Sáng nay (14/7), UB Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 10 là 18 ngày được chia làm 2 đợt.

{keywords}
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Đợt 1 họp trực tuyến 9 ngày từ 19-28/10, QH khai mạc, nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình thông qua. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp.

"Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề nghị bố trí tại đợt 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2", ông Phúc lý giải.

Đợt 2, họp tập trung 9 ngày từ 3-12/11 thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng 13; thảo luận 4 dự án luật trình cho ý kiến.

Cũng trong đợt này, Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH khóa 15, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có); thông qua luật, nghị quyết và phiên bế mạc.

"Thiếu lửa" do không có chất vấn trực tiếp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngày khai mạc nên tổ chức đúng ngày 20/10. Việc thảo luận ở tổ vẫn được tổ chức nhưng thời gian giảm đi để tăng thời gian thảo luận chung tại Hội trường. Thời gian phát biểu của ĐBQH tại Hội trường chỉ là 5 phút, thời gian tranh luận là 2 phút. Nên có báo cáo năm Chủ tịch AIPA (Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN) để báo cáo trước Quốc hội.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Bà Ngân cũng đồng tình về thời gian chất vấn của đại biểu Quốc hội kéo dài 2,5 ngày. Việc bố trí thời gian cần phù hợp với hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước bởi năm nay Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu lại phản ảnh của cử tri về kỳ họp vừa qua: "Người ta nói kỳ họp vừa rồi hơi "thiếu lửa" do không có chất vấn trực tiếp.

"Vì vậy kỳ họp tới sẽ tiến hành chất vấn tổng kết nhiều nội dung  từ đầu nhiệm kỳ đến giờ chứ không phải theo nhóm vấn đề và từng bộ trưởng trả lời. Đại biểu chất vấn vấn đề thuộc bộ trưởng nào thì bộ trưởng đó phải trả lời", bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên tắc vấn đề gì thảo luận, cho ý kiến thì đưa vào đợt 1, còn vấn đề gì phải quyết định thì đưa vào đợt 2. Vì vậy, phiên chất vấn và thảo luận kinh tế xã hội đưa vào đợt 2, họp trực tiếp.

Ngoài ra, bà Ngân cũng gợi ý, khi họp trực tuyến, phóng viên được gọi điện, phỏng vấn trực tuyến các ĐBQH trong giờ giải lao. "Đây là cách làm mới, các đoàn đại biểu cần thông báo cho ĐQBH biết để phối hợp trả lời báo chí”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Kỳ họp thứ 9 đã tạo ra một dấu ấn lớn trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, bởi đây là lần đầu tiên Quốc hội có họp trực tuyến.

“Một kỳ họp rất chất lượng, tiết kiệm. Đây là hoạt động tiền đề tốt để Quốc hội phát huy trong các kỳ họp tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thu Hằng

'Thi hoa hậu loạn quá, không cẩn thận trở thành ngành kinh doanh béo bở'

'Thi hoa hậu loạn quá, không cẩn thận trở thành ngành kinh doanh béo bở'

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cuộc thi người đẹp vừa qua loạn quá! Không cẩn thận trở thành ngành kinh doanh béo bở; không có cuộc thi người đẹp, người mẫu nào mà không có lùm xùm.