Trưa nay chú Tư, người bảo vệ tốt bụng chung cư tôi ở vui mừng nói “Chú em! Chắc tui sắp được tiêm vắc xin rồi. Bà tổ trưởng khu phố nói đợt này TP ưu tiên cho những người như tui”. Có lẽ chú và nhiều bà con đồng cảnh còn phải chờ ít ngày nhưng nghe những tin như vậy, trong những ngày giãn cách căng thẳng này tôi cũng mừng cho họ.
Nói vậy nhưng chú Tư cũng hỏi tôi có thiệt không? Mở điện thoại tôi đọc cho chú nghe những dòng này “Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết sẽ ưu tiên vắc xin cho người có bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo, đối tượng chính sách; công nhân và người nước ngoài...”.
Một người dân TP.HCM được tư vấn trước khi tiêm vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng |
Tôi cũng muốn chú hiểu thêm từ Chủ tịch TP, Bí thư Thành ủy đến Thủ tướng cũng đã tỏ rõ muốn đợt tiêm vắc xin lớn nhất lịch sử này cũng sẽ dành phần nhiều cho bà con nghèo, lao động trong những ngành nghề thiết yếu hay anh em công nhân.
Tôi vẫn nghĩ rằng khi mà số ca nhiễm đã vượt qua 15.000 ở TP.HCM, mấy ngày gần đây đều vượt qua số ngàn ca và rất nhiều bà con nghèo, lao động giản đơn, anh shipper, chị tiểu thương... đang dần khó khăn và luôn nằm trong nhóm dễ bị “tổn thương” nhất sẽ cần những ưu tiên như được tiêm vắc xin. Vắc xin không phải là thần dược và vẫn có thể nhiễm Covid nhưng ít ra đó không chỉ là “liều thuốc tinh thần” giúp họ vững tin hơn mà lỡ may dương tính thì đã có kháng thể để chống chọi.
Sáng 13/7, vừa nhận tin Nhật tặng tiếp 1 triệu liều vắc xin sau 2 triệu liều trước đó thì đến trưa Úc lại thông báo sẽ hỗ trợ Việt Nam 1,5 triệu liều. Cùng với 2 triệu liều Mordena Mỹ đã gửi đến mấy ngày trước và các nguồn khác đang được Chính phủ, ngành y nỗ lực đưa về Việt Nam trong thời gian tới thì những người như chú Tư hay bà con đang cần kíp chắc chắn sẽ là “người trong cuộc”. Họ sẽ “không bị bỏ lại phía sau” trong những chiến dịch tiêm vắc xin chưa từng có.
Trong tháng 7 này, TP.HCM triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đợt 5 với 1,1 triệu liều. Vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhưng tôi thích chủ trương “theo kế hoạch sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho người có bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo, đối tượng chính sách; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tiện ích, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và một số ngành nghề khác. Bên cạnh đó, đợt tiêm vắc xin này cũng sẽ ưu tiên cho công nhân”.
Tôi vẫn chưa quên được hình ảnh hàng trăm công nhân trong một nhà máy ở KCN Bàu Bàng, Bình Dương xô đổ cổng tháo chạy khi nghe có dương tính xuất hiện ở đây. Trách họ thì dễ nhưng làm thế nào để những người như họ không quá hoang mang và lo lắng khi F0 có thể ập đến bất cứ lúc nào mới là điều cần kíp lúc này. Giờ đây chỉ có vắc xin, vắc xin và vắc xin mới có thể giúp rất nhiều bà con an lòng kiếm sống.
Người dân TP.HCM ngồi chờ đến lượt tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Trương Thanh Tùng. |
Khó có thể biện minh với những hành xử không đúng nhưng những chú bảo vệ nghèo, anh xe ôm, chị công nhân, người ráo mồ hôi đã hết tiền... sẽ sống thế nào, con cái họ dựa vào đâu nếu chẳng may họ nhiễm bệnh, dương tính và mọi nguồn thu nhập đều bị ngắt? Những đồng cảm từ cấp cao nhất hay quyết định của ngành y dành vắc xin cho số đông như vậy luôn là tin tốt lành cho những ngày ngột ngạt này dễ thở hơn.
Hôm nay bên cạnh những con số chẳng ai muốn, tin tức đâu đó không vui vẻ gì thì việc tầm soát nhiều nên ca nhiễm tăng, vắc xin cho số đông đã ló dạng dần và đang về ngày một nhiều, chuệch choạc và sai sót đã xử lý, giải pháp tốt sẽ nhanh áp dụng hay cả nước đang dồn sức, chi viện cho TP.HCM cũng làm cho nhiều lo lắng như dịu lại. Mấy bữa nay, gói hỗ trợ 886 tỷ của TP.HCM dành cho bà con khó khăn cũng đang đến với nhiều người ở phường tôi. Không nhiều lắm nhưng 1,5 triệu/người cũng đủ để thêm thùng mì, bao gạo hay vài kí thịt, bó rau rất cần với nhiều nhà.
Nhiều lúc không phải chưa nhìn thấy những chuyện vất vả và vật vã của cả người dân lẫn lực lượng chống dịch hay lúng túng, thiếu sót ở nơi này nơi kia. Nhưng thú thật tôi cứ nghĩ thôi thì góp với nhau vài điều phải, nói cho nhau nghe chuyện nên làm thế nào hơn là trách móc, giận hờn, dè bỉu, chế giễu.
Những ngày này đây khi TP HCM “ốm”, đã quá nhiều người mệt mỏi và đầy những tin tức “xám xịt”, vậy thì nặng nề thêm có ích gì đâu? Chẳng phải cùng trân trọng những điều tốt như vắc xin của các nước tài trợ, nỗ lực để tiêm cho bà con nghèo hay tìm đủ cách để xử lý vô vàn khó khăn trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các nơi thiếu thốn trăm bề...có lẽ sẽ làm cho chúng ta nhẹ nhõm hơn.
TP.HCM ngày giãn cách thứ 2 và tia sáng trước mặt
Những điều quá đỗi bình dị và có khi ngày thường lặp lại đến nhàm chán giờ lại thành mơ ước của hàng triệu người ở thành phố này.
Hà Phan