Thông tin này được DN phản ánh tại hội thảo chuyên đề về đánh giá chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong khuôn khổ APCI 2019 diễn ra ở Đà Nẵng hôm qua.
APCI là báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ TTHC do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng thực hiện.
Doanh nghiệp còn kêu ca
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, thành viên nhóm nghiên cứu chuyên sâu của báo cáo APCI thuộc Ban 4 khái quát một số thông tin sau 2 ngày khảo sát tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy |
3 nhóm TTHC được khảo sát sâu gồm: thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) và một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành; thủ tục liên quan đến thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; đến đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Theo bà Thủy, qua khảo sát, các DN đánh giá chính sách và khâu thực thi đều có nhiều tiến bộ so với trước.
Tuy nhiên trong hệ thống văn bản QPPL hiện hành và đặc biệt khâu thực thi quy định vẫn còn nhiều điểm cần tiếp tục cải cách, tháo gỡ, đặc biệt là các quy định liên quan tới mảng XNK, kiểm tra chuyên ngành.
Chẳng hạn như khi DN khai thông tin chưa chính xác về model, nhãn hiệu hoặc khai chưa chuẩn mã HS... thì hải quan sẽ ấn định thuế cho DN và bác đi các thông tin DN khai lại hoặc khai bổ sung...
Ngoài ra, DN còn kêu ca về tình trạng vẫn tồn tại nhiều đầu mối cùng kiểm tra chuyên ngành về 1 sản phẩm mà DN nhập khẩu.
Trong thực tế vẫn còn tồn tại các khâu “đặc biệt hình thức”. Điển hình như khi DN làm thủ tục kiểm dịch động vật tại địa phương thì phải ra Hà Nội đăng kí kiểm dịch với Cục Thú y của Bộ NN&PTNT như một loại giấy phép con.
Việc này đã tiêu tốn của DN nhiều ngày trước khi tiến hành nộp hồ sơ đăng kí kiểm dịch chính thức tại các chi cục hay đơn vị có chức năng kiểm dịch tại các vùng…
Bà Thủy cho rằng, những bất cập này đã phát sinh khá nhiều chi phí không hợp lý cho DN.
Nụ cười chẳng bao giờ thấy
Tham dự hội thảo còn có sự xuất hiện của nhiều DN trong 3 lĩnh vực được khảo sát. Để ghi nhận tiếng nói thẳng thắn của DN cũng như đảm bảo "tính an toàn" trong hoạt động kinh doanh, các DN đề nghị được ẩn danh khi phát biểu.
Đại diện một công ty về logictics tại Đà Nẵng kể câu chuyện bất cập về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO). Cụ thể khi DN của bà mua hàng từ Trung Quốc về hay bị hải quan bác chứng nhận CO trong khi các chứng nhận đều chứng minh rõ sản xuất từ Trung Quốc.
Pháp luật Việt Nam hiện nay không chấp nhận CO ủy quyền trong khi thông lệ của Trung Quốc thì các DN sản xuất ít khi cấp CO mà lại là các công ty làm thương mại của sản phẩm đó sẽ cấp CO. Nhiều DN khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Một DN kinh doanh dược cho rằng, lâu nay trong nếp nghĩ của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn xác định DN là đối tượng quản lý chứ không phải là phục vụ trong khi Thủ tướng đã chỉ đạo phải xác định DN là đối tương phục vụ.
Người dân, DN đang làm thủ tục tại Trung Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H |
“DN đến làm thủ tục, nụ cười của công chức chẳng bao giờ thấy đâu, cứ hằm hè như thế thì môi trường thân thiện sao được. DN phát triển tốt đất nước mới phát triển được. Vì vậy Thủ tướng mới yêu cầu coi DN là đối tượng phục vụ”, DN này nói.
Theo ông, chính tư duy cứ muốn quản lý thay vì phục vụ đã làm cho TTHC xuất hiện nhiều hơn từ TƯ tới địa phương. TTHC nhiều đến mức DN này than: “Chỉ có thể bán DN nếu tự nghiên cứu thủ tục”.
Vì vậy ông đề nghị các cơ quan hành chính cần đẩy mạnh việc thông tin, kết nối với DN, công khai các TTHC rõ ràng, dễ hiểu hơn nữa.
“Khi cần DN vẫn tìm được nhưng TTHC cần cụ thể hơn. Như thủ tục Cấp giấy chứng nhận Thực hành tốt nhà thuốc - GPP đang áp dụng với các nhà thuốc hiện nay mà nghiên cứu ra được bộ hồ sơ thì thà DN bỏ ra 2 triệu thuê dịch vụ làm luôn cho nhanh, cho khỏe”, DN này dẫn chứng.
Liên quan đến thủ tục xác nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, DN cũng kêu về tình trạng kiểm tra còn chồng chéo. Trong một năm, nhiều đoàn kiểm tra cùng một nội dung vẫn tái diễn dù Thủ tướng đã quy định các đoàn kiểm tra phải phối hợp với nhau để mỗi năm chỉ kiểm tra 1 lần.
Chỉ số APCI được công bố lần đầu tiên vào tháng 8/2018. Đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà DN và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định hiện hành đối với 8 nhóm TTHC quan trọng. Đó là nhóm TTHC khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường và xây dựng. Kết quả APCI 2018 dựa trên chia sẻ thông tin của hơn 3.000 DN tại 63 tỉnh, thành trong 6 tháng cuối năm 2017. Kết quả khảo sát cho thấy 2 trong số 3 nhóm thủ tục có mức chi phí tuân thủ thấp nhất là nhóm thuế và hải quan của Bộ Tài chính. Còn nhóm thủ tục xây dựng có chi phí tuân thủ cao nhất với 64,1 triệu đồng. |
Đây mới là thủ tục hành chính ngốn tiền doanh nghiệp nhất
Với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng đã làm nhóm thủ tục xây dựng trở nên đắt đỏ bậc nhất trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018.
Thu Hằng