với khách hàng đã và đang là giải pháp góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của đơn vị, trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải giãn cách.
Cụ thể, với Vietnam Post, tận dụng công nghệ trong thời đại 4.0, đẩy mạnh các kênh bán hàng online khi dịch bệnh diễn biến phức tạp là giải pháp để thúc đẩy kinh doanh đang được người Bưu điện triển khai có hiệu quả trong thời gian qua.
Dịch Covid-19 đang khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Triển khai các kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân các địa phương đang giãn cách, trên cả nước Vietnam Post và Viettel Post đã thiết lập và đưa vào vận hành hơn 4.300 điểm bán hàng thiết yếu, bình ổn giá.
Song song đó, kênh bán hàng online qua các sàn thương mại điện tử cũng như hình thức livestream bán hàng dựa trên nền tảng công nghệ số cũng đang được các doanh nghiệp bưu chính đặc biệt chú trọng.
“Việc livestream bán nông sản, đặc sản giúp cho khách hàng an tâm hơn khi mua hàng. Đặc biệt, trong giai đoạn nhiều địa phương đang giãn cách, hạn chế đi lại, livestream vừa là hình thức truyền thông thu hút người xem, đảm bảo giãn cách hiệu quả, hạn chế tiếp xúc, đồng thời vừa giúp người tiêu dùng có cái nhìn trực quan hơn về sản phẩm, tạo độ tin cậy hơn khi mua sắm”, đại diện Viettel Post chia sẻ.
Mặt khác, với doanh nghiệp bưu chính và đội ngũ nhân sự các đơn vị này, việc tổ chức livestream bán hàng không chỉ giúp tăng doanh thu, mà quan trọng hơn là người lao động bưu chính sẽ tích lũy được kỹ năng bán hàng online; đồng thời góp phần tạo thói quen mới - mua sắm online cho nhiều người tiêu dùng.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp bưu chính cũng thừa nhận rằng, vẫn cần có thời gian để người lao động hoàn thiện kỹ năng, từ đó thành thạo, bắt kịp xu hướng bán hàng mới. Rõ ràng, phương thức livestream bán hàng đã và đang mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức với doanh nghiệp và mỗi cán bộ, nhân viên bưu chính.
Vân Anh
Hà Nội giãn cách tiếp, bưu chính tăng cường kênh bán hàng thiết yếu qua sàn điện tử
Từ nay đến ngày 6/9, khi Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội, ngoài việc tăng lượng hàng thiết yếu dự trữ thì các doanh nghiệp bưu chính cũng đặc biệt chú trọng kênh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử.