Sáng 13/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo ông Đức, còn vài ngày nữa (ngày 15/8) TP sẽ kết thúc đợt hai thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP vẫn diễn biến phức tạp. Bình quân trong 7 ngày từ 5/8 đến nay, trung bình có 3.687 ca nhiễm/ngày, hầu hết nằm trong các khu phong tỏa, cách ly.

{keywords}
Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức

Hiện TP có 62.986 ca F0, đã điều trị khỏi 32.629 ca; có 1.558 ca nặng và 16 ca trong tình trạng nguy kịch; có 10.221 ca F0 không triệu chứng, 12.000 ca F0 điều trị trên 7 ngày, có thể về cách ly theo dõi tại nhà.

Tỷ lệ tử vong trung bình mỗi ngày 241 ca trong thời gian gần đây.

“Trước tình hình trên, TP tập trung nâng cao hiệu quả điều trị và đặt mục tiêu trong thời gian tới phải giảm được tỷ lệ tử vong. Trong đó, kiên quyết giảm ca bệnh nặng từ tầng 2 và 3 để giảm áp lực cho các tầng trên, từ đó sẽ giảm được tỷ lệ tử vong”, ông Đức chia sẻ.

Các biện pháp để thực hiện mục tiêu trên, ông Đức cho biết TP đã đưa vào sử dụng 4 trung tâm hồi sức, thành lập 5 trạm vệ tinh 115 để hỗ trợ và điều phối cấp cứu.

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho rằng, tình hình đang phức tạp, có thể kéo dài, số ca nhiễm đang đi ngang nhưng chưa bền vững, tử vong vẫn cao. TP cũng dự báo sau ngày 15/8 vẫn ở mức 3.000 ca nhiễm/ngày. Nếu không có các biện pháp mạnh mẽ thì tình hình sẽ xấu đi.

Về mục tiêu đến 15/9 kiểm soát được dịch bệnh như nghị quyết 68 của Chính phủ, ông Đức thông tin TP đã xây dựng kế hoạch tăng cường kế hoạch phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9. Kế hoạch cụ thể này TP sẽ sớm công bố qua báo chí để người dân biết, đồng hành chống dịch cùng TP.

"Mỗi giai đoạn sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh", lời ông Đức.

Bao phủ vắc xin càng sớm, càng tốt

Cũng theo ông Đức, tình hình các ca bệnh đi ngang, nhưng yếu tố ca tử vong rất cao. Do đó TP xác định phải tập trung giảm số ca F0 có nguy cơ trở nặng.

Trước tiên, biện pháp giãn cách xã hội là quan trọng nhất, vẫn phải bảo đảm được việc thực hiện nghiêm giãn cách nhà với nhà, cách ly được điều kiện lây lan. Những nhà nào không có F0 thì cố gắng giữ an toàn.

“Do đó, các gia đình nên tự bảo vệ mình bằng việc thực hiện nghiêm việc giãn cách. Tôi rất buồn khi phần lớn trong gia đình có F0 thì hầu như cả gia đình bị nhiễm”, lời ông Đức.

TP sẽ luôn đảm bảo việc “chặt trong, chặt ngoài”, thực hiện được mục tiêu kìm hãm và giảm F0 trong thời gian tới, vì khoảng 70-80% ca nhiễm là trong khu phong tỏa.

Giữ vững thành quả, phát huy tốt mô hình “vùng xanh”, nâng cao ý thức mỗi người dân là một chiến sĩ, bảo vệ và từ từ mở rộng “vùng xanh”, tiến tới xanh hóa toàn TP.

Theo vị Phó chủ tịch TP, công tác xét nghiệm vẫn hết sức quan trọng, phải thực hiện theo chiến lược trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm không lãng phí nguồn lực.

Tập trung xét nghiệm trong khu phong tỏa, để sớm bóc tách F0, kết hợp gia đình cách ly với gia đình, người với người.

Ngoài ra, để giảm tử vong, phải sàng lọc, phân loại tại các tầng để điều trị hiệu quả. Việc phân loại tốt giữa các hệ thống điều trị, tình hình sẽ có thể được cải thiện.

TP đang mạnh mẽ nâng cấp năng lực các bệnh viện tầng 2 nâng lên tầng 3 trong hệ thống tháp 5 tầng điều trị. Củng cố khả năng cung cấp ô xy, nếu cung cấp kịp thời, trợ thở tốt thì cứu được nhiều người hơn.

Ngoài ra, phải tổ chức tư vấn sức khỏe, chăm sóc tốt F0 tại nhà. Phải thỏa mãn 3 điều kiện: chăm lo tâm lý; chăm lo về lương thực, thực phẩm; hỗ trợ về điều trị, tư vấn, củng cố nền tảng sức khỏe giúp họ có tinh thần tốt và thể chất tốt, hạn chế trở nặng…sẽ giảm áp lực cho các tầng điều trị.

{keywords}
TP.HCM đặt mục tiêu bao phủ vắc xin càng sớm, càng tốt

Riêng về vấn đề vắc xin, ông Đức cho biết, TP đẩy mạnh tốc độ tiêm, có ngày cao nhất tiêm được trên 318.000 liều... Cho đến nay, hầu như toàn bộ nguồn vắc xin được phân bổ đã được tiêm hết. .

Theo thống kê, với đối tượng có bệnh nền và từ 65 tuổi trở lên, TP đã tiêm được 456.391 người/hơn 650 nghìn người.

Tổng tất cả các đợt tiêm đến nay, TP đã tổ chức tiêm cho hơn 4,3 triệu người, trong đó có hơn 100.000 người tiêm mũi 2.

Về 1 triệu liều vắc xin Sinopham, hiện nay Sở Y tế đang phân về các địa phương để triển khai tiêm và các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức.

TP đang chủ trương đẩy mạnh tiếp cận các nguồn vắc xin cùng với việc hỗ trợ và phân bổ của Bộ Y tế. Hiện nay, TP đã và đang tiến hành đàm phán với nhiều đối tác, với mục tiêu đưa vắc xin về TP càng sớm càng tốt để bao phủ tiêm chủng cho người dân.

Ngoài ra, thông qua hợp tác quốc tế của TP,  các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có cam kết tặng cho TP.HCM từ 200-500.000 nghìn liều. TP hy vọng có trong tháng 8 này.

Ông Đức cũng khẳng định, loại vắc xin TP đưa về và được Bộ Y tế cấp là các loại vắc xin tốt, được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép mới đưa ra tiêm cho người dân.

“Người dân nên hiểu, khi được tiêm vắc xin thì không chỉ bảo vệ bản thân và còn góp sức vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP”, ông Đức cho biết. 

TP.HCM siết biện pháp mạnh giữ chặt 'vùng xanh'

TP.HCM siết biện pháp mạnh giữ chặt 'vùng xanh'

Cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên cư trú trong “vùng xanh” được đi làm bình thường, khi về phải khai báo y tế và áp dụng các biện pháp cách ly như F1 tại nhà.

Hồ Văn-Tú Anh