- TS Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao nhấn mạnh chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng thành công với tất cả diễn biến theo đúng dự kiến. Về mặt lễ tân, phía Mỹ đã tiếp đón TBT ở mức cao nhất, trọng thị nhất, như với một nguyên thủ quốc gia.

“Riêng bản thân điều đó đã nói rất nhiều điều. Đó là sự công nhận lẫn nhau. Nước Mỹ không chỉ công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN, mà còn nhắc lại nội dung từ tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện, là công nhận, tôn trọng thể chế chính trị VN. Đấy là sự công nhận tính chính danh của Đảng CSVN trong vai trò lãnh đạo đất nước VN. Đồng thời, thừa nhận giữa hai nước có khác biệt về thể chế chính trị, còn bất đồng về các vấn đề như dân chủ, nhân quyền, nhưng cần đối thoại thẳng thắn, cầu thị cùng tiến thông qua hữu nghị trao đổi thì hoàn toàn có thể hợp tác với nhau, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

{keywords}

Chiến lược xoay trục và VN

Việc những cụm từ “người bạn Mỹ”, “bạn lớn” dường như lần đầu tiên được sử dụng ở cấp cao nhất là TBT nói lên điều gì, thưa ông?

Chiến tranh VN đã qua 40 năm, bình thường hóa quan hệ được 20 năm. Nhìn lại có thể thấy quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua được hai chặng đường, mà đầu tiên là từ kẻ thù thành bạn. Giai đoạn này, ông Bill Clinton đóng vai trò quan trọng, là vị Tổng thống quyết định dỡ bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với VN.

Trong gia đình chính trị danh giá này còn có bà Hilary Clinton, ở cương vị ngoại trưởng đã thúc đẩy để Việt - Mỹ bước sang chặng đường thứ hai, từ quan hệ bạn bè lên tầm quan hệ đối tác toàn diện, và hơn thế, có những nội hàm còn mang ý nghĩa chiến lược. Khi thăm gia đình Clinton, TBT Nguyễn Phú Trọng dùng từ “người bạn lớn của nhân dân VN” là thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá trân trọng ấy. Những lời lẽ ấy, cùng với các cuộc gặp những chính khách Mỹ khác bày tỏ sự mong muốn duy trì, phát triển các mối quan hệ bạn bè không chỉ với gia đình ông bà Clinton mà với các thế hệ lãnh đạo Mỹ.

Một yếu tố quan trọng là Việt - Mỹ đã thấy được sự tương đồng, thậm chí song trùng về mặt lợi ích chiến lược, quan điểm trên nhiều vấn đề. VN tham gia và thể hiện là thành viên tích cực trong ASEAN, rồi tham gia sâu vào các hoạt động của LHQ - từ Hội đồng Nhân quyền đến giờ là tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.

Rồi VN thể hiện quan điểm công khai, nhất quán, rõ ràng về an ninh ninh khu vực châu Á - TBD, về an ninh, an toàn hàng hải... Từ những việc đó, Mỹ nhìn thấy ở VN một sự thay đổi ngày càng tích cực. Ngược lại, chiến lược xoay trục lại giúp nâng cao giá trị của nhân tố VN trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á - TBD.

Tất cả hội tụ, quyện chặt đưa quan hệ Việt - Mỹ vào chiều sâu sắc hơn, thu hẹp bất đồng, mở rộng tương đồng.

TQ sẽ quan tâm hơn tới VN

Quan hệ Việt - Mỹ được nâng tầm cao mới sẽ tác động thế nào tới quán hệ của VN với các quốc gia khác, nhất là các nước lớn?

VN đã và đang hội nhập sâu rộng vào toàn bộ đời sống quốc tế. Quan hệ Việt - Mỹ tốt sẽ tác động tích cực tới môi trường hòa bình, ổn định của VN, và tác động ở mức độ khác nhau tới các cặp quan hệ khác. Nhưng điểm chung xuyên suốt là quan hệ Việt - Mỹ ngày càng củng cố, phát triển thì sẽ nâng tầm vị thế của VN. Giá trị của VN trong ASEAN, với các bạn bè truyền thống, cũng như với các đối tác mới sẽ được nâng lên nhiều. Các nước khác sẽ nhìn vào mối quan hệ đó để xử lý hài hòa mọi vấn đề lợi ích.

Tôi tin rằng, củng cố quan hệ với Mỹ thì quan hệ của chúng ta với Nga, Nhật, Hàn Quốc, Úc... và nhiều nước khác sẽ tốt hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho VN.

Với TQ thì sao, thưa ông?

Việt - Mỹ, Việt - Trung là mối quan hệ cân bằng động. Mỗi bước đi của ta với TQ đều được Mỹ theo dõi sát, và ngược lại mỗi bước đi của ta với Mỹ, TQ cũng đặc biệt quan tâm. Do vậy, theo tôi, tới đây sẽ có một sự cạnh tranh và TQ sẽ quan tâm hơn tới VN, để cân bằng lại. Chừng nào VN giữ được quan hệ tốt với hai bên, giữ được vị thế cân bằng, thì chúng ta sẽ nhận được lợi ích lớn.

Chúng ta khẳng định không liên minh với Mỹ để chống TQ, và cũng không đồng minh với TQ để chống Mỹ. Cái chúng ta cần là môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; là tranh thủ nguồn lực từ cả Mỹ, TQ và các nước khác để xây dựng kinh tế. Chẳng hạn như chuyến đi này, Việt - Mỹ đã chính thức hợp tác thành lập Đại học Fulbright ở VN. Giáo dục, khoa học - công nghệ thì Mỹ là hàng đầu rồi.

Việc TQ hành xử thô bạo trên biển Đông có tác động thế nào tới quan hệ Việt - Mỹ trở nên gần gũi?

Một số nhà quan sát nước ngoài bình luận nhấn mạnh nhân tố TQ. Tôi không nghĩ vậy. TQ là một nhân tố quan trọng, nhưng không quyết định. Cái chính là chúng ta nhất quan chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Và gần đây có phát triển nhận thức là cần làm sâu sắc quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ. Chúng ta và một số nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác toàn diện cũng là để nhằm củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Còn những gì mà TQ gây ra trên Biển Đông thời gian qua, theo tôi chỉ làm bộc lộ sớm hơn, rõ hơn bản chất nước lớn của họ. Và điều đó có giá trị chứng minh cho chiến lược ngoại giao, quan điểm xử lý hai mặt đối tác - đối tượngcủa Đảng là đúng đắn.

Không bỏ lỡ cơ hội lịch sử

Ông có thể dự báo gì về quan hệ Việt - Trung, Việt - Mỹ trong thời gian tới?

Quan hệ Việt - Trung dao động trong biên độ đã định sẵn, với trần là mức đạt được những năm 1950-1960 và sàn là cuối những năm 1970 - đầu 1980. Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay và cả sau này, quan hệ hai nước khó có thể vượt trần nữa, nhưng chắc cũng không thể xuống sàn - do hai bên đan xen lợi ích sâu sắc và thế giới đã văn minh hơn nhiều. Những năm qua, quan hệ hai nước ở dạng hình sin, có lúc xuống rất thấp - như năm 2014, sự kiện giàn khoan 981. Quan hệ hai nước sẽ tiếp tục lên xuống và thậm chí có lúc bất thường, nếu vấn đề biển Đông không được giải quyết thỏa đáng.

Quan hệ Việt - Mỹ, mới nối lại 20 năm qua, cũng hình sin, nhưng biên độ giao động hẹp hơn so với TQ, và chiều hướng là đi lên. Theo tôi, sau chuyến thăm lịch sử của TBT Nguyễn Phú Trọng, và nếu thời gian tới TT Obama sang thăm chính thức VN, thì quan hệ hai nước sẽ đi lên mạnh mẽ hơn, vẫn hình sin, nhưng biên độ dao động sẽ còn hẹp hơn, dễ dự đoán hơn, thực chất hơn.

Đó chỉ là dự báo. Cụ thể thế nào sẽ còn tùy thuộc vào nội bộ từng quốc gia. Như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong bài viết của ông đã kỳ vọng hai nước không bỏ lỡ cơ hội lịch sử như từng xảy ra ở những giai đoạn trước.

Nghĩa Nhân