Chiều 4/9, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo cung cấp tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh ngày 3/9, TP.HCM ghi nhận 8.499 ca nhiễm mới. 

Mở đầu buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, trong 24h qua, các cơ quan báo chí đã gửi tới Ban Chỉ đạo các nhóm vấn đề. Thứ nhất, ca mắc mới cao hơn 8.000, Ban chỉ đạo nhận định gì tình hình này, về xét nghiệm, tiêm vắc xin? Thứ hai, về an ninh trật tự; Thứ ba, về tình hình đưa người dân về quê; Thứ tư, về gói mua nông sản 100.000 đồng; Thứ 5, có nhiều học sinh không có thiết bị học online.

Ông Phạm Đức Hải thông tin chi tiết về tình hình dịch bệnh Covid-19 sau 24h qua (xem box cuối bài).

Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, năm học mới TP sẽ không tựu trường và khai giảng.

Từ 6/9 học sinh cấp II, III bắt đầu vào năm học mới, làm quen với lớp và tiếp tục củng cố số lớp, rà soát điều kiện lớp học trong 1 tuần.

Lớp nào đủ điều kiện thì vào học, lớp nào chưa đủ điều kiện thì đến tuần thứ hai là vào học.

{keywords}
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin tại họp báo

Học sinh cấp I có thời gian sau ngày 6/9 có hai tuần làm quen bạn bè, lớp học.

Về số lượng học sinh thiếu thiết bị học trên trực tuyến là khá lớn. Ông Hiếu thông tin cụ thể, cấp Tiểu học, có khoảng 31 ngàn học sinh; Cấp THCS có khoảng 22 ngàn học sinh và cấp THPT là hơn 15 ngàn học sinh.

Ông Hiếu cũng cho biết, Sở đã làm việc với các trường để các em học sinh yên tâm vì có các cách giải quyết khác. Như với học sinh không có thiết bị học tập thì sẽ đưa lên các web sách điện tử, ghi hình bài giảng.

Trong điều kiện khó khăn hơn, 5% học sinh không thể tiếp cận internet, TP có xây dựng các tuyến mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ đến từng nhà và giáo viên tình nguyện.

Bên cạnh đó, TP còn làm việc với các nhà cung cấp thiết bị điện tử dạy và học trên internet, sẵn sàng hỗ trợ đường truyền giới thiệu về các trường với gói giảm giá, trả góp.

Sở cũng chỉ đạo hai đơn vị bưu điện hỗ trợ tất cả các trường học hoàn tất việc giao sách giáo khoa cho các trường.

Giới thiệu mỗi trường 5 giáo viên ra đường để hỗ trợ vận chuyển và tiếp nhận sách giáo khoa.

Không dời thời gian khai giảng năm học mới

Báo chí nêu vấn đề, trong đại dịch vừa qua, nhiều học sinh mồ côi cha, mẹ thì TP tính thế nào? Giáo viên đi phòng, chống dịch trở lại dạy thì tâm lý thế nào?

Trao đổi lại, ông Phạm Đức Hải cho biết, có hai điều lo lắng, mình có nên dời khai giảng hay không? Thứ hai, khắc phục việc còn khoảng 4% học sinh không có trang thiết bị học online thế nào?

Theo ông Hải, bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, là ưu tiên. Thứ hai, tuyên truyền cho giáo viên, học sinh nắm rõ Bác Hồ dặn dù khó khăn đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt.

Chúng ta có quá nhiều thực tiễn chứng minh, trong bom đạn vẫn đi học và học giỏi; trong lao tù, vẫn học và học giỏi.

Thứ ba, lịch sử chứng minh, không có thách thức nào, không khó khăn nào làm chùn bước ý chí mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức.

{keywords}
TP.HCM hỗ trợ 100% học phí kỳ 1 cho học sinh công lập và ngoài công lập. Ảnh: Thanh Tùng

Quyết tâm cho năm học 2021-2022 và xa hơn, không riêng gì ngành giáo dục mà cả TP đều chủ trương không để bất cứ học sinh nào không được học vì dịch bệnh và càng không thể vì dịch bệnh mà không hoàn thành trách nhiệm trong giáo dục.

Về khó khăn của khoảng 4%, học sinh không có đủ thiết bị học tập, theo ông Hải, thật ra, 2020 đã học trực tuyến rồi. Cho nên có 9 vấn đề có thể giải quyết việc này.

Thứ nhất, chúng ta có đường truyền. Thứ hai, học qua truyền hình, đài phát thanh. Thứ ba, có sách điện tử. Thứ tư, có clip ghi hình bài giảng. Thứ năm, tạo điều kiện cho gia đình khó khăn tiếp cận thiết bị điện tử bằng gói giảm giá, trả góp.

Thứ sáu, phát tài liệu học tập đến tận nhà. Thứ bảy, nhà trường vận động các mạnh thường quân mua thiết bị cho học sinh. Thứ tám, tranh thủ thời gian vàng, tăng tốc bồi dưỡng kiến thức và cuối cùng có thể kéo dài thời gian học thêm, bù vào thời gian học trực tuyến.

“Nói thế để khẳng định, không dời thời gian khai giảng năm học mới”, ông Hải nhấn mạnh.

Còn ông Hiếu cho biết thêm, về giáo viên đang tham gia chống dịch thì tiếp tục công việc đó, còn nhiệm vụ giảng dạy thì các giáo viên khác làm thay. 

Đang triển khai gói combo 100.000 đồng

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương thông tin về gói combo 100.000 đồng. Gói này là theo đề xuất của Sở NN&PTNT TP.HCM. Thành phần gồm 5 loại rau, củ quả, trái cây, gạo, trứng…khoảng 10kg.

TP đã triển khai về các địa phương gói này, có hai địa phương là TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh đã triển khai trên hệ thống bán hàng.

Ông Phương cũng cho biết, hiện shipper đã hoạt động trở lại, giúp cho người dân yên tâm đăng ký mua hàng, đáp ứng nhu cầu nhiều hơn.

Lý giải số ca F0 tăng vọt

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), lý giải số ca F0 Bộ Y tế mới công bố tăng vọt.

Ông Tâm khẳng định cần bình tĩnh vì việc tăng này không có gì đột biến.

Theo ông Tâm, nguyên tắc công bố của Bộ Y tế là F0 phải có xét nghiệm PCR dương tính để khẳng định nhiễm SARS-CoV-2. Nghĩa là số công bố tới hiện thời là những người test PCR.

TP.HCM vừa rồi tăng cường test nhanh để bóc tách F0 nhanh nhất, tiếp cận người có khả năng mắc bệnh để hỗ trợ điều trị kịp thời để hạn chế tử vong. Đó là mục đích mà Bộ Y tế cho phép TP.HCM tăng cường xét nghiệm bằng test nhanh.

Test nhanh có tính chính xác khá cao, nhưng không bằng PCR. Người test nhanh chỉ là nghi ngờ chứ không phải chắc chắn. Trong chiến dịch này, ngoài người xét nghiệm PCR dương tính thì có người mới chỉ là test nhanh dương tính.

Theo ông Tâm, những ngày gần đây, số test dương nhanh là 7.000-8.000 ca nhưng nằm ở mức nghi ngờ vì còn phải xét nghiệm PCR.

Qua phân tích, ông Tâm giải thích thêm việc tại sao ngày 3/9 số ca xét nghiệm PCR tăng vọt.

Thứ nhất, có nhiều địa phương khi thấy test nhanh dương thì làm lại PCR. Như vậy, số nghi ngờ được chuyển thành số chắc chắn nên tăng vọt.

Về mặt kỹ thuật, ngành y tế đã làm việc với các địa phương để chấn chỉnh, sao cho có con số chính xác nhất.

Con số tăng trên không có gì đột biết, ông Tâm khuyên người dân không sợ hãi, tính chất vẫn như những ngày trước.

Cảnh báo lừa đảo qua mạng

Cung cấp về tình hình an ninh, trật tự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, từ 23/8-4/9 xảy ra 19 vụ phạm pháp hình sự (giảm khoảng 90% so với trung bình số vụ trên 1 ngày của năm 2020).

Đồng thời, ông Hà cũng cảnh báo mọi người cảnh giác trước việc trộm cắp tài sản, lừa đảo, tổ chức đánh bạc và đánh bạc, lừa đảo qua mạng chiếm quyền tài khoản ngân hàng…

Việc hỗ trợ người dân ở TP về quê, theo ông Hà, từ khi phát sinh đến nay, công an tiếp nhận nhu cầu của 21 tỉnh, thành và đưa được 76 đợt người dân về các tỉnh, thành khác.

Ông Hà cũng cho biết, trường hợp di chuyển về quê phải có tổ chức, có văn bản gửi đến UBND TP và Công an, Sở GTVT... để được hỗ trợ; nên khuyên mọi người cố gắng ở lại, vì hiện TP có nhiều chương trình hỗ trợ bà con.

Về đánh giá hiệu quả sử dụng camera quét mã QR, theo ông Hà ưu điểm là kiểm tra nhanh, giữ được khoảng cách tiếp xúc, xác thực và độ chính xác lưu thông ra đường.

Về lâu dài, sẽ sử dụng quét mã này cho các sự kiện khác. Nhưng cũng có những hạn chế như quét cho người ngồi ô tô, nhiều xe tài xế phải xuống xe để quét mã QR.

 

Chi tiết số liệu về tình hình dịch bệnh Covid-19 sau 24h

Tính đến 18h, ngày 3/9 có 241.603 trường hợp mắc bệnh tại TP.HCM, bao gồm 241.143 ca trong cộng đồng, 460 ca nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 42.862 bệnh nhân, trong đó có 3.106 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.770 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 3/9 có 2.266 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 122.775; 256 trường hợp tử vong trong ngày, tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 10.230.

Về kết quả xét nghiệm, từ 18h ngày 2/9 đến 18h 3/9 đã lấy 294.804 mẫu, trong đó có 5.743 mẫu đơn và 10.175 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 200.129 mẫu.

Về tiêm chủng vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã tiêm đến ngày 3/9 là 6.321.049 (tăng 52.722 mũi vắc xin so với ngày 2/09), trong đó tổng số mũi 1 là 5.923.063, mũi 2 là 397.986, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 691.358.

Về đi chợ hộ, theo ông Hải, trong ngày 3/9 tổng nhu cầu đăng ký đi chợ thay trong ngày là 78.893 hộ, giảm 24,3% so với ngày hôm trước. Trong đó, 87.828 hộ gia đình đã được cung ứng hàng hóa, đạt tỷ lệ 111,3% số hộ đăng ký; tỷ lệ “đi chợ thay” theo ngày luôn đạt ở mức cao (trên 80%).

 

 

TP.HCM đẩy nhanh bao phủ vắc xin, dần gỡ bỏ giãn cách xã hội

TP.HCM đẩy nhanh bao phủ vắc xin, dần gỡ bỏ giãn cách xã hội

TP.HCM đẩy nhanh việc tiêm đầy đủ vắc xin cho người dân đến ngày 30/9 sẽ góp phần kiểm soát được dịch bệnh và dần gỡ bỏ giãn cách xã hội.

Hồ Văn