LTS: Huyện Mường Nhé, Điện Biên có vị trí đặc biệt khi giáp ranh với 2 nước Lào và Trung Quốc. Các đối tượng chống phá thường chọn nơi đây để hoạt động với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là âm mưu thành lập "nhà nước Mông". Nhiều năm qua, với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, Mường Nhé từng bước ổn định, phát triển.
8 năm đã trôi qua, Bí thư xã Nậm Kè Lò Văn Sung vẫn nhớ như in hình ảnh hàng nghìn người dân tộc H’Mông tụ tập ở bản Huổi Khon và hành trình hồi sinh bản làng miền biên viễn.
Ông Sung kể, năm 2011, ông mới nhận nhiệm vụ bí thư xã Nậm Kè.
Bí thư Nậm Kè Lò Văn Sung |
Hồi ấy, các đối tượng cầm đầu tổ chức tụ tập trùng vào sự kiện tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn. Vàng A Ía cầm đầu, kêu gọi người dân đến bản Huổi Khon để xưng, đón vua và lập “vương quốc H'Mông”.
“Các đối tượng cầm đầu nói với người H’Mông yên tâm lên đây, đúng giờ sẽ có thế lực siêu nhiên xuất hiện, dùng đám mây đưa tất cả đến nơi ấm no, hạnh phúc, không còn đói nghèo”, ông Sung kể.
Trước ngày 30/4/2011 khoảng 1 tuần, người H'Mông từ nhiều vùng kéo về Nậm Kè tụ tập trong các lán trại dựng ở khu vực ngọn đồi Huổi Khon.
Trục đường từ huyện Nậm Pồ lên Mường Nhé, lực lượng an ninh đã chốt chặn hàng trăm lượt người. Họ sẵn sàng bỏ lại cả xe máy rồi băng rừng tìm đến Huổi Khon với hy vọng sẽ gặp “vua Mông”.
“Cảnh tượng lúc ấy rất khó diễn tả, hàng nghìn người ken đặc cả ngọn đồi Huổi Khon, sinh hoạt trong những lán trại tạm bợ. Nhóm đối tượng cầm đầu dựng hàng rào, cử người canh gác, không cho người lạ tiếp cận”, Bí thư Nậm Kè kể.
Con đường dẫn vào bản Huổi Khon |
Chủ tịch tỉnh trước 7 nghìn người H’Mông
Bí thư Nậm Kè Lò Văn Sung nhớ lại, tháng 5 năm ấy, ở Mường Nhé có nhiều trận mưa lớn khiến hàng nghìn người tụ tập, sinh hoạt khép kín ở bản rất khốn khổ.
“Chứng kiến cảnh người dân bị kẻ gian lừa lọc, tụ tập tôi thấy thương họ nhiều hơn giận. Vì muốn một cuộc sống sung túc hơn mà họ sẵn sàng bán hết tài sản để tìm đến đây. Chính điều đó thôi thúc chính quyền sớm thuyết phục họ về ổn định cuộc sống”, ông Sung tâm sự.
Nhận thấy tình hình diễn biến phức tạp, các lãnh đạo từ Trung ương, lãnh đạo tỉnh, huyện đã lên các phương án để giải tán đám đông.
Ngọn đồi Huổi Khon |
“Ngày 4/5, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn đích thân vào bản Huổi Khon để thuyết phục bà con trở về ổn định cuộc sống, không tin vào các luận điệu sai trái của các đối tượng phản động”, ông Sung nói.
Theo Bí thư Nậm Kè, thời điểm Chủ tịch tỉnh Mùa A Sơn có mặt tại Huổi Khon, các đối tượng canh gác ở hàng rào ngoài chỉ cho 2 người được vào bên trong.
“Cuộc đối thoại kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, từ 9h sáng đến 12h trưa. Lần gặp này có vai trò rất quan trọng khi chính Chủ tịch tỉnh cũng là người dân tộc H’Mông. 1-2 ngày sau đám đông đồng ý giải tán”, Bí thư xã Nậm Kè cho biết.
Trưởng công an huyện Mường Nhé - Đại tá Nguyễn Ngọc Trường cho biết thêm, thời điểm xảy ra vụ tụ tập đông người ở Huổi Khon, các lực lượng được huy động tối đa để giải tán đám đông, bắt giữ những kẻ cầm đầu xúi giục.
Ông Giàng A Co chỉ vị trí tụ tập đông người năm 2011 |
Đến ngày 6/5, 7.000 người được giải tán khỏi ngọn đồi Huổi Khon, công an huyện phối hợp với cơ quan chức năng từ Trung ương, tỉnh bắt giữ 127 đối tượng cản trở người thi hành công vụ.
Mở rộng điều tra, Công an xử lý hình sự 8 đối tượng tội phá rối an ninh, bắt giữ và xử lý thêm 41 đối tượng cầm đầu, làm tan rã các nhóm hoạt động tuyên truyền lập “vương quốc Mông” trên huyện.
Đại tá Trường chia sẻ, cuộc chiến chống lại các thế lực chống phá được công an huyện Mường Nhé chủ động đấu tranh. Đầu tháng 3 năm nay, Ban Giám đốc công an tỉnh thành lập chuyên án 818 đã phá tan âm mưu thành lập “nhà nước Mông” của nhóm 22 đối tượng cầm đầu.
Trường mầm non tại bản Huổi Khon |
“Các đối tượng chuẩn bị vũ khí, tài liệu nghi là chữ Mông Cổ. Chúng tự ý thành lập nhà nước với bộ máy hành chính sơ khai, có cờ hiệu, áo, quần quân đội và công an H'Mông…”, lời Đại tá Trường.
Chuyên án 818 đã đánh tan âm mưu của thế lực phản động từ lúc còn manh nha, ngăn chặn và kiên quyết không để lặp lại sự kiện tụ tập đông người đã xảy ra trong quá khứ.
Hồi sinh trên ngọn đồi Huổi Khon
Tại bản Huổi Khon những ngày đầu tháng 10, rừng cây đã mọc lên từ ngọn đồi từng có 7 nghìn người tụ tập. Cánh đồng với la liệt lán trại năm nào giờ là thung lũng lúa chín vàng ươm, người dân hăng say thu hoạch.
Huổi Khon bình yên sau vụ mùa |
1 tổ công tác của bộ đội biên phòng được thành lập để đảm bảo tình hình an ninh của bản và hỗ trợ, đồng hành cùng dân bản.
Bí thư Lò Văn Sung chia sẻ nhiều thay đổi khác trên quê hương Nậm Kè. Việc tụ tập năm 2011, người dân ở địa bàn tham gia rất ít (khoảng 5%), do đó sau khi được tuyên truyền, nhiều người đã yên ổn sản xuất, xóa đói giảm nghèo từ chương trình 30A của Chính phủ.
Người dân Nậm Kè bây giờ làm giàu từ chăn nuôi gia súc với mô hình vườn - ao - chuồng. Người dân các bản đã hợp tác với công ty cao su trồng trên diện tích gần 200ha, chuẩn bị cho thu hoạch.
Ngoài ra, việc thực hiện đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư được hoàn thành giai đoạn 1, giúp bà con ổn định sinh sống.
Theo Bí thư xã Nậm Kè, việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu mà xã chú trọng hàng đầu. Bởi, chỉ khi cuộc sống của người dân no ấm, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng tự khắc sẽ nâng lên.
Đoàn Bổng
Mùa xuân không tiếng súng nơi 'sào huyệt ma túy' Tà Dê
Bản Tà Dê (xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La), nơi từng được mệnh danh là lãnh địa ma túy ở Tây Bắc, nay không còn tiếng súng. Sự yên bình đã trở lại.