Trong cuộc đời ngắn ngủi của Dung Hà, chuyện tình cảm là một lát cắt cực kỳ thú vị, đến nỗi, đến tận bây giờ, những chuyện tình của bà trùm vẫn được giới giang hồ đất Cảng và người dân truyền tụng.
Trong 3 người tình, Hùng 'Cốm' có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của bà trùm. Dung Hà từng tổ chức vượt ngục cho người tình sát ngày tử hình.
Thời gian đầu buôn tẩu ở chợ Sắt, khi mới mười tám đôi mươi, Dung Hà đem lòng yêu Hùng “Chim Chích”, một đàn anh có số má ở chợ Sắt lúc bấy giờ. Gọi là Hùng “Chim Chích” vì trên người hắn có rất nhiều hình xăm hoa mỹ.
Trong giới giang hồ lúc đó, danh tiếng Hùng thuộc vào loại lừng lẫy. Vẻ ngoài bặm trợn cùng “thành tích” ra tù vào khám như cơm bữa, Hùng được nhiều người nể sợ. Người trong giới đồn đoán rằng, sở dĩ Dung Hà yêu Hùng phần vì nể bậc đàn anh, phần vì muốn lợi dụng uy danh của Hùng để ngoi lên, tự tạo thế lực cho mình ở khu vực đầy rẫy thành phần bất hảo.
Thế nhưng, mối tình đầu ấy tồn tại không được lâu, Hùng “Chim Chích” dính vào ma túy. Từ một kẻ bản lĩnh, hắn trở nên thấp hèn, quay quắt anh em để lấy tiền hút chích. Từ đại ca chợ Sắt, Hùng xuống cấp thê thảm và chỉ còn là một con nghiện thèm thuốc dễ sai khiến. Hình ảnh Hùng chóng vánh phai mờ trong tâm trí Dung Hà, kẻ nuôi hy vọng làm trùm giang hồ đất Cảng.
Bà trùm Dung Hà bị bắn chết giữa đường năm 2000. |
Sau này, khi Dung Hà đã thành bà trùm sòng bạc thì Hùng “Chim Chích” héo rũ và chết vì HIV. Ngày tàn của Hùng “Chim Chích”, bà trùm đến viếng như một người bạn. Giang hồ đồn rằng, dù đã dứt tình nhưng vì cái danh giang hồ nên Dung Hà vẫn sai đàn em lo đám tang cho Hùng chu đáo. Trước mộ tình cũ, Dung chỉ nói một câu: “Nghĩa tử là nghĩa tận” rồi quay đi.
Mối tình thứ hai của Dung Hà là Hùng “Cốm”, một đại ca đất Cảng đúng nghĩa. Tương truyền, từ trước khi Hùng “Cốm” chết, giang hồ đất Cảng chưa hình thành thế chân vạc với Lâm “Già” - Cu Nên - Dung Hà. Cả Lâm "Già" và Cu Nên đều là đàn em dưới trướng của Hùng “Cốm”.
Sở dĩ, sau này bà trùm có vị thế tương đồng với hai đàn anh kia cũng nhờ cuộc tình với đại ca Hùng. Vì thế nên, dù Hùng đã có vợ con nhưng lúc nào cũng cặp kè như hình với bóng với Dung Hà.
Đi đâu Hùng “Cốm” cũng dẫn Dung Hà theo, giới thiệu bằng tất cả những lời lẽ kinh hoàng nhất, chính thế mà giang hồ nể sợ Hùng “Cốm” bao nhiêu thì cũng ngại người yêu của hắn bấy nhiêu. Sau đó, Hùng “Cốm” bị bắt và lãnh án tử hình vì tội cướp của giết người.
Sau hai mối tình trắc trở với đàn ông, Dung Hà quay sang yêu... phụ nữ.
Đám giang hồ Hải Phòng ngày ấy đồn rằng, trong đám đệ tử, có một cô gái được Dung Hà đặc biệt yêu chiều.
Cô gái da trắng, tóc dài tha thướt, chân dài miên man và trẻ hơn Dung Hà chừng dăm tuổi. Cô này không phải dân đao búa loại trộm cắp, bụi đời mà là con nhà tử tế, có nhan sắc nhưng đua đòi, thích nổi nên cặp với Dung Hà.
Dân chơi Hải Phòng thời ấy đã quá quen với hình ảnh Dung Hà tóc ngắn như đàn ông, trang phục cũng như đàn ông, đi xe máy Ringbell lạng lách trên đường phố. Phía sau là một cô gái cao hơn Dung Hà cả một cái đầu, tóc dài tha thướt, xõa che nửa mặt ngồi ghì sát lấy Dung Hà, ôm eo thật chặt.
Hôm Dung Hà bị đưa ra xét xử, cô gái đến tòa rất sớm, ngồi một góc ôm mặt khóc nức nở. Giang hồ Hải Phòng thời đó gọi cô gái này là "người tình của chị" và tỏ ra rất vị nể. Cô gái bây giờ đã có chồng con, định cư ở nước ngoài. Đó cũng là cuộc tình cuối cùng trong đời bà trùm đất Cảng.
Trong số ba người tình này, Hùng “Cốm” là tên tuổi có ảnh hưởng với sự nghiệp của Dung Hà nhất và có lẽ cũng là người hữu ích nhất mà Dung sử dụng để lấy danh tiếng. Kể cả khi Hùng “Cốm” vào tù chờ ra trường bắn vì tội cướp của giết người, Dung Hà vạch kế hoạch cho người tình một cuộc đào tẩu táo bạo mà theo giới giang hồ khả năng thành công không nhiều. Nhưng về phương diện gây dựng uy danh, Dung Hà đã thành công mỹ mãn.
Ngày đó, trại tạm giam của tử tù, án chung thân là riêng rẽ, gần với khu vực bể nước để cho phạm nhân ra tắm. Hùng “Cốm” ở phòng giam riêng. Bên cạnh phòng giam của Hùng là một tay anh chị khác, khá nổi tiếng thời gian đó, tên là An Đông.
Thế nhưng, An Đông chỉ bị án chung thân. Hai tên tội phạm có hơi hướng giang hồ này khá thân và hiểu ý nhau. Chẳng hiểu, chúng tiếp xúc với nhau theo kiểu nào, mà Dung Hà, dù ở ngoài cũng kết nối được hai tên này với nhau để cùng bàn mưu cho cuộc đào tẩu ra khỏi trại tạm giam. Cả An Đông và Hùng “Cốm” đều lựa theo sự sắp xếp của Dung Hà.
Dù lúc đó đã là một bà trùm điều hành hệ thống cờ bạc, Dung Hà rất khéo léo trong quan hệ với cán bộ công an, cán bộ chính quyền. Gặp ai cũng rất lễ độ, nhã nhặn, chào cán bộ chứ không yêng hùng. Người đáng tuổi anh thì Dung Hà chào anh, đáng tuổi cha chú, thì chào cha chú, xưng "con" rất ngọt ngào.
Để giải cứu Hùng “Cốm”, Dung Hà lợi dụng cả hai cán bộ trại giam tên Điền và Sơn. Trước ngày giải cứu Hùng “Cốm” (7/9/1989), không biết vô tình hay hữu ý, xảy ra nổi loạn ở trại, cán bộ Điền và Sơn được Dung Hà mời đi uống bia, ăn nhậu.
Nhậu xong, Dung Hà gửi quà vào cho Hùng “Cốm” và An Đông, nhờ cán bộ Điền và Sơn cầm vào giúp. Đó là hai túi quà, trong đó có rất nhiều gói nhỏ khác nhau. Vì chuẩn bị cả ngày mùng một âm lịch, nên Dung gửi nhiều hơn để cho Hùng “Cốm” thắp hương. Trong mỗi túi quà có một gói xôi còn nóng, hoa quả để ăn và lựu đạn.
Vì được ở khu và phòng riêng biệt nên Hùng “Cốm” đã tự làm một cái bàn thờ ở trên cao. Ở chỗ cạnh bàn thờ, Hùng hay treo quần, áo nên giấu việc này được rất lâu.
Sau khi được cán bộ Sơn và Điền mang quà của người tình vào cho, Hùng đặt tất cả lên bàn thờ, cúng. Cúng xong, Hùng mang xôi, hoa quả ra ăn và vẫn nhớ chia cho An Đông một nửa số quà. Riêng quả lựu đạn, Hùng vẫn để ở trên bàn thờ đến lúc hành sự thì mang xuống.
Dung Hà đã có ám hiệu thống nhất với Hùng “Cốm”, chỉ cần gây náo loạn, Hùng “Cốm” sẽ khống chế giám thị vọt ra ngoài lên chiếc xe đã chờ sẵn. Chiếc xe sẽ đưa Hùng “Cốm” ra biển và tại đây, cũng đã có một chiếc xuồng nằm chờ để đưa hắn vượt biên sang Hong Kong.
Lợi dụng việc được ra ngoài tắm, Hùng “Cốm” đã đưa cho An Đông túi quà có quả lựu đạn. Sở dĩ bà trùm chọn An Đông làm đối tác cùng với Hùng “Cốm” là vì hai tên ở sát cạnh phòng giam, cùng là giang hồ cộm cán, dễ hiểu ý nhau, cùng có mức án cao và đều cho rằng, không thể ở tù mãi được, dù ra ngoài rồi chết còn hơn chết trong tù tội.
Thứ hai, An Đông rất giỏi võ, tên này có thể hỗ trợ được cho Hùng “Cốm” trong quá trình nổi loạn. Một mình An Đông có thể quật ngã được 5 thanh niên to, khỏe, lực lưỡng khác. Hùng “Cốm” ném lựu đạn ra sân trại, tiếng nổ làm náo loạn cả trại.
Ngay lúc đó, An Đông chạy lên tầng hai của khu nhà bên cạnh để trợ giúp cho Hùng “Cốm” trốn thoát ra ngoài. Thế nhưng, kế hoạch của chúng không thành. Vì sau tiếng nổ, mọi đường ra vào của trại bị bao vây. Có một tình tiết có thể coi là vận hạn của Hùng “Cốm”, trong lúc hỗn loạn mò lên tầng 2 mới phát hiện, đây là vị trí chứa kho súng của trại giam nhưng không hề hay biết.
Ném lựu đạn nổ, không chạy được ra ngoài, Hùng “Cốm” chạy về phòng giam của mình thì bị bắt và không có hành động chống đối nào. An Đông nhảy từ tầng hai xuống đất, giơ lựu đạn thị uy. Bên kia đường của cổng giam, Dung Hà cùng các đệ tử đi trên 3 xe máy đứng chờ, xe máy vẫn nổ.
Chỉ thấy An Đông mà không có Hùng “Cốm”, Dung Hà làm ngơ, tắt máy, dắt xe tiến lên phía trước. An Đông cầm lựu đạn, quay người chạy vào trong ngõ và bị bao vây. Gã rút chốt lựu đạn nhưng không nổ, sau đó bị cán bộ trại giam bắn chết. Biết Đông đã chết, Hùng “Cốm” không phản ứng gì. Vài ngày sau đó, Hùng bện quần áo thành dây thòng lọng, treo cổ tự vẫn chết trong trại giam.
Cuộc giải cứu người tình bất thành. Nhưng câu chuyện nhanh chóng được lan truyền và uy danh của Dung Hà càng lan rộng. Từ đó, một loạt mãnh tướng trong giới giang hồ đất Cảng về quy phục. Dung Hà thành một thế lực mới, ngoi lên đối trọng với Lâm “Già” và Cu Nên, tạo thành thế chân vạc trong giới giang hồ Hải Phòng những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước...
(Theo Công lý)