Tết bao giờ cũng là sự trở về. Những đứa con xa quê trở về nơi nguồn cội, về nơi chôn rau cắt rốn. Trở về để được gặp gỡ những người thân, bạn bè, ôn lại tuổi thơ…
Gia đình sum vầy ngồi gói bánh chưng. Ảnh: Khang Chu Long |
Thông thường dịp tết là sự trở về để giao lưu gặp gỡ bạn bè, đến chúc Tết người thân, thầy cô giáo từng dạy mình, mừng thọ... Chính vì vậy sự háo hức trở về là để hòa vào dòng chảy của yêu thương, của không gian văn hóa đậm đặc tình người, đậm đặc chất nhân văn, để bồi đắp tâm hồn.
Tuy nhiên, hai năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc trở về không phải lúc nào cũng thực hiện được. Có những thời điểm do dịch bệnh bùng phát ở những dịp nghỉ lễ, Tết, có lúc ai ở đâu ở yên đó, nên việc di chuyển, trở về, sum họp cũng khó khăn với nhiều gia đình. Rồi ngày Tết xa cách nhau, việc sắm sửa, những tập tục cũng hạn chế, đơn giản hơn để phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh. Rồi cũng do yêu cầu phòng chống dịch bệnh nên việc không tụ tập đông người, trẩy hội, lên chùa đều bị hạn chế.
Ngay với những cuộc gặp gỡ chúc Tết, thăm hỏi nhau dù là nét đẹp truyền thống sau một năm đầu tắt mặt tối ít có dịp gặp nhau hàn huyên, “ôn cổ tri tân”, nhưng giờ dịch bệnh những cuộc “gặp gỡ” đó đôi khi phải thông qua mạng xã hội. Và đó cũng là những thay đổi phù hợp mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống ngày xuân thăm hỏi nhau.
Công nghệ hiện đại đã kéo gần khoảng cách nên dù có cách xa nhau nhưng vẫn thấy gần. Và không chỉ ở trong nước, ngay cả những người thân nơi xa, ở nước ngoài cũng được hưởng không khí Tết quê nhà.
Công nghệ kéo con người gần với nhau mà không lo dịch bệnh, kéo gần Tết ở những phương trời khác nhau mà không lo khoảng cách. Và cũng có những câu chuyện mới về quà mừng tuổi chúc Tết, thay vì gặp gỡ giờ cũng có những cách mừng tuổi ting ting…
Bây giờ việc du xuân, lên chùa cũng có nhiều thay đổi. Ngày trước mùa Xuân là mùa đi lễ chùa, ngoài văn hóa tâm linh còn là lúc du xuân, gặp gỡ bạn bè. Ngày trước nhiều gia đình chùa nào cũng đi, chùa nào cũng đến nhưng nay việc đi lại tụ tập cũng hạn chế, đình chùa nhiều nơi không được phép mở cửa. Tuy nhiên, vẫn có những chùa áp dụng công nghệ cho người dân chiêm bái từ xa.
Mùa xuân là mùa lễ hội, điều này càng đặc biệt với vùng đồng bằng Bằng Bắc bộ đậm nét văn hóa làng xã. Làng nào cũng có lễ hội, đều náo nức mùa lễ dịp đầu năm. Rồi những liền anh liền chị với nón thúng quai thao… thường rất bận rộn dịp đầu xuân, nhưng nay thì dịch bệnh không cho phép tập trung đông người nên các hoạt động phần hội ít nhiều bị hạn chế. Nhưng dịch bệnh cũng không ngăn nổi những sự sáng tạo, khôngngăn được những tâm hồn yêu văn hóa dân tộc.
Trong dịp Tết, trên mạng xã hội đã xuất hiện những hội, nhóm: Hội quan họ, Hội dân ca… họ có thể hát những làm điệu trao duyên tình tứ thông qua mạng xã hội mà cũng không kém phần cuốn hút. Chính như vậy mà những vùng đất, con người dù khác nhau, dù xa xôi đến mấy cũng được kéo gần trong những ngày Tết thời Covid.
Đặc biệt, chính các tổ chức, đoàn thể, nhà nước lại là những đơn vị tiên phong trong thay đổi. Những cầu truyền hình về tổ chức lễ hội, bắn pháo hoa, gặp gỡ kiều bào… đều thông qua sóng truyền hình, hay trực tuyến, hạn chế tụ tập nhưng vẫn là nhịp cầu nối, vẫn ấm áp đủ đầy.
Những phong tục Tết xưa mang dấu ấn về tinh thần, giá trị văn hóa, là nếp nhà mà cha ông truyền lại. Còn bây giờ, do điều kiện và hoàn cảnh dịch bệnh, việc gặp gỡ, chúc tết, đón Tết ít nhiều có thay đổi, sáng tạo nhưng những giá trị tinh thần vẫn còn nguyên.
Tết xưa, Tết nay dù thời gian có đổi thay, dù dịch bệnh có làm đứt gãy những cuộc gặp gỡ trực tiếp, song bằng nhiều hình thức, dựa vào sự phát triển của công nghệ, những tập tục, nét đẹp ngày Tết vẫn được giữ gìn. Dịch bệnh sẽ qua đi nhưng những cách thức làm mới để duy trì nét đẹp, những tập tục về Tết xa xưa chắc chắn vẫn được phát huy, phát triển, phù hợp với thời đại, xu thế mới. Đó cũng là sự phát triển cho phù hợp với dòng chảy văn minh.
Nguyễn Đăng Tấn
Độc đáo phiên chợ Tết chỉ dành cho trẻ em, mỗi năm họp một lần
Phiên chợ một năm chỉ họp duy nhất một lần trong năm, vào ngày Mồng Hai Tết, và chỉ dành cho trẻ em. Nét truyền thống được duy trì nhiều năm tại làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ.