Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19

Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19 được tổ chức vào 19h ngày 19/11 tại Hà Nội và TP.HCM. Thể hiện sự chia sẻ của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương do đại dịch Covid-19 gây ra

Mất mát đau thương của nhiều gia đình

Trên nghị trường Quốc hội, nhắc đến đại dịch Covid-19, nhiều đại biểu cùng nêu, hậu quả của dịch bệnh là hết sức to lớn cả về người và của. 

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), con số gần 23.000 người đã mất vì Covid-19 vừa qua là rất lớn. Hầu hết những người đã mất trong đại dịch đã ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân, và vì dịch bệnh nên chưa được tổ chức mai táng chu toàn. 

Những nỗ lực trong phòng, chống dịch cho đến hôm nay đã khiến nhiều tỉnh, thành, địa phương trở lại nhịp sống bình thường mới, nhưng vẫn còn đó nỗi thương nhớ, khắc khoải về người thân, về những ngày đại dịch ập tới.

{keywords}
Quân đội đưa tro cốt người mất vì Covid-19 ở TP.HCM về từng gia đình. Ảnh: Thanh Tùng

Đó là thời điểm những con hẻm ở TP.HCM trở thành tâm dịch, số ca mắc tăng dần. 

Trong ký ức của nhiều người dân Sài Gòn, đã có những ngày không ai mong muốn, những ngày chìm trong dịch bệnh, các lực lượng hối cả, cả ngày xe cấp cứu ngược xuôi đưa những bệnh nhân từ hẻm, phố tới các cơ sở y tế, bệnh viện. 

Gia đình chị Lê Thị Mai Thanh (ở phường 11, quận 3, TP.HCM) với 3 thế hệ chung một nhà gồm 15 người, có người già lẫn trẻ nhỏ. Tại thời điểm dịch bùng lên, cả gia đình bỗng chốc trở thành F0 dù cả tháng không bước ra khỏi cửa.

Chị Thanh chia sẻ, một ngày ‘cơn bão’ Covid-19 quét qua, con hẻm nơi gia đình ở trở thành ổ dịch. 

“Chồng và anh rể tôi mắc bệnh đầu tiên. Để giữ an toàn cho cả nhà, hai người này được đưa vào cách ly ở phòng riêng. Khi đó, các thành viên đều xác định khả năng lây nhiễm cao, nên vội chuẩn bị các loại thuốc, máy đo nồng độ oxy SpO2, bình oxy cho phương án chiến đấu với con virút quái ác.

Dù hết sức cẩn thận, nhưng bất ngờ một đêm ba tôi trở nặng, nồng độ oxy trong máu tụt nhanh, ông không thể thở được. Cả nhà rơi vào hoảng loạn, người chạy lấy bình oxy, người làm các biện pháp cấp cứu,... nên cha tôi may mắn thoát khỏi nguy hiểm”, chị kể.

Theo chị Thanh, những lúc nguy cấp như thế, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nếu không biết cách xử lý rất có thể sẽ mất người thân.

Rất may, sau 20 ngày cả nhà chị Thanh đã hoàn toàn khỏi bệnh, tất cả 15 người đều có xét nghiệm âm tính.

{keywords}
Nhiều con hẻm từng bị phong tỏa và lấy mẫu xét nghiệm từng người dân trong quá trình phòng, chống dịch ở TP.HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Không may mắn như gia đình chị Thanh, trong vòng một tuần chị Nguyễn Thanh Thảo (ngụ tại phường 17, quận Gò Vấp) đã mất cả cha mẹ vì Covid-19.

20 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, cha chị Thảo là ông Nguyễn Văn Thức nhận được sự tin yêu của bà con trong tổ 85, khu phố 11, phường 17, quận Gò Vấp.

Dịch Covid-19 bùng phát, ông Thức lao vào hỗ trợ bà con trong tổ, từ phát thực phẩm, rau củ quả đến canh gác chốt để đảm bảo an toàn cho người dân. 

Không may ông Thức dương tính với SARS-CoV-2, ông được đưa đi điều trị ở bệnh viện, còn mẹ chị Thảo phải đi cách ly. 

“Liên tiếp trong một tuần sau đó, tôi lần lượt nhận tin ba rồi đến mẹ qua đời”, chị thảo nghẹn giọng.

“Covid-19 đã cướp đi ba mẹ tôi, bây giờ nhà chỉ còn mình tôi với nỗi nhớ khôn nguôi”, chị Thảo tâm sự.

Cha mẹ mất, chị Thảo đành bỏ công việc là giáo viên dạy Yoga về trông coi tiệm tạp hóa của mẹ để lại. “Đây là kỷ niệm còn lại của mẹ tôi, tôi ráng giữ và phát triển tiệm để mẹ tôi nơi ấy được an lòng”, lời chị Thảo.

Trong số những người tử vong do Covid-19, có nhiều người rời gia đình lên thành phố mưu sinh như ông L.V.E. (48 tuổi, quê Hậu Giang).  Ông không có họ hàng thân thích ở TP.HCM. 

Tháng 8/2021, khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập sâu vào cộng đồng ở TP.HCM, ông E. trở thành bệnh nhân. Những ngày sau đó, sức khỏe của ông E. diễn tiến xấu hơn, ông tử vong nhưng gia đình ông ở quê không ai biết. 

Trong ký ức của chị K.O., con gái ông L.V.E. vì sống dưới quê Hậu Giang nên những ngày dịch bệnh bùng phát chị không có tin cha. Sau 2 tháng, qua mạng xã hội, tình cờ chị K.O. tìm thấy tên cha mình trong danh những người mất vì Covid-19 chưa có người nhận tro cốt. Tìm hiểu thêm, chị K.O. biết danh sách này của Ban chỉ huy quân sự quận 8 (TP.HCM) nên đã liên hệ đón cha về.

Kể về cha mình, chị K.O. cho hay, ông lên Sài Gòn làm 20 năm nay rồi, làm đủ thứ nghề mưu sinh… nhưng cuộc sống chưa khá hơn so với ngày mới đặt chân lên thành phố.

Chị K.O. kể tiếp, ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng, ông có gọi điện nói muốn về Hậu Giang khi dịch giãn bớt… nhưng rồi bị mắc kẹt lại khu trọ, nơi cả khu bị dịch bệnh xâm nhập. Và chỉ 2 tuần sau khi phát hiện nhiễm bệnh từ đồng nghiệp, ông L.V.E. tử vong trong bệnh viện. 

Ngày cha mình bệnh chị K.O. không biết, đau xót hơn ngày ông mất gia đình cũng không được biết, rồi đến khi được nhận tro cốt, điểm hẹn cũng là một nơi rất đặc biệt. Thông qua đội tình nguyện, gia đình nhận tro cốt người thân ở một điểm trên QL1A. 

“Tìm được cha rồi, cha về an nghỉ nơi quê nhà nhé… “, chị K.O. rưng rưng trong ngày nhận tro cốt cha mình thời điểm giữa tháng 10/2021.

Ôm đứa con thơ vừa mới sinh, anh Trần Văn Đen (ngụ tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) thất thần không biết những ngày tháng tiếp theo 3 cha con sẽ sống ra sao khi thiếu đi bàn tay của người vợ.

{keywords}
Lực lượng quân đội được giao nhiệm vụ lo hậu sự cho người mất vì Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng

Vợ anh, chị Võ Thị Kim Ngân, một nhân vật trong phóng sự VTV đặc biệt “Ranh Giới” đã ra đi mãi mãi vì Covid-19.

Do cuộc sống ở quê nhà khó khăn, vợ chồng anh Đen đưa nhau lên TP.HCM làm công nhân. Khi chưa có dịch bệnh, thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng cũng được hơn 10 triệu, tằn tiện cũng đủ để vợ chồng con cái sinh sống.

Dịch bệnh bất ngờ ập tới khi chị Ngân sát ngày sinh nở. Thấy vợ có dấu hiệu sắp sinh, anh Đen đưa vào Bệnh viện Triều An. Tại đây, cả hai bị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Anh Đen được điều trị, cách ly tại bệnh viện còn chị Ngân được chuyển sang Bệnh viện Hùng Vương mổ bắt con.

Trong lúc điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương, Đài Truyền hình Việt Nam đã có phóng sự đặc biệt về những sản phụ tại đây. Trong đó, có hình ảnh chị Ngân gọi điện về cho chồng. Tuy nhiên, do trong phòng bệnh ồn ào tiếng máy móc nên anh Đen không nghe rõ vợ nói gì.

“Tới bây giờ tôi vẫn chưa dám xem phóng sự đó. Tôi sợ xem xong sẽ chịu không nổi, chỉ nghe mọi người kể lại”, anh Đen buồn bã nói.

Sau khi nhận được tro cốt của chị Ngân, cha con anh Đen được Bộ Tư lệnh TP.HCM và Ban Chỉ huy quân sự quận 8 tổ chức đưa về quê.

Khi được hỏi về quê sẽ làm gì để sinh sống, anh Đen cho biết, ở quê anh không có khu công nghiệp, không có công ty nên ai thuê gì sẽ làm nấy để lo cho các con.

Tưởng niệm người mất, lan tỏa tình nhân ái cộng đồng

Lễ tưởng niệm chính thức được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.HCM tổ chức lúc 20h tối nay (19/11). Tại điểm cầu Hà Nội, nhiều hoạt động tưởng niệm cũng được tổ chức. 

Trước Lễ tưởng niệm, từ sáng qua (18/11), hơn 200 phật tử đã có mặt tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP.HCM), nghiêm trang trong nghi thức cầu siêu tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19

Hòa thượng Thích Thông Đức (trụ trì chùa Phú Hòa, quận Tân Bình) phát biểu trong buổi cầu siêu: "Đại dịch đã để lại nhiều đau thương, mất mát lớn lao. Theo quan niệm Phật giáo, rất cần tới sự trợ duyên của mọi người về mặt tinh thần".

{keywords}
Phật tử tại TP.HCM cầu siêu cho nạn nhân Covid-19 sáng 18/11

Thân nhân người mất vì Covid-19 cũng đến dự lễ cầu siêu, tưởng nhớ đến người thân của mình dưới câu kinh và tiếng chuông chùa.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ được tổ chức trọng thể, thành kính.

Việc tổ chức buổi lễ đầy ý nghĩa này nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh Covid-19; thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.

Buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Thông qua Lễ tưởng niệm cũng khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhóm PV

Tối 19/11, chùa, nhà thờ đồng loạt đổ chuông tưởng nhớ người mất vì Covid-19

Tối 19/11, chùa, nhà thờ đồng loạt đổ chuông tưởng nhớ người mất vì Covid-19

Ngày 19/11, thời khắc tổ chức lễ tưởng niệm, vào 20h30, tất cả các chùa sẽ đồng loạt thỉnh chuông; hàng trăm nhà thờ đổ chuông sầu tưởng nhớ đồng bào qua đời vì đại dịch Covid-19.