Chỉ trong một đêm, thông tin một bác sĩ ở TP.HCM rút ống thở của bố mẹ đang là bệnh nhân Covid-19 để nhường cho một sản phụ đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nhưng ngay sáng hôm sau, một số chi tiết trong câu chuyện đã được chính cộng đồng mạng đưa ra mổ xẻ, phân tích và cho rằng câu chuyện này không có thật. 

Sáng nay 8/8, Sở Y tế TP.HCM cũng đã khẳng định sự việc trên là hư cấu, để lại sự hụt hẫng cho cộng đồng mạng. 

Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Bức xúc không làm ta vô can đã chia sẻ quan điểm của mình về câu chuyện này như sau.

{keywords}
Hiện tại, tất cả bài viết trên tài khoản Facebook này đã bị gỡ bỏ.

Khi tôi nghe được câu chuyện có một ai đấy rút ống thở của mẹ mình để cứu một người khác, tôi cũng thấy câu chuyện này rất đặc biệt và cảm động. Cũng suýt nữa tôi định “share” theo, tuy nhiên đâu đó tôi cảm thấy hơi gợn gợn và vì thấy nó quá đặc biệt nên tôi tự nhủ mình phải tìm cách kiểm chứng trước khi “share” và “like” tiếp.

Tôi cũng cảm thấy, nếu có thật thì đây là một câu chuyện hết sức đáng quý, giàu tình người, và cho thấy sự hi sinh lớn. Rất may mắn là trong giây phút đó, tôi đã thắng được cảm xúc của mình và giữ được đầu óc tỉnh táo. Đó cũng là bài học tôi rút ra cho bản thân mình và muốn nhắn nhủ với những người khác rằng cảm xúc thì rất tốt, rất quý, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải giữ được một cái đầu “lạnh”, nếu không nó sẽ gây hại mặc dù thiện chí của mình là tốt.

Nhu cầu được biết những tin nóng sốt, những thông tin ngoài luồng một chút và trở thành những người đầu tiên chia sẻ những thông tin đó đã có từ lâu. Nó chính là những tin vịt, tin vỉa hè, tin ngoài quán nước ngày xưa. Nhưng ngày xưa sức lan toả của nó chỉ có tính vật lý, đi từ quán nước này sang quán nước khác và không có sức phá huỷ lớn như trên mạng xã hội bây giờ.

Cho nên, tâm lý thích giật gân, thích nóng sốt, thích trở thành người biết nhiều, biết sớm cộng với khả năng chia sẻ tới hàng triệu người của mạng xã hội đã khiến cho hiện tượng này bùng nổ và trở thành một hiện tượng hết sức tiêu cực trong xã hội hiện nay. Về mặt tâm lý thì nó không có gì mới cả.

Những câu chuyện kể cả rất xấu hoặc rất tốt đều có thể trở thành trung tâm của những “fake news” (tin giả), được mọi người truyền tay nhau. Những thông tin mang tính đặc biệt, ngoài đời thường một chút cũng khiến cho người ta cảm thấy cuộc sống nhàm chán của mình được phá vỡ và mang lại màu sắc cho cuộc sống hằng ngày của họ. Vì thế, người ta rất háo hức bám lấy và “ăn” nó như một loại thức ăn của họ.

{keywords}
Đoạn tin nhắn được cho là chụp lại cuộc đối thoại giữa bác sĩ và các đồng nghiệp. Hai bức ảnh bé sơ sinh được xác định là của một ca sinh khác trước đó. 

Tôi không đánh đồng tất cả những người nổi tiếng hay có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhưng cũng không phủ nhận được việc nhiều người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội nhưng lại có ý thức trách nhiệm khá thấp với mức độ ảnh hưởng của mình. Thậm chí, họ còn có chiến lược càng đăng những tin nhập nhằng càng nhiều càng tốt, bởi vì nó càng khiến cho họ có nhiều người theo dõi hơn.

Thay vì ý thức rằng mình đã có nhiều người theo dõi rồi nên mình phải thận trọng thì họ lại hành xử ngược lại - tiếp tục đi theo những thông tin nhập nhằng không được kiểm chứng, đăng lên rồi lại rút xuống… để tiếp tục thu hút những người theo dõi (follow) mình. Bởi vì số lượng người theo dõi và số lượng “like”, “share” là thứ rất gây nghiện và khi người ta không có được cái đó, người ta cảm thấy bị thiếu thốn.

Vụ việc lần này chắc chắn là cơ hội cho các tờ báo chính thống. Nếu các bạn lăn xả vào cuộc sống, có những bài phóng sự sâu, kỹ, có những phân tích, điều tra của riêng mình, có những con người thật việc thật thì các bạn sẽ có ảnh hưởng và vai trò lớn trong xã hội.

Rõ ràng đây là cơ hội cho báo chính thống khi mà người dân bắt đầu cảm thấy nghi ngờ mạng xã hội và cho rằng nó không còn là một nguồn đáng tin cậy cho đời sống tinh thần của mình nữa.

 

Nhiều Facebooker xin lỗi
Sáng 8/8, một số Facebooker đã xin lỗi trên trang cá nhân do trước đó chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng trong vụ “bác sĩ rút ống thở”.
Đa số những người này cho biết bị “cảm xúc lấn lướt, đi trước” dẫn đến việc chia sẻ, lan tỏa thông tin chưa được kiểm chứng.
Trên trang cá nhân của mình, Facebook N.Đ.H. chia sẻ việc bản thân lấy làm tiếc khi lan tỏa câu chuyện về vị bác sĩ nhường ống thở khi thông tin chưa được kiểm chứng. Ông cho rằng, bản thân đã thiếu bình tĩnh, thiếu kiểm chứng một cách cần thiết về câu chuyện trên. Đồng thời nói lời xin lỗi vì đã để cảm xúc đi trước.
Facebooker H.N.V. cũng đăng bài chất vấn bản thân và nói lời xin lỗi trên trang cá nhân sau khi góp phần lan tỏa câu chuyện này. Đồng thời cũng nhấn mạnh sẽ cẩn trọng hơn, nghiêm khắc hơn nữa với mình.
Cũng chia sẻ về câu chuyện trên, Facebooker J.K. cũng cho biết đang liên hệ để xác minh lại thông tin. Và trong thời gian thông tin chưa được xác minh rõ ràng, tài khoản này ẩn 2 status có liên quan để không tiếp tục lan toả. (Nguyễn Sơn ghi)

 

Nguyễn Thảo (ghi)

Sở Y tế TP.HCM: Chuyện bác sĩ rút máy thở của cha mẹ nhường cho sản phụ là hư cấu

Sở Y tế TP.HCM: Chuyện bác sĩ rút máy thở của cha mẹ nhường cho sản phụ là hư cấu

Sở Y tế TPHCM khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của cha mẹ, nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu.