1 - Khác nhau giữa công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ số là như thế nào? Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của CNTT với sự xuất hiện một số công nghệ mang tính đột phá của CMCN 4.0. CNTT là nói đến phần mềm, máy tính, thường là riêng lẻ, tự động hoá những việc mà chúng ta đang làm một cách thủ công, thí dụ như phần mềm xử lý văn bản, quản lý cán bộ, kế toán. Công nghệ số là nói đến các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, Internet vạn vật. Các công nghệ này có tính cách mạng ở chỗ, nó thay trí tuệ con người, CNTT thì thay lao động chân tay. Nó cũng cách mạng ở chỗ tạo ra một nguồn tài nguyên mới là dữ liệu. Nó còn cách mạng ở chỗ, đưa vạn vật vào không gian mạng, và khi vào không gian mạng thì vạn vật trở lên sống động như là con người.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Chuyển đổi số tại Bà Rịa – Vũng Tàu |
2 - Khác nhau giữa ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT. Ứng dụng CNTT là dùng máy tính và phần mềm để viết báo cáo gửi cấp trên. Chuyển đổi số là không làm báo cáo cấp trên nữa. Dữ liệu các cấp đã có trong hệ thống, cấp nào muốn lấy thông tin gì thì tự vào mà lấy và phân tích. Ứng dụng CNTT là dùng phần mềm Power Point để làm bài giảng, việc giảng bài sinh động hơn, không phải dùng phấn. Chuyển đổi số là giáo viên không dạy nữa. Giáo viên trở thành trợ giảng. Học sinh sẽ nghe thầy giáo giỏi nhất dạy qua video, giáo viên tại lớp sẽ quản lý lớp học, giải thích thêm khi cần. Và vì vậy mà học sinh toàn quốc luôn được học từ người giỏi nhất.
3 - Đang làm dở dang ứng dụng CNTT thì chuyển đổi số thế nào? Đa số thì công nghệ số hiệu quả hơn CNTT, tiếp cận chuyển đổi số thì hiệu quả hơn là cách tiếp cận ứng dụng CNTT. Thí dụ, nếu dùng máy tính và phần mềm thì phải triển khai 11.000 hệ thống cho 11.000 xã, nếu dùng điện toán đám mây thì cả 11.000 xã dùng chung một hệ thống. Dùng phần mềm riêng biệt thì đắt, triển khai tuần tự rất chậm, lại đào tạo mất nhiều công sức. Dùng nền tảng của chuyển đổi số thì triển khai cùng lúc các xã sẽ rất nhanh, rẻ và nền tảng thì dễ dùng và không cần đào tạo. Giống như Zalo, Facebook không ai hướng dẫn đào tạo cả nhưng mọi người vẫn sử dụng tốt, càng dùng nhiều thì càng giỏi lên.
4 - Tại sao nói cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ? Một cuộc cách mạng công nghiệp mới thì có 2 nội dung chính: công nghệ gì và chuyển đổi gì. Công nghệ 4.0, nhất là công nghệ số thì càng dùng nhiều, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, giá trên đầu người tiếp cận 0. Công nghệ số thì xử lý dữ liệu, dữ liệu nhiều thì mới thông minh, người dùng quyết định sự thông minh của hệ thống chứ không phải công nghệ gốc. Tức là người dùng thì đóng vai trò quan trọng hơn là người sáng tạo ra công nghệ gốc. Công nghệ gốc không quan trọng và quyết định như là ở các cuộc cách mạng công nghiệp lần 1,2,3. Nhưng Cách mạng công nghiệp 4.0 lại yêu cầu phải thay đổi mô hình vận hành, thay đổi thể chế. Thí dụ, có dám chuyển giáo viên thành trợ giảng không? Có dám bỏ hệ thống cấp dưới báo cáo cấp trên không? Có dám cho phép ngân hàng số không người phục vụ, đại học số không giáo viên không? Vậy nên, chuyển đổi số là câu chuyện dám hay không dám? Và vì thế phụ thuộc vào một người, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không có quyết tâm chính trị thì chuyển đổi số sẽ không xảy ra. Với những cái mới chưa có luật pháp thì tập thể cấp uỷ, tập thể lãnh đạo quyết định cho làm thí điểm trước, trong một không gian và thời gian hạn chế.
5 - Chuyển đổi số thì gặp câu hỏi, làm cái gì trước, cái gì sau, cái gì thì hiệu quả, giá trị trường là bao nhiêu, ai làm thì tốt? Những việc này với tỉnh có thể là khó. Nhưng với Bộ TT&TT thì không. Bởi vậy, tỉnh hãy tham vấn Bộ.
Chọn việc gì để làm trước thì có một cách tiếp cận thế này, cái gì mà tỉnh thấy khó nhất, hay gọi là nỗi đau lớn nhất, vấn đề gì tồn tại lâu rồi, còn gọi là bài toán thiên niên kỷ, hoặc vấn đề gì đang nóng nhất, người dân đang bức xúc nhất thì mang ra để xem công nghệ số có giải quyết được không. Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số có lời giải đột phá cho rất nhiều vấn đề khó, vấn đề thiên niên kỷ. Thí dụ, xoá đói giảm nghèo, khoảng cách nông thôn và thành thị, phổ cập dịch vụ chất lượng cao cho vùng sâu vùng xa,...
6 - Chi cho chuyển đổi số bao nhiêu thì phù hợp? Mức trung bình mà các nước chi cho ứng dụng CNTT, cho chuyển đổi số là 1% ngân sách hàng năm. Mức cao là trên 2%. Cũng chưa thấy ai chi trên 4%. Trung bình của Việt Nam hiện nay đang là 0,3%. Vậy tỉnh hãy chi khoảng 1% ngân sách hàng năm. Nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là những năm đầu này cần làm ngay các nền tảng, thì có thể chi 2%.
7 - Có cách nào để biết chi cho chuyển đổi số có hiệu quả hay không? Khi làm chuyển đổi số thì phải tính được giá trị do chuyển đổi số mang lại, thí dụ tiết kiệm lao động, giờ lao động, tiết kiệm chi phí thường xuyên, giá trị mới do chuyển đổi số mang lại. Những giá trị vô hình, dài hạn thì vẫn phải tìm cách lượng hoá. Giá trị tạo ra mà lớn hơn chi phí chuyển đổi số thì tức là hiệu quả. Chuyển đổi số không phải là một chi phi tăng thêm mà phải là một giá trị tăng thêm. Để tránh các tai nạn đã từng xảy ra trước đây với CNTT thì tỉnh luôn phải coi chi cho chuyển đổi số như một dự án đầu tư, phải luôn tính thu, chi. Dự án đầu tư phải dương thì mới đầu tư, mới cho làm.
Cũng có một cách làm mới là đặt ra bài toán để doanh nghiệp tìm lời giải. Thí dụ, Vũng Tàu mỗi năm có 16 triệu khách du lịch, trung bình mỗi người ở lại đây 1,1 ngày, rất ngắn. Nếu có một doanh nghiệp có cách để khách du lịch ở lại thêm 0,5 ngày, tức là tạo thêm 8 triệu ngày khách du lịch ở lại Vũng Tàu. Nếu giá trị tăng thêm mỗi người nhân với ngày là 500.000 đồng, thì giá trị tăng thêm mỗi năm là 4.000 tỷ đồng, tỉnh có thể trả cho doanh nghiệp 1% là 40 tỷ đồng/năm, hoặc 5% là 200 tỷ đồng/năm. Bài toán này đặt ra công khai thì chắc chắn sẽ có doanh nghiệp làm được. Tương tự như vậy, tỉnh có thể đặt ra các bài toán khác trên tinh thần này. Với cách làm này thì tỉnh có thể phát triển vượt bậc mà cũng tạo ra sự phát triển vượt bậc cho doanh nghiệp. Hai bên cùng thắng. Mà là thắng lớn. Bởi vậy mà thời chuyển đổi số có một công thức thành công là: việc gì mà mình thấy khó, làm mãi không được thì công khai bài toán, vấn đề của mình ra cho xã hội làm. Ở ngoài kia sẽ có ai đấy giải được.
8 - Chuyển đổi số thì có tạo ra thất nghiệp không? Lo lắng về mất việc đều đã xảy ra khi xuất hiện một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nhưng cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đều đã không tạo ra thất nghiệp, mà tỷ lệ thất nghiệp có xu thế giảm đi. Thất nghiệp tăng chủ yếu là do suy thoái kinh tế. Các cuộc cách mạng công nghiệp mới có làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều nghề mới. Vấn đề là phải đào tạo lại cho người lao động. Nhưng chuyển đổi số lại có thể hỗ trợ tích cực cho đào tạo lại, cũng như tạo ra các công cụ, nền tảng để các nghề mới dễ học, dễ làm hơn. Chuyển đổi số sinh ra các đại học số, sinh ra các nền tảng đào tạo từ xa giúp cho việc đào tạo lại dễ dàng hơn, có thể học bất kỳ lúc nào, thực hành bất kỳ lúc nào, thi kiểm tra bất kỳ lúc nào, thông qua vật bất ly thân của chúng ta là điện thoại di động, iPad. Thí dụ, một nghề mới là nghề dán nhãn để dạy cho người máy học nhận dạng khuôn mặt. Có hàng tỷ tấm ảnh được đưa cho người lao động để họ phân biệt và dán nhãn nam nữ, già trẻ, béo gầy, người thành phố hay nông thôn,... Nghề này ngồi ở quê vẫn làm được qua mạng, đào tạo thì chỉ cần thông qua hướng dẫn trên mạng. Người ở quê không phải lên thành phố làm công nhân lắp ráp, may mặc mà vẫn ở quê làm nghề dán nhãn, chỉ cần có cái điện thoại, iPad hay PC và kết nối mạng. Đây là một thí dụ về nghề mới.
9 - Chuyển đổi số thì tỉnh lấy đâu ra các chuyên gia công nghệ số? Câu hỏi này là đúng với CNTT. Vì phải triển khai, vận hành hệ thống CNTT, phải đào tạo người dùng. Những việc này lại phải làm ở từng đơn vị, từng xã, từng huyện, từng tỉnh nên rất thiếu cán bộ CNTT. Với công nghệ số thì không có các bài toán này. Tất cả là trên điện toán đám mây, các xã, các huyện chỉ cần đăng ký vào để dùng, không còn hệ thống CNTT ở từng xã, từng huyện nữa. Một hệ thống dùng chung cho tất cả. Dễ dùng đến mức không cần đào tạo. Các quy trình, cách làm đã được đưa vào nền tảng số, người dùng không cần nhớ, không cần học.
Đối với những bài toán mới thì lãnh đạo tỉnh chỉ cần đặt ra bài toán, đặt ra mục tiêu cần đạt được, lượng hoá giá trị cần tạo ra để biết chi phí tối đa có thể chi. Lãnh đạo cũng phải làm một việc nữa là tạo ra thể chế cho cái mới được phép vận hành. Lãnh đạo không cần quá quan tâm đến việc làm thế nào. Việc này hãy để cho doanh nghiệp làm, đây là nghề của họ, và họ giỏi hơn lãnh đạo. Lãnh đạo khi bị quấn vào bàn bạc cách làm, nhất là cách làm một việc mà mình không có chuyên môn như chuyển đổi số, thì sẽ không ra được quyết định làm hay không làm, và vì vậy mà nhiều việc sẽ bị treo ở đó.
Có một cách tiếp cận nữa cũng rất hiệu quả là, hãy để cho người dân, doanh nghiệp đề xuất với tỉnh những việc, những giá trị mà họ có thể tạo ra cho tỉnh. Tỉnh xem xét nếu thấy giá trị tạo ra cho tỉnh lớn hơn chi phí thì cho làm. Đây là cách đưa toàn dân vào tham gia đổi mới sáng tạo cho tỉnh. Toàn dân tham gia phát triển tỉnh. Không nên coi các ý tưởng phát triển tỉnh nhà là độc quyền của công chức nhà nước. Thường thì những đột phá, những giá trị lớn bất ngờ là xuất phát từ sáng tạo của trí tuệ nhân dân.
10 - Lấy người dân làm trung tâm nghĩa là thế nào? Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã đi qua những chặng đường phát triển khác nhau. Ban đầu thì doanh nghiệp công nghệ có giải pháp, có ứng dụng đến chào hàng chính quyền, chính quyền xem xét mua và ứng dụng. Đây là giai đoạn mà nhà công nghệ, doanh nghiệp là người dẫn dắt. Tiếp theo là chính quyền hiểu công nghệ hơn, tin vào công nghệ hơn, và bắt đầu đặt ra các bài toán của chính quyền cho doanh nghiệp công nghệ để họ giải quyết bằng công nghệ. Người dẫn dắt là chính quyền. Bước ba là lấy người dân làm trung tâm, các bài toán chính quyền đặt ra là lắng nghe từ người dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân, mang lại giá trị cho người dân. Chính quyền đưa người dân vào trung tâm. Bước bốn là sự tham gia của 4 bên ngay từ đầu, đó là người dân, chính quyền, nhà chuyên gia và doanh nghiệp. 4 bên này sẽ cùng bàn xem cái gì và cách nào để giải quyết các nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp, của chính quyền. Vậy cách tiếp cận đúng là, tất cả là vì sự phát triển bền vững của tỉnh, mọi việc luôn có sự bàn bạc của cả 4 bên ngay từ đầu.
11- Chuyển đổi số thì có mất an toàn không? Môi trường sống nào thì cũng đều không an toàn. Đó là bản chất của cuộc sống. Chúng ta sống trong thế giới thực đã hàng chục ngàn năm rồi, thể chế, pháp luật, bộ máy nhà nước đã hoàn thiện hàng ngàn năm nay mà vẫn có những nguy cơ, vẫn không an toàn tuyệt đối, vẫn có trộm cắp, giết người. Chuyển đổi số tạo ra một không gian sống mới, gọi là không gian mạng. Cuộc sống đã và đang vào không gian mạng nhanh hơn so với hệ thống pháp luật và bộ máy thực thi pháp luật và vì vậy, các nguy cơ là không nhỏ. Nhưng cái may mắn là, cả thế giới đang cùng đối mặt những thách thức này, các nước đang hoàn thiện hệ thống pháp luật trên không gian mạng. Chúng ta có thể học hỏi. Thí dụ về bảo vệ dữ liệu cá nhân thì EU đã ban hành luật và được nhiều nước coi như chuẩn; các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Google cũng đã được các nước quản lý thông qua các luật về thị trường và dịch vụ số. Việt Nam chúng ta cũng đang học hỏi để hoàn thiện thể chế, bộ máy trên không gian mạng
Nhưng chúng ta sẽ luôn phải đương đầu với các nguy cơ trên không gian mạng. Ngoài luật lệ thì mỗi chúng ta vẫn phải trang bị các kỹ năng số để sinh sống an toàn trong không gian mạng. Tai nạn, sự cố an ninh mạng vẫn sẽ xảy ra, nhưng đó cũng là cách để không gian mạng ngày một an toàn hơn. Vì không thể có rủi ro bằng 0 nên cách tiếp cận sẽ là quản lý rủi ro, tối thiểu rủi ro, khi rủi ro xảy ra thì khả năng hồi phục là quan trọng nhất.
Việt Nam sẽ phải thịnh vượng trên không gian mạng và bởi vậy, Việt Nam phải trở thành cường quốc về an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng. Cường quốc về an ninh mạng thì cũng như cường quốc về quân sự trong thế giới thực.
12 - Chúng ta có dùng cách tiếp cận đuổi kịp, tiến cùng rồi vượt lên trong chuyển đổi số không? Nếu chúng ta cứ đi sau về cái mới thì sẽ mãi mãi là người đi sau, không bao giờ thay đổi được thứ hạng quốc gia. Chỉ có đi đầu về cái mới thì mới có cơ hội bứt phá vươn lên thành nước phát triển.
Chuyển đổi số thì ta và tây đều mới như nhau. Cũng không có nhiều kinh nghiệm để học hỏi. Các nước đã phát triển thì thường lại không hăng hái với cái mới vì họ đang yên ấm trong cái cũ. Chỉ có ai đang đói khát, khó khăn thì mới hăng hái với cái mới. Thí dụ, mobile money thì một nước châu Phi nghèo là Kenya đã ứng dụng cách đây 12 năm, nhưng đến tận năm 2020 thì Mỹ mới áp dụng. Việt Nam chúng ta không cần đợi ai, thấy hiệu quả là sử dụng, nhanh nhạy với cái mới để giải quyết các vấn đề của mình và vì thế mà thành người đi đầu. Vì đi đầu mà công nghệ mới sẽ di dời về Việt Nam, vì đi đầu mà nhân lực công nghệ thế giới sẽ di chuyển đến Việt Nam. Bởi vì những nguồn lực này luôn di chuyển đến đâu có thị trường. Bằng việc đi đầu về cái mới mà chúng ta tạo ra thị trường về cái mới. Thị trường luôn là thỏi nam châm. Thị trường cũng là nơi tạo ra công nghệ, hoàn thiện công nghệ. Có thị trường là có công nghệ, là phát triển được công nghệ chứ không phải như trước đây, có công nghệ thì mới có thị trường. Ngoài ra, bằng việc đi đầu mà chúng ta thành người giỏi nhất và thế giới sẽ phải đến Việt Nam học hỏi. Việt Nam trở thành trung tâm thế giới thông qua việc cho áp dụng cái mới, ứng dụng cái mới, dùng cái mới để giải quyết các bài toán của mình, dùng cái mới để phát triển đột phá.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng