Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho hay, ngay sau khi phát hiện ra giá trị của sản vật này, từ 2012, Văn phòng Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện xây dựng 1 đề án phát triển sâm Ngọc Linh trong đó xây dựng trại giống 83 ha, nhưng lúc đó chưa đầu tư nhiều. Một năm chỉ đầu tư cỡ trên 1 tỷ cho ươm giống, để bảo vệ nguồn gen giống gốc cấp cho người nghèo.

"Đến năm 2014 thì cả huyện mới có 110 hộ trồng với 65 ha. Và đến nay đã có 2.500 hộ trồng phủ trên 7 xã (Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Vinh) với diện tích trên 2.000 ha...

Từ kinh nghiệm thực địa, ông Dũng nói về giá trị đem lại từ việc trồng cây sâm Ngọc Linh cho đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Nhiều hộ dân trước đây trong nhà không có gì nay đã làm nhà lầu, mua xe hơi. Nên cây không chỉ giảm nghèo nữa mà trồng cây để làm giàu. Từ đơn thuần canh tác cây lúa rẫy - nay chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là chuyển sang trồng cây sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu. "Chính vì vậy mà nhiều người dân hiện nay kiếm tiền tỷ hàng tháng là bình thường" - ông hồ hởi.

{keywords}
Anh Hồ Văn Nuân vui mừng khi cây sâm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thêm nữa, trồng sâm thực hiện được mục tiêu kép "vừa trồng sâm, vừa bảo vệ rừng, bảo vệ được môi trường sinh thái" vì cây sâm sống phải có rừng. Xa hơn, phát triển cây sâm sẽ phục vụ được cho tiềm năng du lịch...

Để phát triển cây sâm thì phải phát triển hạ tầng giao thông. Những năm qua nhà nước đã đầu tư vài trăm tỷ mở đường lên vùng sâm. Đồng thời, tỉnh và huyện mỗi năm cũng cấp từ 5.000 - 7.000 cây giống cho người nghèo. Trung bình 1 cây sâm giống 1 tuổi hiện nay có giá khoảng 300.000 đồng/ cây thì người dân đáp ứng 20%, còn lại nhà nước hỗ trợ - với nhằm mục đích nâng cao mức sống người dân, để mở rộng diện tích trồng sâm ra toàn huyện.

Mỗi ha sau 5 năm người dân có thể thu đến 50 tỷ

Ông Nguyễn Hoàng Thọ (huyện Nam Trà My) cho biết, sâm có giá giao động từ 70-250 triệu/kg tùy vào từng loại, năm sinh trưởng mà giá cao thấp khác nhau. Củ sâm càng nhiều tuổi càng có giá trị, ví như một củ sâm nặng nửa kg có giá trên 1 tỷ đồng.

Nói thêm về giá trị của sản vật này, ông Thọ giải thích: “Như củ sâm nặng nửa kg thì chắc chắn nó sẽ trên 100 năm, củ sâm này có chất lượng tốt, hàm lượng dược liệu rất cao. Để biết được củ sâm bao nhiêu tuổi, mình nhìn trên thân cây, mỗi mắt sẽ tương đương với mỗi năm cây phát triển”.

{keywords}
Ngôi nhà ông Bông mua cho con trai 

Mỗi ha trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng. Sản lượng sâm khai thác tại huyện Nam Trà My hàng năm tăng nhanh, trước đây sản lượng khai thác vào khoảng từ 1-2 tấn tươi/năm, thì đến nay sản lượng hàng năm đã tăng lên từ 5-7 tấn, tương đương khoảng từ 300 tỷ đến 420 tỷ đồng.

Còn với Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng tự hào sâm Ngọc Linh hiện đã giúp khoảng 30% dân số của huyện thoát nghèo.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ tiếp, bên cạnh xóa đói, giảm nghèo, cây sâm còn mang giá trị về dược liệu, tăng cường sức khỏe cộng đồng; giá trị nữa là bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường xanh bền vững.

“Và cuối cùng đó là việc phục vụ công tác du lịch, những năm qua du khách đến với sâm Ngọc Linh khá nhiều. Mỗi năm huyện tổ chức phiên chợ sâm một lần, thu hút vài chục nghìn du khách, trong đó có khách quốc tế.

Nhưng hai năm trở lại đây do dịch Covid-19 nên huyện không tổ chức được”, ông Dũng giãi bày. Cùng với những thành quả đạt được từ sâm Ngọc Linh, ông Dũng cũng chia sẻ những mong muốn của miền sơn cước nơi đây: “Bây giờ, tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, kiểm định công nhận, bảo tồn giống sâm Ngọc Linh. Đồng thời, nhân giống bằng công nghệ, bởi ươm giống theo kiểu thủ công như hiện nay tuy có chất lượng nhưng "cung" không đủ "cầu" - rất khó để cạnh tranh”.

{keywords}
Vườn sâm Ngọc Linh của người dân trồng

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tham mưu chính phủ dự thảo chương trình phát triển sâm quốc gia Việt Nam đến 2045. “Nếu như được thông qua sẽ có sự đầu tư phát triển. Đó là mục tiêu hướng đến để xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới”, ông Dũng nhận định.

Đổi thay của người dân miền sơn cước

Gặp anh Hồ Văn Nuân (32 tuổi, xã Trà Linh) đang trên đường lên vườn sâm của gia đình, anh kể, trước đây anh làm nhân viên ở trạm Nông nghiệp huyện nên cuộc sống chưa được như hôm nay. Cách đây khoảng 4 năm, anh quyết tâm về lại quê hương để phát triển trồng sâm Ngọc Linh.

Anh hiện đang trồng gần 1.000 cây sâm Ngọc Linh, từ ngày bắt đầu công việc này, cuộc sống gia đình thay đổi rõ rệt. Mỗi tháng gia đình kiếm khoảng hơn 30 triệu đồng.

Từ số tiền đó, anh chăm lo cho 2 người con đi học, đồng thời cũng cất cho gia đình một căn nhà trên miền sơn cước này. Cùng với đó, anh cũng sắm một chiếc ô tô để tiện trong việc đi lại.

{keywords}
Cây sâm Ngọc Linh giá hơn 500 triệu đồng

“Khi chuyển đổi hình thức canh tác qua sâm Ngọc Linh thì có giá trị kinh tế rất cao. Được Nhà nước hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng nên tôi và gia đình ổn định cuộc sống hơn rất nhiều so với trước”, anh Nuân tâm sự.

Đứng bên ngôi nhà kiên cố được bản thân mua lại tại trung tâm huyện Nam Trà My với giá 500 triệu đồng cách đây 6 năm, ông Hồ Văn Bông (47 tuổi, ở thôn 2, xã Trà Linh) phấn khởi, ông mua nhà cho con đi học và ổn định cuộc sống.

Gia đình của ông cách trung tâm huyện hơn 1h đi xe, nhận thấy việc con trai về huyện học tập vất vả, ông quyết tâm chi ra số tiền lớn để mua ngôi nhà hơn 150 mét vuông giúp con yên tâm học hành.

“Nghe tin chủ nhà muốn bán nên tôi quyết tâm về huyện xem nhà để chốt luôn. Nhiều người bảo giá ngôi nhà này hơi cao, nhưng tôi không suy nghĩ nhiều vì việc học tập, sinh hoạt của con là trên hết”, ông Bông bộc bạch.

Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Bông đã quyết tâm đầu tư vào sâm Ngọc Linh. Hằng ngày, ông và vợ di chuyển lên các vườn sâm của mình trên đỉnh Ngọc Linh để chăm sóc, nuôi trồng.

{keywords}
 
{keywords}
Cuộc sống người dân thay đổi 

Xuất phát từ sáng sớm đến chiều muộn mới về đến nhà, trước đây, gia đình ông có gần 10 nghìn gốc sâm từ 5-10 tuổi. Để có tiền mua nhà cho con, ông đã bán 6 nghìn cây sâm giống loại 1 năm tuổi cùng 5 ký củ sâm loại 6 năm tuổi.

Tìm hiểu rõ hơn về giá sâm thời điểm đó mới thấy được vì sao ông Bông lại “chịu chơi” đến như vậy, khoảng thời gian đó sâm Ngọc Linh có giá bán hơn 70 triệu đồng/kg. Với số lượng gần 10 nghìn gốc thì trị giá sâm của ông gần 100 tỷ đồng.

Cách đây hơn 1 năm, ông Bông cũng “tậu” riêng cho mình chiếc xế hộp với giá gần 600 triệu đồng. Không dừng lại ở việc chăm lo đời sống cho gia đình, ông còn bỏ tiền mua hơn 1 ha đất ở xã Trà Mai để trồng và phục hồi rừng, giữ nguồn nước về làng cho dân bản.

Chủ tịch huyện thì niềm nở, lên xã Trà Linh giờ không còn là xã nghèo miền núi nữa, mà như phố rồi. Tuy địa hình hiểm trở, một bên sườn núi bên vực thẳm nhưng nhiều hộ rất giàu. Thậm chí có hộ có vài trăm tỷ là bình thường....

Kiều Oanh - Công Sáng

Tâm tư người giữ ‘báu vật’ trên đỉnh Ngọc Linh

Tâm tư người giữ ‘báu vật’ trên đỉnh Ngọc Linh

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn đã gắn bó với vườn sâm Tắk Ngo 7 năm nay. Với anh, thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà và việc trông giữ cây sâm Ngọc Linh không khác chăm con mọn.

Vượt cung đường khủng khiếp đi tìm ‘báu vật’ của rừng

Vượt cung đường khủng khiếp đi tìm ‘báu vật’ của rừng

Nhiều năm nay, huyện miền núi Nam Trà My không chỉ được "xướng tên" khi phải hứng chịu nhiều đợt sạt lở liên miên mỗi khi mùa mưa tới - mà vùng đất này đang lưu giữ sản vật được người dân quý như “báu vật”.