Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chủ trì buổi họp báo giải đáp các vấn đề liên quan đến công tác chống dịch trong thời gian gần đây.
Ông Thành cho biết, đến nay toàn tỉnh ghi nhận 33 ca mắc Covid-19 (Bình Xuyên 4 ca, Lập Thạch 4 ca; Phúc Yên 13 ca, Yên Lạc 2 ca; Vĩnh Tường 1 ca, Vĩnh Yên 9 ca). Đến 9h sáng nay, theo báo cáo của Sở Y tế, xét nghiệm sàng lọc phát hiện 38 ca nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành |
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, sáng nay (9/5) Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp và thống nhất nhiều chủ trương quan trọng. Trong đó, về quan điểm trong chống dịch, tỉnh Vĩnh Phúc nhận định dịch Covid-19 chủng Ấn Độ khác hoàn toàn với các ca nhiễm trước đây.
"Cách đây một năm, Vĩnh Phúc đã tổ chức chống dịch, tuy nhiên năm 2020 dịch bùng phát từ một điểm, sau đó lan ra. Tuy nhiên, với chủng virus lần này tốc độ lây nhiễm rất nhanh, mạnh, nguy hiểm, trong vài ngày đã lan đến 8 đơn vị hành chính của tỉnh", ông Thành nhận định.
Từ "truy đuổi" sang "bao vây, đánh chặn"
Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh, so với việc chống dịch năm ngoái, năm nay tỉnh áp dụng chiến lược chống dịch kiểu mới, chủ động hơn.
"Năm 2020, Vĩnh Phúc áp dụng chiến lược điều tra, truy vết, truy đuổi tận nơi và đã thành công. Tuy nhiên, với chủng virus mới có tốc độ lây lan và uy hiếp tính mạng cấp độ lớn hơn thì chiến lược trên không thể đáp ứng.Thay vào đó, chúng tôi quyết tâm bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn", ông Thành nói.
Cụ thể hóa chiến lược trên, Vĩnh Phúc thay đổi cách làm hoàn toàn khác khi mở rộng diện xét nghiệm, coi các đối tượng F1 như F0 và coi F2 như F1 để có các biện pháp cụ thể. Vì với chủng mới lần này, nếu theo cách làm cũ thì khi xét nghiệm được các trường hợp F1 thì các F2 đã tăng lên và nguy cơ trở thành F1, F0.
Theo ông Thành, việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đang được tỉnh ưu tiên triển khai và triển khai thần tốc để nắm thế chủ động khi chống dịch. Vĩnh Phúc thống nhất phương án tổ chức xét nghiệm với ba đối tượng, đầu tiên là các trường hợp F1, hai là nhóm đối tượng F2 tiếp xúc gần và có nguy cơ. Nhóm thứ ba, tất cả các khu dân cư có đối tượng F0 cũng xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe người dân.
"Chúng tôi coi việc mở rộng đối tượng xét nghiệm là phương án đánh chặn Covid-19 từ xa để nắm thế chủ động, mặc dù để làm được điều này, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Sở Y tế phải xử lý khối lượng công việc rất nặng nề, áp lực. Nhưng vì sự an toàn của người dân, những biện pháp cấp bách chống dịch đã và đang được triển khai khẩn trương, thần tốc", lời ông Thành.
Song song với việc kích hoạt các biện pháp chống dịch ở mức độ cao nhất, người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù có nhiều ca mắc mới gần đây tuy nhiên các ca được công bố đã được tỉnh khoanh vùng xét nghiệm trước đó nên không bị động khi xử lý.
"Theo chỉ đạo chung, các ca bệnh mắc Covid-19 sẽ được Bộ Y tế công bố, tuy nhiên công tác xét nghiệm sàng lọc cho kết quả chúng tôi một mặt thông tin rộng rãi, mặt khác áp dụng các biện pháp chống dịch như ứng xử với ca đã dương tính với dịch bệnh. Do vậy, trường hợp kết quả từ Bộ Y tế công bố dương tính thì ở địa phương chúng tôi đã kích hoạt chống dịch từ trước", ông Thành nêu cách làm của Vĩnh Phúc.
Người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận: "Mặc dù số ca tăng nhanh nhưng chúng tôi khá yên tâm. Yên tâm ở đây không phải là chủ quan mà ở chỗ, các ca phát hiện đã nằm trong diện đánh chặn trước đó. Điều chúng tôi lo nhất là có ca F0 đang đi lại trong cộng đồng chưa được phát hiện sẽ gây hậu quả khó lường".
Theo đó, với diễn biến dịch bệnh, Vĩnh Phúc đã làm các kịch bản với các trường hợp từ 0-100 ca, 100-300ca và trên 300 đều có kịch bản về nhân lực, vật lực, kinh phí cụ thể. Kịch bản trên đã được hình thành nghị quyết và Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên có kịch bản này.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan T.Ư, ngay sau khi có ca nhiễm thì các chuyên gia của Bộ y tế, bệnh viện dã chiến đang chuyển giao công nghệ tại bệnh viện dã chiến.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Vĩnh Phúc ghi nhận 33 ca mắc Covid-19 |
Bên cạnh đó, trước thực tế Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang bị phong tỏa, tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương và chủ động tăng cường cho các bệnh viện dã chiến. Từ 1/5 đến nay, Vĩnh Phúc tăng cơ sở cách ly và số giường bệnh từ 1.400 giường lên 6.000 giường (số liệu đến ngày 9/5).
"Chúng tôi không bất ngờ với kịch bản trên mà đã có các bệnh viện dã chiến phục vụ tại chỗ. Hiện nay đã đưa vào hoạt động ngày 8/5. Đến nay, theo Sở Y tế công bố, đã có 50 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện dã chiến", ông Thành nói.
Ai không làm thì đứng sang một bên
Với chỉ đạo xuyên suốt từ Thủ tướng Phạm Minh Chính khi cá thể hóa trách nhiệm khi thực hiện chống dịch, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết chỉ đạo trên được tỉnh áp dụng như một "chiến thuật" trong chống giặc Covid-19.
"Tôi xác định, với cán bộ nếu đã giao nhiệm vụ thì phải làm, ai không làm thì phải đứng sang một bên, không được chậm trễ bất cứ một phút nào. Việc đình chỉ cán bộ hiện nay (đình chỉ PGĐ Sở Y tế Nguyễn Khắc Lập; Chủ tịch Bình Xuyên Nguyễn Mạnh Hùng - PV) không phải là mục tiêu nhưng hiện tại buộc phải làm gương, giải quyết ngay chỗ ùn tắc giải quyết công việc trước mắt.", ông Lê Duy Thành khẳng định.
Liên quan đến các clip phát tán trên mạng xã hội về quán bar, karaoke (TP Phúc Yên), ông Thành cho biết, Công an tỉnh bước đầu xác minh cho thấy đa phần các clip không phải tại quán bar Sunny.
"Vĩnh Phúc sẽ khách quan, công minh đối với những vi phạm. Đặc biệt là vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tỉnh đã giao Thành ủy, UBND Phúc Yên xem xét trách nhiệm cán bộ quản lý. Hiện nay đã có 4 cán bộ bị đình chỉ", ông Thành nói.
Từ bài học chống dịch Covid-19 năm ngoái, Ban Thường vụ quyết định tập trung hơn, quyết tâm hơn nữa thần tốc, thần tốc trong truy vết. Ngày từ 28/4/2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng ban hành văn bản hỏa tốc đến các đơn vị để thực hiện các biện pháp chống dịch, coi chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Cho đến hiện tại, theo ông Thành, hướng xử lý và góc tiếp cận với dịch Covid-19 chủng Ấn Độ đã đi đúng hướng.
"Chúng tôi quyết định nâng mức độ cảnh báo lên một bậc, đến hiện tại Vĩnh Phúc chưa công bố giãn cách toàn tỉnh, nhưng về phương pháp triển khai đã áp dụng các chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng.
Lần này, chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khi dịch xảy ra, được công bố, không phân biệt cơ quan nào, tất cả các đơn vị vào cuộc theo phân công của Ban chỉ đạo. Thậm chí, kể cả các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng trực tiếp xuống địa bàn nắm cơ sở để có quyết sách kịp thời", Chủ tịch Lê Duy Thành nêu.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Đoàn Bổng
Chủ tịch Vĩnh Phúc lo ngại việc người ở vùng dịch đi ra ngoài cộng đồng
Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nói rằng tỉnh đã chủ động và kích hoạt đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Nhưng sự chủ động là chưa toàn diện.