Đúng 8 giờ sáng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIV bắt đầu. Mở đầu, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình trình bày báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Theo Phó Thủ tướng, trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo giải quyết quyết liệt.

{keywords}
 Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình.

“Tình hình khiến nại, tố cáo và công tác tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Số vụ việc và số đoàn đông người giảm”, ông Bình nhấn mạnh.

Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội và củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền.

Cạnh đó, đã tiến hành thanh tra, kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tiền, tài sản, đất đai có giá trị lớn.

Chính phủ cũng tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, phòng ngừa oan sai. 

{keywords}
Quốc hội dành 2,5 ngày làm việc để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

“Nhiều vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”, lãnh đạo Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Ngoài ra, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm: Ma túy, xâm hại trẻ em, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “tín dụng đen”, mua bán người, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…; tiếp tục triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm…

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế”, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.

Tại một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, số vụ phạm pháp hình sự vẫn có chiều hướng gia tăng, tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm chống người thi hành công vụ tăng, công tác quản lý người nghiện ma túy còn bất cập.

Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương vẫn chưa như mong muốn, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện cơ chế tự chủ của một số đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm.

Phó Thủ tướng cũng báo cáo rõ kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công thương, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá thể thao du lịch…

Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, theo lãnh đạo Chính phủ, một số công trình giao thông trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đúng kế hoạch, chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị còn hạn chế

Thành Nam - Thu Hằng - Hương Quỳnh

Bộ trưởng nào cũng có thể lên “ghế nóng” trong phiên chất vấn

Bộ trưởng nào cũng có thể lên “ghế nóng” trong phiên chất vấn

Sáng nay (6/11), Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Thời gian diễn ra trong 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11).