- Việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua là bước đi mở đường. Người được tín nhiệm cao không vì thế mà thỏa mãn, người chưa được tín nhiệm cao thì khắc phục những hạn chế để vươn lên.
Sau Quốc hội, hiện nay HĐND các tỉnh thành đang lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Có thể nói đây là một bước tiến trên con đường thực hành dân chủ.
Dư luận đánh giá cao sự kiện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Nhìn vào kết quả, các đại biểu Quốc hội và cử tri đều có chung nhận xét là khách quan, đúng thực tế. Thông qua kết quả những người được lấy phiếu tín nhiệm có dịp để soi lại mình. Người được tín nhiệm cao không vì thế mà thỏa mãn, người chưa được tín nhiệm cao thì khắc phục những hạn chế để vươn lên.
Lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội chiều 10/6. Ảnh: Minh Thăng |
Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về cách lấy phiếu tín nhiệm.
Mặc dù những người có trách nhiệm giải thích cần phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm - lấy phiếu là thăm dò tín nhiệm còn bỏ phiếu là sau khi thăm dò, nếu người được tín nhiệm thấp (trên 50%) thì mới bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng vấn đề là cách thiết kế mức tín nhiệm đã hợp lý chưa.
Dù là thăm dò hay bỏ phiếu thì cũng cần rạch ròi. Sự rạch ròi của cái này sẽ dẫn đến sự rạch của cái khác, nghĩa là sẽ dẫn đến sự rạch ròi của người được quyền bỏ phiếu đánh giá. Dư luận cho rằng cách làm như vừa qua là chọn cách an toàn, dẫn đến tình trạng chung chung khó phân biệt.
Một vấn đề nữa cũng cần đặt ra, đó là với những người có phiếu tín nhiệm thấp (mặc dù chưa đến 50%) phải có quy định cụ thể như thế nào để công việc có hiệu quả hơn hay chỉ tự rút kinh nghiệm?
Nghĩa là phải có cả kế hoạch hậu bỏ phiếu để “chúng ta lấy phiếu không nhằm kỷ luật ai” nhưng dứt khoát người đó phải vươn lên, phải tiến bộ, đáp ứng nhu cầu của công việc, nhu cầu của đất nước, vậy tổ chức (Quốc hội, Chính phủ) sẽ làm gì?
Ngay cả đại biểu Quốc hội vừa qua sau khi bỏ phiếu tín nhiệm cũng còn băn khoăn cho rằng, với cách thức đang áp dụng thì dù có lấy phiếu lần thứ hai, thứ ba cũng khó có chức danh nào bị rơi vào diện "nguy hiểm", tức là có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% hay 2/3 tính trên tổng số đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim thì cho rằng "nên tiến tới hình thức các nước thường áp dụng là chỉ đưa ra hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm".
Chính vì vậy, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi tập hợp ý kiến của cử tri đã đề nghị nên cải tiến cách lấy phiếu tín nhiệm. Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc đề nghị nên thiết kế thành hai mức và theo hai chiều là tín nhiệm và không tín nhiệm.
Sau kỳ bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua, đứng trước những băn khoăn của cử tri về vấn đề trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Cử tri cũng còn băn khoăn, cho nên chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung quy định này”.
Đúng là thực hành dân chủ không phải một sớm một chiều có thể đạt được. Và việc những quy định không phải một lần là đúng hay phù hợp cũng là điều dễ hiểu, vấn đề là chúng ta tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri và những nhà khoa học như thế nào để hoàn thiện. Việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua là bước đi mở đường. Nó đã chứng tỏ cách làm của Quốc hội đúng hướng nhưng những gì còn hạn chế thì cần rút kinh nghiệm, phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.
Nguyễn Đăng Tấn