Cả nước đã tiêm hơn 11 triệu liều vắc xin trên tổng số khoảng 18 triệu liều, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tại họp báo Chính phủ chiều tối nay (11/8).
Ông cũng cho hay, con số này thấp hơn so với số liều vắc xin tiêm thực tế do đang cập nhật nhập số liệu.
Trong đó TP.HCM được cấp hơn 4 triệu liều thì đã tiêm gần 3,6 triệu liều (88,2%). Trong hôm nay và ngày mai, TP sẽ tiêm hết số vắc xin được cấp và chuyển sang tiêm vắc xin Sinopharm.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại họp báo Chính phủ chiều tối nay |
Hà Nội được cấp hơn 2,9 triệu liều, đã tiêm được 1,5 triệu liều, tương ứng hơn 50%. Trong những ngày tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy tiêm chủng.
Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành lập kế hoạch cụ thể, với số lượng vắc xin được dự kiến cấp theo từng tháng để các tỉnh, thành chủ động trong việc triển khai tiêm chủng.
“Chúng tôi đã có công văn đôn đốc các tỉnh, thành khẩn trương tiêm vắc xin, không để tồn trong kho, nếu không dùng hết thì sẽ chuyển cho tỉnh khác. Qua những việc làm như vậy, tốc độ của các tỉnh, TP tiêm vắc xin nhanh hơn”, Thứ trưởng Y tế nói.
Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng cần thiết phải bảo đảm an toàn, tiêm mũi nào an toàn mũi đó. Vì vậy, công tác chuẩn bị nhân lực, đặc biệt là dụng cụ thuốc men, cơ sở vật chất để tiến hành cấp cứu hết sức kỹ lưỡng.
Ông Thuấn cho hay: "Tới đây, khi vắc xin nhiều hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng tốc tiêm chủng; phối hợp với đơn vị quốc phòng, công an để đẩy tốc độ tiêm lên 2 triệu mũi trong 1 ngày".
TP.HCM và một số tỉnh quá tải trong điều trị F0
Trả lời câu hỏi về việc điều trị các ca F0 tại TP.HCM hiện nay, ông Thuấn cho hay, để đáp ứng điều trị, Bộ Y tế đã chủ động thảo luận với địa phương, chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra; chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị, con người để làm sao chúng ta có thể chủ động nhất khi tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, tình hình chung thì hiện tại có sự quá tải y tế ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Lãnh đạo Bộ Y tế phân tích, Bộ đã chỉ đạo phải phân tầng đúng theo tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện một số địa phương có tình trạng quá lo, tình trạng bệnh chưa đến phải điều trị ở tầng 3 mà đã chuyển tới, gây quá tải.
Một số bệnh nhân được phân vào tầng 3 điều trị nhưng hoàn toàn có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến huyện. “Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo các tỉnh, thành trong điều trị phải phân tầng đúng, nhanh và kịp thời”, Thứ trưởng lưu ý.
Bộ Y tế đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến và các trung tâm hồi sức cấp cứu ở các tỉnh, thành phía Nam, riêng TP.HCM có 5 trung tâm.
Với một số vùng trọng điểm như Đông Nam Bộ, cụ thể ở tỉnh Đồng Nai thì phân cho Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Viện K để thiết lập trung tâm hồi sức với quy mô 400 giường…
“Chúng tôi đã cử các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị để hỗ trợ các tỉnh thường xuyên nhất, nhanh nhất và thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia", ông cho hay.
Ngoài ra, Bộ cũng chuyển 10.000 liều thuốc đặc trị nhập khẩu để phục vụ công tác điều triệu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ đã huy động 10.000 sinh viên ngành y, dược để chi viện cho các tỉnh phía Nam. "Nhiều anh em y, bác sĩ từ Tết chưa về. Nhiều người từng "chiến đấu" ở Bệnh viện Bạch Mai, vùng dịch ở Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh giờ tiếp tục đóng ở Đồng Nai", Thứ trưởng Y tế chia sẻ.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Thu Hằng - Trần Thường
Giãn cách xã hội, bảo vệ thật chắc 'vùng xanh', cô lập 'vùng đỏ'
Nghị quyết 86 của Chính phủ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành nêu hàng loạt giải pháp cấp bách và cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19.