Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN, các cục Hàng không, Hàng hải, Đường thủy nội địa, Đường sắt VN, Sở GTVT các tỉnh thành phố trực thuộc TƯ, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai về việc vận chuyển hành khách, hàng hoá trong đợt giãn cách thứ 2.

Theo đó, việc vận chuyển hành khách được chia thành 3 nhóm địa phương theo phân chia Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP.HCM, Tây Ninh và Hà Tĩnh.

Nhóm có nguy cơ trung bình, gồm 15 địa phương: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp.

Nhóm cuối cùng là nhóm có nguy cơ thấp, gồm các tỉnh còn lại.

Với cả 3 nhóm trên giai đoạn từ 17-22/4, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng.

Đối với vận tải liên tỉnh đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, các tỉnh thuộc nhóm 1, nhóm 2 sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về lĩnh vực vận tải.

{keywords}
Xe khách liên tỉnh tiếp tục dừng hoạt động ở các tỉnh có nguy cơ cao và có nguy cơ trung bình

Không thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh, trừ trường hợp vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các DN, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Trường hợp hành khách là người hết thời hạn cách ly hoặc trường hợp đặc biệt khác có nhu cầu di chuyển, Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế đề xuất và tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ xem xét, quyết định.

Các tỉnh thuộc nhóm 3 chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh trong nhóm 3 với nhau theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Cho phép tăng thêm tàu, máy bay chạy Hà Nội - TP.HCM

Bộ GTVT cũng quy định, trong giai đoạn từ 17-22/4 các đường bay Hà Nội - TP.HCM khai thác tối đa 6 chuyến/ngày; Hà Nội - Đà Nẵng 2 chuyến/ngày và TP.HCM - Đà Nẵng 2 chuyến/ngày.

Đối với các đường bay ngoài 3 đường bay trên, các hãng hàng không có nhu cầu khai thác lập kế hoạch gửi đến Cục Hàng không xem xét, quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại các địa phương liên quan.

Với đường sắt, tuyến Hà Nội - TP.HCM chỉ được khai thác tối đa 2 đôi tàu khách/ngày (2 chuyến Hà Nội đi TP.HCM và 2 chuyến ngược lại). Tiếp tục tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngay trong sáng nay, Tổng công ty Đường sắt đã chính thức chạy thêm một đôi tàu khách SE5/SE6 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, nâng tổng số lên 2 đôi/ngày.

Tàu SE5 xuất phát ga Hà Nội lúc 8h50, đến ga Sài Gòn lúc 18h55. Chiều ngược lại, tàu SE6 xuất phát ga Sài Gòn từ ngày 19/4 lúc 8h45, đến ga Hà Nội lúc 19h12. Thời gian hành trình chạy suốt một chiều khoảng 34h.

Từ 23 - 30/4, căn cứ vào tình hình cụ thể về dịch bệnh trong thời gian tới của từng địa phương, việc phân loại mỗi tỉnh vào từng nhóm có thể thay đổi, nhưng việc vận chuyển hành khách thuộc 3 nhóm địa phương sẽ tiếp tục được thực hiện theo nguyên tắc chung nêu trên.

{keywords}
 

Vũ Điệp

Đường sắt đề xuất tăng tàu chạy, đường biển được chở khách ra đảo

Đường sắt đề xuất tăng tàu chạy, đường biển được chở khách ra đảo

Tổng công ty Đường sắt VN vừa kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép tăng tàu khách trên tuyến Hà Nội - TP.HCM.