Ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-BCT điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện (Quyết định số 648/QĐ-BCT). Chính phủ báo cáo các Đại biểu QH khóa 14 công tác điều hành giá điện, tập trung vào các nội dung chính đang được Đại biểu QH khóa 14 và cử tri cả nước quan tâm như sau:

I. Quá trình xây dựng, ban hành và các lý do chính của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012 quy định giá điện được lập trên cơ sở chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý và báo cáo tài chính được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực. Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng theo khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ qui định.

- Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, quy định việc điều chỉnh giá điện được xem xét thực hiện sau 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất nếu sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều hành-quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).

- Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020 theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020 được quy định tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh, tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.

2. Quá trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh từ tháng 6 năm 2018 (sau 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất là ngày 01 tháng 12 năm 2017). Tuy nhiên, căn cứ thực tế các yếu tố chi phí đầu vào cấu thành giá điện và để đảm bảo ổn định giá cả, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chính phủ đã quyết định không điều chỉnh giá điện trong năm 2018. Việc không điều chỉnh giá điện trong năm 2018 đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,54% và giúp tăng trưởng tổng sản phẩm GDP đạt 7,08%.

Trong năm 2019, Chính phủ đã xem xét điều hành điều chỉnh giá điện trong năm 2019 theo đúng qui định tại Luật Điện lực và Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, đồng thời thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ QH trong việc điều chỉnh giá khí, giá than bán cho điện, thuế bảo vệ môi trường và phân bổ một phần các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo trong các năm trước. Cụ thể như sau:

- Năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã xây dựng các kịch bản, đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,3 - 3,9% (theo Nghị quyết của QH khoảng 4%), trong đó có tính toán theo các dự báo giá cả thế giới, nhu cầu điều chỉnh các dịch vụ công và giá cả thiết yếu như điện, xăng dầu, y tế, giáo dục theo đề xuất của các Bộ và Tổng cục Thống kê.

- Ngày 16 tháng 11 năm 2018, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có Thông báo số 432/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về công tác điều hành giá điện năm 2019, theo đó chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện vào thời điểm phù hợp trong năm 2019, trong đó có tính đến việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu thực hiện theo cơ chế thị trường theo Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội, giá than bán cho sản xuất điện, phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá và lợi nhuận của EVN chỉ ở mức 3%.

- EVN đã báo cáo Bộ Công Thương tại Văn bản số 93/EVN-TCKT ngày 14 tháng 12 năm 2018, Văn bản số 100/EVN-HĐTV ngày 28 tháng 12 năm 2018, Văn bản số 10/EVN-HĐTV ngày 30 tháng 01 năm 2019 về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2019.

- Ngày 01 tháng 02 năm 2019, trên cơ sở tính toán kịch bản điều hành giá, Ban Chỉ đạo điều hành giá có Thông báo số 162/TB-BCĐĐHG về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp ngày 17 tháng 01 năm 2019 chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các kịch bản điều hành giá điện đảm bảo đồng bộ với việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu theo Nghị quyết của QH và các yếu tố biến động đầu vào của chi phí và giá thành điện vào thời điểm phù hợp trên cơ sở đảm bảo kiểm soát lạm phát năm 2019 trong khoảng 3,3%-3,9%.

- Ngày 29 tháng 01 năm 2019, Bộ Công Thương có Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 với các phương án tăng giá 7,31%; 8,36% và 9,26%.

- Ngày 21 tháng 02 năm 2019, VPCP có Thông báo số 19/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 29 tháng 01 năm 2019 với các Bộ, ngành liên quan, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và EVN về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019. Thủ tướng Chính phủ kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15 tháng 3 năm 2019 đến ngày 30 tháng 3 năm 2019 để thực hiện việc điều chỉnh.

- Thực hiện các Thông báo số 162/TB-BCĐĐHG, Thông báo số 19/TB-VPCP, ngày 05 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương có Báo cáo số 159/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giá bán lẻ điện bình quân năm 2019.

- Ngày 18 tháng 3 năm 2019, VPCP tổ chức cuộc họp để thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ theo Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 21 tháng 02 năm 2019 về phương án điều chỉnh giá khí trong bao tiêu bán cho sản xuất điện và ban hành Thông báo số 38/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về điều hành đồng bộ giá điện, giá xăng dầu và giá khí trong bao tiêu bán cho sản xuất điện.

- Thực hiện Thông báo số 38/TB-VPCP, ngày 19 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương có Văn bản số 212/BCT-ĐTĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2019.

- Ngày 20 tháng 3 năm 2019, VPCP có Văn bản số 666/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, theo đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý về đề nghị của Bộ Công Thương tại Báo cáo số 159/BC-BCT và Văn bản số 212/BCT-ĐTĐL sau khi đã thực hiện các hợp đồng điều chỉnh giá khí trong bao tiêu.

- Trên cơ sở thông báo của Văn phòng Chính phủ, ngày 20 tháng 3 năm 2019 Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện (tăng 8,36% từ ngày 20 tháng 3 năm 2019).

Về việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 3) là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê. Theo quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng. Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20 tháng 3 năm 2019 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.

Mặt khác, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20 tháng 3 năm 2019, đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3 năm 2019 và cả năm 2019 nhằm đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3 – 3,9%, thấp hơn 4% mức CPI chỉ tiêu đã được QH thông qua.

3. Thực trạng chi phí, giá thành điện năm 2018 và các căn cứ tính toán điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019

3.1 Thực trạng chi phí, giá thành điện năm 2018

Lần gần đây nhất giá điện được điều chỉnh theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ Công Thương. Trong năm 2018 mặc dù giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng nhưng Chính phủ đã chỉ đạo không điều chỉnh giá bán lẻ điện. Chính phủ cũng đã chỉ đạo EVN điều hành tối ưu hệ thống, khai thác tối đa nguồn thủy điện theo tình hình thủy văn, giảm tổn thất, tiết kiệm chi phí 7,5% và thực hiện đông bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.

Về chỉ đạo thực hiện tiết giảm chi phí, trong năm 2018 Chính phủ chỉ đạo EVN thực hiện các giải pháp để quản trị và kiểm soát hiệu quả chi phí, giá thành của cả Tập đoàn, cắt giảm, tiết kiệm chi phí thường xuyên 7,5%.

Tổng các khoản tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, doanh thu hoạt động tài chính năm 2017 khoảng 2.228 tỷ đồng; năm 2018 khoảng 2.326 tỷ đồng làm giảm giá thành tương ứng khoảng 11-12 đồng/kWh, tương đương khoảng 0,68%-0,69% so với giá bán lẻ điện bình quân năm tính toán.

Về kết quả chỉ đạo công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng và chất lượng cung ứng điện:

- Năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 khu vực ASEAN và vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế (tăng 37 bậc so với năm 2017 và tăng 81 bậc so với năm 2015).

- Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2018 giảm còn 6,83% (giai đoạn 2016-2018 bình quân giảm 0,37%/năm), vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao.

- Các chỉ tiêu độ tin cậy cung ứng điện được cải thiện hàng năm, trong đó thời gian mất điện của khách hàng bình quân (chỉ số SAIDI) giảm 3 lần (từ 2.281 phút năm 2015 giảm xuống còn 724 phút năm 2018).

Về các chi phí được phép đưa vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện và đưa vào tính toán điều chỉnh giá điện năm 2019

Theo qui định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ có chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện được phép đưa vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện và đưa vào tính toán điều chỉnh giá điện. Các chi phí đầu tư ngoài ngành không được phép đưa vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như trong tính toán điều chỉnh giá điện.

Theo qui định trên, hàng năm, căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN. Chi phí sản xuất kinh doanh điện được tách bạch theo chi phí các khâu, như phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.

- Năm 2018, trên cơ sở báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN, báo cáo tài chính của đơn vị điện lực được kiểm toán, Bộ Công Thương đã chủ trì kiểm tra, giám sát chi phí sản xuất kinh doanh điện, điều hành giá điện năm 2017 của EVN. Tham gia đoàn kiểm tra có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam. Đoàn kiểm tra cũng có sự tham gia của Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đại diện cho người tiêu dùng và sự tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đại diện của các khối doanh nghiệp. Sau khi kết thúc kiểm tra, ngày 30 tháng 11 năm 2018, Bộ Công Thương và tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra, giám sát giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN và đã ban hành thông cáo báo chí (phát tại cuộc họp báo và đăng tải trên trang web http://www.erav.vn/d4/news/TCBC-Ve-cong-bo-chi-phi-san-xuat-kinh-doanh-dien-nam-2017-1-662.aspx).

- Năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN, tổ chức họp báo và ra thông cáo báo chí về kết quả kiểm tra, giám sát giá thanh sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN theo đúng qui định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Về thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài nghành của EVN

Theo báo cáo của EVN tại Văn bản 2586/EVN-TCKT ngày 21 tháng 5 năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2017 về phê duyệt Đề án tổng thể sắp sếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN, các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành. Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng. Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.

Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xác định mức giá bán lẻ điện bình quân.

Về các thông tin báo chí nêu về số dư tiền gửi ngân hàng của EVN và quản lý dòng tiền của EVN tại thời điểm 30 tháng 6 năm 2018

Số dư tiền gửi tại thời điểm 30 tháng 6 năm 2018 là 42.798 tỷ đồng như báo chí đã nêu là số liệu tại Báo cáo tài chính hợp nhất toàn EVN thời điểm 30 tháng 6 năm 2018. Đây là tổng số tiền gửi ngân hàng tại 253 đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 thuộc Tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng.

So với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106 ngàn tỷ đồng), thì số dư tiền gửi nêu trên chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, dầu), bán điện (55 ngàn tỷ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn tiền mua điện của các nhà máy điện (10 ngàn tỷ đồng), trả nợ ngân hàng đến hạn (22 ngàn tỷ đồng), thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (2,5 ngàn tỷ đồng) và các khoản phải trả phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng (16,5 ngàn tỷ đồng).

Do đặc thù của ngành nghề kinh doanh, tiền điện thường tập trung vào cuối tháng nên số dư tiền gửi của EVN vào các ngày cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.

Một số khoản vay nước ngoài các đơn vị phải sử dụng tài khoản đặc biệt  hoặc giải ngân một lần về tài khoản chuyên dụng của Người vay theo quy định của Hiệp định vay  nên đã tăng thêm số dư tiền gửi của các đơn vị.

Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Đối với Công ty mẹ - EVN, trung bình 01 tháng của năm 2018 thực hiện chi thanh toán khoảng 18.806 tỷ đồng cho thanh toán tiền mua điện và chi phí đầu tư chưa kể thanh toán các khoản chi phí khác.

Đối với các Công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước.

Trong lĩnh vực đầu tư, EVN có số dư nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.

3.2. Các thông số đầu vào tính giá điện

- Sản lượng điện: Được xác định theo Quyết định số 4677/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2018 của Bộ Công Thương về Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019, có cập nhật cơ cấu nguồn điện theo tình hình thủy văn, mực nước các hồ thủy điện theo thực tế và ước tính đến hết tháng 01 năm 2019. Theo đó, sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống năm 2019 là 211,95 tỷ kWh, tăng 10% so với năm 2018.

- Giá than nội địa bán cho sản xuất điện: (i) Điều chỉnh giá than bước 1 tăng từ ngày 05 tháng 01 năm 2019; (ii) Điều chỉnh giá than bước 2 đồng bộ với thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 20 tháng 3 năm 2019 (thực hiện theo Văn bản số 19/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ về giá than bán cho sản xuất điện và Văn bản số 15828/BTC-QLG ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài chính về giá than bán cho sản xuất điện); (iii) Do nguồn than nội địa không đủ để phục vụ sản xuất điện năm 2019, một số nhà máy điện phải sử dụng than trộn (trộn than nội địa và nhập khẩu) có giá than cao hơn nhiều so với giá than nội địa cùng chủng loại.

- Thuế bảo vệ môi trường đối với than, dầu được điều chỉnh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ QH về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

- Giá khí trong bao tiêu cho sản xuất điện thực hiện theo cơ chế thị trường (theo Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội) đồng bộ với thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 20 tháng 3 năm 2019.

- Phân bổ 753,97 tỷ đồng trong tổng số khoảng 1.487,94 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2015 và toàn bộ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2017 (3.070,9 tỷ đồng) của các nhà máy điện vào năm 2019. Chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện là chênh lệch giữa tỷ giá các đơn vị phát điện mua ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ gốc vay ngoại tệ phải trả trong năm 2015, năm 2017 so với tỷ giá quy định tại hợp đồng mua bán điện (quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương về quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện).

- Tính toán giá các loại nhiên liệu gồm (i) giá dầu thế giới (HSFO) để tính giá khí thị trường, (ii) giá than nhập khẩu dự báo cho năm 2019 được tính theo dự báo của Ngân hàng thế giới.

- Tỷ giá dự báo cho năm 2019 được tính trên cơ sở thực tế bình quân tỷ giá bán ra năm 2018 so với năm 2017 của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam công bố.

Tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào chính nêu trên và một số yếu tố khác làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng, gồm:

{keywords}
 

Với các thông số đầu vào chính nêu trên và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cho sản xuất kinh doanh điện của EVN chỉ ở mức 3%, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh (các chi phí trong tính toán giá điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác và đầu tư ngoài ngành), tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

Phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.

3.3. Về Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. căn cứ mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền, trường hợp cơ cấu tiêu thụ điện thay đổi, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được điều chỉnh trong phạm vi +/- 2% so với tỷ lệ được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg;

Căn cứ vào mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh, căn cứ quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, dựa trên cơ cấu sản lượng điện thương phẩm thực tế thực hiện năm 2018 của các nhóm đối tượng khách hàng do EVN báo cáo tại Công văn số 1147/EVN-KD ngày 11 tháng 3 năm 2019, ngày 20 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

3.4. Đánh giá tác động đến các chỉ số vĩ mô

Trong quá trình thẩm định, báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tốc độ tăng trưởng (GDP), kết quả cụ thể như sau:

Mức tăng giá bán lẻ điện bình quân

{keywords}
 

Theo tính toán tổng thể các yếu tố giá năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khi thực hiện điều chỉnh giá điện thì CPI bình quân chung năm 2019 tăng trong khoảng 3,3% - 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được QH thông qua là dưới 4%.

Theo thông báo cập nhật tháng 4 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 0,33% trong tháng 3 năm 2019; tăng 1,85% trong tháng 4 năm 2019; dự kiến tăng 6,5% trong tháng 5/2019; tổng tác động 3 tháng vừa qua làm tăng chỉ số CPI khoảng 0,21%. Tổng hợp 4 tháng, CPI thực hiện bình quân tăng 2,71% so cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

3.5. Về công tác công khai minh bạch và giám sát điều hành giá điện

Để đẩy mạnh việc thực hiện công khai minh bạch về hoạt động kinh doanh điện, ngày 22 tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện.

Kể từ khi ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT đến nay, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Bộ Công Thương đã thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương về tỷ giá USD, giá than, giá dầu trong nước và thế giới, giá khí, cơ cấu sản lượng điện mua, giá mua điện bình quân hàng tháng, phụ tải cực đại và công suất khả dụng của hệ thống điện, v.v.

Hàng năm, trên cơ sở báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN được kiểm toán, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN với sự tham gia của đại diện: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để kiểm tra, giám sát chi phí sản xuất kinh doanh diện, điều hành giá điện của EVN. Kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan tổ chức họp báo để công bố công khai các thông tin về cơ cấu sản lượng điện, chi phí từng khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ - quản lý ngành), chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Bộ Công Thương cũng chủ động gửi Thông cáo báo chí để cung cấp kịp thời cho các cơ quan báo chí và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương để mọi người được biết.

II. Sự cần thiết phải quy định giá điện bậc thang và thực trạng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt ở nước ta

Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, về nguyên tắc ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước, nhà máy đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Với đặc điểm này, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới kể cả các nước tiên tiến như Nhật, Hàn quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines… đều áp dụng giá điện theo các bậc thang (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Báo cáo) và giá điện theo bậc thang sau cũng cao hơn so với bậc thang đầu tương tự như Việt Nam. Ví dụ cụ thể tại một số nước như sau:

- Tại bang California (Mỹ), giá điện hộ gia đình áp dụng giá 3 bậc tăng dần từ 19 cent/kWh lên đến 42 cent/kWh với giá bậc cao nhất gấp 2,2 lần so với bậc 1.

- Tại Hàn Quốc, bên cạnh giá cố định khách hàng phải trả hàng tháng, khách hàng còn trả thêm giá biến đổi với 3 bậc tăng dần với bậc 1 (mức tiêu thụ 1-200 kWh/tháng) là 93,3 won/kWh, bậc cao nhất (mức tiêu thụ trên 400 kWh/tháng) là 280,6 won/kWh cao gấp 3 lần bậc 1.

- Tại Thái Lan ở khu vực Bangkok, hộ sử dụng điện sinh hoạt trên 150 kWh/tháng gồm 2 thành phần cố định và biến đổi; trong đó giá biến đổi có 3 bậc tăng dần từ 1,8047 baht/kWh lên 2,978 baht/kWh (giá bậc cao nhất gấp 1,65 lần so với bậc 1).

- Tại Lào, giá điện sinh hoạt của có 3 bậc tăng dần từ 4,2 cent/kWh lên đến 12,1 cent/kWh (giá bậc cao nhất gấp 2,88 lần so với bậc 1).

Căn cứ số liệu về giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt trong các năm vừa qua do EVN cung cấp, ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các học giả, Bộ Công Thương đã xem xét, kiểm tra tính toán điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các kịch bản giảm từ 6 bậc xuống 5, 4, 3 bậc. Kết quả tính toán các kịch bản cho thấy việc điều chỉnh số bậc sẽ ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp dưới 100 kWh và từ 201 - 300 kWh/tháng (năm 2018 tổng số các hộ này là khoảng 12,97 triệu hộ chiếm tới 50,1% trên tổng số 25,89 triệu hộ sinh hoạt).

Theo số liệu thống kê năm 2018 của EVN thì trên cả nước, số hộ có mức sử dụng dưới 50 kWh/tháng là 3,9 triệu hộ, chiếm 15,11% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 26,2 kWh/hộ/tháng; Số hộ có mức sử dụng từ 50 kWh/tháng đến 100 kWh/tháng là 5,32 triệu hộ, chiếm 20,54% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 76,86 kWh/hộ/tháng). Số liệu thống kê năm 2018:

{keywords}
 

Trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các nhà kinh tế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện, đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt  tác động đến các nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ chính sách, hộ nghèo theo qui định.

III. Kết quả kiểm tra ban đầu về lý do tiền điện cho các hộ sinh hoạt tăng cao trong tháng 4 năm 2019

1. Khi có thông tin từ khách hàng về giá điện tăng cao đột xuất trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019.

Bộ Công Thương đang phối hợp tích cực với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài Chính và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, để sớm có kết luận cụ thể, công bố công khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

2. Trước phản ánh của một số khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4 năm 2019, ngày 02 tháng 5 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1114/QĐ-BCT về việc kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Thực hiện Quyết định số 1114/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã thành lập 3 Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Tài chính; Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, EVN và thực hiện kiểm tra từ ngày 08 đến ngày 10 tháng 5 năm 2019 tại 05 Tổng Công ty Điện lực và một số khách hàng sử dụng điện trên cả 3 miền Bắc – Trung - Nam. Kết quả kiểm tra như sau:

Trong tháng 4 năm 2019, nhiệt độ  trung bình toàn quốc tháng 4 năm 2019 tăng 16% so với tháng 3 năm  dẫn đến nhu cầu phụ tải điện toàn quốc và ở cả 3 miền trong tháng 4 năm 2019 tăng cao hơn so với tháng 3 năm 2019 và cùng kỳ 2018. Theo báo cáo của EVN, trong tháng 4 năm 2019 tổng điện năng thương phẩm tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so với tháng 3 năm 2019. Trong đó phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 21,03% so với tháng 3 năm 2019.

Theo số liệu từ phần mềm Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) của EVN, so sánh riêng số liệu thống kê của tháng 4 năm 2019 so với bình quân năm 2018 cho thấy số lượng khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng  giảm trong khi số lượng khách hàng dùng trên 200 kWh/tháng tăng.

Tuy nhiên phần lớn khách hàng sinh hoạt trên cả nước ngay trong tháng 4 nắng nóng cũng chỉ sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng. Cụ thể tháng 4 năm 2019 số lượng khách hàng sinh hoạt dưới 200 kWh/tháng chiếm tỷ lệ 68,15%, trong đó với mức sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng chiếm tỷ lệ 31,6%. Trong khi đó số lượng khách hàng sử dụng điện trên 200kWh/tháng chỉ chiếm tỷ lệ 31,85%. (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Báo cáo)

Trước ý kiến của một số khách hàng thắc mắc về hoá đơn tiền điện tháng 4 năm 2019 tăng cao, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, công tác chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện. Kết quả cụ thể như sau:

- Kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá, đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.

- Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện và Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Bộ Công Thương.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 năm 2019 tăng là do 3 nguyên nhân: (1) Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; (2) Tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; (3) Kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3 năm 2019. 

Phần lớn các khách hàng sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh đã nghiên cứu và chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh như: Thay thế, sử dụng đèn tiết kiệm điện; sử dụng điều hòa nhiệt độ ở nhiệt độ phù hợp; cải tiến thay thế các thiết bị điện tiêu hao sử dụng nhiều điện; bố trí lại và tối ưu hoá quá trình sản xuất để nâng cao hiệu suất sử dụng điện.

Các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của các TCTĐL và Công ty Điện lực, các đơn vị đã chuẩn bị kỹ càng, giải đáp đầy đủ các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện. Phần lớn các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

Theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 04 tháng 5, toàn Tập đoàn tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hoá đơn tiền điện. Các thắc mắc của khách hàng đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

Số liệu thống kê cũng cho thấy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hoá đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị về chỉ số, hóa đơn ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại. Thay vào đó, số lượng khách hàng chủ động truy cập vào các trang web của các Trung tâm Chăm sóc khách hàng để tìm hiểu các thông tin về quy định giá điện, tra cứu chỉ số công tơ trong kỳ thay đổi giá điện tăng lên nhiều.

{keywords}
 

- Đối với các thông tin phản ánh trên báo chí: Thực tế kiểm tra cho thấy, trong thời gian từ ngày 20 tháng 3 năm 2019 đến 4 tháng 5 năm 2019 có tổng số 11 bài báo trên các báo mạng và báo in, 8 trường hợp đăng trên Facebook nêu thắc mắc, phản ánh của khách hàng có địa chỉ cụ thể. Các thắc mắc, phản ánh của khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, báo đài đã được đơn vị chủ động liên hệ xử lý, giải thích cặn kẽ, các trường hợp khách hàng thắc mắc đã đồng ý với cách giải quyết của đơn vị.

Đối với 08 thắc mắc, phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội (Facebook) đã được đơn vị chủ động liên hệ xử lý, sau khi được đơn vị giải thích khách hàng đã hiểu nguyên nhân và chủ động gỡ bài viết trên mạng xã hội.

IV. Đánh giá chung và Kiến nghị

(i) Quá trình xây dựng phương án điều hành giá điện, ban hành quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện đã được thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(ii) EVN đã thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT đúng quy định trong công tác niêm yết công khai giá điện mới, công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện các trường hợp gian lận, cố tình tính toán sai tiền điện đối với các khách hàng sử dụng điện.

(iii) Nhận thức được tầm quan trọng, tính nhạy cảm của giá điện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá luôn chỉ đạo ngành điện, EVN công khai, minh bạch chi phí đầu vào, tăng cường năng lực quản trị, tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng. Các Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, EVN cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác thông tin, truyền thông để doanh nghiệp, người dân có thông tin đầy đủ, kịp thời và minh bạch. Tuy nhiên, trong đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, các Bộ, ngành, EVN có lúc còn lúng túng chưa phối hợp chặt chẽ và kịp thời để làm tốt công tác thông tin, triển khai công khai minh bạch giá điện.

Như vậy, quá trình điều hành giá điện (cả về mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh) trong thời gian qua nói chung và quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện vào ngày 20 tháng 3 năm 2019 vừa qua đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố, xem xét đánh giá tác động nhiều chiều và bảo đảm tuân thủ đúng các qui định pháp luật hiện hành. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành bám sát thực tiễn, đề xuất các biện pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành giá điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Đối với Ban chỉ đạo điều hành giá: Tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thế giới và trong nước, nhất là giá dầu có diễn biến phức tạp, Chính phủ đã và đang chỉ đạo để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong khoảng từ 3,3% - 3,9%, theo mục tiêu được QH thông qua là dưới 4%.

Đối với Bộ Công Thương, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục phối hợp tích cực hơn nữa với Bộ Thông tin Truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt của người dân cùng với việc sớm công bố kết quả kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua để tránh lạm phát kỳ vọng.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, chỉ đạo EVN đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện ngày 20 tháng 3 năm 2019 đến kinh doanh, sản xuất của các khách hàng ngoài sinh hoạt và đời sống nhân dân.

- Nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ; tiếp tục chương trình khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và phát triển thị trường điện với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021 góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập của đất nước.

Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019, để công bố công khai kết quả kiểm tra.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình lý do tăng giá điện đúng mùa nóng

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình lý do tăng giá điện đúng mùa nóng

Bộ trưởng Công thương thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo QH về tình hình điều hành giá điện, giá xăng dầu.

Thu Hằng