Sáng ngày 28/7, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển.
Đồng thời, bảo đảm nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên cho giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung cao hơn các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia trong tình hình mới.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết. |
Nghị quyết nêu rõ: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác. Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII)”.
Cùng với đó là giảm bội chi, trả nợ gốc và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp sử dụng cho đầu tư phải tập trung cho các dự án lớn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Tháng 10 sẽ có phương án cải cách tiền lương
Tiếp thu, giải trình trước khi thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, trong cơ cấu chi thường xuyên hiện nay, tỷ trọng chi tiền lương, chi cho con người chiếm khoảng 61-62%.
Trong dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương, các khoản chi được ưu tiên bao gồm: chi quốc phòng, an ninh, chi lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, chi bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội...
Do vậy, việc phấn đấu giảm thêm chi thường xuyên chỉ có thể tập trung ở lĩnh vực chi quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng xã hội hóa cao. Việc cắt giảm chi thường xuyên cần có lộ trình tương ứng với việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân đối ngân sách nhà nước tích cực hơn nữa, tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 29%, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ thêm về định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lương hưu đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995.
Ông Cường cho biết, việc xây dựng Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 đã dự kiến lộ trình cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27.
Theo đó từ ngày 1/7/2022, mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường |
Đối với lương hưu, theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương 7 (Khóa XII), việc điều chỉnh sẽ thực hiện độc lập đối với tiền lương của người đang làm việc và quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm người có mức lương hưu thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán cân đối ngân sách nhà nước để đề xuất phương án cải cách tiền lương năm 2022; trong đó có lương hưu với lộ trình và bước đi phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27 và 28 của Trung ương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 10 tới.
Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn; chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 8,3 triệu tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng: tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28% (2,87 triệu tỷ đồng); tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Bội chi ngân sách nhà nước cho cả giai đoạn bình quân 3,7% GDP.
Tổng mức vay trong 5 năm tới là 3,068 triệu tỷ đồng.
Hằng năm, trần nợ công không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP.
Thu Hằng - Trần Thường
Năm cuối cùng lương Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tính theo hệ số
Việc tính lương theo ngạch bậc với công thức cũ: Hệ số lương nhân với mức lương cơ sở, chỉ còn thực hiện trong vòng 1 năm nữa.