- Người có trình độ, năng lực lại không được đề bạt vì không có vây cánh... Phải có hành lang pháp lý thực sự minh bạch để người tài đường hoàng bước ra sân chơi.

>> Công chức dứt áo, quan chức lẫn lộn buồn vui
>> Công chức tài năng được ưu tiên mua nhà?

Ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách QH Lê Thanh Vân đề xuất trong chương về kinh tế, giáo dục văn hóa của Hiến pháp phải đưa thêm khái niệm kinh tế trí thức và chính sách trọng dụng nhân tài. Ông giải thích:

 

Lâu nay, chính sách trọng dụng nhân tài mới chỉ được làm một cách riêng lẻ, chưa đồng bộ, như muối bỏ bể và thường rơi vào thinh không. Tôi cho rằng việc hiến định nó trong Hiến pháp sẽ tạo nền tảng cho việc thể chế hóa bằng những đạo luật, những việc làm cụ thể chứ không chỉ dừng ở hô hào suông.

 

Tại các phiên họp QH vừa qua, tôi đã đề xuất soạn thảo luật Trọng dụng nhân tài. Rất mừng là QH đã chấp nhận ý tưởng và đã giao Chính phủ soạn trình QH. 

 

Tất nhiên không cần đợi phải đến khi chủ trương trên được luật hóa mà nếu người đứng đầu các cơ quan tổ chức có trách nhiệm thì họ cũng sẽ có cách để chiêu hiền đãi sĩ.

 


ĐBQH Lê Thanh Vân: Người tài mới nhận ra người tài. Kẻ vô đạo không thể nhận ra được. Ảnh: Lê Anh Dũng


Ông có thể giải thích rõ hơn?

 

- Người đứng đầu phải ý thức được rằng nhân tài là lực lượng rường cột cho một tổ chức, cơ quan. Tuy nhiên, người tài có những điểm đặc thù cần phải hiểu rõ.

 

Thông thường, họ là người nắm được quy luật nên thường biết trước người khác và sớm tìm được giải pháp khắc phục cũng như cải biến hiện trạng. Tuy nhiên, do lòng tự tôn, tự trọng của họ rất cao nên muốn họ phát huy trí tuệ thì phải có chính sách trọng dụng.

 

Trong một tổ chức, cơ quan thì người đứng đầu phải là người có nhãn lực để nhìn ra người tài. Người tài mới nhận ra người tài. Chứ một kẻ vô đạo không thể nhận ra người tài được.

 

Với quy mô một tổ chức thì là như vậy còn ở tầm quốc gia cũng đòi hỏi những người anh minh. Luật trọng dụng nhân tài cũng phải có biện pháp mạnh ngăn ngừa các hành vi ngăn chặn, trù úm nhân tài. Tóm lại phải có một trào lưu xã hội để thừa nhận, xúc tiến và tôn trọng nhân tài. Có như vậy mới tạo ra chuyển biến nhất định trong bộ máy.

 

Hiện nay ai cũng thấy một số nhược điểm, đó là bộ máy quá cồng kềnh, lãng phí trong sử dụng nhân lực. Những người có trình độ, năng lực lại không hề được đề bạt, cất nhắc vì không có vây cánh. Họ bị trù dập, trù úm, thậm chí bị gạt ra ngoài. Một ê-kíp lợi ích nhóm theo nghĩa xấu thì người tài làm gì còn chỗ đứng. Nói như một vị lãnh đạo của Đảng thì họ không thuộc trật tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Thế thì làm sao bố trí được người tài và phát huy được năng lực của họ?

 

Phải có hành lang pháp lý thực sự minh bạch để người tài đường hoàng đĩnh đạc bước ra sân chơi, phát huy trí tuệ tiềm năng. Phải tạo ra áp lực để đẩy lùi những kẻ tham quyền cố vị, tham quan ô lại.

 

Đó phải là những vấn đề cần thay đổi từ nhận thức chứ không phải hễ ban hành luật là có được sự suy tôn người tài ngay.

 

Vậy nếu sắp tới đây xúc tiến soạn luật Trọng dụng nhân tài, theo ông cần đề cập những nội dung gì?

 

- Đối tượng điều chỉnh của dự án luật này là nhân tài, là những người phát hiện, đề cử nhân tài, là các cơ quan trọng dụng sử dụng nhân tài. Chủ thể tham gia quan hệ của dự án luật là nhân tài, cơ quan tổ chức, cá nhân trọng dụng và tiến cử nhân tài.

 

Chính sách cơ bản của dự án luật ở đây có mấy vấn đề. Đó là định nghĩa về nhân tài, về phát hiện tiến cử, đề cử nhân tài, về trọng dụng sử dụng nhân tài, về đãi ngộ nhân tài, về trách nhiệm của nhân tài và chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm.

 

Lê Nhung

Mời bạn đọc theo dõi các bài viết về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/sua-hien-phap/

Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về [email protected]