Lý do thành lập TP Thủ Đức
Theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, 7 năm trước TP.HCM xây dựng đề án về chính quyền đô thị vì lúc đó quy mô dân số của TP quá lớn. Dân số TP.HCM nằm trong top 20 của thế giới, mật độ dân số 4.300 người/km2. Quy mô như vậy, cơ chế tổ chức quản lý phải có sự thay đổi so với các tỉnh và địa phương khác.
Vì thế, TP.HCM dự kiến thành lập các TP phía Đông, phía Nam, phía Bắc và phía Tây, để giải quyết vấn đề này.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, TP Thủ Đức sẽ là động lực tăng trưởng mới của TP.HCM. Ảnh: Bảo Anh |
“Ý định này đã 7 năm rồi, đến nay điều kiện mới chín muồi. Chín và hội tụ đầy đủ các yếu tố hơn cả là ở khu vực phía Đông. Ở đó, có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng lại nằm rải rác ở ba quận 2, 9 và Thủ Đức, cần có sự kết nối để phát huy hết các tiềm năng này. Đây chính là lý do mà TP Thủ Đức ra đời sớm nhất so với các khu vực còn lại”, ông Ngân chia sẻ.
Ngoài ra, về điều kiện tự nhiên, ba quận đều có địa hình thấp, nằm một bên sông Sài Gòn. Về điều kiện kinh tế - xã hội, ba quận cũng có hình thái đô thị tương đối giống nhau, đều là đô thị mới sau này xen lẫn đô thị cũ. Về hạ tầng có nhiều trục giao thông lớn của TP như tuyến metro, đều giáp với trục giao thông huyết mạch là quốc lộ 1. Đây cũng là hướng phát triển mạnh của TP.HCM, kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương dọc theo trục Quốc lộ 1.
Khu đô thị Thủ Thiêm tương lai trở thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP Thủ Đức. Ảnh: Thanh Tùng |
Theo ông Ngân, Quận 2 có Khu đô thị Thủ Thiêm với đề án xây dựng nơi đây thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Quận 9 có khu Công nghệ cao là nơi cung cấp các sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao, nơi ươm mầm khởi nghiệp, thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc và sinh sống.
Quận Thủ Đức có cụm ĐH Quốc gia và hàng loạt trường đại học tại TP.HCM, nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao...
Đây là ba trục động lực lớn nhất, nổi bật nhất và quan trọng nhất để tạo nên TP Thủ Đức.
Động lực mới cho TP.HCM phát triển
Theo ông Ngân, vấn đề còn lại là phải phát huy được các tiềm năng, thế mạnh tại TP Thủ Đức. Biến các thế mạnh đó thành động lực mới cho TP.HCM có bước phát triển đột phá, tăng trưởng nhanh và bền vững. Đạt được sự mong đợi và đích đến là TP Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.
Biến TP Thủ Đức thành nơi mà mức sống và chất lượng sống của người dân cao hơn. Tạo ra môi trường tương tác của người dân về một xã hội số; một nền kinh tế số, chính quyền số…
“Theo tính toán, TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp ít nhất 30% vào GRDP của TP.HCM, tương đương 7% GDP cho cả nước, lớn hơn nhiều địa phương trên cả nước”, ông Ngân khẳng định.
Cũng theo ông Ngân, trong nhiều việc phải làm tại TP Thủ Đức, quan trọng nhất là công tác cán bộ, cái gốc của vấn đề.
Một điểm quan trọng nữa là nguồn lực, đây là nhiệm vụ của khu Đại học Quốc gia TP.HCM. Là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi cung cấp trí tuệ, các đề án nghiên cứu để đưa vào ứng dụng ở Khu Công nghệ cao.
Ngoài ra cũng cần nhanh chóng xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế.
Đầu tư hạ tầng giao thông sẽ biến TP Thủ Đức thành điểm kết nối cho cả khu động lực kinh tế phía Nam. Ảnh Thanh Tùng |
Một vấn đề không thể không nhắc đến là sự kết nối giao thông ở Thủ Đức, bởi vì điểm nghẽn hiện nay của TP.HCM và khu động lực kinh tế phía Nam chính là giao thông.
Nguồn lực quan trọng nhất để tháo gỡ các điểm nghẽn đó là đầu tư cho hạ tầng. Ngoài giao thông là hạ tầng kết nối, hạ tầng số… Đặc biệt, TP Thủ Đức phải kết nối được cả vùng Đông Nam bộ và khu vực động lực kinh tế phía Nam (chiếm 40% GDP cả nước).
“Tất cả những việc đó phải nhanh chóng triển khai trong thời gian tới, đưa Thủ Đức thành điểm nối quan trọng, thành động lực mới cho TP.HCM và cả khu vực phía Nam”, ông Ngân nhìn nhận.
Những điểm nhấn đưa Thủ Đức vươn tầm quốc tế
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT) TP, Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông chính là sườn để thành lập TP Thủ Đức
Trước đó, TP.HCM đã chủ động triển khai cuộc thi về quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Công ty Sasaki-encity (Mỹ) đã đoạt giải nhất về ý tưởng này.
Dựa trên ý tưởng đó, Sở QH-KT đã quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, với 6 điểm nhấn quan trọng, gồm:
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2): phát triển thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế gắn với chương trình chuyển đổi số của Thành phố.
Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (Quận 2): phát triển thành trung tâm thể thao và chăm sóc sức khỏe cho cả khu vực và quốc tế.
Khu công nghệ cao (Quận 9): phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất mẫu thử, sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao.
Khu Đại học Quốc gia Thành phố (Quận Thủ Đức): phát triển dịch vụ học tập và đào tạo, hợp tác quốc tế, không gian sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, vườn ươm khởi nghiệp.
Khu đô thị mới Tam Đa (Quận 9): phát triển công nghệ nhà ở thích ứng môi trường, năng lượng tái tạo, nông trại cao tầng, đa dạng sinh học.
Khu vực cảng Trường Thọ, đô thị tương lai của Tp Thủ Đức. Ảnh: Thanh Tùng |
Khu đô thị Trường Thọ (Quận Thủ Đức): xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai để sống, làm việc và nghỉ ngơi; nơi thử nghiệm hạ tầng cơ sở lý tưởng; quản lý đô thị bằng công nghệ và dữ liệu chung, thích nghi biến đổi khí hậu, ứng dụng sáng tạo vào các ngành nghệ thuật, giải trí; công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái.
"Nơi đây sẽ là hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP.HCM và khu vực, dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển", theo ông Nhã.
Lập quy hoạch chung TP Thủ Đức với 21.000 ha
Lãnh đạo TP.HCM đã đề xuất hàng loạt giải pháp để phát triển thành phố mới Thủ Đức.
Hồ Văn-Bảo Anh