Ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, nếu Chính phủ cho phép Mobile Money để thành toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn. |
Bộ TT&TT vừa có văn bản yêu cầu sớm hoàn thiện các thủ tục, cơ sở hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money. Đây là động thái chuẩn bị cho lộ trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông (Mobile Money) để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ. Chỉ thị này nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, nếu Chính phủ cho phép Mobile Money để thành toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của các nhà mạng rộng hơn các ngân hàng rất nhiều, đến cả vùng sâu, vùng xa mà khi người dân chưa có tài khoản ngân hàng.
“Thủ tướng cũng như các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cho lĩnh vực và thanh toán điện tử này thì đã có được sự quan tâm hơn rất nhiều và các điều kiện pháp lý thuận lợi hơn rất nhiều để tạo đà cho phát triển các dịch vụ mới các dịch vụ hiện đại theo chủ trương đẩy mạnh cải cách mạng 40 của Chính phủ. Thủ tướng cũng đồng ý mặt chủ trương cho việc triển khai thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ bằng dịch vụ Mobile Money. Đây sẽ là điểm bùng phát cho việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nghĩa là qua một đêm thì bất cứ ai, bất cứ người dân nào đất nước Việt Nam này cũng có thể sẵn sàng sử dụng điện thoại để chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt", ông Phạm Trung Kiên nói.
Trả lời câu hỏi nếu cho phép sử dụng Mobile Money sẽ giúp 100% người dân thanh toán không dùng tiền mặt nhưng lại là thách thức đối với ngân hàng? ông Kiên cho rằng, nếu triển khai sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, mua bán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ sẽ là một cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng. Những hàng hóa có mệnh giá nhỏ từ uống cốc trà đá 5.000 đồng, vé gửi xe, mua bánh xà phòng, gói mì tôm hay ăn bữa ăn sáng…, người dùng sẽ không sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán, mà rút điện thoại ra để trả tiền những món nhỏ này. Nhưng họ sẽ sử dụng phương tiện thanh toán điện tử bằng tài khoản ngân hàng để mua xe máy, mua nhà.
CEO Viettel Digital nhấn mạnh, Chính phủ đã có chủ trương cho phép thí điểm Mobile Money là đúng xu hướng. Khi triển khai những dịch vụ thanh toán điện tử, người dân cần phải thấy được giá trị thiết thực tạo ra cho mình thì bằng việc tiết kiệm chi phí cho Nhà nước trong việc mà số hóa việc thanh toán này cũng như tiết kiệm thời gian công sức đi lại cho họ. Người dân sẽ thấy được giá trị thực và sự dễ dàng trong thanh toán điện tử, để từ đó sẽ tạo thành những làn sóng cho xã hội. Ví dụ đơn giản như trước đây tiền điện, tiền nước ở Hà Nội phải có người đến tận nhà thu. Nhưng hiện nay đã sử dụng phương tiện thanh toán điện tử. Như vậy, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp vừa tiện lợi với người dân.
Tại buổi làm việc đồi đầu năm 2019 với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT đã đề xuất cho phép VNPT triển khai dịch vụ MobiMoney. Ông Phạm Đức Long cho rằng, MobiMoney là xu hướng triển khai chung của thế giới, với tình hình triển khai dịch vụ tài chính số hiện nay thì MobiMoney là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ MobiMoney.
Dịch vụ Mobile Money cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân không có tài khoản ngân hàng, người dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người dân không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính… thông qua điện thoại di động. Mobile Money là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện, là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với định hướng của Chính phủ. Với vùng phủ rộng của các thuê bao điện thoại di động, Mobile Money còn là công cụ hữu hiệu trong việc chuyển đổi số trong nền kinh tế số.
Thái Khang