Lời toà soạn: Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, những chia sẻ của ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre đã nhận được hưởng ứng tích cực của các đại biểu. Dưới đây VietNamNet giới thiệu phần phát biểu của ông Mãi.
Ông Phan Văn Mãi phát biểu qua hội nghị trực tuyến |
Cho phép tôi được bày tỏ ấn tượng sâu sắc về sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và những thành tựu đầu tiên của chuyển đổi số quốc gia năm 2020. Cá nhân tôi nhận thức năm chuyển đổi số quốc gia 2020 rất thành công và đã tạo ra dấu mốc quan trọng cho giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của đất nước trong thời gian tới.
Sau đây tôi xin báo cáo những việc mà Bến Tre đã làm được trong thời gian vừa qua.
Bến Tre là tỉnh có nhiều tiềm năng nhưng mức phát triển vẫn còn thấp ở đồng bằng sông Cửu Long. Làm sao để Bến Tre phát triển đột phá là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền, đảng bộ và nhân dân Bến Tre trong thời gian tới.
Nghị quyết đại hội tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản lý điều hành, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, coi chuyển đổi số là cơ hội, thời cơ để Bến Tre bứt phá vươn lên thành địa phương phát triển nhanh trong khu vực và cả nước.
Với định hướng đó, ngày 20/10/2020, tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01. Đây là nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ mới về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030. UBND tỉnh đã ban hành đề án chuyển đổi số của tỉnh, cụ thể hóa và đưa vào triển khai trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các ngành các cấp thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh ủy đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh do Bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban. Theo Nghị quyết, Bến Tre thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trong đó xác định chuyển đổi số trong hoạt động chính quyền phải tiên phong, đi trước, làm dịch chuyển toàn bộ hoạt động tương tác giữa chính quyền, các cấp với người dân, doanh nghiệp, qua đó xây dựng môi trường số để kiến tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xác định trọng tâm là cung cấp toàn bộ thủ tục hành chính lên môi trường mạng, lấy người dân làm trung tâm nhằm cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu. Đồng thời, lựa chọn y tế, giáo dục, đào tạo, du lịch là những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Với tinh thần đó, bằng nỗ lực của địa phương, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của Bộ TT&TT và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh, Bến Tre đã cung cấp 100% thủ tục hành chính lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo dấu mốc quan trọng, lan tỏa tinh thần chuyển đổi số. Hiện tại, toàn bộ dịch vụ công trực tuyến được 17 đơn vị sở, ngành, chính quyền thành phố và 157 xã, phường, thị trấn cung cấp phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, tổng hồ sơ kết luận và giải quyết trên cổng dịch vụ công của Bến Tre năm 2020 là 78.946 hồ sơ. Đó là những kết quả bước đầu, với những kết quả này, chúng tôi xin được báo cáo với hội nghị 1 số kinh nghiệm như sau.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm quyết liệt, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số. Đây là yếu tố tiên quyết, quan trọng nhằm đảm bảo cho chương trình được triển khai thông suốt và đạt được kết quả.
Phải đổi mới mạnh mẽ nhận thức và cách làm. Trước đây, ta thường đặt mục tiêu tăng dần mỗi năm và chúng ta làm rời rạc, phân tán thì nay chúng ta phải tập trung ra mục tiêu, quyết liệt chỉ đạo đồng bộ và dứt điểm nhanh. Với tinh thần này, chỉ trong 3 tháng, toàn bộ dịch vụ công của tỉnh đã được chuyển lên dịch vụ công mức độ 4.
Thứ 3 là sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của Bộ TT&TT và cụ thể là Cục Tin học hóa và sự phối hợp hỗ trợ a các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài tỉnh. Đây là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng.
Các cơ quan, đơn vị đã cử cán bộ trực tiếp, hỗ trợ giải đáp các thắc mắc, kỹ thuật, cách làm, quy trình, chỉ đạo các doanh nghiệp địa phương hỗ trợ đồng hành với tỉnh, kết nối, tích hợp các hệ thống của tỉnh với các hệ thống quốc gia. Đay là điều kiện giúp chúng tôi triển khai một cách đồng bộ, nhanh chóng.
Thứ 4, rà soát chuẩn hoá quy trình, thủ tục hành chính để đảm bảo khả năng cung cấp thành dịch vụ trực tuyến mức độ 4, đồng thời chuẩn hóa tên gọi, quy trình để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cấu hình quy trình điện tử và trong thời kỳ tích hợp, liên thông chia sẻ trạng thái của các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ 5, tạo dựng bộ thủ tục hành chính chuẩn cấp huyện, cấp xã. Đối với các dịch vụ công trực tuyến cấp huyện, xã, do sử dụng chung bộ thủ tục nên được triển khai thực hiện thành bộ thủ tục hành chính chuẩn, sau đó các huyện, thành phố chia sẻ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, sẽ được chuẩn hóa và cấu hình lại quy trình xử lý tại các phòng ban, sắp xếp nhân sự phù hợp trong từng bước giải quyết dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo tính đồng bộ, kế thừa và tiết kiệm thời gian.
Nhìn chung, công tác giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu của việc giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa việc tham gia tương tác, sử dụng trực tiếp của người dân, doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là hạn chế của tỉnh Bến Tre chúng tôi trong thời gian vừa qua do người dân, doanh nghiệp chưa quen với việc giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng. Để khắc phục vấn đề này, tỉnh Bến Tre đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp.
Học tập kinh nghiệm từ tỉnh Bình Phước, Bến Tre đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện tại trung tâm hỗ trợ dịch vụ công của tỉnh, tại bộ phận 1 cửa huyện và các xã để hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Tỉnh cũng đang có kế hoạch triển khai tập huấn cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và dịch vụ công trực tuyến để các em có thể hướng dẫn gia đình thực hiện khi có nhu cầu.
Để chuyển đổi số thành công, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công trực tuyến, năm 2021, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung thực hiện một số công việc cụ thể như sau.
Thứ nhất, kết nối, đồng bộ cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để cung cấp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo khả năng truy xuất hệ thống 24/7 được thông suốt, hiệu quả.
Thứ hai, quy trình giải quyết thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã phải được đơn giản hóa hơn nữa, chuẩn hóa quy trình nội bộ cũng như quy trình điện tử, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Điều này rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Thứ ba, kết nối vào hệ thống đo lường của Bộ TT&TT để được đo lường theo dõi xếp hạng, đánh giá mức độ. Đây cũng là kênh để điều chỉnh và làm tốt hơn điều này trong thời gian sắp tới.
Thứ tư là sẽ chỉ đạo cơ quan hành chính các cấp, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số tham gia, đồng hành hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, Internet cho người dân, hỗ trợ điểm truy cập Internet công cộng, WiFi miễn phí tại các khu vực đông dân cư để người dân có thể tiếp cận dịch vụ, tham gia hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến như gửi trả kết quả qua bưu điện, thanh toán phí trực tuyến.
Thứ năm là đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng số một cách thiết thực, hiệu quả để người dân, doanh nghiệp biết và tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, kết hợp với các hình thức truyền thống như sinh hoạt tổ dân cư tự quản, tổ dân phố, phát tờ rơi tới các hình thức hiện đại tận dụng các kênh trên mạng xã hội Zalo, Facebook.
Nhân dịp này, Bến Tre xin báo cáo và đề xuất với hội nghị một số nội dung có liên quan đến chuyển đổi số như sau.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, Bộ TT&TT nên có chiến lược, chính sách để phát triển doanh nghiệp công nghệ cốt lõi về chuyển đổi số đủ khả năng cung cấp các dịch vụ công nghệ để đồng hành cùng chính quyền thực hiện chuyển đổi số, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nền tảng chính phủ số, chính quyền số, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài để xây dựng nguồn nhân lực chuyển đổi số trong khu vực công.
Thứ hai, kiến nghị Bộ TT&TT hỗ trợ cho Bến Tre và một số địa phương tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong việc đào tạo, nâng cao kiến thức cho cán bộ công chức, viên chức, nhân viên dịch vụ công về cách thức sử dụng có hiệu quả các tiện ích của nền tảng công nghệ số về mạng xã hội, dữ liệu lớn, điện toán đám mây,... để giải quyết công việc, xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông để phát triển các nền tảng chuyển đổi số.
Thứ ba, kiến nghị Bộ giáo dục đào tạo và Bộ TT&TT đưa các chương trình đào tạo về ứng dụng ICT, các kiến thức số hóa căn bản như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây vào chương trình học của học sinh từ THCS trở lên, đồng thời thực hiện giáo dục bằng công cụ ICT cũng chính là cách tốt nhất để dạy kỹ năng số cho học sinh.
Bến Tre từng báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo cho phép được thí điểm giảng dạy điện toán đám mây vào THPT ở một số tiết học của học sinh khối lớp 10, 11, 12. Sau đó, nếu các em chọn lựa đây là lĩnh vực phát triển nghề nghiệp, các em sẽ học thêm một khối lượng kiến thức kỹ năng nhất định để thi lấy chứng chỉ và trở thành kỹ thuật viên về điện toán đám mây toàn cầu để có thể làm việc trong lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực Bến Tre thấy tiềm năng và đề nghị Bộ Giáo dục, Bộ TT&TT nên có chủ trương để phát triển trong học sinh THCS và THPT.
Thứ tư, chuyển đổi số là vấn đề lớn, vấn đề mới, do vậy trung ương cần có chính sách khuyến khích sự vào cuộc của các tầng lớp chính trị, các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là sự định hướng, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp công nghệ số dành cho các địa phương.
Trên đây là một số kết quả, kinh nghiệm và những đề xuất liên quan tới việc chuyển đổi số tại Bến Tre.
Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Phan Văn Mãi