XEM CLIP:
Hôm nay 6/8, ông Nguyễn Văn Bính - Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An) cho biết, cơ quan chuyên môn hàng tháng đều tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn nhưng không phát hiện người dân nuôi nhốt hổ.
“Vụ bắt 17 cá thể hổ vừa rồi là do lực lượng Công an tỉnh Nghệ An chủ trì. Để đưa hổ ra khỏi chuồng thì phải có cơ quan thú y dùng thuốc gây mê. Cơ quan Kiểm lâm chỉ được gọi đến để chứng kiến, phối hợp và theo dõi khi có yêu cầu” - ông Bính thông tin.
Các cá thể sau khi tiêm thuốc mê |
Trả lời báo chí, Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết, từ năm 2020, chuyên án điều tra nuôi nhốt hổ trái phép ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành) đã được xác lập.
Sáng 4/8, sau khi có đầy đủ chứng cứ, Công an tỉnh Nghệ An quyết định ra quân phá án, phát hiện 2 cơ sở nuôi nhốt ở nhà dân có 17 cá thể hổ trưởng thành.
Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An |
Liên quan đến việc 8 cá thể hổ bị chết sau khi bắt giữ và di chuyển. Thượng tá Trần Phúc Thịnh cho biết, đây là tang vật vụ án nên các cá thể hổ đang được bỏ vào tủ đông lạnh bảo quản để tiếp tục điều tra.
Thượng tá Thịnh thông tin, quá trình giải cứu hổ nuôi nhốt có lực lượng cơ quan thú y gây mê các cá thể hổ. Hổ chết có liên quan trong quá trình gây mê hay không thì chưa thể khẳng định.
Đánh giá từng cá thể hổ trước khi tiêm thuốc mê
Ông Trần Văn Hải - Phó GĐ Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) cho biết, có 14 cá thể trưởng thành được lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt từ xã Đô Thành (huyện Yên Thành) gửi nuôi tại khu sinh thái 2 ngày trước. Trong đó 5 con hổ đã chết và được bỏ tủ đông tại khu du lịch.
Theo kinh nghiệm của ông Hải, các con hổ trước khi tiêm thuốc mê cần đánh giá hiện trạng sức khỏe, thể trạng và cân nặng của từng cá thể. Từ đó, để tính liều lượng thuốc mê cho phù hợp với từng con hổ khác nhau khi tiêm.
“Hổ chết có nhiều yếu tố, nguyên nhân khác nhau. Vấn đề không chỉ dừng lại ở thuốc mê mà khiến hổ chết được” - ông Hải cho biết.
Mỗi cá thể hổ cần kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm thuốc mê để di chuyển |
Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết, các cá thể hổ trong quá trình giải cứu bị chết là sự việc ngoài mong muốn. Quan trọng nhất là việc bảo tồn động vật hoang dã cần phải phá án, bắt giữ được các đối tượng mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã để răn đe chung.
Theo ông Thái, các cá thể hổ đã được giải cứu này không thể tái thả về môi trường tự nhiên mà chỉ có thể đưa vào các khu bảo tồn chăm sóc. Hổ được nuôi nhốt từ lâu, khả năng săn mồi trong tự nhiên để sinh tồn là khó khăn.
Chiều cùng ngày, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan Công an đang điều tra và chưa nhận được báo cáo liên quan vụ bắt hổ nuôi nhốt trái phép.
Sáng 6/8, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã tặng thưởng tập thể Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An 50 triệu đồng; Tập thể đội 2 - Phòng Cảnh sát môi trường số tiền 30 triệu đồng và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc, mỗi cá nhân 10 triệu đồng.
|
8 con hổ đã chết sau vụ bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An
Sau khi lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ vụ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trong nhà dân ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), đến nay có 8 con đã chết.
Quốc Huy