Chiều nay 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM (trong đó có việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức).
3 quận đóng góp 7% GDP cả nước
Theo tờ trình của Chính phủ, khu vực Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ như: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1K, quốc lộ 52...
Một phần khu đô thị Trường Thọ nhìn từ trên cao được dự định sẽ là trung tâm của TP Thủ Đức |
Qua hơn 20 năm phát triển, trên địa bàn 3 quận đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều thành tựu vượt bậc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, hạ tầng cơ sở phát triển. Tại đây, đã hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển.
Năm 2019, 3 quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2016 - 2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách 11.174 tỷ đồng.
TP.HCM đã lựa chọn xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao trên địa bàn Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức với 8 trung tâm gồm: trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trung tâm đại học và khoa học công nghệ trình độ cao; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; trung tâm công nghệ sinh thái; trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Cát Lái; khu đô thị Trường Thọ.
Sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao; yêu cầu cần tập trung quản lý Nhà nước thống nhất trên địa bàn 3 quận, tạo điều kiện để kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp.
Vì vậy, việc sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức là cần thiết, tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn.
Việc này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp.
Từ đó, TP.HCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một Thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.
Đáp ứng cả tiêu chí về diện tích và dân số
Tiêu chuẩn thành lập TP Thủ Đức, Chính phủ cho biết, dân số TP Thủ Đức hơn 1 triệu người, đáp ứng quy định quy mô dân số của TP thuộc thành phố trực thuộc Trung ương từ 150.000 người trở lên. TP Thủ Đức có diện tích 211,56 km2 đạt yêu cầu theo quy định từ 150 km2 trở lên.
TP Thủ Đức có số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc là 34 đạt yêu cầu từ 10 đơn vị trở lên. Tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.
Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 34 phường trên tổng số 34 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 100% và đã được công nhận là đô thị loại I. Về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội TP Thủ Đức đảm bảo đạt theo đúng quy định.
Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và TP Thủ Đức, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện, giảm 3 quận, tăng 1 thành phố.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp là 312 đơn vị, gồm: 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn, giảm 10 phường.
Báo cáo bổ sung, giải trình một số nội dung, Chính phủ cho biết, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM sẽ thực hiện đồng thời với việc lập quy hoạch đô thị sáng tạo phía đông là TP Thủ Đức.
Theo đó, quy hoạch TP Thủ Đức sẽ gắn trong quy hoạch chung xây dựng TP.HCM. Dự kiến TP.HCM sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng phê duyệt năm 2022.
Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP Thủ Đức.
Vùng đất Thủ Đức là địa phương có truyền thống lịch sử lâu đời, với nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ như: huyện Phước Long (năm 1698), huyện Ngãi An (năm 1837), khu thanh tra Thủ Đức (năm 1868). Năm 1911, đổi thành quận Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định; tháng 5/1975, đổi thành huyện Thủ Đức thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định; tháng 7/1976, huyện Thủ Đức trở thành huyện trực thuộc TP.HCM; ngày 01/4/1997, thành lập 3 quận: Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức trên cơ sở tách ra từ huyện Thủ Đức. |
Thu Hằng
Sáp nhập 3 quận thành thành phố Thủ Đức, dôi dư gần 400 cán bộ
Sau khi sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, thành lập TP Thủ Đức, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng dôi dư là 399 người.