Báo cáo về công tác báo chí năm 2020, đánh giá khái quát giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết, thực hiện quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019.
Hiện cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.
Do những khó khăn kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng phát hành và quảng cáo báo chí giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế báo chí. Có cơ quan báo chí sụt giảm đến 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. |
Theo ông Lê Mạnh Hùng, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí; việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các cuộc họp giao ban công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí.
Tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề giữa cơ quan chỉ đạo với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí nhằm quán triệt việc thực hiện Quy hoạch báo chí, chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, lưu ý, nhắc nhở kịp thời các hành vi vi phạm.
Việc triển khai áp dụng 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bước đầu phát huy tác dụng.
Về công tác triển khai quy hoạch báo chí, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành địa phương, đơn vị liên quan tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Tổng số 78 cơ quan, tổ chức, địa phương phải thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí trong năm 2019 và năm 2020.
Đến nay, tổng số 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương đã hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí. Hiện đang xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, năm 2020, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đã tăng cường rà soát tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích. Kiểm tra một số cơ quan báo chí, văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí.
Đo lường định lượng độc giả, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin trên cơ sở số liệu thống kê để từ đó nhận định, đánh giá được “dòng chảy của báo chí”; xây dựng bộ công cụ đánh giá tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí nhằm phát hiện sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Về kết quả xử phạt vi phạm hành chính đã xử phạt 18 cơ quan báo chí với tổng số tiền trên 400 triệu đồng; 13 trường hợp trang thông tin điện tử với tổng số tiền 600 triệu đồng; 1 doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
Thu hồi 103 giấy phép hoạt động báo chí theo quy hoạch; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 2 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 2 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận 111 đơn thư phản ánh, khiếu nại tố cáo, trong đó có 21 đơn thư liên quan đến việc hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, 56 đơn thư khiếu nại về thông tin trên báo chí không chính xác.
Nhận định về các thách thức, ông Hùng cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông sẽ diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà trong thời kỳ mới phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội.
Sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt. Nguồn thu quảng cáo tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới.
Từ đây đặt ra nhiệm vụ cần đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí. Có cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm cơ quan báo chí chủ lực để thực hiện tốt công tác định hướng dư luận xã hội, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
Thành Nam
"Còn tình trạng địa phương chờ Trung ương, báo chí chờ định hướng"
Theo ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tình trạng địa phương chờ trung ương, cơ quan báo chí chờ định hướng vẫn còn tồn tại.